4 tháng 7, 2008

TÂM LÝ SỢ SAI


TÂM LÝ SỢ SAI

Nếu bạn đã từng là sinh viên hoặc từng là giáo viên trong một lớp học, chắc chắn bạn đã trải qua tình huống này: Sự im lặng của sinh viên trước những câu hỏi đề nghị phát biểu “ý kiến cá nhân” của sinh viên. Trong một tình huống như vậy, tôi đặt câu hỏi: “Anh chị nào có ý kiến nhưng ngại không muốn phát biểu xin vui lòng giơ tay!”. Kết quả về số lượng sinh viên có ý kiến nhưng không muốn phát biểu là rất lớn so với “sự im lặng” trước đó, hơn một nữa lớp học. Tôi đã “thử nghiệm” tình huống tương tự trong nhiều lớp học khác và cũng nhận được kết quả tương tự.

Sợ sai
Tôi đã không bỏ qua “cơ hội” để đi xa hơn: “Như các anh chị thấy, tôi không bao giờ đánh giá đúng hay sai từ những phát biểu của anh chị, đơn giản vì đó là những quan điểm, những ý kiến cá nhân. Điều tôi quan tâm nếu có đó là sự hợp lý của những ý kiến mà anh chị nêu lên.” Tiếp sau lời “trấn an” này là đề nghị: “Anh chị nghĩ xem tại sao chúng ta lại ngại hoặc không muốn phát biểu dù mình có ý đó trong đầu?”. Và sau đây là những nguyên do phổ biến được các sinh viên nêu ra: 1). Không biết là ý kiến của mình đúng hay sai; 2). Có lẽ ý kiến của mình ngớ ngẩn và người khác sẽ cười nếu mình nói ra; 3). Giọng nói và khả năng trình bày của mình không tốt lắm; 4). Mình không quen nói ra ý kiến trước đám đông; 5). Đợi ai đó nói trước để xem suy nghĩ của mình có đúng không; 6). Mình không có đủ thông tin trong chuyện này; 7). Mình chẳng suy nghĩ gì cả, và vân vân…

Dù được diễn tả với những cách thức khác nhau, nhưng chúng ta dễ dàng nhìn thấy điểm chung của những nguyên do này: Sợ sai. Đây chính là điểm mấu chốt làm cho sinh viên không muốn hoặc ngại phát biểu những ý kiến riêng của mình. Kinh nghiệm của những sinh viên nói riêng và của con người nói chung về sự “sai trái” có thể đã làm cho họ trở nên sợ.

… Phải luôn đúng!
Bạn có thể nhớ lại lúc còn nhỏ bạn đã được cha mẹ và người lớn đối xử như thế nào mỗi khi bạn làm một điều sai? Trường hợp thứ nhất, bạn “thấy” sự không hài lòng của cha mẹ hoặc người lớn, tuy nhiên bạn cũng thấy cha mẹ bày tỏ sự thông cảm, tha thứ và sau đó là hướng dẫn để bạn rút kinh nghiệm cho những lần sau. Tuyệt vời, nếu bạn trong trường hợp này, bạn đã lớn lên với một sự tự tin lớn lao và mạnh mẽ trong những ý kiến và quan điểm của riêng mình. Trường hợp thứ hai, bạn bị “trừng phạt”, có thể là sự mắng nhiếc, hạ nhục, đánh đập, chỉ trích… từ cha mẹ hoặc những người lớn khác. Nếu rơi vào trường hợp này bạn sẽ thấy vô cùng chán nản, thất vọng, đau đớn và cảm thấy có lỗi. Thực tế, bạn có rút kinh nghiệm từ những sai lầm đó để làm tốt hơn trong những lần sau, nhưng cuộc đời không đơn giản như thế, bất kỳ ai trong bất kỳ thời điểm nào cũng có thể sai, và bạn đã lặp lại những sai lầm và bạn lại tiếp tục nhận những chỉ trích, mắng nhiếc, hạ nhục, đánh đập… Tệ hại hơn, sự lặp đi lặp lại cái vòng “sai - trừng phạt – đau khổ - thất vọng – rút kinh nghiệm – sai…” làm cho đến một lúc nào đó (không xa) bạn tự cho mình là “một đứa chẳng ra gì, chẳng làm được trò trống gì…”. Ngoài những “trừng phạt” là những áp lực mà cha mẹ một cách vô tình hoặc cố ý “đặt vào” bạn, đó là những điều như bạn phải thế này thế kia, bạn phải là này là nọ… sẽ làm cho bạn không còn cảm giác sống cho mình nữa mà là sống cho cha mẹ và những mong đợi của cha mẹ.

Bạn lớn hơn một chút và được đến trường. Những cảm giác sung sướng, hạnh phúc ngày đầu tiên được đến trường dường như bị “dập tắt” ngay từ những “thất bại” đầu tiên trong lớp học. Lớp học, trường học trở thành nơi “đánh giá”, phân cao thấp giữa bạn với những học sinh khác, và giáo viên là những người “canh gác”, luôn sẵn sàng cho bạn những “đánh giá” là bạn có tốt không, có đúng không… Như thế, những học sinh nào nhanh nhẹn, thông minh hoặc siêng năng hơn có thể “vượt qua” được những đánh giá của trường học, còn những học sinh chậm hơn, ít quan tâm hơn hoặc đơn giản là không thích trường học sẽ cảm thấy trường học là “địa ngục” vì nơi đó đã hạ thấp danh dự của mình, chà đạp những riêng tư của mình và là nơi để cho người khác “xúc phạm” mình. Những học sinh cảm thấy bị “xúc phạm và hạ nhục” này hoặc sẽ thất bại và rời khỏi trường học sớm hoặc sẽ trở nên “khiếp sợ” những trải nghiệm của trường học mà nỗ lực hơn. Nhưng điều này lại vô tình làm cho những học sinh đó sống vì những “kỷ luật”, vì những “hình phạt” hơn là sống cho chính mình.

Chưa hết, trong cuộc sống xã hội, bạn cũng là một con người có “thân phận” quá nhỏ bé, bạn phải chịu một hệ thống những luật lệ, những quy định mà nhiều khi nó không thỏa mãn được những nhu cầu tự nhiên của bạn. Hoặc bạn nổi loạn và phải chịu những trừng phạt, hoặc cam chịu mà làm theo. Cả hai trường hợp đều làm cho bạn phát triển một cách không khỏe mạnh. Bạn phải “thế này, thế kia”, phải sống và tuân giữ những luật lệ mà có khi bạn chẳng biết được tại sao lại phải giữ nó hoặc đôi khi nó trái với lẽ tự nhiên.

Một bối cảnh gia đình quá khắc khe và nhiều kỳ vọng, một trường học đầy những đánh giá hơn thua, cao thấp và một xã hội đầy rẫy những luật lệ hà khắc, vô lý cuối cùng sẽ làm bạn trở thành một con người “không thể trưởng thành”, không thể độc lập hay nói cách khác là luôn sợ sai.

Cần một sự tách rời
Sigmund Freud từ mấy trăm năm trước đã nói đến “sự cá nhân hóa” hay “khác biệt hóa như là một tiêu chuẩn của sự trưởng thành. Và đó là nhiệm vụ của bạn cũng như của những người có trách nhiệm trên bạn. Bạn phải được tách ra, phải trở thành chính bạn, như bạn muốn và sống cho những lý lẽ, cho những niềm tin và cho những khao khát của chính bạn. Chỉ khi nào có được những điều này thì bạn mới là một con người trưởng thành, độc lập và không còn sợ sai.

Hơn ai hết, chính bạn phải có trách nhiệm tách mình ra khỏi những ảnh hưởng và sự “chăn dắt” của người khác, cho dù đó là cha mẹ bạn, cho dù đó là đứa bạn thân nhất, và cho dù đó là những luật lệ mà số đông người ta vẫn phải giữ vì sợ dù nó không hợp lý hoặc trái với lẽ tự nhiên. Bạn phải tận dụng tối đa những cơ hội để đưa ra những quyết định cho mình, bắt đầu từ những quyết định nhỏ nhất như ăn gì, mặc gì, đi đâu, chơi với ai; đến những quyết định lớn hơn như học gì, học ở đâu, làm thêm hay không, và yêu ai; và đến những quyết định lớn hơn nữa như lập gia đình với ai, nói những gì bạn cho là đúng, thuyết phục người khác ủng hộ bạn…

Một điều vô cùng rõ ràng và “chân lý” mà nhiều người không chấp nhận, đó là: “con người luôn có thể sai vào bất kỳ thời điểm nào trong bất kỳ chuyện gì”. Như thế, công nhận mình “có thể sai” để cẩn thận hơn trong những quyết định, những kế hoạch sẽ tốt hơn rất nhiều so với buộc mình “phải luôn đúng”. Một điều khác nữa, đúng hay sai là dựa trên một tiêu chuẩn nhất định. Có những tiêu chuẩn phổ quát mà ai cũng công nhận là đúng hoặc sai, nhưng cũng có những tiêu chuẩn cá nhân hoặc những nhóm khác nhau (số nhiều) mà nó có thể đúng với cá nhân này nhưng không đúng với cá nhân kia, có thể đúng với nhóm này nhưng với nhóm khác thì không.

Có lẽ tiến bộ lớn nhất của con người ngày nay là sự tôn trọng những khác biệt của nhau, từ những điều lớn lao như khác biệt chủng tộc, màu da, tôn giáo, đẳng cấp, giới tính… đến những khác biệt nhỏ hơn và mang tính cá nhân như sở thích, suy nghĩ, ý kiến, cách thức hành động… Vì thế, bạn hoàn toàn có quyền và được khuyến khích để thể hiện những riêng biệt, những khác biệt của chính mình mà không phải sợ sai, sợ đánh giá, sợ chê cười hoặc chỉ trích.

Ngô Minh Uy
Bangkok 24/ 06/ 2008

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Chào các anh chị phụ trách trang Công tác xã hội chuyên nghiệp,

Tôi là Ngô Minh Uy, người viết bài Tâm lý sợ sai đồng thời cũng là tác giả của trang Tham vấn tâm lý mà quý anh chị đã trích bài. Có mấy vấn đề muốn trao đổi với các anh chị như sau:

1. Như đã giới thiệu trong blog Tham vấn tâm lý, mục đích của tôi là để chia sẻ thông tin với tất cả mọi người về một số vấn đề liên quan đến ngành tham vấn tâm lý. Do đó tôi không đặt vấn đề về bản quyền của những bài viết của tôi trên đó, tuy vậy các anh chị cũng biết là khi sử dụng bài của người khác thì cần thiết phải có thông tin cho người đó biết hoặc xin ý kiến.

2. Tôi đã không hề nhận được bất kỳ thông tin nào từ phía các anh chị về việc sử dụng bài viết của tôi. Vì vậy tôi mong muốn các anh chị có một câu trả lời cho tôi qua email về vấn đề này.

3. Khi sử dụng bài của tôi, các anh chị cũng đã vô tình/ cố tình không chỉ rõ nguồn trích là http://thamvantamly.wordpress.com, điều này có thể gây hiểu lầm là tôi viết bài đó cho các anh chị.

Trong tinh thần tôn trọng và trao đổi, tôi rất mong muốn nhận được phản hồi của quý anh chị sớm nhất có thể qua email của tôi tại địa chỉ: nmuyvn@yahoo.com hoặc nmuyvn@gmail.com

Chúc quý anh chị mọi điều tốt lành

Ngô Minh Uy
BKK 07/ 10/ 2008