11 tháng 9, 2008

Tiếp tục hoàn thiện dự thảo Đề án phát triển nghề công tác xã hội


Tiếp tục hoàn thiện dự thảo Đề án phát triển nghề công tác xã hội (09/09/2008)
Ngay sau hội thảo tại Hải Phòng, sáng 9/9/2008, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Quỹ Nhi Đồng Liên hợp Quốc (UNICEF) tổ chức Hội thảo “Đề án phát triển nghề công tác xã hội”. Tham dự, có Thứ trưởng Lê Bạch Hồng, đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, UNICEF tại Việt Nam, Cục Bảo trợ Xã hội, các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phía Nam cùng các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến từ các trường đại học trong và ngoài nước.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Lê Bạch Hồng nhấn mạnh: Hội thảo lần này nhằm lấy ý kiến đóng góp để xây dựng và ban hành khuôn khổ pháp lý để phát triển nghề công tác xã hội; củng cố phát triển mạng lưới tổ chức cung cấp các dịch vụ công tác xã hội và mạng lưới cán bộ nhân viên công tác xã hội. Trong giai đoạn đầu từ năm 2009 – 2015, sẽ áp dụng nghiên cứu, thử nghiệm; giai đoạn 2013 – 2015 sẽ đúc kết và nhân rộng trên phạm vi toàn quốc. Đồng thời phát triển chương trình, nội dung đào tạo các bậc từ trung cấp, cao đẳng, đại học và nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên công tác xã hội.
Theo Thứ trưởng Lê Bạch Hồng, hiện nay nghề công tác xã hội trên thế giới đã phát triển từ lâu, song đối với Việt Nam còn mới mẻ. Trong xu thế toàn cầu hóa, việc đẩy mạnh phát triển nghề công tác xã hội là một yêu cầu tất yếu, bởi nó đóng một vai trò rất quan trọng trong lĩnh vực bảo trợ xã hội liên quan đến công tác chăm sóc trẻ em, người già cô đơn không nơi nương tựa, người khuyết tật, thương binh và người trưởng thành dễ bị tổ thương. Trong lĩnh vực này, công tác xã hội bao gồm: các hoạt động tham vấn, làm việc với cá nhân, quản lý ca, làm việc nhóm, vận động xã hội và có vai trò quan trọng đối với hoạt động nghiên cứu và xây dựng chính sách xã hội. Ngoài ra, công tác xã hội còn đóng vai trò quan trọng đối với việc phục hồi và chăm sóc cho những người nghiện ma túy, những người hành nghề mại dâm, người bị nhiễm HIV, phụ nữ và trẻ em bị buôn bán và lạm dụng tình dục, những người vi phạm pháp luật. Công tác xã hội còn cung cấp các dịch vụ quan trọng trong xã hội như: tham vấn, tư vấn, nghiên cứu, đào tạo nhân viên công tác xã hội.
Còn theo Giáo sư Richard Hugman, trường Đại học New South Wales, Chuyên gia tư vấn của UNICEF tại Việt Nam: Nghề công tác xã hội đã thúc đẩy sự phát triển xã hội, giải quyết các vấn đề trong mối quan hệ, việc tạo khả năng và giải phóng con người nhằm thúc đẩy phúc lợi. Công tác xã hội là một nghề thực hành ở mức độ cao dựa trên các phương pháp và nguyên tắc đặc biệt với mục đích nhằm hỗ trợ các cá nhân, các nhóm, cộng đồng giải quyết các vấn đề xã hội. Giáo sư Richard Hugman cũng đã đưa ra một dẫn chứng về vai trò và trách nhiệm của công tác xã hội chuyên nghiệp với mục đích cung cấp những kiến thức cơ bản cho việc phát triển nghề này tại Việt Nam.
Bà Lê Hồng Loan, Trưởng phòng Bảo vệ trẻ em UNICEF cho rằng: Công tác xã hội trên thế giới đều dựa trên một định nghĩa giống nhau, mục tiêu cơ bản và những giá trị chung. Tuy nhiên, mỗi quốc gia lại có hướng tiếp cận của riêng mình, hướng tiếp cận này phản ánh trình độ/giai đoạn phát triển, nguồn lực và văn hóa của quốc gia. Điển hình như ở Mỹ, Úc, và Scandinavia thì nhấn mạnh sự tương tác với cá nhân trong một điều kiện một hệ thống phúc lợi xã hội đã phát triển ở trình độ cao. Còn ở các quốc gia khác, ví dụ như Philippines, Papua New Guinea, các quốc gia Đông và Nam Phi thì trọng tâm là sự phát triển xã hội… Còn công tác xã hội ở Việt Nam hiện nay còn thiếu các điều kiện về pháp lý để ghi nhận tính chuyên nghiệp. Việc giảng dạy và đào tạo chuyên ngành công tác xã hội đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt từ năm 2004, trong đó có khoảng 2000 người đã được đào tạo, song nó chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội hiện nay. Do đó, việc chuyên môn hóa công tác xã hội là rất quan trọng vì nó tạo điều kiện cho các kiến thức khoa học và việc giáo dục có hệ thống lĩnh vực này nhằm giải quyết các vấn đề xã hội ngày càng phức tạp ở nước ta hiện nay, góp phần tích cực vào sự phát triển phúc lợi của một xã hội hiện đại. Chính vì thế, việc xây dựng và hình thành khung pháp lý nghề công tác xã hội có tính chuyên nghiệp là hết sức cần thiết để đáp ứng như cầu trong xã hội hiện đại ngày nay.
Tại hội thảo, các đại biểu còn được nghe nhiều tham luân và những ý kiến đóng góp chân thành của các đại biểu đến từ các Bộ, ban ngành, các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. /.
Hoàng Cảnh - Thu Hà
From Molisa

Không có nhận xét nào: