7 tháng 12, 2008

Hội thảo quốc tế Việt Nam học: Hội nhập và khoảng cách giàu nghèo


Hội thảo quốc tế Việt Nam học: Hội nhập và khoảng cách giàu nghèo

TT (Hà Nội) - Trong ngày thứ hai của Hội thảo quốc tế VN học lần thứ ba (6-12), các nhà khoa học tiếp tục trình bày các tham luận và thảo luận tại 18 tiểu ban.

Ở nhiều góc độ khác nhau, các nhà khoa học đã đề cập những thách thức của VN trong quá trình hội nhập. Những chủ đề được thảo luận sôi nổi nhất là về sự thay đổi của xã hội VN dưới tác động của toàn cầu hóa và hội nhập, kinh tế thị trường, quá trình đô thị hóa và các vấn đề đô thị, giáo dục ĐH…

Nhiều nhà khoa học cùng đề cập một thực tế: ngoài những lợi ích và cơ hội phát triển có được từ toàn cầu hóa, hội nhập và mở cửa còn tạo ra những tác động đến bộ phận “thiệt thòi” trong xã hội là nông dân và những người nghèo đô thị. Theo PGS-TS Lê Xuân Đình (ban kinh tế, Tạp chí Cộng Sản), chênh lệch lớn về năng suất lao động giữa công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp là một trong những nguyên nhân chính đang khoét sâu thêm khoảng cách cả thu nhập lẫn mức chi tiêu giữa nông thôn và thành thị.

Trong khi tỉ lệ hộ nghèo trên toàn quốc giảm thì tại khu vực nông thôn, hộ nghèo vẫn còn chiếm tỉ trọng cao. PGS-TS Lê Xuân Đình phân tích: “Khó khăn lớn hiện nay là diện tích đất nông nghiệp đang mất vào các khu công nghiệp, khu đô thị và đường giao thông với tốc độ quá nhanh. Tư liệu sản xuất bị mất hoặc giảm đi trong lúc chưa chuẩn bị kịp các điều kiện để chuyển đổi nghề nghiệp, phần đông nông dân có tiền (từ đền bù thu hồi đất) cũng khó tìm phương án nào cho hiệu quả để sử dụng. Trong khi đó công nghiệp phát triển chưa đủ mạnh để thu hút một lượng lớn lao động nông thôn. Và dù có nhu cầu lao động thì trình độ đào tạo của lực lượng lao động này cũng chưa thể đáp ứng kịp”.

Ông Timothy Gorman (ĐH Khoa học xã hội & nhân văn Hà Nội) đặt vấn đề “nền kinh tế hằng ngày” và đề nghị “suy nghĩ lại về tính chất không chính thống ở VN”. Theo ông, các nhà hoạch định chính sách phải đặt đúng vị trí của thương nghiệp đường phố và hộ gia đình trong nền kinh tế hằng ngày. Nên coi không gian đô thị như một nguồn sản xuất cần thiết, cũng không được bỏ qua tầm quan trọng của các quy tắc đạo đức văn hóa trong thương nghiệp đường phố, từ đó có những chính sách cụ thể cho hàng rong vỉa hè, xe ba bánh, xích lô…, tránh tạo thêm những tiền đề để khoét sâu thêm khoảng cách giàu nghèo.

Tuy nghiên cứu độc lập, nhưng cùng quan điểm với ông Gorman còn có các báo cáo của KTS Nguyễn Hữu Thái, GS Rolf Jensen, Donald Peppard (ĐH Connecticut) và thạc sĩ Vũ Minh Thắng (ĐH KHXH & NV Hà Nội). Những nghiên cứu đầy thuyết phục cho thấy người phụ nữ bán hàng rong ở đô thị với mức thu nhập thật sự chỉ từ 0,36 - 0,7 USD/ngày đã góp phần duy trì cuộc sống của cả một gia đình nông thôn, trong khi vẫn duy trì được mô hình gia đình truyền thống với hầu hết các tập quán và nghĩa vụ.

Hầu hết các học giả trong các nghiên cứu của mình đều đi đến kết luận: VN còn rất nhiều việc phải làm để xóa nghèo và rút ngắn khoảng cách giàu nghèo.

THANH HÀ - THU HÀ
(Báo Tuổi Trẻ ngày 07/12/2008)

Không có nhận xét nào: