4 tháng 12, 2008

Tiến trình công tác xã hội nhóm


Tiến trình công tác xã hội nhóm
Khoa tâm lý nhóm cho biết nhóm cũng như con người có khởi đầu, trải qua giai đoạn ấu thơ, trưởng thành và kết thúc. Điều này thấy rõ ở một ủy ban đặc nhiệm được thành lập để giải quyết một vấn đề, xong việc thì kết thúc. Các tổ nhóm ở một trại hè đến cuối trại cũng chia tay nhau. Một nhóm bạn học rất thân nhưng sau khi tốt nghiệp mỗi người đi một ngã, nhóm coi như tứ tán. Cũng có thể một số nhỏ kết bạn suốt đời, cũng có thể không. Khi đi làm các bạn này lại có thể tìm ra bạn mới và lại kết thành một nhóm bạn đồng nghiệp.
Đáng quan tâm tìm hiểu hơn là diễn tiến phát triển của nhóm về mặt tâm lý. Khi nhóm bắt đầu, các cá nhân còn xa lạ, các mối quan hệ rời rạc, mục đích chung chưa thông suốt. Khi nhóm trưởng thành, có mâu thuẫn vì người ta cởi mở, thẳng thắn với nhau hơn, nhưng một khi hiểu nhau thì các mối quan hệ mới sâu sắc hơn. Có sự thông cảm hơn thì sự thống nhất ý kiến về mục tiêu cũng cao hơn. Và từ đó năng suất của nhóm cũng cao hơn. Một nhóm hành động có thể kết thúc ở đây, khi mục tiêu đạt được. Họ có thể tiếp tục quan hệ như một nhóm bạn nếu trong quá trình làm việc tình bạn đã phát triển.
Đối với các nhóm tự nhiên hay sẵn có như gia đình, nhóm bạn, băng nhóm khó xác định bước khởi đầu và sự kết thúc rõ rệt.
Các nhóm huấn luyện về năng động nhóm có thể sống từ một ngày đến vài tuần. Nhóm giải trí có thể sống một ngày trong khuôn khổ một ngày cắm trại. Nếu quan sát kỹ ta cũng thấy từ rời rạc nhóm viên đi tới gắn bó lẫn nhau. Một nhà trị liệu nhóm có thể căn cứ trên tình hình cụ thể của thân chủ có thể dự trù 3, 5, 8 hay 10 buổi sinh hoạt (hay nhiều hơn nữa).
Như đã nêu ở phần trên, trong CTXH với cá nhân, phương pháp hay công cụ giúp cho đối tượng tự khắc phục dần những khó khăn của họ là khả năng tạo mối quan hệ tốt của NVXH đối với đối tượng (đó mới là chính, còn công ăn việc làm, tiền trợ cấp, v.v... là các công cụ yểm trợ) là công cụ tạo sự tăng trưởng hay thay đổi hành vi của các đối tượng. NVXH nhóm vẫn tiếp xúc với cá nhân, vẫn phải tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, nhu cầu, vấn đề của cá nhân nhưng chính tiến trình sinh hoạt nhóm là trọng tâm, là công cụ giúp đỡ cá nhân.
CTXH nhóm có thể nhằm vào 2 loại nhóm: nhóm sẵn có hay nhóm được thành lập có mục đích.
Nhóm sẵn có, có thể là gia đình, một băng nhóm đường phố, bịnh nhân cùng một phòng ở bịnh viện, một ủy ban công tác ở cộng đồng. Nhưng các ngành khoa học về nhóm cũng thường thành lập nhóm theo kiểu họp - tan, nhằm một mục đích cụ thể như huấn luyện, xã hội hóa hay trị liệu.
Hiện nay công tác phổ biến nhất, đặc biệt trong giới thanh thiếu niên, nhằm mục đích xã hội hóa hay tái xã hội hóa. Đối với trẻ em, nhân viên xã hội có ảnh hưởng nhiều hơn trong tiến trình nhóm so với nhóm người lớn, có nhiều cơ hội hơn để hướng dẫn nhóm hoàn thành mục tiêu.
Nội dung sau đây về các bước trong diễn tiến nhóm liên hệ nhiều tới mục đích này.
2. Bốn bước trong tiến trình công tác xã hội nhóm
Bước 1: Thành lập nhóm.
Bước 2 : Khảo sát nhóm
Bước 3: Duy trì nhóm.
Bước 4 : Kết thúc.
Bước khởi đầu : Bước thành lập nhóm
Trước hết chúng ta đánh giá tình hình, vấn đề, nhu cầu của cá nhân
Nhóm trong cơ sở dễ làm việc hơn vì họ cùng vấn đề, mục tiêu và các hoạt động phải khớp với phương hướng, mục tiêu của cơ sở. NVXH phải tìm hiểu cơ sở trước khi lập nhóm.
Mục đích thành lập nhóm phải rõ ràng, được mọi người hiểu và cùng chia sẻ, nếu không sự hợp tác hai bên (nhân viên xã hội và nhóm viên) và sự tham gia sẽ bị giới hạn. Hợp đồng là hai bên thỏa thuận để đạt mục tiêu trong một thời hạn nhất định.
Trước khi bắt tay vào việc, NVXH phải biết tại sao mình muốn sử dụng phương pháp nhóm, và những đặc tính - nhu cầu chung nhất của đối tượng.
1. Chọn nhóm viên
Số lượng nhóm viên phải phù hợp với mục đích. ví dụ như trong trị liệu không nên đông hơn 6 - 8 người để nhóm viên có điều kiện bộc lộ, diễn đạt cảm xúc của mình. Một nhóm giải trí của trẻ em có thể lên tới 15 - 20 em. Một đội banh 11 người, một đội kịch tùy theo số vai trong vở diễn và các động tác hỗ trợ vở diễn. Ít quá không đạt mục tiêu, đông quá sẽ có người không tham gia trọn vẹn và cảm thấy dư thừa.
Một trong các tiêu chuẩn định nghĩa nhóm nhỏ là có quan hệ mặt đối mặt, do đó quá đông thành viên sẽ không có được mối quan hệ này.
Tóm lại, các yếu tố quy định số lượng nhóm viên là:
• Đặc điểm nhóm viên
• Mục tiêu chuyên môn : Ví dụ : Nhóm phụ nữ nghèo cần vay vốn, nhóm thanh thiếu niên gặp khó khăn trong học tập, nhóm phụ nữ bị bạo lực, nhóm phụ nữ có chồng nghiện rượu…
• Chương trình hoạt động
• Sự tham gia tối đa của mỗi người
• Đặc điểm của nhóm viên cần được quan tâm
Trước tiên là sự tương đồng về nhu cầu hay vấn đề cần giải quyết. Không thể để chung một phụ nữ độc thân mà có con và một phụ nữ đang ly dị chồng. Vấn đề của họ hoàn toàn khác nhau. Vấn đề giống nhau mà quá khác nhau về tâm lý, tuổi tác, trình độ văn hóa cũng không được. Giữa cô gái mới lớn, không chồng mà có con, với một phụ nữ 40 trong cùng trường hợp cũng rất khác biệt. Nên quan tâm đến những trường hợp rất cá biệt không đưa vào nhóm được như người bị tâm thần nặng, trẻ có quá nhiều hấn tính giữa một nhóm trẻ có vấn đề nhưng ở mức độ vừa. Hoặc một người có xu hướng khống chế mạnh cùng với những người quá thụ động.
Yếu tố bổ sung rất quan trọng: trong đội CLB văn học nên có nam lẫn nữ, một nhóm chơi của trẻ có mạnh có yếu, một đội thi đua nấu cơm ngoài trời phải có vài trẻ đã có kinh nghiệm nấu cơm trong gia đình.
Tránh đưa vào một nhóm nhỏ 2 người hay 2 nhóm người ở ngoài đời đang xung khắc trầm trọng, hoặc 2 - 3 bạn rất thân cùng sinh hoạt với 5 - 6 người còn xa lạ với nhau. Tất yếu họ sẽ phân ra thành nhiều tiểu nhóm, khó xây dựng một nhóm đoàn kết.
Do đó, việc tìm hiểu nhóm viên rất quan trọng. Một giáo dục viên phụ trách nội trú có thể biết rõ các em trong phòng mình phụ trách. Nhưng một nhóm NVXH ở cộng đồng sẽ không nắm được đặc điểm của các em thiếu niên tới đăng ký sinh hoạt đội nhóm ngay từ đầu. Do đó phải có quá trình tìm hiểu thông qua đăng ký sinh hoạt (phiếu xã hội - vấn đàm - vãng gia, nếu cần).
Đối với nhóm sẵn có như các nhóm tự nhiên trong khu phố, băng nhóm lang thang bụi đời, NVXH phải nhập cuộc một cách từng bước và khéo léo để nhóm chấp nhận. ở đây, NVXH không những tìm hiểu từng nhóm viên mà quan trọng hơn nữa là các mối quan hệ và sự phân công (quyền lực) trong nhóm. Ai là lãnh vụ, ai liên kết với lãnh tụ, ai trung lập, ai chống. Trong băng có tiểu nhóm hay không? Những giá trị xã hội, qui chuẩn (luật không thành văn) của nhóm là gì? Những hành vi tích cực và tiêu cực đối với xã hội? Mục đích ở đây là tái xã hội hóa, nghĩa là tác động từ từ tới cấu trúc quyền lực của nhóm, hướng nhóm dần tới các mục tiêu xây dựng. Ví dụ như biến thành một đội banh, một đội sản xuất có qui cũ, có thu nhập, được xã hội đánh giá cao. Trẻ từ từ sẽ phục hồi lại niềm tin, tự tin và tự trọng.
2. Mục tiêu sinh hoạt
Cần phân biệt mục đích cuối cùng của CTXH (cá nhân, nhóm, cộng đồng) là sự thay đổi, phục hồi, tăng trưởng về mặt tâm lý xã hội của (hệ thống) thân chủ, và mục têu của hoạt động mà nhóm đề ra: thi đấu, trình diễn, cải thiện nhà ở, liên hoan cuối năm, chuẩn bị xuất viện, học kỹ năng...
Đối với một nhóm tới CLB đăng ký học kỹ năng hùng biện chẳng hạn thì không có gì phải bàn cãi. Một nhóm trẻ từ 5 - 8 tuổi chỉ cần chơi và thông qua chơi, được xã hội hóa thì chủ yếu tạo điều kiện chơi phù hợp với lứa tuổi. Nhưng đối với các nhóm người lớn liên kết để hành động chung, một nhóm thiếu niên nội trí cần đóng góp một tiết mục cho cuộc liên hoan cuối năm thì mục đích phải được trao đổi và thông qua. Có sự thống nhất ý kiến càng cao thì sự tham gia từng người càng được bảo đảm. Càng tham gia càng tạo sự thỏa mãn và kết quả tích cực về mặt xã hội hóa.
NVXH ở đây không áp đặt cho dù đã dự trù trước, càng ít áp đặt thì nhóm càng tích cực có sáng kiến. Vấn đề ở đây là NVXH phải sử dụng tiến trình tâm lý nhóm để tạo sự thảo luận càng nhiều càng tốt trước khi thông qua quyết định chung. Đối với mục đích xã hội hóa, điều quan trọng không phải là thành quả mà tiến trình tăng trưởng của nhóm viên.
Nhưng độc đoán hay dân chủ không phải hai phạm trù loại bỏ nhau mà là các mức độ của một quá trình hướng dẫn. Người bịnh tâm thần, trẻ em rất nhỏ không thể tự quyết về mọi mặt. Do đó, sinh hoạt nhóm là để tập tành dân chủ nhưng phải đi từ thấp tới cao tùy hoàn cảnh và trình độ của nhóm viên.
Ngược lại trước một nhóm thụ động, trông chờ, NVXH phải dày công hơn nhiều để khơi dậy tiềm năng tự lực của nhóm.
Do đó, mục tiêu hoạt động không chỉ được áp đặt một cách hành chánh, hay bỏ mặc cho nhóm viên mà cần được giáo dục. Mục tiêu không cứng ngắt mà linh động theo sự trưởng thành của nhóm và khả năng của nhóm viên.
Ví dụ ở một trung tâm nội trú, có một nhóm trẻ tự lực chuẩn bị đóng góp cho cuộc liên hoan cuối năm, nhóm A chỉ có khả năng hát một bài đồng ca, tuy nhiên nhờ sự giúp đỡ bên ngoài và sự gắn bó lẫn nhau, mấy tháng sau các em có thể dựng một vở kịch tự biên tự diễn.
3. Cơ cấu tổ chức nhóm
a) Cơ cấu chính thức
Tất cả các nhóm để đạt đến một mục tiêu đều phải có phân công trách nhiệm. Có nhóm viên trội hơn, có tinh thần trách nhiệm cao, được trao vai trò trưởng nhóm, có nhóm viên khéo tay được phân công dạy kỹ năng. Cơ cấu ít nhiều mang tính hình thức và cố định tùy thuộc vào chức năng của nhóm. Ví dụ một tổ chức ở địa phương có Trưởng ban cán sự khu phố, các tổ trưởng - tổ phó tổ dân phố hay một nhóm hành động có chủ tịch, thư ký, thủ quỹ. Ngay cả một nhóm CLB cũng có trưởng - phó. Đó là chức vụ chính thức ai cũng biết và phải thông qua đó để làm việc với nhóm.
b) Cơ cấu phi chính thức
Là các mối liên hệ cá nhân và mức độ ảnh hưởng thật sự giữa các nhóm viên. Cơ cấu phi hình thức này rất quan trọng đối với bầu không khí nhóm và cả năng suất của nhóm về lâu về dài.
Mối tương tác giữa hai cơ cấu hình thức và phi hình thức rất quan trọng. Lý tưởng nhất là sự ăn khớp của chúng. Ví dụ trưởng nhóm chính thức cũng là người được nhóm viên ưa thích và nể nang nhất vì sự vận động sẽ suông sẻ dễ dàng và tâm lý nhóm thoải mái. Nếu trưởng nhóm tự áp đặt bằng sức mạnh (đại ca, đại bàng, tú bà,...), hay vì tinh thần gia trưởng thì có sự tuân thủ để hành động theo mục tiêu chung nhưng không có sự thỏa mãn tinh thần.
Bước thành lập nhóm là bước chọn nhóm viên, thảo luận mục đích và chương trình sinh hoạt, phân công tổ chức. ở giai đoạn này nếu nhóm viên còn xa lạ thì hoạt động còn rời rạc. Nhóm viên liên hệ nhiều với NVXH hơn là giữa họ với nhau. Nếu là trẻ em thì ở giai đoạn này các em rất bát nháo và chúng ta không nên đánh giá vội các hành vi của trẻ trong giai đoạn này vì theo kinh nghiệm, chúng ta nhận thấy trẻ sẽ dần dần có sự chuyển biến tích cực trong hành vi ở những giai đoạn sau. Thông thường ở giai đoản này trẻ muốn được chú ý nên có những hành vi chống đối, không chịu hợp tác để thử thách những giới hạn của nhóm và của nhân viên xã hội.
Nếu là một băng nhóm có sẵn thì các mối quan hệ không thuận lợi cho sự phát triển nhân cách vì còn chia rẽ, hay có sự khống chế của một hay vài cá nhân. Mục tiêu nhóm chưa mang tính xây dựng. NVXH phát hiện thực trạng nhóm và khéo léo diều chỉnh các mối tương quan và lái mục tiêu theo hướng tích cực.
Điều cần lưu ý là nội dung ở mỗi giai đoạn bao gồm 5 lãnh vực cần quan tâm :
1. Hiểu biết về những vấn đề ban đầu cần được giải quyết (cả cá nhân và nhóm)
2. Ghi nhận các cảm xúc và hành vi của các thành viên lúc sinh hoạt thông qua các vấn đề.
3. Hiểu rõ ý nghĩa nội dung của các cuộc thảo luận và của các hành vi
4. Hiểu các công việc chính yếu được thực hiện bởi tổng thể nhóm và bởi các cá nhân thành viên.
5. Quan tâm đến các cảm xúc và hành vi của các thành viên, công việc này cần thiết cho việc giúp đỡ nhóm và các thành viên hoàn thành nhiệm vụ.
Một số công việc mà nhân viên xã hội phải hoàn thành:
Trong buổi sinh hoạt nhóm đầu tiền, nhân viên xã hội làm gì ?
Các công việc mà nhân viên xã hội cần làm trong buổi họp đầu tiên với một nhóm mới được liệt kê theo thứ tự như sau :
• Tổ chức giới thiệu nhau, giúp hình thành môi liên lạc quen biết ban đầu và thu hút nhau và làm cho sự tham gia tích cực hơn.
• Trình bày lý do nhóm được thành lập và mục đích của nhóm theo cách nhìn của cơ sở và của nhân viên xã hội, cho phép nhóm viên trình bày quan điểm của họ.
• Cùng với nhóm là rõ các mong đợi về việc tại sao họ đến đây, họ thích làm gì và hy vọng đạt được cái gì ở nhóm.
• Thảo luận về một thỏa thuận về phương cách cùng nhau làm việc và đặt ra các quy tắc nhóm.
• Thảo luận với nhóm về chương trình hoạt động và phương pháp thực hiện và dự kiến cho nội dung buổi họp tiếp sau.
• Cho nhóm biết rõ nhân viên xã hội hy vọng làm việc với nhóm như thế nào và vai trò của mình sẽ ra sao.
• Bắt đầu thiết lập văn hóa nhóm ( ví dụ : hệ thống tương thân tương ái và chia sẽ trách nhiệm)
Nhân viên xã hội cùng với nhóm :
• Thiết lập các quy tắc nhóm
• Đặt ra những giới hạn
• Xác định hệ tống thưởng phạt
• Đặt ra một số tiêu chuẩn của công việc
• Phân công và giao trách nhiệm
Ngoài ra, nhân viên xã hội phải dự kiến phương hướng quản lý xung đột thường xuất hiện ở giai đoạn 2 của tiến trình phát triển của nhóm. Xung đột thường xuất phát từ :
• Cạnh tranh quyền lực, ảnh hưởng để xác định vị trí của mình trong nhóm
• Cơ cấu phi chính thức ( cơ cấu ngầm) song song với cơ cấu chính thức
• Việc thực thi các quy tắc của nhóm (do chưa quen vào khuôn khổ của các quy tắc)
• Thời khóa biểu làm việc (do cách thể hiện tính cách của từng cá nhân trong việc tuân thủ giờ giấc)
Bước xung đột này chấm dứt khi mối quan tâm riêng từ từ trùng khớp với mối quan tâm chung của mọi người trong nhóm để rồi tạo sự gắn kết khi bước qua giai đoạn ổn định của cuộc sống của nhóm.
Ví dụ như trường hợp: Trước khi vào nhóm, một thành viên có tên bí danh là “Ba Lé”, một người bạn trong nhóm gọi anh ta theo tên bí danh này. Thành viên này không hài lòng và tỏ ra nóng giận và muốn gây hấn. Một khi NVXH biết can thiệp và tác động thì ranh giới của từng cá nhân sẽ mờ đi và tạo được sự thân thiện với nhau, từ đó hình thành một bầu không khí thoải mái, biết chấp nhận nhau.
Tóm lại để đạt được những mục tiêu của nhóm chúng ta cần quan tâm đến các vấn đề sau :
• Lập nhóm để làm gì?
• Cá nhân muốn đạt gì thông qua nhóm
• Phương pháp sử dụng ( cách triển khai các hoạt động : thảo luận, vui chơi, sắm vai…)
• Thời gian và nơi sinh hoạt.
• Các nguyên tắc sinh hoạt nhóm, hệ thống thưởng phạt (giáo dục các nhóm viên thay đổi hành vi để đạt mục tiêu ).
• Sự tham gia của nhóm viên (NVXH không được bỏ rơi ai) .
• Tôn trọng tính riêng tư của mỗi nhóm viên.
Bước này chấm dứt khi có sự đồng thuận về các mục tiêu cần thực hiện.
Bước 2 : Khảo sát nhóm
Tới đây nhóm viên bắt đầu có quan hệ tương đối tốt và mục tiêu (hay mục tiêu mới đối với nhóm sẵn có) được nhóm viên am hiểu chấp nhận. Nhóm bắt đầu bắt tay vào chương trình một cách điều hòa, có nề nếp và năng suất. Đối với nhóm có sẵn, công tác khảo sát nhóm hướng vào các vấn đề sau :
• Tìm hiểu mối quan hệ cá nhân
• Tìm hiểu tiến trình nhóm (nhóm được lập lúc nào, lí do hình thành nhóm? Đã có những hoạt động gì? Ai là người lãnh đạo?)
• Tìm hiểu chức năng vai trò của từng thành viên nhóm thông qua thảo luận, quan sát.
• Tìm hiểu môi trường sinh hoạt của nhóm, qui chế nhóm
• Qui định của cơ sở xã hội
Ở giai đoạn này (giai đoạn dài nhất) NVXH vừa hỗ trợ về chương trình vừa hết sức quan tâm đến tiến trình (các mối tương tác giữa nhóm viên) để các nhóm viên được hưởng tối đa bầu không khí và các mối quan hệ thuận lợi. Những người đã bị tổn thương trong đời sống xã hội như trẻ LTBĐ bị ngược đãi, khinh thường, thiếu tình thương sẽ tìm lại sự tự trọng, tự tin thông qua kinh nghiệm nhóm tích cực này. Các nguyên tắc chấp nhận, lắng nghe, tôn trọng cần được NVXH truyền đạt cho nhóm viên để nhóm viên ứng xử với nhau theo hướng tích cực nhất. Trẻ hung hãn biết nhường nhịn, giúp đỡ các em khác. Trẻ nhút nhát được bạo dạn lên. Trẻ ít được quan tâm sẽ có dịp thi thố tài năng. Nhóm viên tăng sự tự tin vì hoàn thành được nhiệm vụ giao phó.
Đối với trẻ em, trong công tác xã hội nhóm, một hình thức môi trường giúp trẻ thay đổi là chơi. Cần phân biệt chơi trong khuôn khổ và chơi không theo khuôn khổ. Chơi không theo khuôn khổ là một phương tiện truyền thông và tự bộc lộ. Nó được dùng cho các nhóm của mọi lứa tuổi, liên quan đến các nhu cầu của cá nhân và liên quan đến những người mà họ có quan hệ ở một thời điểm nhất định. Garvey (1977) nêu 5 tiêu chí để xác định trò chơi không theo khuôn khổ :
• Chơi vui, hoặc có giá trị tích cực cho người chơi
• Được thúc đẩy từ bên trong, không có mục đích bên ngoài hoặc hành động bắt buộc nào.
• Nó xuất phát một cách tự nhiên, không bị ép buộc
• Nó đòi hỏi sự tham gia tích cực bởi người chơi
• Nó có một mối quan hệ nhất định với cái “không chơi” trong thế giới thực.
Các đặc tính của việc chơi không theo khuôn khổ :
Chơi được dùng bởi người lớn để hiểu trẻ em theo 3 phương cách (Garbarino Stott, 1992) :
• Tìm hiểu mức độ phát triển và năng lực của trẻ, bao gồm phát triển nhận thức, xã hội và thể chất.
• Thu thập thông tin về cuộc sống tinh thần của trẻ - có khái niệm về trẻ cảm nhận như thế nào.
• Chơi giúp trao đổi về những trải nghiệm lo lắng
Những hoạt động bao gồm trò chơi, thi đua, kể chuyện, sắm vai, tâm kịch đều được xem là chơi theo khuôn khổ. Nhân viên xã hội sử dụng các hoạt động này để các thành viên và nhóm đạt được mục tiêu của họ, nó thường xem như là một chương trình hoạt động đã định, giúp họ “học hỏi các quy định của trò chơi”, giúp họ dịch chuyển xa hơn, tạo ra những khám phá mới, phát triển sự sáng tạo.
Lên kế hoạch các hoạt động :
Kế hoạch các hoạt động phải dựa trên cơ sở :
• Nhu cầu và mục tiêu của nhóm: chung và riêng
• Các giai đoạn phát triển của nhóm.
• Môi trường sinh hoạt.
• Đặc điểm của đối tượng : nhóm viên là ai? Đặc điểm riêng của họ?
Trước khi chúng ta lên kế hoạch các hoạt động và để các hoạt động có thể đóng vai trò làm nền cho tiến trình thay đổi, chúng ta cần định hướng dựa trên các nhu cầu, mong đợi của nhóm viên và dựa trên mục tiêu để xây dựng kế hoạch hoạt động. Mọi thành viên nhóm cần phải hiểu mục tiêu như nhau để có sự gắn kết trong nhóm. Những vấn đề đặt ra là để có sự hòa nhập sau khi có sự đồng thuận về :
- Tại sao chúng ta ở đây ?
- Chúng ta cần làm gí ? (Xác định các hoạt động)
- Chúng ta làm như thế nào ?
- Chúng ta cần đạt những gì ?
Thông thường, nhân viên xã hội hỗ trợ nhóm lựa chọn và sử dụng các hoạt động. Vai trò của tác viên bao gồm nhiều công việc như chọn một hoạt dộng, lên kế hoạch, khởi đầu, dạy (trường hợp nhó trẻ), hỗ trợ, điều chỉnh, điều quan trọng là tạo sự gắn kết giữa các thành viên trong nhóm và các hoạt động phải là những cơ hội khen thưởng để các nhóm viên phàn ứng một cách tích cực. Trong những trường hợp khác, nhân viên xã hội cần giúp trẻ vượt qua những hoạt động mới mẻ, chưa quen thuộc, để tập dần sự thích thú trong những gì trẻ đang làm. Trong lúc vẽ tranh hoặc lúc nặn đất sét, nhân viên xã hội thường cùng tham gia, tạo cho trẻ nhiều cơ hội tự thể hiện một cách thoải mái mà không có cảm giác là mình đang bị giám sát bời nhân viên xã hội. Vai trò của nhân viên xã hội là tạo sự ham muốn tham gia hoặc thúc đẩy người khác trở nên dấn thân hơn. Tuy nhiên đôi lúc nhân viên xã hội cũng cần kiểm soát hoặc hạn chế bớt những hành vi thái quá, trường hợp có mâu thuẫn, có nghĩa là nhân viên xã hội được phép can thiệp khi trẻ có nhu cầu.
Những hoạt động nào được sử dụng trong CTXH nhóm ?
Trước hết các hoạt động của nhóm, theo Vinter (1974) phải bao hàm 6 yếu tố chính:
• Có những quy định trong sinh hoạt (Quy định trong thảo luận nhóm thì nhẹ hơn quy định khi chơi bóng bàn)
• Có sự kiểm soát : trọng tài, người hướng dẫn…
• Có hoạt động thể chất
• Có vận dụng khả năng và kỹ năng trong hoạt động
• Có sự tương tác giữa những người tham gia
• Có hệ thống thưởng phạt
Các loại hoạt động thường bao gồm:
• Trò chơi: trò chơi giúp nhóm viên năng động, sáng tạo và tạo sự gắn kết trong nhóm, sức khỏe. Trò chơi cũng tạo niềm tin vì trong cuộc sống ta không sống một mình được mà luôn cần những mối quan hệ trong xã hội. Trò chơi nhận thức giúp nhóm hiểu một vấn đề và thay đỗi nhận thức.
• Nói chuyện : ở môi trường cà nhóm hoặc theo từng cặp đôi, chia sẻ kinh nghiệm, những chuyện vui buồn gặp phải trong quá khứ. Đây được xem là một tham vấn cho nhau giữa các thành viên nhóm.
• Viết nhật ký, bản tin, báo tường, viết lên những suy nghĩ, tự đánh giá bản thân. Thông qua hoạt động này nhân viên xã hội có thể theo dõi diễn biến tâm lý, tâm tư của từng cá nhân để có hướng hỗ trợ.
• Hoạt động vui chơi, giải trí như cắm trại, nấu ăn, thể thao, văn nghệ…
• Hoạt động về kỹ năng xã hội như sắm vai, kỹ năng sống (tập nói “không”, làm chủ bản thân, giảm bạo lực…)
• Tâm kịch: sắm vai, diễn lại sự cố đã xảy ra.
• Đóng vai: Diễn kịch trong sinh hoạt văn nghệ, đóng vai theo một khuôn mẫu người nào đó.
Ví dụ như cho một đứa trẻ đóng vai đứa con vi phạm, có lỗi với ba mẹ, ba mẹ nóng giận và đứa trẻ này đứng cạnh một em khác đóng vai đứa con ngoan dễ thương, khác với hành động của nó, đứa trẻ này kia suy nghĩ nếu mình cư xử dễ thương thì không bị ba mẹ đánh.
• Hoặc kịch câm: Loại hình này giúp họ tự bộc lộ qua động tác.
• Hoặc xây tượng : qua thể hiện, nhân viên xã hội ghi nhận được tâm trạng bên trong của họ
• hoạt động nghệ thuật khác như vẽ tranh, chụp ảnh, múa
• Hoạt động nghe nhìn: quay video : nhóm ở cộng đồng ( trong dự án PTCĐ). Khi quay, cá nhân bộc phát hành vi và khi chiếu lại để xem và cùng nhau phân tích, nhóm viên biết hành vi nào đúng, hành vi nào chưa đúng, điều này tác động đến sự thay đổi hành vi.
Bước 3: Bước duy trì nhóm
Đây là bước chính trong công tác xã hội nhóm, bước đưa đến những thay đổi. Vì thế lúc này là lúc nhân viên xã hội chứng tỏ khả năng chuyên môn của mình. Nhân viên xã hội quan tâm đến việc chia sẻ thông tin, cảm xúc giữa các thành viên với nhau. Đặc điểm của bước này là sự bộc lộ, mong mỏi được sự phản hồi. Trong bước này, các nhóm viên trao đổi thông tin về cá nhân, về công việc, tìm hiểu hành vi và ý nghĩa hành vi của nhau.
Nhóm viên cảm thấy thoải mái hơn, biết chấp nhận nhau và mọi người cảm thấy mình thuộc về nhóm hơn (hòa nhập vào nhóm, một sự đồng hóa với nhóm :“ta là nhóm, nhóm là ta”).
Nhóm viên bắt đầu có quan hệ tương đối tốt và mục tiêu (hay mục tiêu mới đối với nhóm sẵn có) được nhóm viên am hiểu chấp nhận hơn. Nhóm bắt đầu bắt tay vào chương trình một cách điều hòa, có nề nếp và năng suất.
Ở giai đoạn này (giai đoạn dài nhất) NVXH vừa hỗ trợ về chương trình vừa hết sức quan tâm đến tiến trình (các mối tương tác giữa nhóm viên) để các nhóm viên được hưởng tối đa bầu không khí và các mối quan hệ thuận lợi. Những người đã bị tổn thương trong đời sống xã hội như trẻ em đường phố bị ngược đãi, khinh thường, thiếu tình thương sẽ tìm lại sự tự trọng, tự tin thông qua kinh nghiệm nhóm tích cực này. Các nguyên tắc chấp nhận, lắng nghe, tôn trọng cần được NVXH truyền đạt cho nhóm viên để nhóm viên ứng xử với nhau theo hướng tích cực nhất. Trẻ hung hãn biết nhường nhịn, giúp đỡ các em khác. Trẻ nhút nhát được bạo dạn lên. Trẻ ít được quan tâm sẽ có dịp thi thố tài năng. Nhóm viên tăng sự tự tin vì hoàn thành được nhiệm vụ giao phó.
Một số vấn đề cần quan tâm trong bước quan trọng này của tiến trình nhóm:
•Coi trọng công việc lẫn con người
•Rà soát kế hoạch hoạt động có phù hợp với nhu cầu và mục tiêu hay không để sớm điều chỉnh
•Giúp nhóm viên chấp nhận sự khác biệt của nhau
•Đánh giá thường xuyên các sự kiện thể hiện hành vi, nó có ý nghĩa gì, định hướng và uốn nắn hành vi.
•Có phương pháp can thiệp để tạo sự tham gia tối đa, tạo sự gắn kết trong nhóm
•Đánh giá từng bước tiến bộ của nhóm
•Luôn khuyến khích nhóm làm tốt hơn
•Áp dụng phương pháp CTXH cá nhân đối với những trường hợp cá nhân có vấn đề riêng biệt
•Đánh giá vai trò của từng nhóm viên trong quá trình phát triển nhóm và trong mối quan hệ trong nhóm.
•Đánh giá các kênh truyền thông trong nhóm
Bước cuối : Bước giải quyết vấn đề và đạt mục tiêu xã hội
Nhóm như con người có thể chết yểu, nghĩa là sau vài lần sinh hoạt không còn hay còn rất ít người tham dự. Kinh nghiệm thất bại không có gì lạ thậm chí rất phổ biến.
Có nhóm kéo dài được đến giai đoạn cuối. Lượng giá gồm cả 2 mặt chương trình và tiến trình.
Trong CTXH nhóm, tiến trình rất quan trọng. Vở diễn A có thể được đánh giá cao về kịch bản, dàn dựng, diễn xuất. Nhưng khi tìm hiểu thì vỡ lẽ là do sự “độc diễn” của một nhóm viên từ đầu đến cuối. Các nhóm viên kia thì chỉ “đặt đâu ngồi đó”. Họ tích cực tập luyện vì sĩ diện nhóm. ở đây không có gì xấu nhưng xét về mặt tăng trưởng tâm lý của cá nhân và nhóm thì chưa đạt.
Vở kịch B ít chuyên nghiệp hơn, nhưng tất cả các thành viên đều tham gia ý kiến cho kịch bản và dàn dựng cũng như diễn xuất. Họ không những hãnh diện mà còn rất vui và gắn bó với nhau. Về mặt mục đích CTXH nhóm thì vở B đạt hơn.
Lượng giá được mọi người tham gia với sự chuẩn bị một dàn ý do NVXH hay trưởng nhóm.
Một nhóm bệnh nhân nằm viện lâu dài được sinh hoạt nhóm để chuẩn bị xuất viện thì câu chuyện kết thúc cho tất cả ở đây, cho dù có người sẵn sàng có người còn e ngại trở lại với cuộc sống hàng ngày.
Nhưng đối với một số thân chủ có vấn đề ví dụ như một nhóm các bà mẹ mới ly dị. Có người thông qua sinh hoạt nhóm đã ổn định được tinh thần. Có người có tiến bộ nhưng còn rất chao đảo. Nhóm đầu có thể “xuất” nhóm. Nhóm người sau có thể tiếp tục với mục tiêu, chương trình mới. Hoặc họ có thể được chuyển qua một nhóm khác để tiếp tục sinh hoạt.
CTXH nhóm là một phương pháp càng ngày càng được sử dụng vì có hiệu quả cao. Nhưng nó không phải vạn năng, bên cạnh các phương pháp cá nhân, nhóm, cộng đồng còn nhiều cách can thiệp khác như biện hộ (advocacy), xây dựng chính sách, kế hoạch, pháp chế, mới giải quyết được các vấn đề xã hội.
Một số đặc điểm của bước này là :
•Nhóm viên phụ thuộc lẫn nhau: nhóm viên có thề làm việc một mình, trong tiểu nhóm hoặc trong toàn nhóm.
•Có sự thu hút nhau giữa các nhóm viên
•Các nhóm viên hợp tác nhau và cạnh tranh để cùng nhau phát triển (hội nhập vào nhóm phát triển.)
•Trước đây giải quyết những xung đột rất khó, nay giải quyết rất dễ dàng hơn.
•Những gì nhóm thực hiện được xem là phương tiện trong cố gắng đạt được mục tiêu của chính mình (trong nhóm tâm lý trị liệu thì hoạt động nhắm vào cá nhân nhiều hơn)
Tuy nhiên, ở giai đoạn kết thúc này, nhân viên xã hội cần quan tâm một số công việc:
-Duy trì những cố gắng thay đổi của nhóm viên, giúp họ phát triển lòng tự tin
-Giảm sự thu hút của nhóm và tăng cường chức năng tự lực của các cá nhân thành viên.
-Hỗ trợ các thành viên đương đầu với những cảm xúc khi kết thúc
-Lên kế hoạch cho tương lai
-Giúp họ tiếp cận với các dịch vụ và các tài nguyên khác
-Lưu ý các yếu tố có thể làm cho nhóm viên rời bỏ nhóm :
•Những mâu thuẫn và những thay đổi khó thích nghi
•Sự lệch hướng của nhóm do bị một cá nhân thành viên lôi kéo
•Những vấn đề phát sinh do phát triển mối quan hệ thân tình
•Thiếu cơ hội và thời gian chia sẻ với nhân viên xã hội
•Thiếu định hướng đầy đủ trong trị liệu
•Những rắc rối phát sinh tử các tiểu nhóm.
Nguyễn Ngọc Lâm biên soạn

Không có nhận xét nào: