9 tháng 9, 2008
Hội thảo về “Đề án phát triển nghề công tác xã hội ở Việt Nam”
Hội thảo về “Đề án phát triển nghề công tác xã hội ở Việt Nam” (05/09/2008)
Trong 2 ngày 4 và 5/9/2008, tại Đồ Sơn (Hải Phòng) đã diễn ra Hội thảo “Đề án phát triển nghề công tác xã hội ở Việt Nam” giai đoạn 2009 – 2015 do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với UNICEF tổ chức. Tới dự Hội thảo có Thứ trưởng Lê Bạch Hồng; Giáo sư Rechart Hugman, Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Công tác xã hội (CTXH) New South Well; ông Nguyễn Hải Hữu - Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội; bà Lê Hồng Loan - Trưởng phòng bảo vệ trẻ em thuộc UNICEF tại Việt Nam cùng lãnh đạo, đại diện các bộ, ngành, địa phương có liên quan.
Nghề CTXH ở Việt Nam đang được xếp vào giai đoạn đầu của quá trình phát triển, mặc dù từ hơn nửa thế kỷ qua đã có các hoạt động trợ giúp xã hội. Tính chuyên nghiệp của CTXH ở nước ta so với các nước phát triển còn một khoảng cách khá lớn, thể hiện trên tất cả các mặt: Nhận thức, thể chế, mạng lưới tổ chức hoạt động, chiến lược phát triển và vấn đề đào tạo. Bên cạnh đó, xuất phát từ nhu cầu của xã hội, sự phân hóa giàu nghèo, các tệ nạn xã hội nảy sinh, nhu cầu của các gia đình có vấn đề xã hội và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nhu cầu của một số thành viên trong xã hội cần sự bảo trợ của Nhà nước, nhu cầu hỗ trợ tâm lý cho bệnh nhân trong bệnh viện… Vì vậy, đề án phát triển nghề CTXH trong giai đoạn hiện nay là hoàn toàn cần thiết nhằm nâng cao nhận thức về CTXH, tạo khuôn khổ pháp lý để chuyên nghiệp hóa nghề này, thiết lập mạng lưới các tổ chức sử dụng nhân viên CTXH và mạng lưới nhân viên CTXH tại các tổ chức thuộc các cơ quan hành chính, các trung tâm CTXH, các cơ sở bảo trợ xã hội, các tổ chức thuộc khu vực tư nhân…
Từ tầm quan trọng và ý nghĩa của việc cần thiết phải phát triển CTXH như một nghề chuyên nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo tại Công văn số 1817/VPCP-VX ngày 6/4/2006 giao cho Bộ LĐTBXH chủ trì và phối hợp với các Bộ ngành liên quan xây dựng đề án “Phát triển nghề CTXH ở Việt Nam”.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Lê Bạch Hồng nhấn mạnh: Trong những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến việc phát triển CTXH. Các vấn đề an sinh xã hội được đặt lên nhiệm vụ hàng đầu. Để thực hiện điều này, Việt Nam đã có hàng ngàn cán bộ làm trong lĩnh vực này ở tất cả các cấp, tuy nhiên, số được đào tạo bài bản, chính quy rất ít. Nguyên nhân chính là do chúng ta chưa có văn bản pháp quy về nghề CTXH. Trong thực tế, nghề này tồn tại nhưng trong các văn bản pháp luật của Nhà nước và trong hệ thống giáo dục đào tạo chưa có. Chức danh nghề, tiêu chuẩn đào tạo, các dịch vụ CTXH… còn có nhiều ý kiến khác nhau. Vì vậy, khung đề án đang được xây dựng, hoàn thiện và tiếp tục thảo luận các vấn đề: Khái niệm, vai trò, nhiệm vụ, chức năng và cấu trúc của nghề CTXH chuyên nghiệp cũng như phạm vi của đề án v.v… để tổng hợp ý kiến của các chuyên gia và xin ý kiến của các Bộ, ngành có liên quan, trình Chính phủ ban hành hàng loạt vấn đề liên quan về khung pháp lý đối với nghề CTXH.
Theo bà Nguyễn Hồng Loan, Trưởng phòng Bảo vệ trẻ em của UNICEF: “Sự phát triển của ngành CTXH có vai trò đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực bảo trợ xã hội, đặc biệt là đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người già không nơi nương tựa, người khuyết tật, yếu thế trong xã hội. Trong các lĩnh vực này, cán bộ làm CTXH tham gia vào các hoạt động như: tham vấn, làm việc cá nhân, làm việc nhóm, vận động xã hội và họ đóng vai trò hết sức quan trọng trong chính sách nghiên cứu và hoạch định chính sách xã hội. CTXH có vai trò quan trọng đối với việc phục hồi và chăm sóc cho những người nghiện ma túy, mại dâm, HIV/AIDS, phụ nữ và trẻ em bị buôn bán… Đồng thời, CTXH cũng có thể cung cấp các dịch vụ cho các cá nhân có vấn đề về sức khỏe tâm thần tại trường học, bệnh viện…”
Tại hội thảo, các chuyên gia đã tập trung thảo luận, cho ý kiến về các vấn đề: Phạm vi của đề án, vai trò, nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ làm CTXH, hệ thống dịch vụ CTXH, nhu cầu của xã hội đối với nghề này… nhằm hoàn thiện Đề án, hướng tới mục tiêu tổng thể: Phát triển CTXH chuyên nghiệp ở Việt Nam từ nay đến năm 2015, góp phần phát triển hệ thống an sinh xã hội, giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa con người với nhau, hạn chế phát sinh các vấn đề xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của các đối tượng xã hội, hướng tới một xã hội lành mạnh, công bằng và hạnh phúc cho mọi người.
Khung đề án đang được hoàn thiện, xin ý kiến các Bộ, ngành liên quan và trình lên Chính phủ vào đầu năm 2009.
PV
Theo Molisa.gov
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét