22 tháng 12, 2008

Làm thế nào sử dụng nguồn nhân lực qua đào tạo công tác xã hội ở Việt Nam hiệu quả


Làm thế nào sử dụng nguồn nhân lực qua đào tạo công tác xã hội ở Việt Nam hiệu quả
Viết bởi TS Nguyễn Hải Hữu
Thứ tư, 17 Tháng 12 2008 04:59
Công tác xã hội đã được rất nhiều nước trên thế giới công nhận là một nghề chuyên nghiệp, đội ngũ những người làm công tác xã hội trên thế giới được đào tạo rất cơ bản và đã hoạt động rất hiệu quả, góp phần to lớn vào việc xây dựng xã hội đồng thuận, lành mạnh, công bằng, vì hạnh phúc của con người.
Hiệp hội những người làm công tác xã hội thế giới đã được thành lập cách đây 82 năm, Hiệp hội đã trở thành điểm tựa tin cậy và vững chắc cho tất cả những người làm công tác xã hội trên phạm vi toàn thế giới, vì Hiệp hội chính là người bảo vệ, là người chia sẻ thông tin và nâng cao năng lực cho những người làm công tác xã hội. Song song với Hiệp hội những người làm công tác xã hội trên thế giới là Hiệp hội các trường đào tạo nhân viên công tác xã hội (Việt Nam thường gọi là cán bộ công tác xã hội), Hiệp hội này cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng chương trình đào tạo, chia sẻ kinh kinh nghiệm về đào tạo đội ngũ cán bộ công tác xã hội.

Công tác xã hội được công nhận là một nghề chuyên nghiệp ở một quốc gia là một quá trình,khi mà nó hội tụ đủ bốn yếu tố sau đây: Một là công tác xã hội được thừa nhận là một ngành đào tạo ở hệ thống các trường Đại học, Cao đẳng và Trung cấp chuyên nghiệp và có mã ngành đào tạo, Bộ giáo dục là cơ quan có thẩm quyền quyết định vấn đề này. Hai là phải ban hành được khung tiêu chuẩn nghiệp vụ chức danh cơ bản cán bộ công tác xã hội, Bộ Nội vụ chủ trì phối hợp cùng Bộ chuyên ngành là Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành khung tiêu chuẩn này. Ba là các Bộ, cơ quan chuyên ngành, trong đó Bộ Lao động Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ chốt cần phải xác định rõ vị trí làm việc của các cán bộ xã hội trong phạm vi của ngành ở cấp trung ương đến cấp địa phương, cơ sở và ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ cụ thể cho các vị trí công tác của cán bộ công tác xã hội. Bộ tiêu chuẩn nghiệp vụ cụ thể này có thể phải làm trong nhiều năm, nhưng ít nhất Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phải xác định được một số vị trí làm việc của cán bộ công tác xã hội và có tiêu chuẩn nghiệp vụ cụ thể. Thứ tư là Bộ Nội vụ phối hợp cùng Bộ Lao động Thương binh và xã hội cần xác định và hướng dẫn việc áp dụng hệ thống thang bảng lương hiện có cho đội ngũ cán bộ công tác xã hội phù hợp với vị trí công tác và trình độ đào tạo. Ngoài ra phải xây dựng được mạng lưới tổ chức cung cấp dịch vụ công tác xã hội những người trực tiếp sử dụng các cán bộ công tác xã hội đã qua đào tạo. Xây dựng Hiệp hội các nhà làm công tác xã hội và Hiệp hội các trường đào tạo công tác xã hội.Với mong muốn sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực qua đào tạo ngành công tác xã hội, trong những năm qua Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Nội vụ, Bộ giáo dục, với sự hợp tác của Quỹ nhi đồng liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF Việt Nam) đã triển khai các chiến dịch truyền thông và xây dựng đề án phát triển nghề công tác xã hội ở Việt Nam. Hy vọng trong một khoảng thời gian không xa Đề án này sẽ được các Bộ ngành thống nhất và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Khi đề án được phê duyệt, các bộ ngành sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý và tạo môi trường xã hội thuận lợi cho việc đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực công tác xã hội một cách hiệu quả hơn.

Tuy công tác xã hội chưa được công nhận là một nghề chuyên nghiệp ở nước ta, nhưng từ nhiều năm trước đây khi đất nước ta chưa thống nhất, ở Miền Nam đã có một số trường đào tạo ngành công tác xã hội, đây cũng là lớp người đầu tiên được đào tạo cơ bản và hiện nay lớp người này đã bước vào độ tuổi 70-80 tuổi; từ năm 2000 tới nay nước ta cũng đã có hàng trăm người được đào tạo cơ bản về công tác xã hội ở bậc đại học và thạc sỹ ở nước ngoài. Đây là nguồn nhân lực quý báu làm nòng cốt cho việc phát triển nguồn nhân lực trong hiện tại.

Từ năm 2004, Bộ giáo dục và Đào tạo đã ban hành mã đào tạo ngành công tác xã hội trong hệ thống giáo dục Đại học, Cao đẳng và Trung cấp chuyên nghiệp, đây là điểm khởi đầu thuận lợi cho việc phát triển nguồn nhân lực về công tác xã hội trong hiện tại và tương lai. Để đón đầu và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về dịch vụ công tác xã hội ở nước ta, hiện nay đã có trên 30 trường đại học, cao đẳng tham gia đào tạo ngành công tác xã hội, ước tính hàng năm có ít nhất 1.200 người tốt nghiệp Đại học và Cao đẳng ngành công tác xã hội và hàng trăm người tốt nghiệp trung cấp ngành công tác xã hội. Câu hỏi đặt ra là số sinh viên tốt nghiệp này ra trường đi về đâu, họ sẽ làm gì cho phù hợp với chuyên ngành được đào tạo?

Trong lúc công tác xã hội chưa được công nhận là một nghề chuyên nghiệp ở nước ta thì việc sử dụng nguồn nhân lực này như thế nào cho hiệu quả. Đây là bài toán dành cho các cơ quan quản lý và các trường Đại học, Cao đẳng trực tiếp tham gia đào tạo chuyên ngành công tác xã hội. Theo thống kê của Hiệp hội những người làm công tác xã hội thế giới cho thấy ở các quốc gia phát triển như Anh, Mỹ, Đức, Thuỵ Điển, Pháp, Nhật Bản.v.v… cứ 2000-3000 dân có một cán bộ công tác xã hội chuyên nghiệp (được đào tạo cơ bản chuyên ngành công tác xã hội ở trình độ Đại học, Cao đẳng), và khoảng 1000 dân có một cán bộ công tác xã hội bán chuyên nghiệp (đào tạo ở trình độ trung cấp, sơ cấp) về ngành công tác xã hội. Đây được coi là một trong những tiêu chí quan trọng đánh giá mức độ phát triển về công tác xã hội ở một quốc gia. Ỏ nước ta số cán bộ được đào tạo cơ bản ở trình độ Đại học, Cao đẳng chưa nhiều; số cán bộ, nhân viên trực tiếp làm việc ở các cơ sở bảo trợ xã hội, số lao động tự do trực tiếp chăm sóc người già ở các gia đình, bệnh viện theo dạng thuế mướn tạm thời cũng lên tới gần chục nghìn người; số cộng tác viên làm công tác dân số và bảo vệ chăm sóc trẻ em ở các thôn, bản lên tới 162 nghìn người.Trừ số cán bộ được đào tạo ở trình độ Đại học, cao đẳng, số còn lại hầu hết chưa qua đào tạo cơ bản, họ chỉ được tham gia các lớp tập huấn ngắn hạn nâng cao kỹ năng và hiểu biết về công tác xã hội.Vì vậy hầu hết những người này vẫn làm việc bằng kinh nghiệm mà họ học hỏi, tích luỹ được từ trong thực tiễn và bằng sự hiểu biết ít ỏi về công tác xã hội cộng với khả năng cảm nhận về nghề nghiệp, dẫn đến hiệu quả công tác xã hội còn nhiều hạn chế.

Nhu cầu về dịch công tác xã hội ở nước ta ngày một nhiều do kinh tế phát triển ngày càng nhanh và do tác động của quá trình hội nhập; Do vậy, trong khi công tác xã hội chưa được công nhận là một nghề chuyên nghiệp, các Bộ ngành liên quan cần tạo ra cơ chế phù hợp để sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực đã qua đào tạo ở trình độ đại học và cao đẳng. Việc làm trước tiên là cần xác định rõ vị trí làm việc và tiêu chuẩn hoá một số chức danh cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, cán bộ làm công tác bảo trợ xã hội thuộc khối cơ quan nhà nước từ trung ương đến cấp tỉnh, huyện, xã; một số chức danh ở các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội, một số tổ chức đoàn thể xã hội, một số tổ chức phi chính phủ có liên quan đến cung cấp dịch vụ công tác xã hội phải đạt trình độ đào tạo Đại học hoặc Cao đẳng về công tác xã hội. Số nhân viên trực tiếp chăm sóc trẻ em, người già, người khuyết tật ở các cơ sở bảo trợ xã hội, các bệnh viện hoặc hành nghề tự do chăm sóc người già, trẻ em, người khuyết tật ở gia đình phải có trình độ trung cấp, sơ cấp về công tác xã hội hoặc ít nhất cũng phải có chứng chỉ nghề (tương tương trình độ sơ cấp). Thứ hai là ưu tiên tuyển dụng những người được đào tạo cơ bản có trình độ đại học, cao đẳng về công tác xã hội vào các cơ quan quản lý nhà nước ở các cấp, các ngành, các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội, để họ có cơ hội sử dụng những kiến thức đã học vào thực tế công tác. Thứ ba tạo khung khổ pháp lý để phát triển các tổ chức cung cấp dịch vụ công tác xã hội kể cả khu vực nhà nước và khu vực tư nhân, qua đó thu hút được những người qua đào tạo cơ bản về công tác xã hội vào làm việc, khắc phục tình trạng học một nghề ra làm việc nghề khác không liên quan tới chuyên ngành mà họ được đào tạo, hạn chế tình trạng lãng phí nguồn nhân lực quý giá này.Thư tư là tạo hành lang pháp lý cho việc hành nghề tự do cung cấp dịch vụ công tác xã hội với tư cách là nhà tham vấn, tác nhân phát triển cộng đồng, nhà nghiên cứu khoa học để sử dụng số cán bộ được đào tạo cơ bản này thật sự hiệu quả. Thứ năm là tổ chức các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng xã hội về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác xã hội và dịch vụ công tác xã hội thông qua đó để “kích cầu” sử dụng dịch vụ công tác xã hội. Thứ sáu là các Bộ ngành liên quan cần nhanh chóng nghiên cứu ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật để tạo hành lang pháp lý và môi trường xã hội thuận lợi cho việc sử dụng nguồn nhân lực đã qua đào tạo cơ bản về công tác xã hội, đồng thời khẩn trương hoàn thiện đề án phát triển nghề công tác xã hội ở nước ta trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để đi vào thực hiện.

Trong bối cảnh nghề công tác xã hội ở nước ta vẫn là vấn đề mới mẻ, chưa có sự hiểu biết sâu sắc, thì cần học hỏi kinh nghiệm của các nước để làm theo, không nên quá cầu toàn trong việc chuẩn bị Đề án dẫn đến làm chận tiến trình phát triển nghề công tác xã hội ở nước ta và dẫn đến việc sử dụng lãng phí nguồn nhân lực qua đào tạo cơ bản ngành công tác xã hội ở bậc đại học và cao đẳng. Thứ bẩy là cần làm tốt công tác dự báo “cung- cầu” nguồn nhân lực về công tác xã hội để có kế hoạch đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực này một cách hiệu quả nhất, tiết kiệm chi phí đào tạo cho người học và nhà nước. Hy vọng rằng với những biện pháp cấp bách nêu trên sẽ nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu, các cơ sở đào tạo và các ban sinh viên đã và đang theo học chuyên ngành công tác xã hội.

(theo Kỷ yếu Ngày Công tác xã hội năm 2008, Đại học Lao động-Xã hội)
Theo vnsocialwork.net

Không có nhận xét nào: