30 tháng 7, 2008
Tản mạn về sức khỏe
Tản mạn về sức khỏe
Huỳnh Tấn Tài
Trong cải cách giáo dục, nhiều nguyên nhân và biện pháp được nêu ra, từ giảm tải chương trình học, biên soạn lại sách giáo khoa, nâng cao năng lực giảng dạy của giáo viên, cho đến cải tổ thi cử. Tuy nhiên, rất ít người bàn về triết lý giáo dục, giáo dục cái gì, cho ai, với đặc trưng gì. Tương tự, trong y khoa và y tế, ít ai bàn tới khái niệm cơ bản về sức khỏe, mục tiêu tối hậu của y khoa và y tế.
Tầm quan trọng của sức khỏe (tốt) được thể hiện qua hai khía cạnh:
(1) Sức khỏe được xem như một hàng hóa tiêu dùng (consuming good), Người khỏe mạnh sẽ có cảm giác sảng khoái như khi ăn kem vào mùa hè nóng nực.
(2) Sức khỏe còn được xem như một tư bản (health capital) dùng để đầu tư, một thứ hàng hóa tư bản (capital good). Một người khỏe mạnh sẽ kiếm nhiều tiền hơn một người bị bệnh tật triền miên. Với thời gian, sức khỏe, như một tài sản (assets), sẽ bị hao mòn dần, tiến đến việc cần có các dịch vụ y tế để phục hồi sức khỏe hoặc làm chậm lại tốc độ khấu hao (depreciation).1
Sức khỏe, ít nhất là tại Việt Nam hiện nay, thường được xem như là tình trạng không có bệnh tật (absence of diseases). Đó là khái niệm cổ điển về sức khỏe, mang tính chất sinh cơ học (biomechanical) hoặc sinh y học (biomedical). Khái niệm này phổ biến tại Việt Nam, trong dân chúng cũng như trong giới chuyên môn, có thể thấy trong việc xây dựng ồ ạt các bệnh viện cở lớn (1000 giường bệnh) cũng như trong việc nở rộ các phòng khám bệnh muôn màu muôn vẻ tại các thành phố lớn.
Sức khỏe tâm thần ít được quan tâm tới tại Việt Nam. Điều này cũng dễ hiểu. Với một ngày khám bệnh có lúc lên đến hàng trăm người, bác sĩ chắc chắn không đủ thời gian và tâm sức đâu mà bàn đến khía cạnh tâm thần, thường khúc mắc và khó hình dung hơn các bệnh thực thể. Nhìn vào chương trình đào tạo y khoa và theo dõi các diễn đàn y khoa của sinh viên cho thấy sức khỏe tâm thần không được tích hợp vào các cuộc thăm khám lâm sàng cũng như điều trị, ngoại trừ một số gìờ nhất định dành cho bộ môn tâm thần và thời gian đi thực tâp tại các bệnh viện tâm thần, thường là với những bệnh nhân có biểu hiện tâm thần nặng.
Sẽ thực sự không có sức khỏe, hiểu như một tình trạng an bình (state of well-being), nếu người dân phải sống trong tình trạng lo sợ triền miên về nhiều mặt như không dám ra đường vì băng đảng lộng hành, khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, vật giá leo thang v.v… Một môi trường xã hội lành mạnh là điều cần thiết cho một sức khỏe tốt.
Cuối cùng, đời sống tâm linh phải được coi như một mặt của sức khỏe toàn diện (holistic health). Không nhất thiết phải có đạo thì mới có tâm linh. Một sự quân bình về bản ngã, thế nhân, vũ trụ và siêu nhiên sẽ khiến cho đời sống phong phú thêm, làm cho sức khỏe phát triển toàn diện hơn.
Dịch vụ y tế tại Việt Nam, cũng như phần lớn dịch vụ y tế tại Hoa Kỳ, đều chú trọng vào mức độ cá nhân, mà ít chú trọng tới mức độ cộng đồng. Thực sự không có gì sai trái khi chú trọng tới cá nhân, vì cá nhân người bệnh là trung tâm điểm của săn sóc sức khỏe. Nhưng vì cá nhân sống trong cộng động, nên công đồng đóng một vai trò rất lớn vào sức khỏe của cá nhân. Từ “cộng đồng” cần được hiểu thoáng hơn là các địa gìới hành chánh, như làng xã. Cộng đồng có thể rất tĩnh, ít thay đổi trong cấu trúc và đặc trưng, hoặc rất động, như tại các khu đô thị lớn. Tìm hiểu các nhóm có quyền lợi (stakeholders), các quan tâm của các nhóm này là bước đầu cho các chương trình cộng đồng. Trong một cộng đồng, có thể nhóm cư dân định cư lâu năm có các quan tâm khác với các quan tâm của nhóm cư dân tạm trú. Tại Hoa Kỳ, các trường y khoa thường kết hợp bộ môn y khoa gia đình với bộ môn y khoa cộng đồng, thành ra có tên Department of Family Medicine and Community Medicine. Có khi bộ môn y khoa gia đình kết hợp với bộ môn y khoa dự phòng thành ra có tên Department of Family Medicine and Preventive Medicine.
Ngoài việc chữa bệnh (medical care) là điều dễ thấy nhất cho một hệ thống y tế, các dịch vụ y tế khác nhằm tiến tới một sức khỏe toàn diện bao gồm phòng ngừa bệnh tật (prevention of diseases), giáo dục sức khỏe (health education) và thăng tiến sức khỏe (health promotion). Phòng ngừa, mà tiêm chủng là một thí dụ điển hình, là một trong những phương sách hữu hiệu nhất, cho kết quả dễ thấy nhất và có hiệu quả nhất. Việc tiêm chủng Hib cho các trẻ em duới 5 tuổi, khiến cho các bác sĩ thường trú nhi khoa ngày nay tại Hoa Kỳ không còn gặp đuợc các trường hợp viêm phổi do Hemophilus influenzae nhập viện nữa. Giáo dục sức khỏe và thăng tiến sức khỏe là hai biện pháp song hành, không nhất thiết phải loại trừ nhau, cùng nhắm vào sự chủ động của bệnh nhân và sự tham dự tích cực của cộng đồng. Hút thuốc lá là một tác nhân gây ra nhiều bệnh tật. Khuyến khích không hút thuốc lá, ngoài việc giáo dục cho công chúng biết về tác dụng tai hại của thuốc lá, còn được hỗ trợ bởi sự đồng thuận của các cơ sở bằng các chính sách cấm hút thuốc lá trong khuôn viên của cơ quan, hoặc bằng chính sách công cấm hút thuốc lá ở nơi công cộng, cho tới một văn hóa xem như hút thuốc lá trước mặt người khác là bất lịch sự. Giáo dục sức khỏe và thăng tiến sức khỏe thường phải làm liên tục, đều khắp, với sự tham dự của tư nhân và chính quyền.
Sẽ là thiếu sót nếu không bàn tới các yếu tố ảnh hưởng tới sức khỏe toàn diện. Một điều dễ thấy là tại Việt Nam, để bảo đảm và tăng cường sức khỏe, hiểu theo nghĩa không có bệnh tật, chính phủ tăng cường các dịch vụ khám chữa bệnh, nhất là trong lãnh vực nội trú với các bệnh viện cỡ lớn. Các dịch vụ khám chữa bệnh thực sự chỉ ảnh hưởng ít tới sức khỏe, chủ yếu vào các bệnh cấp tính và ngoại khoa. Đối với viêm ruột thừa, nếu bệnh nhân sống ở một vùng xa xôi, thì nguy cơ chết vì viêm phúc mạc do vỡ ruột thừa cao hơn nguy cơ chết của một bệnh nhân khác cũng bị viêm ruột thừa sống ở một thành phố lớn. Yếu tố môi trường và yếu tố lối sống là hai yếu tố ảnh hưởng tới sức khỏe rất lớn; có người cho rằng tới 80% ảnh hưỏng. Các đợt dịch vừa qua và hiện nay cho thấy rằng ảnh hưởng của môi trường tới sức khỏe chưa được đánh giá và xử lý đúng mức. Uống rượu cho tới say, hút thuốc lá ở mọi nơi, chạy xe ẩu, bạo hành, ít vận động, ăn uống bừa bãi là những lối sống ảnh hưởng tới sức khỏe, trong thời gian gần cũng như thời gian xa. Rất tiếc ngân sách y tế của chính phủ Việt nam hiện tại dành rất ít cho công tác cải thiện môi trường và thay đổi lối sống. Yếu tố di truyền chỉ giữ một vai trò nhỏ đối với sức khỏe, so với môi trường và lối sống, ít nhất là với hiểu biết hiện tại.2
Trên bình diện lớn hơn, chính sách của chính phủ cũng ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe. Đã đến lúc cần đặt câu hỏi là Việt Nam liệu có cần phải tăng trưởng bằng mọi giá, bất chấp chất lượng cuộc sống, trong đó có sức khỏe. Dĩ nhiên kinh tế phải tăng trưởng tới một mức nào đó thì các tiêu chí đại thể về sức khỏe, chẳng hạn tuổi thọ từ lúc sanh (life expectancy from birth), mới có thể tốt được. Khi trên một mức GDP nào đó, thì tiêu chí chỉ tăng tiệm tiến rất chậm, phản ánh quy luật giảm biên tế phần thu (law of diminishing marginal returns). Ngoài ra, văn hóa cũng ảnh hưởng tới quan niệm sức khỏe và hệ thống y tế. Một văn hóa quen với chỉ thị từ trên đưa xuống, không chấp nhận các ý kiến khác với ý kiến chính thống, ít đặt câu hỏi thường khó tiến tới một quan niệm về sức khỏe toàn diện và một hệ thống y tế tương ứng. Cần có nhiều công trình xã hội học nghiên cứu xem người Việt Nam quan niệm như thế nào về sức khỏe và bệnh tật trong thời kỳ mới.
Các ý kiến trình bày trên có thể được tóm tắt bằng sơ đồ dưới đây.
Ghi chú:
1. Grossman (1972) phát triển một mô hình dùng để giải thích mặt cầu của sức khỏe và y tế.
2. Phần này, trong các sách về kinh tế về sức khỏe và y tế (economics of health and health care), được bàn trong phần sản xuất sức khỏe (production of health).
Huỳnh Tấn Tài
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét