10 tháng 12, 2008

Định hướng phát triển CTXH chuyên nghiệp ở Việt Nam


Định hướng phát triển CTXH chuyên nghiệp ở Việt Nam
Viết bởi Lê Bạch Hồng (Bộ LĐTB,XH)
Công tác xã hội có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, bảo vệ quyền con người, nhân phẩm, giá trị con người, công bằng và bình đẳng xã hội. Thúc đẩy xây dựng một xã hội hài hoà vì hạnh phúc của tất cả các cá nhân trong xã hội.Có nhiều khái niệm về công tác xã hội (CTXH), nhưng theo Hiệp hội công tác xã hội thế giới thì công tác xã hội là hoạt động chuyên nghiệp nhằm tạo ra sự phát triển của xã hội thông qua sự tham gia vào quá trình giải quyết các vấn đề xã hội, tăng cường năng lực và giải phóng tiềm năng của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng. Công tác xã hội giúp cho con người phát triển đầy đủ, hài hoà và đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người dân.
Mục đích chung của công tác xã hội là hỗ trợ cho an sinh xã hội bằng cách giúp đỡ những người không thể tự đạt được an sinh như người tâm thần sa sút, lang thang kiếm sống, tàn tật, già cả cô đơn, nhiễm HIV/AIDS vi phạm luật pháp, phạm tội, mại dâm, nghiện ma tuý, nghiện rượu, cờ bạc; các gia đình ly hôn, ly thân, mâu thuẫn trong gia đình, bạo lực, lạm dụng, sao nhãng chăm sóc trẻ em, hoàn cảnh gia đình éo le không bình thường và cộng đồng yếu kém, nghèo, có đông đối tượng xã hội. Công tác xã hội cũng quan tâm đến cả đối tượng có nguy cơ nảy sinh các vấn đề xã hội. Trong phạm vi rộng hơn, công tác xã hội còn chú trọng đến môi trường xã hội trong đó bao gồm cả việc tác động đến cơ chế chính sách có ảnh hưởng đến con người và cộng đồng.
Lịch sử của công tác xã hội bắt nguồn từ những xã hội cổ xưa. Hiệp ư­ớc do Công tư­ớc Ôlêc (nước Nga) ký kết với người Hy Lạp năm 911 là văn bản đầu tiên đề cập về sự quan tâm của Nhà nư­ớc đối với những công dân cần được trợ giúp của mình. Năm 1601, Đạo luật Elizabeth của Anh được ban hành nhằm vào sự giúp đỡ việc làm cho người nghèo, chăm sóc người già, người tàn tật và trẻ em mồ côi.
Cho đến đầu thế kỷ XIX, các hoạt động mang hình thái công tác xã hội đã được các tình nguyện viên ở Mỹ giúp đỡ chăm sóc sức khoẻ cho người nghèo, đặc biệt là giúp những nô lệ vừa được giải phóng nhanh chóng hoà nhập vào cộng đồng xã hội.
Giai đoạn 1850 - 1865, những hoạt động khởi nguồn của công tác xã hội được thực hiện bởi Uỷ ban từ thiện quốc gia, Uỷ ban từ thiện cộng đồng ở các nước phương Tây. Thời kỳ này hoạt động của các uỷ ban đều hướng tới mục đích: xây dựng những thiết chế nhằm duy trì trật tự, ổn định xã hội.
Năm 1946 được xác định là mốc đánh dấu công tác xã hội trở thành một nghề chuyên nghiệp trên thế giới. Đó là năm ra đời của Liên đoàn những nhà hoạt động công tác xã hội quốc tế và Hiệp hội các trường đào tạo nhân viên công tác xã hội bậc đại học và sau đại học. Năm 2006, Liên đoàn đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 60 ngày thành lập và hội thảo khoa học về xu hướng toàn cầu về phát triển công tác xã hội như một nghề chuyên nghiệp.
Hiện nay ở các nước phát triển như Anh, Mỹ, Đức, Thuỵ Điển, Nhật Bản, cứ 1000-2000 dân có một cử nhân công tác xã hội được đào tạo ở trình độ đại học và 2-3 nhân viên công tác xã hội bán chuyên nghiệp. Cán bộ, nhân viên công tác xã hội có thể làm việc trong các cơ quan Nhà nước về an sinh xã hội, công tác xã hội ở cấp quốc gia, vùng, tỉnh, huyện và cấp xã; các trung tâm công tác xã hội cấp quận, huyện; các tổ chức phi Chính phủ và tư nhân cung cấp dịch vụ về công tác xã hội; các trường học phổ thông và các trường đại học; các trung tâm y tế cộng đồng, các bệnh viện, các toà án, các nhà tù và cơ sở giam giữ, các trường giáo dưỡng.
Trên 60 năm qua, thế giới đã chứng kiến vai trò và hiệu quả to lớn của công tác xã hội. Nó không những trực tiếp giải quyết những vấn đề xã hội không mong muốn nảy sinh đối với các cá nhân, gia đình, nhóm xã hội, cộng đồng dân cư, mà còn giảm bớt sự bất bình đẳng và phân tầng xã hội trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội; góp phần giữ vững ổn định xã hội, tạo sự đồng thuận và phát triển bền vững vì hạnh phúc của tất cả các thành viên trong xã hội.
Qua việc tìm hiểu một số mô hình và một số đặc trưng của công tác xã hội của các nước trong khu vực và trên thế giới, chúng ta có thể đưa ra một số nhận xét sau:
Thứ nhất, công tác xã hội được công nhận là một nghề ở nhiều nước trên thế giới từ 60 năm trước đây và tuỳ điều kiện hoàn cảnh của mỗi nước mà công tác xã hội có những sắc thái riêng nhưng vẫn tuân thủ những nguyên tắc và chuẩn mực chung.
Thứ hai, công tác xã hội phát triển cùng với sự phát triển của kinh tế-xã hội để khắc phục những mặt trái nảy sinh trong quá trình phát triển; hướng tới một nền an sinh cho toàn dân, công bằng và dân chủ trong toàn xã hội.
Thứ ba, công tác xã hội luôn được các nước quan tâm phát triển và ứng xử như một khoa học với phương pháp tiếp cận, kỹ năng nghề nghiệp và quy điều đạo đức riêng. Từ lâu, nhiều nước trên thế giới đã có trường đại học về công tác xã hội, chính vì vậy mà hoạt động công tác xã hội ngày càng hiệu quả hơn.
Thứ tư, công tác xã hội chú trọng đến phát triển nguồn nhân lực và thể chế chính sách, thể chế tổ chức. Qua đó tiếng nói của cán bộ nhân viên xã hội như là một kênh thông tin giúp lãnh đạo các cấp hoạch định các chính sách xã hội, đưa ra các dự báo về các vấn đề xã hội mới nảy sinh, kịp thời điều chỉnh các chính sách xã hội phù hợp. Nhờ đó, có được một xã hội ổn định, các công dân có đầy đủ các cơ hội để phát huy tiềm năng của mình, góp phần thực hiện mục tiêu xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Ở Việt Nam, tính đến năm 2007, có khoảng 7,5 triệu người cao tuổi, trong đó có khoảng 200 nghìn người già cô đơn; 5,3 triệu người tàn tật trong đó có khoảng 300 nghìn người tàn tật nặng không còn khả năng tự phục vụ và khả năng lao động; trên 1,4 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và khoảng 2,7 triệu hộ nghèo. Trong số các đối tượng xã hội nêu trên có khoảng 1,3 triệu người thuộc diện khó khăn cần trợ cấp xã hội, bằng khoảng 1,52% dân số; 3006 xã tỷ lệ nghèo trên 25% và 61 huyện tỷ lệ nghèo trên 50% và hàng nghìn xã có vấn đề xã hội (tệ nạn xã hội, môi trường sống ô nhiễm, nghèo khổ…); hàng triệu cá nhân, gia đình, nhóm xã hội nảy sinh các vấn đề xã hội (ly thân, ly hôn, bạo lực trong gia đình, thiếu quan tâm đến con cái, căng thẳng vì nghèo khổ, xâm hại tình dục, bỏ nhà đi lang thang, tệ cờ bạc, nghiện hút, trộm cắp, tội phạm, HIV/AIDS bị cộng đồng xa lánh…). Tuy nhiên, tất cả các đối tượng nêu trên chỉ nhận được sự trợ giúp của đội ngũ nhân viên công tác xã hội “nghiệp dư”(khoảng 20 nghìn người). Những người làm việc theo kinh nghiệm, chưa được đào tạo kỹ năng khoa học cần thiết về công tác xã hội. Do vậy, hiệu quả giải quyết các vấn đề xã hội, vấn đề của cá nhân, gia đình, nhóm xã hội và cộng đồng dân cư không cao, thiếu tính bền vững. Hiện nay, cả nước có trên 30 trường đại học đào tạo cử nhân công tác xã hội, đang đào tạo khoảng 2000 sinh viên hệ cử nhân CTXH. Tuy nhiên công tác đào tạo nghề công tác xã hội còn nhiều bất cập như: chưa có chương trình đào tạo chuẩn, chưa có chức danh tiêu chuẩn nghề…
Nhận xét một cách tổng quát: Công tác xã hội ở Việt Nam đang trong quá trình hình thành, phát triển. Nếu so sánh tính chuyên nghiệp của công tác xã hội ở nước ta với các n­ước phát triển và ngay cả những nước trong khu vực, chúng ta còn một khoảng cách khá lớn, đó là:
Thứ nhất, về nhận thức: Các ngành, các cấp và người dân chưa biết nhiều đến ngành công tác xã hội, đến cán bộ (nhân viên) công tác xã hội, ch­ưa nhận dạng được họ là ai, làm việc gì và ở đâu. Vai trò, nhiệm vụ công tác xã hội là gì, sự khác biệt giữa công tác xã hội với các ngành nghề liên quan khác.
Thứ hai, về mặt thể chế chính sách: Chưa có chiến lược về phát triển CTXH, cơ sở pháp lý cho sự phát triển nghề CTXH ch­ưa đ­ựơc hình thành một cách có hệ thống, cho đến nay mới có quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về chương trình khung đào tạo chuyên ngành CTXH và cho phép một số tr­ường đại học mở ngành đào tạo cử nhân CTXH. Việc xác định các vị trí làm việc cho nhân viên công tác xã hội trong các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức cung cấp dịch vụ, kể cả các NGO và các tổ chức đoàn thể có tham gia hoạt động công tác xã hội chưa được xác định. Tiêu chuẩn chức danh nghề CTXH ở các cấp, các loại hình công việc chưa được xác định; thang, bảng lương cho các chức danh cụ thể về công tác xã hội cũng chưa có.
Về cơ chế tài chính, Nhà nước chưa có cơ chế mua dịch vụ về CTXH để cung cấp cho các đối tượng xã hội yếu thế, chưa có cơ chế cung cấp tài chính cho các NGO để hoạt động công tác xã hội thông qua các hợp đồng. Bên cạnh đó vấn đề xã hội hoá việc huy động nguồn lực toàn xã hội để trợ giúp và cung cấp các dịch vụ xã hội cho người dân có vấn đề xã hội cũng chưa quản lý có hiệu quả, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sự huy động nguồn lực toàn xã hội.
Thứ ba, về mạng lưới tổ chức cung cấp dịch vụ và mạng lưới nhân viên CTXH: Hệ thống các tổ chức liên quan đến cung cấp các dịch vụ về công tác xã hội thuộc ngành Lao động-Thương binh và Xã hội cũng chưa được hình thành đầy đủ theo 4 cấp theo đúng nghĩa của nó, lực lượng cán bộ lại quá mỏng và cũng thiếu tính chuyên nghiệp; các hoạt động hiện tại mang nặng tính quản lý Nhà nước hơn là chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ cung cấp dịch vụ công cho các đối tượng có vấn đề xã hội, nhằm giúp họ tự giải quyết các vấn đề xã hội nảy sinh.
Mạng l­ưới cán bộ (nhân viên) CTXH của Việt Nam ch­ưa đ­ược thiết lập cơ bản và hệ thống. Mặc dù có đội ngũ cán bộ văn hoá - xã hội ở cấp xã, phường, thị trấn, cán bộ trong các trung tâm bảo trợ xã hội, cán bộ hoạt động trong hệ thống hội chữ thập đỏ và các tổ chức NGO (khoảng 20.000 người) cung cấp dịch vụ cho người già, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người khuyết tật v.v. nhưng họ chỉ là những nhân viên công tác xã hội nghiệp dư, chưa được đào tạo chuyên ngành CTXH.
Thứ t­ư, việc đào tạo nhân viên công tác xã hội: Mới dừng lại ở giai đoạn ban đầu, kinh nghiệm đào tạo còn ít. Đội ngũ giảng viên thiếu, nhiều trường ch­ưa có giáo viên đ­ược đào tạo cơ bản. Việc đào tạo chỉ có hiệu quả và chất lượng khi Nhà nước có một hệ thống tổng thể về công tác xã hội đó là thể chế chính sách, thể chế tổ chức và đội ngũ giảng viên CTXH chuyên nghiệp.
Định hướng phát triển CTXH ở Việt Nam
Để phát triển nghề công tác xã hội ở nước ta và đưa khoa học công tác xã hội vào giải quyết và ngăn ngừa các vấn đề của cá nhân, gia đình, nhóm xã hội, cộng đồng dân cư và của xã hội, chúng ta cần nhìn nhận đúng thực trạng công tác xã hội ở nước ta hiện nay và đưa ra định hướng phát triển ngành nghề này. Một mặt đáp ứng được nhu cầu của xã hội, mặt khác phù hợp với xu hướng phát triển của quốc tế. Lộ trình phát triển công tác xã hội sẽ thực hiện từng bước, có mục tiêu trước mắt, mục tiêu lâu dài và các giải pháp thực hiện mục tiêu phù hợp với những điều kiện của Việt Nam. Trước mắt chúng ta cần nghiên cứu, xây dựng Đề án phát triển nghề CTXH ở Việt Nam từ nay đến năm 2015, trong đó tập trung vào giải quyết một số vấn đề sau:
1. Nâng cao nhận thức về CTXH chuyên nghiệp ở Việt Nam, phổ biến tuyên truyền rộng rãi về vai trò, vị trí của CTXH chuyên nghiệp trong việc can thiệp giải quyết các vấn đề của các đối tượng và xã hội. Việc nhận thức này phải được tiến hành ở các cấp, các ngành và tới mọi người dân.
2. Xây dựng cơ chế, chính sách đẩy mạnh xã hội hoá việc huy động nguồn lực toàn xã hội để trợ giúp và cung cấp các dịch vụ xã hội cho người dân yếu thế, giảm tải cho ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế tài chính Nhà nước mua dịch vụ của các cơ sở cung cấp dịch vụ về CTXH để cung cấp cho các đối tượng xã hội yếu thế, cung cấp tài chính cho các NGO thông qua các hợp đồng với chính quyền địa phương.
3. Phát triển CTXH trở thành một ngành nghề chuyên nghiệp có mã nghề với các qui định chức danh tiêu chuẩn cụ thể, với thang bảng lương cho từng vị trí làm việc và phù hợp với trình độ đào tạo về CTXH. Việc tuyển dụng bố trí nhân viên có trình độ đào tạo nghiệp vụ công tác xã hội phải theo qui định và yêu cầu thực tiễn tay nghề của mỗi vị trí công việc.
4. Đẩy mạnh việc tuyển dụng nhân viên CTXH chuyên nghiệp trong nhiều lĩnh vực, trước mắt đặc biệt chú ý tới việc bố trí, sử dụng nhân viên trong ngành Lao động-Thương binh và Xã hội, sau đó là các lĩnh vực liên quan như giáo dục, y tế, toà án v.v; Xây dựng hệ thống các tổ chức cung cấp dịch vụ xã hội tại mỗi cộng đồng dân cư, có các nhân viên xã hội chuyên nghiệp cung cấp các dịch vụ an sinh xã hội đảm bảo cho việc can thiệp các vấn đề xã hội kịp thời và hiệu quả, qua đó thúc đẩy thêm việc triển khai, thực hiện các chính sách xã hội.
5. Thúc đẩy đào tạo CTXH chuyên nghiệp ở nhiều trường đại học, xây dựng chương trình đào tạo CTXH ở nhiều trình độ, sơ cấp, trung cấp, đại học và sau đại học để đáp ứng nhu cầu đa dạng về nguồn nhân lực của xã hội. Tăng cường đào tạo giảng viên CTXH, nâng cao chất lượng đào tạo thông qua đổi mới phương pháp đào tạo, chú ý tới thực hành, thực tập trong đào tạo.
Đã đến lúc nước ta đẩy mạnh phát triển công tác xã hội như một nghề chuyên nghiệp, nếu không nguy cơ mất “cân đối” giữa phát triển kinh tế và xã hội sẽ diễn ra. Phát triển nghề CTXH sẽ hỗ trợ cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội bền vững, đảm bảo tăng trưởng kinh tế luôn đi đôi với phát triển xã hội và công bằng xã hội./.

(Theo Trường ĐHLĐXH)

Không có nhận xét nào: