30 tháng 7, 2008

Tản mạn về sức khỏe


Tản mạn về sức khỏe
Huỳnh Tấn Tài

Trong cải cách giáo dục, nhiều nguyên nhân và biện pháp được nêu ra, từ giảm tải chương trình học, biên soạn lại sách giáo khoa, nâng cao năng lực giảng dạy của giáo viên, cho đến cải tổ thi cử. Tuy nhiên, rất ít người bàn về triết lý giáo dục, giáo dục cái gì, cho ai, với đặc trưng gì. Tương tự, trong y khoa và y tế, ít ai bàn tới khái niệm cơ bản về sức khỏe, mục tiêu tối hậu của y khoa và y tế.

Tầm quan trọng của sức khỏe (tốt) được thể hiện qua hai khía cạnh:

(1) Sức khỏe được xem như một hàng hóa tiêu dùng (consuming good), Người khỏe mạnh sẽ có cảm giác sảng khoái như khi ăn kem vào mùa hè nóng nực.

(2) Sức khỏe còn được xem như một tư bản (health capital) dùng để đầu tư, một thứ hàng hóa tư bản (capital good). Một người khỏe mạnh sẽ kiếm nhiều tiền hơn một người bị bệnh tật triền miên. Với thời gian, sức khỏe, như một tài sản (assets), sẽ bị hao mòn dần, tiến đến việc cần có các dịch vụ y tế để phục hồi sức khỏe hoặc làm chậm lại tốc độ khấu hao (depreciation).1

Sức khỏe, ít nhất là tại Việt Nam hiện nay, thường được xem như là tình trạng không có bệnh tật (absence of diseases). Đó là khái niệm cổ điển về sức khỏe, mang tính chất sinh cơ học (biomechanical) hoặc sinh y học (biomedical). Khái niệm này phổ biến tại Việt Nam, trong dân chúng cũng như trong giới chuyên môn, có thể thấy trong việc xây dựng ồ ạt các bệnh viện cở lớn (1000 giường bệnh) cũng như trong việc nở rộ các phòng khám bệnh muôn màu muôn vẻ tại các thành phố lớn.

Sức khỏe tâm thần ít được quan tâm tới tại Việt Nam. Điều này cũng dễ hiểu. Với một ngày khám bệnh có lúc lên đến hàng trăm người, bác sĩ chắc chắn không đủ thời gian và tâm sức đâu mà bàn đến khía cạnh tâm thần, thường khúc mắc và khó hình dung hơn các bệnh thực thể. Nhìn vào chương trình đào tạo y khoa và theo dõi các diễn đàn y khoa của sinh viên cho thấy sức khỏe tâm thần không được tích hợp vào các cuộc thăm khám lâm sàng cũng như điều trị, ngoại trừ một số gìờ nhất định dành cho bộ môn tâm thần và thời gian đi thực tâp tại các bệnh viện tâm thần, thường là với những bệnh nhân có biểu hiện tâm thần nặng.

Sẽ thực sự không có sức khỏe, hiểu như một tình trạng an bình (state of well-being), nếu người dân phải sống trong tình trạng lo sợ triền miên về nhiều mặt như không dám ra đường vì băng đảng lộng hành, khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, vật giá leo thang v.v… Một môi trường xã hội lành mạnh là điều cần thiết cho một sức khỏe tốt.

Cuối cùng, đời sống tâm linh phải được coi như một mặt của sức khỏe toàn diện (holistic health). Không nhất thiết phải có đạo thì mới có tâm linh. Một sự quân bình về bản ngã, thế nhân, vũ trụ và siêu nhiên sẽ khiến cho đời sống phong phú thêm, làm cho sức khỏe phát triển toàn diện hơn.

Dịch vụ y tế tại Việt Nam, cũng như phần lớn dịch vụ y tế tại Hoa Kỳ, đều chú trọng vào mức độ cá nhân, mà ít chú trọng tới mức độ cộng đồng. Thực sự không có gì sai trái khi chú trọng tới cá nhân, vì cá nhân người bệnh là trung tâm điểm của săn sóc sức khỏe. Nhưng vì cá nhân sống trong cộng động, nên công đồng đóng một vai trò rất lớn vào sức khỏe của cá nhân. Từ “cộng đồng” cần được hiểu thoáng hơn là các địa gìới hành chánh, như làng xã. Cộng đồng có thể rất tĩnh, ít thay đổi trong cấu trúc và đặc trưng, hoặc rất động, như tại các khu đô thị lớn. Tìm hiểu các nhóm có quyền lợi (stakeholders), các quan tâm của các nhóm này là bước đầu cho các chương trình cộng đồng. Trong một cộng đồng, có thể nhóm cư dân định cư lâu năm có các quan tâm khác với các quan tâm của nhóm cư dân tạm trú. Tại Hoa Kỳ, các trường y khoa thường kết hợp bộ môn y khoa gia đình với bộ môn y khoa cộng đồng, thành ra có tên Department of Family Medicine and Community Medicine. Có khi bộ môn y khoa gia đình kết hợp với bộ môn y khoa dự phòng thành ra có tên Department of Family Medicine and Preventive Medicine.

Ngoài việc chữa bệnh (medical care) là điều dễ thấy nhất cho một hệ thống y tế, các dịch vụ y tế khác nhằm tiến tới một sức khỏe toàn diện bao gồm phòng ngừa bệnh tật (prevention of diseases), giáo dục sức khỏe (health education) và thăng tiến sức khỏe (health promotion). Phòng ngừa, mà tiêm chủng là một thí dụ điển hình, là một trong những phương sách hữu hiệu nhất, cho kết quả dễ thấy nhất và có hiệu quả nhất. Việc tiêm chủng Hib cho các trẻ em duới 5 tuổi, khiến cho các bác sĩ thường trú nhi khoa ngày nay tại Hoa Kỳ không còn gặp đuợc các trường hợp viêm phổi do Hemophilus influenzae nhập viện nữa. Giáo dục sức khỏe và thăng tiến sức khỏe là hai biện pháp song hành, không nhất thiết phải loại trừ nhau, cùng nhắm vào sự chủ động của bệnh nhân và sự tham dự tích cực của cộng đồng. Hút thuốc lá là một tác nhân gây ra nhiều bệnh tật. Khuyến khích không hút thuốc lá, ngoài việc giáo dục cho công chúng biết về tác dụng tai hại của thuốc lá, còn được hỗ trợ bởi sự đồng thuận của các cơ sở bằng các chính sách cấm hút thuốc lá trong khuôn viên của cơ quan, hoặc bằng chính sách công cấm hút thuốc lá ở nơi công cộng, cho tới một văn hóa xem như hút thuốc lá trước mặt người khác là bất lịch sự. Giáo dục sức khỏe và thăng tiến sức khỏe thường phải làm liên tục, đều khắp, với sự tham dự của tư nhân và chính quyền.

Sẽ là thiếu sót nếu không bàn tới các yếu tố ảnh hưởng tới sức khỏe toàn diện. Một điều dễ thấy là tại Việt Nam, để bảo đảm và tăng cường sức khỏe, hiểu theo nghĩa không có bệnh tật, chính phủ tăng cường các dịch vụ khám chữa bệnh, nhất là trong lãnh vực nội trú với các bệnh viện cỡ lớn. Các dịch vụ khám chữa bệnh thực sự chỉ ảnh hưởng ít tới sức khỏe, chủ yếu vào các bệnh cấp tính và ngoại khoa. Đối với viêm ruột thừa, nếu bệnh nhân sống ở một vùng xa xôi, thì nguy cơ chết vì viêm phúc mạc do vỡ ruột thừa cao hơn nguy cơ chết của một bệnh nhân khác cũng bị viêm ruột thừa sống ở một thành phố lớn. Yếu tố môi trường và yếu tố lối sống là hai yếu tố ảnh hưởng tới sức khỏe rất lớn; có người cho rằng tới 80% ảnh hưỏng. Các đợt dịch vừa qua và hiện nay cho thấy rằng ảnh hưởng của môi trường tới sức khỏe chưa được đánh giá và xử lý đúng mức. Uống rượu cho tới say, hút thuốc lá ở mọi nơi, chạy xe ẩu, bạo hành, ít vận động, ăn uống bừa bãi là những lối sống ảnh hưởng tới sức khỏe, trong thời gian gần cũng như thời gian xa. Rất tiếc ngân sách y tế của chính phủ Việt nam hiện tại dành rất ít cho công tác cải thiện môi trường và thay đổi lối sống. Yếu tố di truyền chỉ giữ một vai trò nhỏ đối với sức khỏe, so với môi trường và lối sống, ít nhất là với hiểu biết hiện tại.2

Trên bình diện lớn hơn, chính sách của chính phủ cũng ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe. Đã đến lúc cần đặt câu hỏi là Việt Nam liệu có cần phải tăng trưởng bằng mọi giá, bất chấp chất lượng cuộc sống, trong đó có sức khỏe. Dĩ nhiên kinh tế phải tăng trưởng tới một mức nào đó thì các tiêu chí đại thể về sức khỏe, chẳng hạn tuổi thọ từ lúc sanh (life expectancy from birth), mới có thể tốt được. Khi trên một mức GDP nào đó, thì tiêu chí chỉ tăng tiệm tiến rất chậm, phản ánh quy luật giảm biên tế phần thu (law of diminishing marginal returns). Ngoài ra, văn hóa cũng ảnh hưởng tới quan niệm sức khỏe và hệ thống y tế. Một văn hóa quen với chỉ thị từ trên đưa xuống, không chấp nhận các ý kiến khác với ý kiến chính thống, ít đặt câu hỏi thường khó tiến tới một quan niệm về sức khỏe toàn diện và một hệ thống y tế tương ứng. Cần có nhiều công trình xã hội học nghiên cứu xem người Việt Nam quan niệm như thế nào về sức khỏe và bệnh tật trong thời kỳ mới.

Các ý kiến trình bày trên có thể được tóm tắt bằng sơ đồ dưới đây.

Ghi chú:
1. Grossman (1972) phát triển một mô hình dùng để giải thích mặt cầu của sức khỏe và y tế.

2. Phần này, trong các sách về kinh tế về sức khỏe và y tế (economics of health and health care), được bàn trong phần sản xuất sức khỏe (production of health).

Huỳnh Tấn Tài

An sinh xã hội là gì?


An sinh xã hội là gì?
Khái niệm

Để hiểu rõ khái niệm an sinh xã hội (ASXH), cần nhìn lại lịch sử phát triển của nhân loại.

Con người muốn tồn tại và phát triển trước hết phải ăn, mặc, ở... Để thoả mãn nhu cầu tối thiểu này, con người phải lao động làm ra những sản phẩm cần thiết. Của cải xã hội càng nhiều, mức độ thoả mãn nhu cầu càng cao, nghĩa là việc thoả mãn nhu cầu phụ thuộc vào khả năng lao động của con người. Tuy nhiên, trong suốt cuộc đời, không phải khi nào con người cũng có thể lao động tạo ra được thu nhập. Trái lại, có rất nhiều trường hợp khó khăn, bất hạnh, rủi ro xảy ra làm cho con người bị giảm, mất thu nhập hoặc các điều kiện sinh sống khác, chẳng hạn, bị bất ngờ ốm đau, tai nạn, mất người nuôi dưỡng, tuổi già, tử vong... Hơn nữa, cuộc sống của con người trên trái đất phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện tự nhiên và môi trường sống. Những điều kiện thiên nhiên và xã hội không thuận lợi đã làm cho một bộ phận dân cư cần phải có sự giúp đỡ nhất định để bảo đảm cuộc sống bình thường. Do đó, để tồn tại và phát triển, con người đã có nhiều biện pháp khác nhau để khắc phục khó khăn.

Từ xa xưa, trước những khó khăn, rủi ro trong cuộc sống, con người đã tự khắc phục, như câu phương ngôn “tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn”; đồng thời, còn được sự san sẻ, đùm bọc, cưu mang của cộng đồng. Sự tương trợ dần dần được mở rộng và phát triển dưới nhiều hình thức khác nhau. Những yếu tố đoàn kết, hướng thiện đó đã tác động tích cực đến ý thức và công việc xã hội của các Nhà nước dưới các chế độ xã hội khác nhau. Trong quá trình phát triển xã hội, đặc biệt là từ sau cuộc cách mạng công nghiệp, hệ thống ASXH đã có những cơ sở để hình thành và phát triển. Quá trình công nghiệp hoá làm cho đội ngũ người làm công ăn lương tăng lên, cuộc sống của họ phụ thuộc chủ yếu vào thu nhập do lao động làm thuê đem lại. Sự hẫng hụt về tiền lương trong các trường hợp bị ốm đau, tai nạn, rủi ro, bị mất việc làm hoặc khi về già..., đã trở thành mối đe doạ đối với cuộc sống bình thường của những người không có nguồn thu nhập nào khác ngoài tiền lương. Sự bắt buộc phải đối mặt với những nhu cầu thiết yếu hàng ngày đã buộc những người làm công ăn lương tìm cách khắc phục bằng những hành động tương thân, tương ái (lập các quỹ tương tế, các hội đoàn...); đồng thời, đòi hỏi giới chủ và Nhà nước phải có trợ giúp bảo đảm cuộc sống cho họ.

Năm 1850, lần đầu tiên ở Đức, nhiều Bang đã thành lập quỹ ốm đau và yêu cầu công nhân phải đóng góp để dự phòng khi bị giảm thu nhập vì bệnh tật. Từ đó, xuất hiện hình thức bắt buộc đóng góp. Lúc đầu chỉ có giới thợ tham gia, dần dần các hình thức bảo hiểm mở rộng ra cho các trường hợp rủi ro nghề nghiệp, tuổi già và tàn tật. Đến cuối những năm 1880, ASXH (lúc này là BHXH) đã mở ra hướng mới. Sự tham gia là bắt buộc và không chỉ người lao động đóng góp mà giới chủ và Nhà nước cũng phải thực hiện nghĩa vụ của mình (cơ chế ba bên). Tính chất đoàn kết và san sẻ lúc này được thể hiện rõ nét: mọi người, không phân biệt già - trẻ, nam - nữ, người khoẻ - người yếu mà tất cả đều phải tham gia đóng góp.

Mô hình này của Đức đã lan dần ra châu Âu, sau đó sang các nước Mỹ Latin, rồi đến Bắc Mỹ và Canada vào những năm 30 của thế kỷ XX. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, ASXH đã lan rộng sang các nước giành được độc lập ở châu á, châu Phi và vùng Caribê. Ngoài BHXH, các hình thức truyền thống về tương tế, cứu trợ xã hội cũng tiếp tục phát triển để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn như những người già cô đơn, người tàn tật, trẻ em mồ côi, người goá bụa và những người không may gặp rủi ro vì thiên tai, hoả hoạn... Các dịch vụ xã hội như dịch vụ y tế, dự phòng tai nạn, dự phòng y tế tái thích ứng; dịch vụ đặc biệt cho người tàn tật, người già, bảo vệ trẻ em... được từng bước mở rộng ở các nước theo những điều kiện tổ chức, chính trị, kinh tế - xã hội, tài chính và quản lý khác nhau. Hệ thống ASXH được hình thành và phát triển rất đa dạng dưới nhiều hình thức khác nhau ở từng quốc gia, trong từng giai đoạn lịch sử, trong đó BHXH là trụ cột chính. Đạo luật đầu tiên về ASXH (Social Security) trên thế giới là Đạo luật năm 1935 ở Mỹ.

Đạo luật này quy định thực hiện chế độ bảo vệ tuổi già, chế độ tử tuất, tàn tật và trợ cấp thất nghiệp. Thuật ngữ ASXH được chính thức sử dụng. Đến năm 1941, trong Hiến chương Đại Tây Dương và sau đó Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) chính thức dùng thuật ngữ này trong các công ước quốc tế. ASXH đã được tất cả các nước thừa nhận là một trong những quyền con người. Nội dung của ASXH đã được ghi nhận trong Tuyên ngôn nhân quyền do Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 10/12/1948. Trong bản Tuyên ngôn có viết: "Tất cả mọi người với tư cách là thành viên của xã hội có quyền hưởng ASXH. Quyền đó đặt cơ sở trên sự thoả mãn các quyền về kinh tế, xã hội và văn hoá cần cho nhân cách và sự tự do phát triển con người...". Ngày 25/6/1952, Hội nghị toàn thể của ILO đã thông qua Công ước số 102, được gọi là Công ước về ASXH (tiêu chuẩn tối thiểu) trên cơ sở tập hợp các chế độ về ASXH đã có trên toàn thế giới thành 9 bộ phận.

Tuy nhiên, cho đến nay, do tính chất phức tạp và đa dạng của ASXH nên vẫn còn nhiều nhận thức khác nhau về vấn đề này. Khái niệm về ASXH cũng còn khá khác biệt giữa các quốc gia.

Theo tiếng Anh, ASXH thường được gọi là Social Security và khi dịch ra tiếng Việt, ngoài ASXH thì thuật ngữ này còn được dịch là bảo đảm xã hội, bảo trợ xã hội, an ninh xã hội, an toàn xã hội… với những ý nghĩa không hoàn toàn tương đồng nhau. Theo nghĩa chung nhất, Social Security là sự đảm bảo thực hiện các quyền của con người được sống trong hòa bình, được tự do làm ăn, cư trú, di chuyển, phát biểu chính kiến trong khuôn khổ luật pháp; được bảo vệ và bình đẳng trước pháp luật; được học tập, được có việc làm, có nhà ở; được đảm bảo thu nhập để thoả mãn những nhu cầu sinh sống thiết yếu khi bị rủi ro, tai nạn, tuổi già…Theo nghĩa này thì tầm “ bao” của Social Security rất lớn và vì vậy khi dịch sang tiếng Việt có nhiều nghĩa như trên cũng là điều dễ hiểu. Theo nghĩa hẹp, Social Security được hiểu là sự bảo đảm thu nhập và một số điều kiện sinh sống thiết yếu khác cho người lao động và gia đình họ khi bị giảm hoặc mất thu nhập do bị giảm hoặc mất khả năng lao động hoặc mất việc làm; cho những người già cả, cô đơn, trẻ em mồ côi, người tàn tật, những người nghèo đói và những người bị thiên tai, dịch hoạ…Theo chúng tôi, ASXH mà chúng ta đang nói tới, nên được hiểu theo nghĩa hẹp của khái niệm Social Security này. Bên cạnh khái niệm này, từ những cách tiếp cận khác nhau, một số nhà khoa học đưa ra những khái niệm rộng- hẹp khác nhau về ASXH, chẳng hạn:

- Theo H. Beveridge, nhà kinh tế học và xã hội học người Anh (1879-1963), ASXH là sự bảo đảm về việc làm khi người ta còn sức làm việc và bảo đảm một lợi tức khi người ta không còn sức làm việc nữa.

- Trong Đạo luật về ASXH của Mỹ, ASXH được hiểu khái quát hơn, đó là sự bảo đảm của xã hội, nhằm bảo tồn nhân cách cùng giá trị của cá nhân, đồng thời tạo lập cho con người một đời sống sung mãn và hữu ích để phát triển tài năng đến tột độ.

Để dễ thống nhất, theo chúng tôi nên dùng khái niệm của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) đang sử dụng: ASXH là sự bảo vệ của xã hội đối với các thành viên của mình thông qua một loạt biện pháp công cộng, nhằm chống lại những khó khăn về kinh tế và xã hội do bị ngừng hoặc giảm thu nhập, gây ra bởi ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, thất nghiệp, thương tật, tuổi già và chết; đồng thời đảm bảo các chăm sóc y tế và trợ cấp cho các gia đình đông con.

Như vậy, về mặt bản chất, ASXH là góp phần đảm bảo thu nhập và đời sống cho các công dân trong xã hội. Phương thức hoạt động là thông qua các biện pháp công cộng. Mục đích là tạo ra sự “an sinh” cho mọi thành viên trong xã hội và vì vậy mang tính xã hội và tính nhân văn sâu sắc.

Các bộ phận của ASXH

Về mặt cấu trúc, trên giác độ khái quát nhất, ASXH gồm những bộ phận cơ bản là:

- Bảo hiểm xã hội.

- Trợ giúp xã hội.

- Trợ cấp gia đình.

- Các quỹ tiết kiệm xã hội.

- Các dịch vụ xã hội khác được tài trợ bằng nguồn vốn công cộng…

Nội dung chi tiết của những bộ phận này của ASXH sẽ được chúng tôi giới thiệu trong các kỳ tới, trong bài này chỉ nêu rất khái quát.

Bảo hiểm xã hội

Đây là bộ phận lớn nhất trong hệ thống ASXH. Có thể nói, không có BHXH thì không thể có một nền ASXH vững mạnh. BHXH ra đời và phát triển từ khi cuộc cách mạng công nghiệp xuất hiện ở châu Âu. BHXH nhằm bảo đảm cuộc sống cho những người công nhân công nghiệp và gia đình họ trước những rủi ro xã hội như ốm đau, tai nạn, mất việc làm..., làm giảm hoặc mất thu nhập. Tuy nhiên, cũng do tính lịch sử và phức tạp của vấn đề, khái niệm BHXH đến nay cũng chưa được hiểu hoàn toàn thống nhất và gần đây có xu hướng hòa nhập giữa BHXH với ASXH. Khi đề cập đến vấn đề chung nhất, người ta dùng khái niệm SOCIAL SECURITY và vẫn dịch là BHXH, nhưng khi đi vào cụ thể từng chế độ thì BHXH được hiểu theo nghĩa của từ SOCIAL INSURANCE. Tuy nhiên, sự hòa nhập này không có nghĩa là hai thuật ngữ này là một. Theo nghĩa hẹp, cụ thể, có thể hiểu BHXH là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập cho người lao động khi họ mất hoặc giảm khoản thu nhập từ nghề nghiệp do bị mất hoặc giảm khả năng lao động hoặc mất việc làm, thông qua việc hình thành và sử dụng một quỹ tài chính do sự đóng góp của các bên tham gia bảo hiểm xã hội, nhằm góp phần bảo đảm an toàn đời sống của người lao động và gia đình họ; đồng thời góp phần bảo đảm an toàn xã hội.

BHXH có những điểm cơ bản là: BHXH dựa trên nguyên tắc cùng chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia; đòi hỏi tất cả mọi người tham gia phải đóng góp tạo nên một quỹ chung; các thành viên được hưởng chế độ khi họ gặp các “sự cố” và đủ điều kiện để hưởng; chi phí cho các chế độ được chi trả bởi quỹ BHXH; nguồn quỹ được hình thành từ sự đóng góp của những người tham gia, thường là sự chia sẻ giữa chủ sử dụng lao động và người lao động, với một phần tham gia của Nhà nước; đòi hỏi tham gia bắt buộc, trừ những trường hợp ngoại lệ; phần tạm thời chưa sử dụng của Quỹ được đầu tư tăng trưởng, nâng cao mức hưởng cho người thụ hưởng chế độ BHXH; các chế độ được bảo đảm trên cơ sở các đóng góp BHXH, không liên quan đến tài sản của người hưởng BHXH; các mức đóng góp và mức hưởng tỷ lệ với thu nhập trước khi hưởng BHXH…

Trợ giúp xã hội

Đó là sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội về thu nhập và các điều kiện sinh sống thiết yếu khác đối với mọi thành viên của xã hội trong những trường hợp bất hạnh, rủi ro, nghèo đói, không đủ khả năng để tự lo được cuộc sống tối thiểu của bản thân và gia đình.

Trợ giúp xã hội là sự giúp đỡ thêm của cộng đồng và xã hội bằng tiền hoặc bằng các điều kiện và phương tiện thích hợp để đối tượng được giúp đỡ có thể phát huy khả năng tự lo liệu cuộc sống cho mình và gia đình, sớm hòa nhập trở lại với cuộc sống của cộng đồng.

Trợ giúp xã hội có đặc điểm:

- Thuế được dùng để tài trợ cho các chương trình xã hội đa dạng để chi trả trợ cấp.

- Trợ cấp được chi trả khi các điều kiện theo quy định được đáp ứng.

- Thẩm tra tài sản (thu nhập, tài sản và vốn) thường dùng được xác định mức hưởng trợ cấp.

Trợ cấp gia đình

-Trong hệ thống ASXH của nhiều nước quy định chế độ BHXH dựa trên những nhu cầu đặc biệt và có những chi phí bổ sung gắn với gia đình.

- Những phương pháp áp dụng bao gồm việc sử dụng cơ cấu thuế để gắn với trách nhiệm gia đình. Người không có con phải nộp thuế cao hơn những người có con; người ít con phải nộp thuế nhiều hơn người đông con…

Các quỹ tiết kiệm xã hội

Ngoài BHXH, trong hệ thống ASXH của nhiều nước có tổ chức các quỹ tiết kiệm dựa trên đóng góp cá nhân.

- Những đóng góp được tích tụ dùng để chi trả cho các thành viên khi sự cố xảy ra. Đóng góp và khoản sinh lời được chi trả một lần theo những quy định.

- Từng cá nhân nhận khoản đóng góp của mình và khoản sinh lời, không chia sẻ rủi ro cho người khác…

Các dịch vụ xã hội được tài trợ bằng nguồn vốn công cộng

Ở nhiều nước, đặc biệt là ở các nước phát triển, trong hệ thống ASXH có nhiều dạng dịch vụ xã hội, được tài trợ bằng nguồn vốn công cộng (ngân sách Nhà nước), bao gồm:

- Trợ cấp cơ bản cho mọi cư dân, hoặc tất cả những người đã từng làm việc trong một khoảng thời gian nhất định.

- Trợ cấp này không liên quan đến tài sản trước đó của người thụ hưởng; các chế độ được chi trả từ ngân sách Nhà nước.

Trách nhiệm từ chủ sử dụng lao động

- Thường chỉ là hệ thống tai nạn nghề nghiệp hoặc hệ thống đền bù cho người lao động.

- Chủ yếu liên quan đến tai nạn tại nơi làm việc và bệnh nghề nghiệp.

- Trách nhiệm của chủ sử dụng lao động đối với chăm sóc y tế và bồi thường tuỳ theo mức độ tai nạn và bệnh nghề nghiệp.

- Có thể bao gồm một phần để chi trả chế độ cho người lao động trong thời gian ngừng việc (nằm trong chế độ BHXH).

Dịch vụ xã hội khác

- Quy định thêm về ASXH dưới các hình thức khác.

- Khi không có hệ thống ASXH.

- Có thể được thực hiện bởi các tổ chức tự nguyện hoặc phi Chính phủ.

- Bao gồm các dịch vụ đối với người già, người tàn tật, trẻ em, phục hồi chức năng cho người bị tai nạn và tàn tật, các hoạt động phòng chống trong y tế (ví dụ tiêm phòng), kế hoạch hóa gia đình.

TS. Mạc Tiến Anh (Theo tapchibaohiemxahoi.org)

Lĩnh vực y tế cần phải có nhân viên công tác xã hội


Lĩnh vực y tế cần phải có nhân viên công tác xã hội

Theo nhận xét của GS.TS Phạm Huy Dũng, Trường ĐH Thăng Long, đây là một cách nhằm giới thiệu công tác xã hội (CTXH) vào lĩnh vực y tế, vì y tế công cộng đã được ngành y tế chấp nhận.

Việc đào tạo nhân viên CTXH - y tế công cộng là một con đường phù hợp nhằm giới thiệu nhân viên công tác xã hội vào ngành y tế của Việt Nam.

GS Dũng đưa ra 10 lý do cần có nhân viên công tác xã hội trong ngành y tế, đó là:

Nhân viên CTXH cùng với các bác sĩ và y tá chăm sóc bệnh nhân hiệu quả hơn, do trên thực tế có nhiều điều hiểu lầm giữa nhân viên y tế và bệnh nhân. Đa số bệnh nhân đến các cơ sở y tế đều từ vùng nông thôn, họ không biết cách thức liên hệ với các phòng ban trong bệnh viện nên cần được chỉ dẫn.

Một số bệnh nhân có vấn đề về tâm lý và tình cảm có thể ảnh hưởng đến kết quả chăm sóc y tế và can thiệp của y học, nên cần có nhân viên CTXH làm việc với kỹ năng khéo léo. Nhiều vấn đề về sức khỏe khác cũng đòi hỏi cần có nhân viên CTXH và chăm sóc y tế như HIV/AIDS, tiểu đường...

Các nhân viên thực hiện chương trình y tế cộng đồng làm việc có liên quan tới công tác phát triển cộng đồng, nhưng họ không được đào tạo để thực hiện các nhiệm vụ đó, mới chỉ được nhận diện như là cái gì đó về xã hội học, tâm lý học... Ở những nước mà nghề CTXH đã phát triển thì công tác này đều bắt đầu từ bệnh viện. Bởi vậy, Việt Nam hiện nay có thể giới thiệu y tế công cộng và CTXH đồng thời vào bệnh viện.

Từ những nhận định trên, GS Dũng đưa ra chương trình đào tạo về CTXH như chương trình nên bao gồm các nội dung cơ bản của chương trình đào tạo y tế công cộng và CTXH, gồm các chính sách đảm bảo xã hội và chính sách về vấn đề sức khỏe, CTXH với các bệnh mãn tính...

Chương trình đào tạo kép trình độ thạc sĩ y tế công cộng và CTXH cần tập trung vào nghiên cứu và phương pháp phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam. Dịch tễ học, nghiên cứu CTXH và thống kê y sinh nhất thiết phải đưa vào giảng dạy.

Cũng cần phải xem xét việc đặt ra các bài tập và hoạt động thực hành, để sinh viên ra trường có thể áp dụng được kiến thức tương tự với công việc hằng ngày của họ mai sau. Đào tạo kép cũng cần nhấn mạnh vào các lĩnh vực như quản trị trong việc đảm bảo sức khỏe và xã hội, phân tích các chính sách này.

Theo Hoàng Minh Nguyệt (TTXVN)

29 tháng 7, 2008

Hội nghị can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện


Hội nghị can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện
Trong 2 ngày 28-29/7/2008, tại Hà Nội đã diễn ra hội nghị nói trên do Uỷ ban Quốc gia Phòng chống AIDS và Phòng chống tệ nạn ma tuý, mại dâm tổ chức . Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm Trương Vĩnh Trọng chủ trì hội nghị. Cùng dự, có Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Bạch Hồng, cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban ngành là thành viên của Uỷ ban, đại diện lãnh đạo của 64 tỉnh, thành phố, đại diện lãnh đạo Sở Y tế, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Công an một số tỉnh và một số tổ chức quốc tế về lĩnh vực can thiệp giảm tác hại và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện.
Báo cáo về công tác can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu cho biết, tính đến ngày 30/6/2008, cả cước có 129.722 người nhiễm HIV và 26.840 bệnh nhân AIDS đang còn sống, 39.664 số bệnh nhận AIDS đã tử vong. Dịch HIV ở Việt Nam đang trong giai đoạn tập trung, có nghĩa là tỷ lệ nhiễm HIV rất cao trong nhóm nghiện chích ma tuý, nhóm gái mại dâm. Theo khuyến cáo của các tổ chức quốc tế, đây là thời điểm thích hợp để triển khai các biện pháp can thiệp giảm tác hại. Và tại Việt Nam, Chương trình Can thiệp giảm tác hại được coi là một trong 4 chương trình ưu tiên của Chiến lược Quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn 2020, được coi là quả đấm thép khống chế lây nhiễm HIV trong nhóm nguy cơ cao và từ nhóm này lây ra cộng đồng.
Những năm qua, hoạt động chuyên môn của Chương trình can thiệp của Việt Nam tập trung vào việc cung cấp và hướng dẫn sử dụng bơm kim tiêm sạch và bao cao su, chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone, ngoài ra là các hoạt động chuyên môn khác. Đến tháng 5/2008, số bơm kim tiêm được phát ra trên các địa phương trên cả nước là 5.127.809 chiếc và số bơm kim tiêm đã sử dụng được thu gom là 2.925.256 chiếc, số bao cao su được phân phát và bán ra là hơn 15.000.000 chiếc. Chương trình Methadone cũng đã bắt đầu triển khai tại Hải Phòng và Thành phố Hồ Chính Minh Đến ngày 18/7/2009, tại 5 điểm đã điều trị cho 209 bệnh nhân.
Về khó khăn và tồn tại trong Chương trình can thiệp giảm tác hại, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết số tỉnh, thành phố triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại còn thấp. Hiện vẫn còn 22 địa phương chưa triển khai. Độ bao phủ của chương trình cũng thấp, chỉ có 32% xã, phường triển khai chương trình bao cao su, 19% xã, phường triển khai chương trình bơm kim tiêm và lượng bơm kim tiêm phát ra chỉ bao phủ khoảng 15-20% nhu cầu thực tế. Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố phải: đưa Chương trình phòng, chống HIV/AIDS là một trong các chương trình trọng tâm trong kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng và phê duyệt kế hoạch hành động về công tác can thiệp và tổ chức triển khai thực hiện; các tỉnh trọng điểm và các tỉnh miền núi phía Bắc như Sơn la, Điện Biên, Cao Bằng, Bắc Cạn và Yên Bái cần phải đặc biệt chú trọng triển khai trên diện rộng chương trình cung cấp bơm kim tiêm vì các trường hợp nhiễm HIV trên địa bàn các tỉnh này chủ yếu là tiêm chích ma tuý; chỉ dạo UBND tuyến quận huyện, xã phường tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn và mở rộng địa bàn triển khai chương trình.
Liên quan đến Chương trình can thiệp giảm tác hại, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Bạch Hồng cũng đã trình bày công tác cai nghiện phục hồi cho người nghiện ma tuý ở Việt Nam. Hiện nay hệ thống trung tâm cai nghiện ma tuý trên cả nước có 109 cơ sở với khả năng tiếp nhận từ 50.000 – 60.000 đối tượng. Và cho tới nay, các mô hình cai nghiện phục hồi có nhiều thành công và điển hình là mô hình cai nghiện 3 giai đoạn dựa vào công trường 06 của Tuyên Quang; Mô hình cai nghiện tập trung tại trung tâm kết hợp với quản lý sau cai tại gia đình, cộng đồng ở Mường Hum - Lào Cai; Mô hình cai nghiện tại gia đình và cộng động (xã phường) tại Nam Định, Hòa Bình, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Phú Thọ; Mô hình quản lý sau cai theo các Câu lạc bộ B93 của Hà Nội; Mô hình cai nghiện, quản lý và tổ chức dạy nghề, tạo việc làm sau cai theo tình thần Nghị quyết 16/2003/QH11 (tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội…). Trong 7 năm, từ năm 2001-2007, số người được cai ngày càng tăng mạnh, chất lượng được nâng lên rõ rệt với tổng số cai được là 269.149 người và đã có 43.096 người sau cai được tạo việc làm, tỷ lệ tái nghiện giảm từ 90-100% trước năm 2000 nay xuống còn 70-80% và hạn chế được tốc độ gia tăng người nghiện mới. 6 tháng đầu năm, cả nước đã cai nghiện cho 24.335 người, đạt 48,5% so với kế hoạch được giao (50.000 người), trong đó, tại trung tâm là 21.205 người và tại cộng đồng là 3.130 người.
Những khó khăn trong công tác cai nghiện phục hồi được Thứ trưởng Lê Bạch Hồng đưa ra trước hội nghị là hiện nay cả nước có 87 Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội mới chỉ tiếp nhận được 40% số người nghiện có hồ sơ quản lý vào cai nghiện, trong đó có tới 45% trung tâm chỉ có khả năng tiếp nhận từ 15-20% số người nghiện, điều kiện cơ sở vật chất không đáp ứng được quy trình cai nghiện. Cai nghiện tại cộng đồng cũng gặp khá nhiều khó khăn về địa điểm cai, đội ngũ, giáo viên…Vì vậy, việc thực hiện mục tiêu đến 2010 phải đưa được 80% số người nghiện vào cai nghiện là một vấn đề phải xem xét nếu như không được quan tâm đầu tư về thiết y tế, thiết bị dạy nghề, học nghề tại các trung tâm.
Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ làm công tác cai nghiện thiếu về số lượng, yếu về nghiệp vụ chuyên môn và rất khó khăn thu hút người có trình độ năng lực vào làm việc bởi do chính sách hiện tại chưua đủ sức khuyển khích họ. Trong khi đó, 90% trung tâm đều ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện sinh hoạt khó khăn, môi trường làm việc phức tạp, 50-60% người nghiện có tiền án, tiền sự, 20-30% có các bệnh nhiễm trùng cơ hội như lao, viêm gan. Việc giáo dục, tư vấn giúp đỡ chuyển đổi hành vi cho người nghiện là cả một quá trình mất nhiều công sức bởi thời gian nghiện từ 3-7 năm chiếm 70%. Trên 80% sử dụng Heroin và thông qua con đường tiêm chích.
Việc quản lý sau cai của chính quyền đoàn thể ở cơ sở chưa thực sự được quan tâm giúp đỡ. Đặc biệt, việc kiềm chế người nghiện mới phát sinh và giảm tỷ lệ tái nghiện xuống 60-70% là rất khó bởi môi trường ma tuý hiện nay chưa được ngăn chặn.
Hơn nữa, tình trạng kỳ thị, xa lánh của gia đình cộng đồng đối với người nghiện vẫn còn tồn tại. Một khó khăn nữa là phác đồ điều trị chưa theo kịp với tình hình diễn biến và sử dụng ma tuý
Hội nghị không chỉ đề cập đến chương trình can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV, công tác cai nghiện phục hồi cho người nghiện ma tuý ở Việt Nam, thực trạng nghiện các chất dạng thuốc phiện và các phương pháp điều trị tại Việt Nam mà điều quan trọng hơn là các nhà quản lý, các chuyên gia của Việt Nam đã có cơ hội được nghe các giáo sư, chuyên gia quốc tế trình bày tổng quan về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện, hay được chia sẻ kinh nghiệm của thế giới về liệu pháp điều trị duy trì bằng thuốc Methadone, hay về hiệu quả kinh tế của các biện pháp điều trị lệ thuộc heroin hoặc thuốc phiện./.
Mỹ Hạnh
Nguồn: MOLISA

28 tháng 7, 2008

Nhân viên xã hội và "sống đơn giản"


Nhân viên xã hội và "sống đơn giản"
Sáng thứ bảy, ngày 21-6-2008, Hội quán Đến với nhau đã tổ chức một buổi sinh hoạt chuyên đề về “Sống đơn giản” do cô Nguyễn Thị Oanh trình bày. Số người đến tham dự rất đông, người già thì có đến 81 người, tuổi trẻ thì khoảng 13 người; đủ các thành phần: nhân viên xã hội (NVXH), nhà văn, tu sĩ, sinh viên, giáo viên….

Đến phần thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm thì sôi nổi, hết giờ rồi mà vẫn còn ý kiến. Là một NVXH, tôi cảm nhận được lối sống đơn giản theo nghề nghiệp của mình như sau:

Trong xã hội, ai cũng có nhu cầu tự khẳng định mình về vị trí, đẳng cấp theo nhiều kiểu khác nhau. Nhà kinh doanh khẳng định bằng những biệt thự đồ sộ, xe hơi loại mắc tiền, những buổi tiệc tại nhà hàng sang trọng. Thế còn NVXH đã khẳng định mình như thế nào. Nhìn chung tuy không sang trọng như nhà doanh nghiệp nhưng cũng không phải là không có. Tôi có dịp làm việc với một vài cán bộ dự án của một INGO, lương lãnh bằng đô (dollar), công tác phí cũng bằng đô, dĩ nhiên mức sống cũng không thể giống như cán bộ địa phương. Trong những lần tôi đi tập huấn ở cơ sở, chứng kiến không ít lần cán bộ dự án INGO lảng tránh những quán bình dân mà học viên vào ăn. Về phòng ở, nếu ở cùng khách sạn thì phòng của họ phải là "deluxe" (sang), hoặc họ ở khách sạn khác với khách sạn học viên ở. Mỗi "đẳng cấp" đều có tiêu chuẩn riêng, tuy nhiên có cần phải phân biệt một cách rạch ròi như vậy hay không? Trong buổi hội thảo, vài tham dự viên đề cập đến phương tiện làm việc của một tập huấn viên. Thời buổi này đi tập huấn mà thiếu máy vi tính xách tay, đèn chiếu thì có vẻ yếu, không được “pro” cho lắm. Ai ai cũng có, cũng dùng chương trình powerpoint, mình không dùng thì ngó “không giống ai”. Điều này có thể đồng nghĩa với thiếu tự tin và không thấy giá trị thực của chính mình. Thực tế Powerpoint là một phương tiện hữu hiệu trong tập huấn, nhưng không phải tuyệt đối. Trong điều kiện không có powerpoint ta vẫn sử dụng giấy bìa và giấy khổ lớn để trình bày, tuy có mất nhiều thời gian hơn cho việc chuẩn bị nhưng tạo được sự tham gia nhiều hơn so với cách thuyết giảng khi dùng powerpoint. Kiến thức, kỹ năng, bản lĩnh và kinh nghiệm quyết định sự tự tin cũng như khẳng định chính mình chứ không phải phương tiện. Gặp trường hợp cúp điện, powerpoint mất hiệu lực, tập huấn viên bối rối và mất tự tin ngay.

Là một NVXH, trong những lần đi công tác các tỉnh phía Bắc, tôi gặp phải sự khác biệt về cách ăn mặc, đặc biệt là mùa lạnh. Tham dự viên cấp tỉnh, huyện đều mặc vest, thắt cà vạt, cấp xã cũng có nhưng ít hơn. Đối với địa phương, cán bộ ai cũng mặc vest, đi xe gắn máy đời mới, mình mà không có cảm thấy như là mình không thuộc về "đẳng cấp" đó. Khi đó tôi nhủ thầm, giá trị của mình không phải ở bộ cánh mà ở chất lượng giảng dạy, đạt mục tiêu của khoá tập huấn với mức cao nhất. Tôi đã tạo sự tự tin bằng chính năng lực của mình. Thực ra, tôi không quen mặc vest, hai lần tôi mặc là đám cưới tôi và của con trai tôi. Bình thường nếu phải khoác vest vào thì lại rất lúng túng, cho nên không hẳn thứ gì sang trọng khoát lên người cũng mang sự tự tin.
Trong phần thảo luận, một tham dự viên đã góp ý để sống đơn giản mà vẫn cảm thấy tự tin và hạnh phúc, ta cần xây dựng giá trị thực cho chính mình. Nhà cửa, xe cộ, và các thiết bị khác cũng chỉ là phương tiện phục vụ cho mình. Không nhất thiết phải vứt bỏ hết mà biết sử dụng sao cho mình cảm thấy thoải mái, tự tin, hạnh phúc. Mình làm ra của cải chứ của cải không làm ra mình nên sống không lệ thuộc vào nó. Mỗi người đều có một điều kiện, hoàn cảnh và năng lực riêng, do đó ta chọn cho mình một lối sống đơn giản phù hợp. Với NVXH, để hội nhập với cộng đồng, chất lượng phục vụ là thước đo giá trị, sống đơn giản là cách dễ được người dân chấp nhận. Chu Dũng

23 tháng 7, 2008

CÁC CÔNG CỤ CỦA NGHỀ CÔNG TÁC XÃ HỘI


CÁC CÔNG CỤ CỦA NGHỀ CÔNG TÁC XÃ HỘI
Nghề CTXH không giống như một số nghề khác vì nó không có những công cụ hành nghề cụ thể như cái cưa, cái bào..của nghề mộc, ống nghe, máy siêu âm, máy đo huyết áp…của nghề y. Khi họ cầm trên tay các công cụ ấy họ biết ngay là họ đang hành nghề, ý thức hành nghề rất rõ rệt. Nghề CTXH không có công cụ nhu vậy nên nhân viên xã hội hay quên chính mình đang hành nghề, vì thế ý thức hành nghề của nhân viên xã hội không rõ, mơ hồ và chính vì thế nhân viên xã hội dễ dàng phơi bày cái con người thậ của mình chự chưa phải là cái con người chuyên nghiệp.
Như vậy khi hành nghề nhân viên xã hội phải ý thức thật rõ các công cụ hành nghề của mình. Các công cụ của nghề CTXH là gì? Xin thưa các công cụ hành nghề CTXH bao gồm:

1. Con người của nhân viên xã hội

Chính con người của nhân viên xã hội là công cụ hành nghề với cái nhìn khách quan, không bị chi phối bởi những thành kiến hay cảm xúc chủ quan, tuân thủ những giá trị, đạo đức của nghề, lạc quan yêu cuộc sống và yêu con người, biết đứng vào vị trí của người để hiểu họ. Công cụ này là cơ bản vì nó ảnh hưởng đến các công cụ hành nghề khác.

2. Mối quan hệ giữa nhân viên xã hội và thân chù

Mối quan hệ giữa nhân viên xã hội và thân chủ tuỳ thuộc vào chính kỹ năng và thái độ của nhân viên xã hội. Mối quan hệ này do nhân viên xã hội thiết lập là yếu tố cần thiết và đủ để nhân viên xã hội có thể giúp thân chủ cảm thấy được tin tưởng và được tôn trọng và sẵn sàng bộc lộ vấn đề, khó khăn của họ và từ đó vấn đề của họ mới được hiểu, được phân tích và tìm ra nguyên nhân và giải pháp. Mối quan hệ bị bế tắc là do lỗi của nhân viên xã hội và như vậy thì việc hành nghề cũng bị bế tắc theo. Công cụ này được sử dụng trong phương pháp CTXH với cá nhân.

3. Lắng nghe

Lắng nghe là kỹ năng, nhưng lắng nghe cũng là công cụ hữu hiệu để thúc đẫy thân chủ càng bộc lộ vấn đề của họ. Khi ta lắng nghe thân chủ, thân chủ cảm thấy mĩnh có giá trị, tự tin hơn, cảm thấy được hiểu, được quan tâm và họ càng tin tưởng ở nhân viên xã hội để có thể gởi gấm mọi bí mật quý giá của họ cho mình. Lắng nghe là kỹ năng và là công cụ thực hành quan trọng của nghề CTXH.

4. Mối tương tác giữa các nhóm viên thân chủ

Trong phương pháp CTXH với nhóm, công cụ thực hành là mối tương tác giữa các nhóm viên với nhau. Nhân viên xã hội theo dõi và quan sát, can thiệp ( khi có trục trặc) vào mối tương tác này để điều hoà sự tham gia và ảnh hưởng của nhau trên mỗi thành viên nhóm và chính mối tương tác này sẽ giúp cho các nhóm viên đi đến mục tiêu xã hội là thay đổi hành vi theo hướng tích cực. Mối tương tác này là công cụ chính mà nhân viên xã hội sử dụng trong phương pháp CTXH với nhóm.
5. Sự tham gia của cộng đồng nghèo

Yếu tố tham gia của người dân trong công đồng nghèo là môt công cụ hành nghề trong phương pháp phát triển cộng đồng. Tác viên cộng đồng phải tạo điều kiện và cơ hội cho người dân (dù họ là người như thế nào) tham gia vào tiến trình hoạt động của dự án. Khi người dân tham gia hô nhận thức được vấn đề, họ học được các kỹ năng, kiến thức và thay đổi quan điểm sống. Nhờ sự tham gia họ sẽ trưởng thành hơn và tự lo được cho bản thân, gia đình và cho cộng đồng. Thực hiện dự án phát triển cộng đồng mà không sử dụng công cụ này thì coi như tốn tiền vô ích.

Ngoài ra nhân viên xã hội còn một số công cụ khác như hồ sơ xã hội, quản lý trường hợp, sơ đồ sinh thái hay sơ đồ thế hệ…. Tuy nhiên năm công cụ trên là quan trọng nhất.

Nguyễn Ngọc Lâm

19 tháng 7, 2008

Điều chỉnh chuẩn nghèo theo CPI năm 2008 (18/7/2008)


Điều chỉnh chuẩn nghèo theo CPI năm 2008 (18/7/2008)
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xem xét điều chỉnh chuẩn nghèo giai đoạn 2006-2010, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư nghiên cứu đề xuất phương án chuẩn nghèo trình Thủ tướng phê chuẩn theo chỉ số thực tế giá cả của năm 2008.

Theo phân tích của Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội): Chi cho nhu cầu ăn khoảng 60% tổng chi tiêu và 40% dành cho phi lương thực, thực phẩm. Cách tính này để thuận lợi cho việc điều chỉnh, rà soát và tiết kiệm chi phí, nhận diện hộ nghèo ở các địa phương cơ sở, chuẩn nghèo được chuyển đổi tính theo thu nhập bình quân đầu người của các hộ gia đình.
Nhưng do chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng nhanh, năm 2007 là 12,63%, 6 tháng đầu năm 2008 là 18,44%, ước tính cả năm 2008 từ 24,5-28,5%, làm cho giá trị thực của chuẩn nghèo giảm xuống. Để bảo đảm đúng giá trị thực của chuẩn nghèo như khi đã ban hành thì phải tính them vào chuẩn nghèo chỉ số CPI từ năm 2007 và năm 2008.

Sau khi thống nhất với Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất phương án điều chỉnh chuẩn nghèo theo phương án: Chuẩn nghèo điều chỉnh giá năm 2008 sẽ bằng chuẩn nghèo hiện nay cộng với chỉ số giá CPI trong 2 năm 2007-2008 (khi xây dựng đã ước tính chỉ số năm 2006 là 6,5%); nếu cập nhật giá, giá trị chuẩn nghèo sẽ tăng khoảng 40-45% so với chuẩn nghèo hiện tại.

Theo đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Phương án 1: Chuẩn nghèo được cập nhật chỉ số CPI năm 2007 (12,63%) và năm 2008 (dự kiến là 24,5%). Do vậy chuẩn nghèo được cập nhật chỉ số CPI năm 2007 (12,63%) và năm 2008 (dự kiến là 24,5%). Chuẩn nghèo được tính ở 2 khu vực: Nông thôn-những hộ có mức thu nhập bình quân từ 270.000 đồng/người/tháng trở xuống là hộ nghèo.

Khu vực thành thị: Những hộ có mức thu nhập bình quân từ 360.000 đồng/ người/tháng trở xuống là hộ nghèo. Theo phương án này, dự báo tỷ lệ hộ nghèo của cả nước đến cuối năm 2008 khoảng 15-16%, tương ứng với 2,9-3,1 triệu hộ. Với Phương án 2, chuẩn nghèo được cập nhật theo chỉ số CPI năm 2007 (12,63%) và năm 2008 (dự kiến là 27,5%).

Theo đó chuẩn nghèo cụ thể như sau: Khu vực nông thôn: Những hộ có mức thu nhập bình quân từ 300.000 đồng/người/tháng trở xuống là hộ nghèo. Đối với khu vực thành thị, những hộ có mức thu nhập bình quân từ 390.000 đồng/người/tháng trở xuống là hộ nghèo. Theo phương án này, dự báo tỷ lệ hộ nghèo cả nước đến cuối năm 2008 khoảng 16,5-17,5%, tương ứng với 3,2-3,4 triệu hộ.
Kinh phí thực hiện các chính sách giảm nghèo như sau: đối với chính sách giảm nghèo tác động trực tiếp tới hộ nghèo (y tế, giáo dục) các bộ ngành chức năng sẽ tính toán cụ thể kinh phí tăng thêm và bổ sung từ năm 2009; đối với các chính sách liên quan đến đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số, đề nghị Uỷ ban Dân tộc căn cứ vào chuẩn nghèo mới tính toán đề nghị bổ sung kinh phí thực hiện.
Theo TBKTVN

18 tháng 7, 2008

Tiến trình nhóm và sự can thiệp nhóm


Tiến trình nhóm và sự can thiệp nhóm
Nhóm như một hệ thống, kỹ thuật làm việc với nhóm hay gia đình, kỹ thuật làm việc với gia đình rất giống nhóm, và kỹ thuật nào là độc đáo riêng cho gia đình hay riêng cho nhóm. Có một điều ta biết chắc chắn là gia đình là luôn luôn tồn tại, nhóm thì phải có ai lập nên nó, nhóm theo công tác xã hội đó là một hệ thống thiết lập nên, phục vụ cho nhu cầu của các thành viên trong nhóm với sự thiết lập của nhân viên xã hội. Chúng ta luôn luôn phụ thuộc vào nhiều nhóm, một nhóm gia đình, nhóm đồng nghiệp, nhóm sở thích. Khi nhân viên công tác xã hội thành lập nhóm, nhóm công tác xã hội rất khác biệt, điểm đầu tiên của nhóm là:
- Phục vụ nhu cầu thành viên trong nhóm.
- Với sự hướng dẫn chuyên môn của nhân viên công tác xã hội (không có nghĩa là nhân viên xã hội cũng làm việc với các nhóm, nhưng khác với nhóm công tác xã hội). Có người nói thành lập nhóm là một hành động can đảm, hoặc nói đó là một cú nhảy định mệnh, được thực hiện bởi nhân viên xã hội và các thành viên trong nhóm. Và thân chủ chỉ tham gia vào nhóm khi nhóm đó thực sự phục vụ nhu cầu của nhóm.
Kế hoạch nhóm:
Chúng ta bắt đầu từ nhu cầu của thân chủ, chúng ta tìm ra mục đích để đáp ứng nhu cầu đó và chúng ta tạo nên 4 yêu cầu:
1. Cấu trúc nhóm.
2. Thành phần của nhóm, thành phần các thành viên và nhân viên xã hội tham gia nhóm.
3. Liên hệ nhóm trước khi thành lập.
4. Nội dung sinh hoạt nhóm
Tất cả kế hoạch nầy nằm trong bối cảnh môi trường.
Một điều căn bản là phải lựa chọn trong một khoảng tư tưởng rộng lớn.
- Nhóm có cuộc sống riêng (ta gọi là nhóm tổng thể). Nếu lập nhóm là để phục vụ cho tất cả trẻ trong nhóm (chứ không phải phục vụ An). Và chúng ta nhìn nhận điểm nầy như là điểm hợp đồng với nhóm.
- Khi làm việc với nhóm, nhân viên xã hội có hai trọng tâm, chú ý đến thực tại của nhóm, hoặc giữa nhân viên xã hội và thân chủ. Nhưng chúng ta cũng biết sự thay đổi thực sự diễn ra bên ngoài. Khi chúng ta tiếp một thân chủ, thì việc thay đổi không diễn ra trong cuộc họp mà xảy ra khi họ về. Do đó, hai trọng tâm khi thành viên của nhóm quyết định thay đổi là khi họ nói nhu cầu của nhóm phục vụ cho tôi, sau đó là gia đình thay đổi. Vì vậy nhóm này đáp ứng được nhu cầu được quan tâm của An, và việc thay đổi trong gia đình bé An sẽ xảy ra ở ngoài.
- Tính chất thứ ba của nhóm là giúp đỡ song phương. Đó là công việc, kỹ năng của người công tác xã hội chuyên nghiệp, nghĩa là nhóm viên giúp đỡ lẫn nhau. Việc hỗ trợ lan ra trong gia đình, trong nhóm thành viên bình đẳng.
Có những kỹ năng đặc biệt: Khi làm việc với cá nhân, chúng ta có đề cập đến kỹ năng quan sát giao tiếp của thân chủ. Đối với nhóm, chúng ta gọi là quét hình (tổng thể và chi tiết).
Kỹ năng
a). Quét hình (Scanning)
b). Tư duy nhóm (Thinking group)
c) Tăng sự gắn bó, làm cho các thành viên gắn bó với nhau bởi vì chúng ta đều làm việc trong một cơ quan, chúng ta có thể thành lập nhóm và tôi sẽ đề nghị một mục đích cho nhóm nầy là để hỗ trợ cho nhóm bé trai tuổi vị thành niên trong việc xã hội hóa cá nhân, đưa ra mục đích riêng để chúng ta có thể bao gồm nhiều người vào nhóm. (Fostering cohesion)
Thường nếu chúng ta lên kế hoạch chu đáo thì trường hợp nầy ít khi xảy ra
Họp thành lập nhóm:
Chúng ta có cần gặp các thành viên trong nhóm trước không? Có thể nên gặp các em trước buổi họp để làm quen, chúng ta có sự lựa chọn là có nên gặp trước hay không? Nếu nhóm có sẵn ta không cần gặp từng thành viên, nếu muốn để cho một thành viên mới sinh hoạt thì ta nên gặp riêng thành viên đó.
Với nhóm mới thành lập, ta làm quen với các thành viên, tạo cho nhóm có tình cảm thân thương, tập họp tất cả nhóm để làm quen với nhau đồng thời làm quen với nhân viên xã hội.
- Tập hợp phổ biến mục đích, thành viên tham gia tự nguyện và lựa chọn thành viên.
Nếu các em trước đây chưa sinh hoạt nhóm, chúng ta có thể gặp riêng từng cá nhân để sinh hoạt, nhân viên xã hội chuyển vai trò từ thân chủ là An chuyển sang thân chủ là nhóm.
Chúng ta thấy nguy cơ khi gặp cá nhân vì họ sẽ gắn bó với nhân viên xã hội hơn gắn bó với nhóm.
- Nếu nhân viên xã hội không thích làm việc với nhóm thì họ sẽ đến gặp từng cá nhân như thế sẽ lợi thế cho nhân viên xã hội.
Trong cuộc họp đầu tiên, nhóm viên thắc mắc không biết mục đích của nhân viên xã hội là gì (điều nầy không có gì lạ). Nếu trong cuộc gặp cá nhân trước khi họp nhóm đều có những khoảng cách, phòng thủ của thân chủ với nhân viên xã hội. Nếu ta gặp luôn cả nhóm một lần để cho các thành viên trong nhóm thảo luận mục đích của nhóm thì chúng sẽ được đối đầu với những mục đích của nhóm. Đây là việc mà nhân viên xã hội phải giải quyết những thắc mắc của thành viên và tạo nên sự thành lập nhóm.
Các bước phát triển nhóm.
- Bước thành lập nhóm (giai đoạn tiền dự định).
Để trải qua giai đoạn thành lập nhóm một cách hiệu quả thì những lo sợ của nhóm phải được giải quyết, những người được chọn vào nhóm phải có những thông tin cụ thể. Mục đích của nhóm là gì? Nói một cách khác những nhân viên xã hội và nhóm, thành lập một hợp đồng ban đầu để thành lập nhóm.
Công việc đầu tiên của nhân viên xã hội là đánh giá những điều kiện phù hợp của thành viên để lưạ chọn. Chúng ta phải tự đặt câu hỏi cho mình, những thành viên nầy có những đặc điểm gì so với thành viên khác, nếu nó không tham gia nhóm thì có điều gì không có lợi?
Thường người ta đặt mục tiêu nhóm rộng hoặc vừa đủ, điều nầy rất khác khi chúng ta làm việc với gia đình. Ở trong nhóm gia đình, việc tham gia nhóm trong gia đình là tự nhiên.
Trong khi sửa soạn nhóm thì không tạo ra mối liên hệ đặc biệt giữa mình và nhóm viên. khi làm việc với nhóm gia đình thì có khác, cần phải đủ mạnh. Mỗi nhóm đều đi qua giai đoạn tăng trưởng. Buổi họp nhóm đầu tiên sẽ bắt đầu giai đoạn đầu, chúng ta có thể diễn tả buổi ban đầu khi tuổi thơ của bé trai, mỗi thành viên đều được người trong nhóm chấp nhận, sợ mình làm những điều không hay trước mặt người khác. Khi buổi ban đầu của nhóm không khác với công tác xã hội ban đầu. Sinh hoạt nhóm không chỉ riêng có thân chủ mà có những nhóm viên khác để chia sẻ công việc đó. Vì vậy công tác xã hội ở giai đoạn nầy là nhân viên xã hội tạo ra sự liên kết giữa các nhóm viên. Đến với sinh hoạt nhóm ban đầu giúp nhóm viên gắn bó vào sinh hoạt nhóm. Trong giai đoạn đầu, nhóm bắt đầu thiết lập những luật lệ sinh hoạt nhóm, những luật lệ riêng cho nhóm, các mục tiêu, chấp nhận những cái gì thế giới bên ngoài đặt vào nhóm và những qui luật nhóm.
Vai trò của nhân viên xã hội:
Có người nói ở giai đoạn đầu, vai trò nhân viên xã hội tích cực, và khi nhóm bắt đầu phát triển và hoạt động thì vai trò giảm dần. Nếu suy nghĩ theo lối đó thì cần lưu ý rằng buổi ban đầu người nhân viên xã hội tích cực thì ta tưởng như nhìn từ bên ngoài xuyên qua lỗ trống. Trong giai đoạn đầu, nhân viên xã hội nói nhiều, trong đầu bạn bao giờ cũng suy nghĩ cái gì bạn nói, bạn làm, bạn quan sát. Trong giai đoạn nầy tích cực nói về mục đích nhóm và nhân viên xã hội giúp nhóm viên gắn bó với nhóm và nhân viên xã hội chuyển trọng tâm quan tâm một thân chủ của mình sang trọng tâm khác, nhân viên xã hội cần chú tâm dò sóng đến sự lãng tránh của thân chủ và cũng phải nhạy bén tế nhị để hòa nhập yếu tố tâm lý của thân chủ, ý hướng muốn tham gia, muốn nhìn vào sự việc để giải quyết.
Tiến sĩ Mary Ann Forgey và Tiến sĩ Carol S.Cohen

Các giai đoạn thay đổi của thân chủ trong CTXH


Các giai đoạn thay đổi của thân chủ trong CTXH
Giai đoạn tiền dự định: Ở giai đoạn này người ta không nghĩ đến sự thay đổi và không biết mình có vấn đề, không ý thức gì cả, chúng ta cảm giác có gì đó không ổn, nhưng không hiểu gì cả. Đặc điểm chính của giai đoạn này là không có sự nhận thức. Thường các thân chủ ở trong giai đoạn này, họ không thấy vấn đề của họ, đa số họ không có khái niệm gì về sự thay đổi. Có lúc ta gặp khó khăn nhưng không ý thức được vấn đề là gì? Các người nghiện rượu, ma túy thường ở vào giai đoạn này trong 1 thời gian khá dài, và trong giai đoạn này, chúng ta phải đối diện với thân chủ, bắt họ phải nhìn thấy và đặt vấn đề như thế nào? Có thể họ có thái độ phản đối, thân chủ sẽ cố gắng tránh đi, giai đoạn cũng lâu nhưng không lay chuyển. Trong giai đoạn này, nhân viên xã hội cũng có một số việc làm có ích cho thân chủ. Một trong những chiến lược là chúng ta cung cấp thông tin cho họ chứ không đặt vấn đề là họ phải thay đổi, và chúng ta có thể gây một mối nghi ngờ trong họ, khiến họ thắc mắc là họ phải thay đổi. Chúng ta thấy những thân chủ ở phòng đợi, làm như không có vấn đề gì cả, nhưng họ rút những tờ bướm, những thông tin. Khi họ có hành động lấy thông tin, như vậy họ cũng nghĩ tới cần thay đổi nhưng theo nhịp độ riêng của họ. Trong trường hợp này, ta tránh tranh luận sẽ dẫn đến đối đầu với thân chủ. Một chiến lược là chúng ta lắng nghe một cách có phản hồi, như vậy chúng ta khiến cho thân chủ cảm nhận là chúng ta cở mở nhìn vấn đề. Tiếp theo ta đặt những câu hỏi để họ có thể trả lời được nhiều ý (câu hỏi mở). Công việc của nhân viên xã hội trong giai đoạn này là tìm hiểu quan điểm của thân chủvà cung cấp thông tin để thân chủ có những nghi ngờ thắc mắc để họ tự suy nghĩ.
Giai đoạn dự định: đặc tính chính của giai đoạn này là thân chủ có ý nghĩ thay đổi trong tư tưởng, họ cân nhắc cái được cái mất trong sự thay đổi, nhân viên xã hội đôi khi có sự khó chịu trước sự lưỡng lự của thân chủ, khi thấy thân chủ bước một bước rồi lại lùi hai bước, tuy nhiên việc họ lưỡng lự là một dáng điệu tốt trong quá trình thay đổi. Một công việc là ta giúp cho họ ý thức sự lưỡng lự của họ. Chúng ta có thể nói với thân chủ rằng: “Tôi thấy anh có những ngày anh thấy hy vọng trong công việc anh làm, có những ngày anh không thấy hứng thú phải không ?”. Cố gắng cho thân chủ nhận thấy sự lưỡng lự của họ. Chúng ta giúp cho thân chủ suy nghĩ và tìm ra những điều nào có lợi khi họ thay đổi và những điểm nào không lợi khi họ không thay đổi. Ví dụ như một người nghiện rượu, điều tốt cho họ là không gây gổ trong nhà và có thể là họ còn thấy mạnh khỏe hơn, nhưng mà họ cũng sợ mất bạn bè, chúng ta làm thế nào để họ nói chuyện cái tốt, cái xấu, cái cần làm trong giai đoạn này. Khuyến khích họ nói về những cái lợi khi thay đổi, cố gắng nhấn mạnh những điểm này lên.
Giai đoạn quyết định: Đó là khi cán cân nghiêng về phía phải thay đổi, khi mà thân chủ bắt đầu nói những câu có ý định về việc họ làm ở giai đoạn này. Nhưng ta thấy rõ từ giai đoạn dự định, hướng thay đổi của thân chủ. Và ý chính của lý thuyết là quá trình này xảy ra tự nhiên, nhiệm vụ của ta là thúc đẩy.
Khi mà thân chủ nói tôi thật sự không muốn uống nữa, tôi đã ngán cuộc sống nghiện ngập rồi, nếu lúc đó chúng ta nhanh nhẩu nói “ Tốt, đây là việc anh phải làm” và đưa anh ta bàn kế hoạch hành động, họ sẽ bước về giai đoạn lưỡng lự. Tốt nhất, giai đoạn này, ta nên cung cấp cho họ những phương pháp lựa chọn. Họ sẽ cảm thấy họ kiểm soát được quá trình thay đổi này, đây là bước khó nhất. Khi thân chủ bước vào giai đoạn này, ta không nên thúc đẩy họ, đây là giai đoạn thưọc hiện hợp đồng. Nếu ta cố gắng thực hiện hợp đồng ở giai đoạn tiền dự định thì hợp đồng không có song phương. Chúng ta cung cấp phương pháp lưạ chọn và ủng hộ điểm mạnh của họ là quan trọng nhất, thời gian tùy thuộc vào thân chủ, các giai đoạn này có thể xoay vòng.
Giai đoạn hành động: Ta và thân chủ mỗi bên có việc phải làm là thực hiện hành động ở giai đoạn này, chúng ta cùng thân chủ lập những công việc phải làm cùng xem xét những công việc. Khi ta làm việc với thân chủ chúng ta thường nghĩ thân chủ đạt tới giai đoạn này, nhưng thật sự họ chưa đạt tới và công việc của chúng ta là phải ủng hộ và tăng điểm mạnh của họ, hướng dẫn và theo dõi công việc của họ để giúp họ vượt qua những khó khăn.
Giai đoạn duy trì: Khi thân chủ ở giai đoạn này, họ ý thức rất rõ vấn đề, họ có khả năng nhìn lại vấn đề của họ trong quá khứ. Một thân chủ có thể xác định những triệu chứng lúc họ nghiện có hại cho con và họ cần tránh xa, họ có ý thức về mô hình hành vi của họ. Công việc của ta là tạo chiến lược để giúp họ những chiến lược để giải quyết mô hình này. Thí dụ một người nghiện ngập, họ có thề nhận ra khi họ gặp hai người bạn thích uống rượu , nhắc họ có những kỷ niệm tốt, và ở giai đoạn duy trì, ta phải dành nhiều thời gian để nói về hai người bạn hay rủ đi uống rượu, giúp thân chủ những kỹ năng từ chối không uống rượu với hai người nầy.
Giai đoạn trở lại: Đặc điểm của giai đoạn này là tái hiện những hành vi cũ. Có nhiều cách ta phản ứng khi điều này xảy ra, thường thì ta thất vọng như thân chủ. Thường ta cho là ta thất bại và chúng ta phải hết sức cố gắng là không bày tỏ nỗi thất vọng trước mặt thân chủ. Chúng ta có thể cảm thông với thân chủ, cho họ thấy trong hoàn cảnh đó họ thất vọng như thế nào? Ta xem coi có chuyện gì xảy ra, chỉ cho họ có thể làm gì khác đi như thế nào? Các điểm đó có liên quan đến hành động, điều gì là liên quan đến hành động đó, đó là thông tin cần thiết cho thân chủ, có thể do ta quá tham vọng, và cuối cùng chúng ta phải cho họ thấy họ phải làm gì và nói cho họ biết thay đổi là một việc khó là một quá trình tự nhiên mà ta hay trở lại giúp cho họ không nản chí.
Việc tái hiện hành vi mà làm thiệt hại đến một thành viên khác thì vấn đề lại rắc rối hơn, nếu chỉ xem xét thì vẫn chưa đủ. Phải làm cho thân chủ thấy được các hại về việc làm của họ. Nếu thân chủ đánh vợ lần nữa, nhân viên xã hội làm việc với thân chủ xem vấn đề gì đã xảy ra và ta cũng phải đảm bảo rằng thân chủ phải chiụ những hậu quả do ông gây ra. Và sẽ rất khó nếu chúng ta làm việc ở trong một hệ thống làm việc không có biện pháp chế tài, có thể ta hỏi tạo sao thân chủ lại khó thay đổi? Tại sao thân chủ cứ bắt đầu rồi lại thất bại?. Có vẻ như là thân chủ không làm được, nhưng ta biết chính những người gặp khó khăn trong thay đổi nên họ mới cần gặp chúng ta, nếu không, họ cũng chẳng cần gặp chúng ta làm gì.
Đối với tôi, nhận thức thực tế này rất hiệu quả, giúp tôi không tự trách mình và đỏ lỗi cho thân chủ. Lúc đó, tôi nhìn sự tái phạm của họ là thân chủ gặp vấn đề nghiêm trọng, như vậy, có thể một vấn đề ban đầu, tôi cho là đơn giản. Nhưng khi thân chủ không thoát ra được, tôi mới thấy rằng vấn đề như một vòi bạch tuộc mà thân chủ khó thoát ra.
Vấn đề cũng có tính quan trọng và giai đoạn cũng có tính thay đổi, thân chủ chúng ta phần lớn ở hai giai đoạn đầu, điều chúng tôi rất khó chịu là nhiều lý thuyết can thiệp là thân chủ ở giai đoạn tiền dự định mà họ cứ giả định cho thân chủ ở giai đoạn đã hiểu vấn đề, còn có một điều nữa là bản thân thân chủ họ đã cố gắng nhiều cách nhưng không được và rồi họ lại trở lại giai đoạn tiền dự định.
- Nhiều yếu tố nằm ngoài dự định của thân chủ khiến họ không thể vượt qua ví dụ như họ gặp chuyện buồn, họ uống rượu trở lại.
Công việc với thân chủ xuyên qua ba giai đoạn, từng giai đoạn có một số nhiệm vụ, một số kỹ năng phù hợp cho từng giai đoạn như giai đoạn đầu nhiệm vụ là khám phá.
* Giai đoạn đầu : lắng nghe, mời gọi sự tham gia.
* Giai đoạn giữa : tiếp tục sử dụng kỹ năng đầu nhưng thêm vào đó những kỹ thuật, ở giai đoạn đầu, có thể nêu lên hai mâu thuẫn mà thân chủ nêu ra.
Thí dụ :
Hình như một mặt em muốn học, một mặt em muốn chơi.
Ở giai đoạn giữa, ta biết thân chủ tốt hơn, ta có thể đi sâu hơn, giai đoạn nầy gọi là lý giải (giải thích). “Hình như em trải qua sự lưỡng lự giữa học và chơi, hình như (nó xảy ra) nó liên hệ với một kinh nghiệm của em, đây là một dự đoán nhưng có cơ sở là những điều thân chủ đã nói trước, không phải ngẫu nhiên giai đoạn giữa được gọi là giai đoạn làm việc. Không phải thân chủ bước vào giai đoạn muốn thay đổi, có khi một suy nghĩ khá chín chắn.
Thí dụ :
Hôm qua, em nói em đi học nhưng em đi chơi. Tôi không lý giải nhưng nêu hành vi đó trước mặt em. Sự chất vấn nầy sâu hơn kỹ năng đầu và lý giải.
Mặc dù ta đã lên kế hoạch đối với thân chủ, hoặc có một biến cố xảy ra hay thân chủ có một cảm xúc gì đó đòi hỏi sự quan tâm trước mắt, ta gọi là cái đáp ứng trước mắt, chúng ta đòi lên kế hoạch là hôm nay đi học nhưng hình như là em đã chấn động tâm lý xảy ra cho em. Như vậy, ta có nên dẹp qua cách đã làm trước và ta nên làm việc qua biến cố nầy. Thí dụ : đang làm việc, thân chủ khóc thì ta đưa khăn, có khi để tay lên vai nhưng ta phải luôn luôn đáp ứng nhu cầu trước mắt.
Giai đoạn nầy, nhân viên xã hội đòi hỏi thân chủ phải làm việc, thân chủ là người giữ gìn tiến triển công tác xã hội và sau khi làm hợp đồng phải xem xét hợp đồng có phù hợp không? Nhân viên xã hội có thể làm và phương pháp: chất vấn, đối thoại... bằng hợp đồng, bằng thương lượng trở lại nhưng không có sự trao đổi dài dài thay thế cho một hành động thật sự. Như vậy cái gỉ xảy ra làm ta không thực hiện được công tác ở phần giữa nầy. Thay đổi là khó khăn, thay đổi không đi theo con đường thẳng. Có một số kỹ năng trong giai đoạn giữa đó là giúp thân chủ thao dượt trước hành động của mình, có thể thân chủ sẽ sắm vai của mình về việc thân chủ làm, một kỹ năng khác là ôn lại hành động của thân chủ làm trước, và luôn luôn đưa nội dung vào trọng tâm. Có khi có những vấn đề thân chủ muốn tránh né, thành ra người ta đi lạc đề. Có việc cân bằng đáp ứng nhu cầu trước mắt, hướng vào điều trọng tâm, nối kết hai trọng tâm đó lại, đó là đáp ứng nhu cầu trước măt và liên kết với nội dung ta dang quan tâm. Nếu một bé gái có khó khăn với mẹ mình và cô ta nêu lên vấn đề khó khăn với bạn mình và cô ta sợ không dám nói lên cảm xúc của mình với cô bạn đó. Có thể cô ta đến than làcó vấn đề với bạn nhưng không dám nói lên cảm xúc, đó là có vấn đề đối với mẹ. Nhân viên xã hội đưa vào trọng tâm và giải quyết vấn đề trước mắt. Và một kỹ năng khác là luôn luôn kiểm tra có sự lưỡng lự do dự ở chỗ nào, xem thân chủ có tránh né gì không, hay thay đổi chủ đề. Có khi họ muốn thay đổi thì ta để họ thay đổi nhưng ta hỏi sao vậy? Tại sao anh thay đổi chủ đề?
Chúng ta đang bàn ở giai đoạn giữa, giai đoạn hành động: khi ta bắt đầu gặp gỡ thân chủ ở giai đoạn giữa nầy, chúng ta cũng phải hợp đồng với họ ở buổi gặp nầy, chúng ta cũng sử dụng kỹ năng nầy ở giai đoạn đầu là lắng nghe. Nhân viên xã hội đòi hỏi thân chủ phải cố gắng, sự đòi hỏi phải đi đôi với sự chăm sóc, quan tâm. Trong gia đình trị liệu có phương pháp vừa đánh vừa vuốt đó là đạo đức làm việc. Có những nhân tố làm cho nhân viên xã hội đi xa, đứng ngoài giai đoạn giữa nầy, nhân viên xã hội mệt. Nhưng có một vấn đề chúng ta gọi là ảo tưởng về công việc; nghĩa làchúng ta giả vờ làm việc nhưng không làm việc (lắng nghe không dấn thân). Có khi công việc chính đã xong nhưng họ muốn kéo dài công việc đó. Chúng ta nên hiểu nhân viên xã hội cần ý thức rằng có khi chúng ta tưởng là chúng ta làm việc nhưng không.
Khi chúng ta dán nhãn là thân chủ có vấn đề, những hành vi đề kháng của thân chủ ở lúc đầu và lúc giữa đó là những hành vi che chở bảo bọc cho thân chủ không thay đổi? Có thể là hành động thô bạo, có khi nhút nhát mắc cỡ, có khi họ đề kháng bằng cách né vấn đề, như vậy những hành vi tự vệ ở lúc đầu rất thông thường, có khi họ tới ,họ giận dữ vì họ tức (phải chờ đợi lâu), vấn đề là nhân vien xã hội phải hiểu tại sao họ tức giận. Có thể thân chủ đã có một kinh nghiệm về ai đó đã giúp đỡ họ không thành công, họ tới mình với thái độ đề kháng.
Sự đề kháng ở giai đoạn giữa: Khi ta đang đầy hy vọng, công việc tiến triển tốt thì nó lại đầy rắc rối trước tiên ta phải tiên liệu trước. Ta phải hiểu đề kháng là một thông điệp gọi là nhân viên xã hội đi quá nhanh hay quá chậm, có khi công việc đã xong rồi. Và điều đáng buồn là có khi công việc không bắt đầu ta không chọn đúng vấn đề của thân chủ. Sự đề kháng ở giai đoạn đầu là một vấn đề bình thường đối với nhân viên xã hội, nhưng cái điều khó là nhân viên xã hội phát hiện sự đề kháng ở giai đoạn giữa để họ không đòi hỏi sự nỗ lực của thân chủ ở giai đoạn giữa.
Họ hay đỗ lỗi, trách móc thân chủ, nói là chính họ không muốn thay đổi, hay họ không đủ khả năng, chúng ta đang làm gì? Đó là lỗi của cơ quan xã hội, lỗi ở trường học, tôi là sinh viên, đòi hỏi ở tôi gì đây. Một lần nữa thay vì chúng ta sử dụng mặt mạnh, đáng lẽ ta phải nhìn ra việc gì xảy ra tốt đẹp, là nhờ đâu? Cái gì giúp ta làm một số việc giữa giây phút nầy và hồi đó khác biệt như thế nào? Qua thái độ đề kháng nầy, thân chủ muốn có một thông điệp gì với tôi. Ở giai đoạn nầy, người ta đã nhận ra sự đề kháng. Tiến trình của thân chủ có thể đi vòng vòng, tiến bộ, thay đổi hay đi lùi về giai đoạn đầu.
Tiến sĩ Mary Ann Forgey và Tiến sĩ Carol S.Cohen

Mối quan hệ giúp đỡ.


Mối quan hệ giúp đỡ.
Mục đích của mối quan hệ giúp đỡ là làm cho thân chủ có sự thay đổi và tăng trưởng, giá trị chung của nhân viên xã hội là phải làm thế nào, hành động thế nào để nhằm vào mục đích đó,
- Những giá trị tích cực trong mối quan hệ giúp đỡ là: chấp nhận, tôn trọng, lắng nghe, trung thực, bảo mật và đồng cảm.
- Mối quan hệ giúp đỡ và mối quan hệ bạn bè có sự khác biệt về thời gian, mức độ gần gũi, sự chia sẻ các quan điểm và quyền lực.
- Trong mối quan hệ giúp đỡ có sự bình đẳng với nhau về quyền lực hay không ?
Khi một người có nhu cầu được giúp đỡ, và người giúp đỡ là người có quyền lực. Nhân viên xã hội là người được đào tạo, có kỹ năng, có tài nguyên để giúp đỡ thân chủ; đó chính là quyền lực của nhân viên xã hội và thân chủ cũng hiểu rõ điều nầy. Vấn đề quan trọng là nhân viên xã hội phải hiểu được quyền lực của mình mà sử dụng.
Quyền lực là gì ?
Quyền lực là khả năng ảnh hưởng tới người khác, cho nên nhân viên xã hội có rất nhiều quyền lực khi tiếp xúc với thân chủ. Công cụ của nhân viên xã hội là quyền lực, đó là những kiến thức, cơ quan làm việc của nhân viên xã hội và sự ủy thác của thân chủ. Đó là lý do để ta làm việc và hợp đồng rõ ràng với thân chủ, để thân chủ biết một cách rõ ràng về những gì mà ta đem đến cho thân chủ, ta mong đợi gì ở họ và những kết quả từ hành vi của họ, đặc biệt trong những hoàn cảnh quyền lực thể hiện rõ ràng.
Khi nói về quyền lực ta thấy khó cảm nhận được từ này. Có nhiều cách khác nhau để hiểu từ quyền lực. Nhân viên xã hội phải ý thức được từ nầy trong chính bản thân mình. Một điều cơ bản trong công tác xã hội là nhân viên xã hội không thể khách quan 100%.Chúng ta biết mỗi cá nhân đều có những suy nghĩ của mình, ý thức về bản thân mình, đó là một công cụ để giúp đỡ thân chủ.
Có một số người dùng từ thẩm quyền thay cho quyền lực (họ mang thẩm quyền như một áo khoác khi làm việc). Nhân viên xã hội phải mang quyền lực suốt quá trình làm việc với thân chủ.
Những tiêu chuẩn mà nhân viên xã hội phải có.
Tiêu chuẩn 1. Sự tự ý thức.
Tiêu chuẩn 2. Mục đích của mối quan hệ.
Không có một mối quan hệ công tác xã hội nào mà không có mục đích, không khi nào ta lại muốn gần thân chủ như tình bạn mà phải xác định rằng ta đến với thân chủ bằng mục đích.
Thí dụ :
Đằng sau mục đích giảng dạy, các giảng viên, kiểm huấn viên có thể đặt câu hỏi với học viên : “Chúng tôi phải làm gì cho các bạn?” và học viên có thể đặt lại câu hỏi với giảng viên “Vậy mục đích của các anh là gì?”.
Tiêu chuẩn 3. Tất cả nhân viên xã hội cùng có một giá trị.
Mỗi nhân viên xã hội phải tuân thủ, gìn giữ những giá trị nầy, ví dụ khi ta làm việc với thân chủ thì chúng ta tôn trọng và chấp nhận thân chủ, chúng ta không trông chờ thân chủ đối xử với chúng ta như vậy. Chúng ta phải làm việc trong trách nhiệm, tôn trọng và chấp nhận thân chủ.
Tiêu chuẩn 4. Phục vụ nhu cầu thân chủ.
Điều nầy có nghiã là chúng ta đặt lại công việc của chúng ta? chúng ta sẽ đạt được sự hài lòng khi nhìn thấy sự thay đổi và tiến triển của thân chủ chứ không phải ở trong lòng chúng ta.
Bài tập nhỏ:
Mỗi học viên ghi lại công việc của mình từ trước đến nay, các anh chị đã có những kinh nghiệm gì về gia đình, bạn bè, giáo dục, đào tạo. Những cái đó giúp anh chị dẫn đến ý muốn như thế nào? Tại sao chúng ta làm công tác nầy? Tại sao chúng ta muốn đứng ở cương vị nầy?
Bài tập nầy giúp cho ta hiểu thân chủ hơn, cách giảng dạy cho sinh viên, không nên áp đặt ý kiến của ta lên thân chủ. Chúng ta chấp nhận bản thân mình nhưng phải sử dụng một cách thận trọng.
Giá trị.
Giá trị là những điều chúng ta muốn có (phải, nên, cần, đó là những câu muốn diễn tả giá trị), mỗi người đều có một giá trị độc đáo, đó là nguồn gốc gia đình, xã hội, nghề nghiệp. Sự nhìn nhận giá trị của mỗi người khác nhau. Đôi khi ta giả định mỗi người đều hiểu, nên ta không đề cập đến hoặc đôi khi ta cho rằng ta và người khác có những giá trị khác nhau, nên ta cũng không nói đến những điều đó nữa. Có khi những giá trị đó cạnh tranh lẫn nhau. Ví dụ như : Có người xem việc tự quyết là giá trị con người cá nhân, tầm quan trọng của con người là giá trị và song song đó họ lại tin vào tính quan trọng trên hết của gia đình.
Các giá trị đôi khi cạnh tranh lẫn nhau nhưng vẫn tồn tại song song nhau. Chúng ta nghĩ là người ta phải đấu tranh để kiếm sống (đúng là người ta phải cố gắng đấu tranh), nhưng đồng thời chúng ta phải tin rằng mỗi người phải có nhu cầu cơ bản để mà sống và chúng ta tin rằng các thân chủ đều phải được chấp nhận cho dù họ là ai. Nhưng chúng ta không thể chấp nhận tất cả những hành vi của thân chủ. Điều nầy giải thích vì sao có khi các giá trị lại đối đầu với nhau.
Điểm phân biệt giữa nhân viên xã hội với người khác là nhân viên xã hội hiểu được giá trị của mình rõ ràng. Tất cả mọi người đều có những giá trị, nhưng tất cả mọi người đều phải ý thức được giá trị của mình vào các công việc.
Những giá trị chủ yếu trong công tác xã hội.
1. Phục vụ phúc lợi thân chủ: (phục vụ thân chủ, đó là mục đích đầu tiên của nhân viên xã hội)
2. Công bằng xã hội: (đó là đấu tranh trước những bất công trong xã hội)
3. Phẩm giá của con người: (tôn trọng giá trị, không tôn trọng hành vi)
4. Tầm quan trọng của những mối quan hệ con người: (Qua mối quan hệ con người có sự thay đổi)
5. Sự hòa hợp: (chúng ta phải cư sử thế nào để tạo sự tin tưởng nơi thân chủ)
6. Năng lực: (chúng ta phải thật sự tự giáo dục chính mình để hiểu thân chủ chúng ta)
Những tiêu chuẩn đạo đức nầy không gò ép, không bắt buộc ta phải cứng ngắc trong mọi tình huống. Chỉ có nhân viên xã hội là người phải tuân thủ những giá trị. Chúng ta không thể mong đợi thân chủ đối xử với chúng ta theo một cách nào đó.Từ những giá trị nầy, đòi hỏi ta phải có những cư xử nhất định, những tiêu chuẩn đạo đức được đặt ra đối với điều ta cư xử với thân chủ, với đồng nghiệp chúng ta.
Những vai trò khác nhau của nhân viên xã hội:
1. Vai trò người môi giới (Broker) : Người môi giới là người nối kết đối tượng với nguồn tài nguyên, đã nối kết thân chủ với nguồn tài nguyên thì nhân viên xã hội phải biết về nguồn tài nguyên đó, chúng ta phải đánh giá nhu cầu của thân chủ đối với nguồn tài nguyên. Nhân viên xã hội phải tích cực sáng tạo để tạo nên mối liên kết.
2. Vai trò người tạo điều kiện (Enabler) : Đó là vai trò của nhân viên xã hội giúp cho thân chủ giải quyết một vấn đề, tạo điều kiện cho thân chủ làm việc theo kiến thức riêng của mình .Thí dụ nhân viên xã hội giúp cho người chồng hay người vợ làm chủ được cảm xúc của mình , giúp cho họ làm được công việc trong vai trò của họ.
3. Vai trò người giáo dục (Teacher) : Vai trò của nhà giáo dục là phải tìm cách để chuyển thông tin một cách tốt nhất đến thân chủ.
4. Vai trò người biện hộ cho thân chủ (Advocate) : Nhân viên xã hội đại diện cho nhu cầu của thân chủ, chúng ta quyết định làm những hành động nào đó thay cho thân chủ, chúng ta làm việc nầy với quyền mà thân chủ trao cho chúng ta. Thí dụ đối với trẻ lang thang, nhân viên xã hội là người biện hộ cho trẻ.
5. Vai trò người trung gian (Mediator) : Đây là vai trò mà nhân viên xã hội giúp cho một hay nhiều thân chủ cùng thấy một quan điểm chung và giúp cho họ cùng hiểu quan điểm của nhau, chúng ta thường làm công việc nầy đối với gia đình.
Trên đây là 5 vai trò mà nhân viên xã hội phải đảm đương qua lại, đôi khi ta thấy một số vai trò mà chúng ta có thể đảm đương và một số vai trò thật là khó khăn đối với chúng ta. Khi nào chúng ta tìm kiếm sự giúp đỡ thêm? Vai trò nào khi đảm đương ta thấy dễ nhất?

Tiến sĩ Mary Ann Forgey và Tiến sĩ Carol S.Cohen

Hệ thống sinh thái và vai trò


Hệ thống sinh thái (Ecology systems).
KHÁI NIỆM VỀ HỆ THỐNG SINH THÁI:
Hệ thống sinh thái gồm hai ý tưởng: Môi trường sinh thái của cá nhân khi cá nhân đó đang cố gắng để thích nghi với môi trường xung quanh; hệ thống khi nhìn vào mối tương quan của những bộ phận khác nhau. Ta phối hợp hai chữ nầy thành hệ thống sinh thái (Ecology systems).
Cá nhân gắn chặt với gia đình, gia đình với cộng đồng, có những cá nhân rất mạnh có thể lay chuyển cả một hệ thống lớn. Hành vi con người rất phức tạp, không có một yếu tố nào duy nhất giải thích về hành vi con người. Chúng ta phải cố gắng kết hợp các lý thuyết về cá nhân, gia đình, nhóm, xã hội và lý thuyết về thế giới để hiểu về con người theo hệ thống sinh thái.
Gia đình có ranh giới, chúng ta cũng có ranh giới, bất cứ hệ thống nào cũng có ranh giới, chúng ta nghĩ đến sự tương tác trong hệ thống để hiểu con người. Để hiểu một người bạn nào đó, chúng ta phải hiểu thế giới rộng hơn, phải hiểu gia đình người đó, nhóm bạn cũng làm việc, cộng đồng mà bạn đó đang tương tác. Hệ thống sinh thái của mỗi cá nhân đều độc đáo.
Chúng ta suy nghĩ bằng hình ảnh hơn là trừu tượng, cách nhìn này sẽ mở rộng tầm nhìn của chúng ta để hiểu sự việc.
Cha mẹ bị stress dẫn đến ngược đãi con cái hay cha mẹ thất nghiệp cũng ngược đãi con cái.
- Nếu người ta có việc làm thì sẽ giảm bớt những vấn đề xã hội. Kinh tế là chỉ báo mạnh nhất đối với các vấn đề xã hội.
Trong một hệ thống, ta quan tâm đến tổng thể nhiều hơn sự cộng lại của các bộ phận. Mọi hệ thống có nhiều bộ phận, gia đình là thành phần của cộng đồng.
Có 4 thành tố đối với mọi hệ thống:
1. Hành vi.
2. Cấu trúc.
3. Văn hóa.
4. Diễn biến của hệ thống.
Chúng ta luôn luôn quan tâm đến hành vi, cấu trúc, văn hóa, diễn biến của hệ thống.
Mỗi hệ thống đều có thời gian sống và nghỉ ngơi.
1. Hành vi: có khi gọi là năng lượng mang tính tâm lý (thức ăn là năng lượng, sự nâng đỡ về tình cảm là năng lượng...), hành vi là cách sử dụng năng lượng của mình, ví dụ tôi đang trình bày.
Nếu không có nhập năng lượng mới, hệ thống sẽ chết dần, mọi hệ thống đều phải mở ra để tiếp nhận năng lượng mới.
Mọi hệ thống đều thay đổi nhưng không thay đổi quá nhanh... luôn luôn có những lực lượng bên trong một hệ thống, luôn có sự sống và năng lượng, những năng lượng này đẩy và kéo lẫn nhau.
Khi một xã hội, một gia đình gặp một áp lực quá lớn chúng tôi gọi là STRESS hay STRAW.
Thí dụ:
- Có một số vùng bị lụt, các cộng đồng bị lụt sống trong tình trạng stress, chính phủ phải biết để có chương trình yểm trợ.
- Tôi là giảng viên, nếu tôi không có mặt thì nhà trường bị stress.
Tất cả hệ thống đều có những lực lượng chống đối nhau, khi lực lượng cân đối sẽ có sự hài hòa, đó là một cách hiểu vấn đề để trị liệu.
Thế nào là một gia đình sống một cách quân bình? Ở Trung Quốc, chính phủ có chính sách giới hạn số con... có nhiều gia đình bị stress vì chính sách nầy. Sự cân đối của nền văn hoá bị tác động, bị phá hủy.
Một ý kiến khác là sự thích nghi để sống còn, phải nhập năng lượng và phải biến nó thành một thành phần của bạn. Như thế bạn có hành động tương tác trong xã hội, bạn quan tâm đến phản ứng của người khác đối với mình.
Thí dụ: Giảng viên vừa giảng vừa quan sát thái độ sinh viên để thay đổi cách giảng bài.
Khi áp dụng phương pháp giải quyết nhanh: kỹ năng cần có là phải nghe như thế nào. Tôi phải là một hệ thống mở để đón nhận những gì mà các bạn bày tỏ trong phương pháp thực hiện nhanh.
2. Cấu trúc (kết cấu): Bất cứ hệ thống nào cũng có một bộ phận hay hệ thống bộ phận như trong cơ thể con người có nhiều hệ thống... cơ cấu cũng có nghĩa là những ranh giới, nếu nghiên cứu về gia đình trước tiên phải biết về thành phần trong gia đình, những thành phần đó không bắt buộc là những gì hiện hữu mà có thể là những thành phần về tâm lý.
Thí dụ:
Làm việc với trẻ đường phố vấn đề quan tâm là gia đình khi đứa trẻ trở về và môi trường xung quanh. Làm việc với gia đình cần phải biết kết cấu của họ và mối quan hệ của gia đình đối với xã hội xung quanh.
3. Văn hóa (Culture) Bất cứ hệ thống nào cũng đều mang nét văn hóa riêng của nó. Trong hệ thống, hành vi văn hoá được thể hiện như thế nào?

- Vai trò nam là gì?

nữ là gì?

- Văn hóa gia đình rất quan trọng để định hình một cá nhân, chúng ta không thể hiểu hết văn hoá gia đình đã ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào. Trong gia đình Việt Nam, vị trí của người anh cả rất quan trọng, đó là nét văn hoá của gia đình Việt Nam.
- Trong một đất nước, những vùng khác nhau có nền văn hóa khác nhau.
Thí dụ Ở Mỹ, văn hóa miền Bắc và miền Nam khác nhau.
4. Diễn biến của hệ thống:
Bất cứ một hệ thống nào cũng thay đổi theo thời gian nhưng bất kỳ trong hoàn cảnh nào cũng phải giữ được trạng thái tương đối ổn định. Không có một cơ cấu nào tồn tại như vậy mãi.
Một ý liên quan đến sự tiến hoá đó là xã hội hoá (socialization). Thí dụ trong một gia đình, không thể có tình trạng tất cả mọi thành viên muốn làm gì cũng được hay trong một cơ quan không thể có tình trạng các nhân viên muốn làm gì thì làm. Bất kỳ một hệ thống nào cũng phải có những phương tiện để kiểm tra quản lý. Một trong những phương pháp mà chúng ta thể hiện sự quản lý đó là xã hội hóa. Xã hội hóa là một tiến trình.
Thí dụ:
Trong gia đình, cha mẹ giáo dục con cái, dạy cho con cái về văn hoá gia đình.
Một ý khác mà chúng ta muốn nói đến là giao tiếp (communication). Bất cứ một hệ thống nào trong quá trình thay đổi và tiến hóa cũng có sự giao tiếp.

LÝ THUYẾT VỀ VAI TRÒ (Role theory)
Mỗi người chúng ta đều có nhiều vai trò mà chúng ta đảm nhận trong cuộc sống. Giống như những diễn viên trên sân khấu, họ phải đóng nhiều vai cùng một lúc.
Thí dụ:
Các bạn khi ở lớp học thì đóng vai trò là học viên nhưng đến khi về đến gia đình thì các bạn lại đóng một vai trò khác.
- Mong đợi về vai trò (Expectation): Đó là cách xã hội qui định, qui ước về vai trò, về điều mong đợi mà vai trò đó thực hiện. Trong cùng một môi trường văn hóa thì mọi người có cùng một số mong đợi, những điều qui ước dành cho từng vai trò.
- Thể hiện vai trò (Role performance): Đó là cách con người thể hiện vai trò của mình như thế nào.
Thí dụ:
Sinh viên có thể đánh giá giảng viên của mình bằng cách đánh giá xem giảng viên đó thực hiện vai trò của mình có đúng hay không?
- Ý thức về vai trò (Role conception) đó là suy nghĩ của tôi về những gì các bạn mong đợi ở tôi. Đôi lúc cũng gặp rắc rối: chẳng hạn như đôi khi sinh viên suy nghĩ là tôi mong đợi ở họ những điều nầy, và họ cố gắng làm điều nầy nhưng tôi lại mong đợi ở họ những điều khác.
- Sự linh động về vai trò (Fexibility) Tôi cởi mở để thay đổi vai trò của tôi.
- Sự mơ hồ về vai trò (Role ambiguity) Thí dụ một người có vấn đề vì họ mơ hồ về vai trò, về những điều mà họ đảm nhận.
- Sự mâu thuẫn về vai trò (Role conflict) Thí dụ Con tôi muốn khác, chồng tôi muốn khác nên tôi không thể hoàn thành vai trò cùng một lúc. Tôi muốn làm một người mẹ tốt, một người vợ tốt nhưng tôi không làm được nên tôi bỏ luôn.
* Khi có mâu thuẫn về vai trò thì có vài phương cách để giải quyết:
Phương cách 1: lờ đi hay trốn tránh.
Phương cách 2: dung hoà.
Phương cách 3: tránh đi không làm gì hết.
Phương cách 4: từ bỏ vai trò của mình luôn.
- Tính không liên tục của vai trò:
Thí dụ:
Ở Mỹ có vấn đề xã hội làsự gián đoạn vai trò của cha mẹ khi con cái lớn lên. Một khi đứa trẻ rời khỏi nhà vai trò của họ bị gián đoạn. Những người lớn tuổi nghỉ hưu không còn làm gì nữa, họ đau khổ vì vai trò của họ bị gián đoạn.
- Áp lực về vai trò (Role strain): Thí dụ trong một gia đình, người cha phải đi xa cùng một lúc người mẹ phải đóng cả hai vai, thí dụ người mẹ bị ốm không thể chăm sóc cho con cái.
Áp dụng việc học, chọn một vấn đề được quan tâm (vấn đề sáng nay vừa học) phân tích vấn đề đã chọn, sau đó phản hồi lại, chúng tôi muốn xem các bạn đã học vấn đề gì? Nhìn vấn đề với cặp mắt khác hơn thế nào? Giải thích vấn đề đó như thế nào? Khái niệm nào sáng nay đã có ích cho các bạn nhiều nhất?
Tiến sĩ Robert Martin Chazin và Giảng viên Shela Berger Chazin

"Bạo hành tình dục và nguy cơ nhiễm HIV - bằng chứng từ những số phận"


LỜI ĐẦU SÁCH
Có thể bạn sẽ bị sốc khi đọc cuốn sách này vì không tin được rằng những chuyện đau lòng như vậy có thể xẩy ra trên đời. Cũng có thể bạn sẽ khó chịu khi nghĩ rằng tại sao lại phơi bày điều đó trước công luận vì nó là chuyện hết sức riêng tư của mỗi cá nhân hay gia đình. Bạo lực tình dục vốn là một chủ đề nhạy cảm ở Việt Nam, vì thế mà nó ít được bàn luận và nghiên cứu một cách thấu đáo. Sở dĩ bạo lực tình dục bị coi là nhạy cảm vì nó liên quan đến tình dục – vốn bị coi là thấp kém, đáng xấu hổ và không thể bày tỏ với người khác, nó đồng thời gắn liền với bạo lực gia đình – nỗi đau bị giấu kín trong câm lặng nhân danh cái gọi là sự êm ấm của gia đình và sự bình yên trong cộng đồng.

Nhiều nghiên cứu trên thế giới và một số nghiên cứu ở Việt Nam đã chỉ ra rằng bạo lực chống lại phụ nữ khá phổ biến và xảy ra ở mọi nơi, từ nông thôn tới thành thị, trong mọi tầng lớp xã hội. Tại Việt Nam có tới 90 phần trăm nạn nhân của tình trạng bạo lực gia đình là phụ nữ và trẻ em (Báo cáo của Ủy ban Dân số Gia đình Trẻ em năm 2006). Phụ nữ là nạn nhân của các loại bạo lực kể cả thể chất, tinh thần, và tình dục.

Bạo lực tình dục được coi là một hiện tượng phức tạp thể hiện ở nhiều chiều cạnh khác nhau, chịu tác động của rất nhiều yếu tố và để lại nhiều hậu quả về mặt tâm lý, sức khỏe và xã hội cho phụ nữ, đặc biệt trong bối cảnh dịch HIV/AIDS đang diễn biến phức tạp và những vấn đề bất bình đẳng giới vẫn còn tồn tại dai dẳng,

Theo báo cáo của Ủy ban Các Vấn đề Xã hội của Quốc hội Việt Nam năm 2006 dựa trên kết quả điều tra tại 8 tỉnh/thành phố, có tới 30 phần trăm số phụ nữ được hỏi đã từng bị chồng ép buộc quan hệ tình dục. Con số này có thể làm nhiều người ngạc nhiên, nhưng đó là sự thật.

Trong một nghiên cứu phối hợp giữa Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) và Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) gần đây cho thấy, trong hàng nghìn cuộc gọi vào đường dây tư vấn của CSAGA khoảng mười năm trở lại đây, tỷ lệ phụ nữ gọi đến xin tư vấn về các vấn đề bạo lực tinh thần và bạo lực tình dục cao hơn gấp nhiều lần so với nam giới. Một điều đáng chú ý là những người vợ là nạn nhân của bạo lực gia đình cũng thường là nạn nhân của bạo lực tình dục.

Phân tích về một số cuộc tư vấn của CSAGA cho thấy, trong 137 khách hàng nữ là nạn nhân của bạo lực tình dục khoảng một nửa cho biết chồng họ có mối quan hệ tình dục ngoài hôn nhân. Đó là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra bạo lực trong gia đình. Một phần ba trong số phụ nữ này cho biết họ đã bị chồng cưỡng ép tình dục. Trong nhiều trường hợp người vợ đã bị chồng bạo lực tình dục một cách dã man gây hậu qủa nghiêm trọng đến sức khỏe. Ngoài ra, không ít trường hợp là phụ nữ trẻ gọi đến xin tư vấn về việc bị bạn trai, ông chủ cưỡng hiếp. Ngoài việc chữa trị những vết thương do bạo lực gây ra, nhiều người trong số họ đã phải nhiều lần điều trị các bệnh lây qua đường tình dục.

Trong các ca tư vấn của CSAGA đều thấy rằng hầu hết người chồng không sử dụng bao cao su khi quan hệ với vợ của họ. Nhiều người vợ dù biết rằng chồng không chung thủy với mình nhưng lại không thể thuyết phục chồng sử dụng bao cao su. Họ cho biết chỉ cần nhắc đến việc đó cũng có thể khiến họ phải hứng chịu một trận đòn khác.

Trong quan niệm truyền thống về quan hệ vợ chồng, người vợ có nghĩa vụ đáp ứng các đòi hỏi về tình dục của chồng một cách vô điều kiện. Đồng thời một người vợ đoan chính không bao giờ thể hiện ham muốn tình dục của mình trước mặt chồng. Việc đáp ứng quan hệ tình dục một cách bạo dạn và tỏ ra thành thạo nghệ thuật tình ái dù là với chồng cũng là đáng xấu hổ và không đứng đắn. Vì vậy, nhiều nạn nhân của bạo lực tình dục nghĩ rằng họ không có quyền đòi hỏi chồng đáp ứng nhu cầu tình dục của bản thân mà họ phải đáp ứng nhu cầu của chồng. Người phụ nữ không có quyền lựa chọn cách thức, thời điểm, cũng không được lựa chọn có quan hệ tình dục hay không. Phần lớn trong số họ đều nghĩ rằng nếu không đáp ứng nhu cầu của chồng sẽ tạo cái cớ cho chồng tìm cách thỏa mãn nhu cầu ở nơi khác. Hầu hết các nạn nhân đều cảm thấy bất lực, không biết phải làm gì để giải quyết tình trạng này.

Một trong những nguyên nhân sâu xa của tình trạng này là sự tồn tại dai dẳng của sự bất bình đẳng giới và những định kiến về vai trò và quyền lực của nam giới đối với phụ nữ. Mặt khác, quan điểm chung của xã hội vẫn là coi chuyện tình dục là "chuyện tế nhị riêng tư" nên khó có thể đem ra xử lý một cách công khai. Một nghiên cứu với nam giới đã có gia đình ở Nghệ An đã cho thấy vấn đề cưỡng ép tình dục trong hôn nhân được che chắn bởi một loạt các chuẩn mực về văn hoá và về vai trò giới - người phụ nữ phải có nghĩa vụ biết "chiều chồng", phải chấp nhận đòi hỏi tình dục của chồng dù bản thân họ có muốn hay không (Vũ Hồng Phong, 2006)[1]. Ngoài ra, những thay đổi kinh tế - văn hóa và xã hội cũng như sự thiếu hiểu biết về pháp luật, về quyền cũng là những nguyên nhân khiến cho tình trạng này càng trở nên phổ biến.
Tại sao nhiều người phụ nữ lại chịu đựng bạo lực tình dục trong một thời gian rất dài? Những phụ nữ này đã làm gì khi họ bị chính người chồng/ người tình của họ bạo lực và cưỡng ép quan hệ tình dục?
Có một điểm chung là họ luôn hy vọng vào sự thay đổi tích cực của chồng/ của người yêu nên âm thầm chịu đựng. Họ chỉ tìm đến tư vấn khi khi đã bị đẩy vào sự khủng hoảng tâm lý cùng cực và cảm thấy tuyệt vọng. Họ chỉ tìm đến sự can thiệp và giúp đỡ của chính quyền của cơ sở y tế hoặc khi bị hành hạ dã man, gây thương tích trầm trọng.

Các chuyên gia tư vấn và các nhà nghiên cứu đã khái quát rằng bạo lực mang tính chất chu kỳ: đối tượng hành hạ nạn nhân xong thường tỏ thái độ ân hận, hối lỗi, cố gắng bù đắp bằng các cử chỉ hành động ân cần. Nạn nhân thường tha thứ và nuôi hy vọng chồng/người yêu thay đổi. Sau đó bạo lực lại xảy ra. Tiếp theo là dọa dẫm (dọa giết, dọa chiếm hết tài sản, không cho nuôi con,..). Rồi lại bạo lực. Cái vòng luẩn quẩn ấy cứ kéo dài năm này sang năm khác. Người phụ nữ thường nhẫn nhục chịu đựng vì có quá nhiều yếu tố khiến họ phải cân nhắc: uy tín/thể diện của bản thân, của gia đình, con cái, sự lệ thuộc về kinh tế, chỗ ở. Hầu hết phụ nữ không thể vượt qua những ràng buộc đó nên phải câm lặng nín chịu để giữ gìn một hạnh phúc giả tạo "trong ấm ngoài êm".

Các nghiên cứu tại nhiều nước trên thế giới đã chỉ ra mối liên hệ chặt chẽ giữa bạo lực và nguy cơ nhiễm HIV. Người phụ nữ phải đối mặt với nguy cơ nhiễm HIV cao bởi vì họ là nạn nhân của bạo lực tình dục và bạo lực gia đình do bạn tình hay bạn đời của họ gây ra. Đồng thời, phụ nữ bị nhiễm HIV cũng phải đối mặt với nguy cơ bị bạo lực nhiều hơn những phụ nữ không bị nhiễm HIV. Ở Việt Nam, phụ nữ nhiễm HIV ngày càng có xu hướng gia tăng. Ước tính của Bộ Y tế về số người nhiễm HIV cho đến năm 2005 cho thấy trong số hơn 300.000 người nhiễm HIV trong toàn quốc, phụ nữ chiếm gần một phần ba. Đã có các bằng chứng cho thấy nhiều phụ nữ nhiễm HIV đã bị bạo lực và chịu sự kỳ thị và phân biệt đối xử từ những người trong gia đình và cộng đồng.

Mối quan ngại lớn nhất cho các nạn nhân bị bạo lực là nguy cơ lây nhiễm HIV từ chồng hoặc bạn tình bởi vì họ không được sử dụng các biện pháp an toàn như bao cao su và họ không được khước từ quan hệ tình dục. Trong khi đó, nhiều người trong những kẻ bạo lực lại có mối quan hệ tình dục với nhiều người, kể cả với những người hành nghề mại dâm là nhóm có nguy cơ lây nhiễm HIV cao. Số liệu nghiên cứu chỉ ra rằng tỉ lệ khách làng chơi nam giới nhiễm HIV đang gia tăng trong những năm gần đây (Bộ y tế, 2007). Mặt khác, nếu căn cứ vào các thông tin từ phương tiện truyền thông đại chúng thì dường như hiện tượng bạo lực tình dục cũng đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây.

Bạo lực trong gia đình gây nhiều hậu quả nghiêm trọng không chỉ cho người trong cuộc mà còn liên quan đến gia đình và cộng đồng, xã hội. Điều đó ai cũng biết. Nhưng bạo lực tình dục có liên quan như thế nào đến sức khỏe sinh sản, các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, đặc biệt là HIV/AIDS? Liệu những người phụ nữ bị bạo lực tình dục có nhận thức được nguy cơ lây nhiễm HIV hay không? Liệu các tổ chức, đoàn thể và chính quyền địa phương có đề cập đến vấn đề này khi giải quyết các vụ bạo lực trong gia đình? Phân tích các hồ sơ tư vấn của CSAGA cho thấy những phụ nữ bị cưỡng ép tình dục từ chồng hay bạn tình đều có một nỗi lo chung là sự an toàn của bản thân về sức khỏe: tình trạng viêm nhiễm cơ quan sinh dục thường xuyên và nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Tuy nhiên, ít người nghĩ rằng họ đang đứng trước nguy cơ lây nhiễm HIV. Hầu hết các trường hợp được tư vấn về bạo lực tình dục cho thấy nạn nhân không nghĩ đến chuyện xét nghiệm HIV, họ chỉ đi xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục để chữa trị trong trường hợp có các triệu chứng mắc bệnh.

Để làm rõ mối liên hệ giữa bạo lực gia đình và nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS và từ đó xây dựng được các chương trình can thiệp phù hợp, Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị thành niên(CSAGA) và Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội, với sự hỗ trợ kỹ thuật của Chương trình Sức khỏe và Nhân quyền Quốc tế, Trường Đại học Sức khỏe cộng đồng thuộc trường Đại học Harvard (International Health and Human Rights Program – Harvard School of Public Health), phối hợp tổ chức một số hoạt động nhằm tạo ra một mối liên kết mới trong nghiên cứu và can thiệp về HIV/AIDS và bạo lực tình dục đồng thời nâng cao hiểu biết về quyền được pháp luật bảo vệ và chăm sóc sức khỏe, đặc biệt trong lĩnh vực sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục. Các hoạt động này nhằm phòng tránh và ngăn chặn bạo lực gia đình, đặc biệt là bạo lực tình dục để góp phần tích cực vào công cuộc phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam, ngăn chặn nguy cơ nhiễm HIV cho phụ nữ và trẻ em.

Cuốn sách nhỏ này tập hợp một số câu chuyện cuộc đời của những con người có thật được ghi chép trong nhật ký tư vấn của CSAGA trong những năm gần đây. Chúng tôi hi vọng cuốn sách sẽ giúp những người làm việc chống lại bạo lực tình dục và những người tham gia phòng chống HIV/AIDS nhận ra mối liên hệ giữa hai vấn đề và cùng nhau phát huy các sáng kiến để giảm đi những dau buồn và mất mát do bạo lực và HIV/AIDS gây ra. Nỗ lực của chúng ta sẽ càng được tiếp thêm sức mạnh khi Luật Phòng chống Bạo lực Gia đình được ban hành.

Biên tập cuốn sách này chúng tôi cũng mong muốn kêu gọi sự chú ý của công luận và hành động của toàn xã hội để xóa đi một trong những trở ngại trên bước đường của chúng ta hướng tới các tiến bộ xã hội. Mỗi cuộc đời đầy bi kịch trong cuốn sách nhỏ này phản ánh một chiều cạnh của mối quan hệ giữa các vấn đề giới và bạo lực tình dục. Qua những câu chuyện này người đọc có thể thấy rằng mặc dù xã hội ta đã đạt được rất nhiều tiến bộ về bình đẳng giới nhưng vẫn còn chịu ảnh hưởng của nhiều quan niệm và những định kiến giới xưa cũ khiến bạo lực chống lại phụ nữ vẫn còn có cơ hội để tồn tại. Nhiều phụ nữ ngày ngày bị giày vò về thể xác, tinh thần và đứng trước nguy cơ nhiễm căn bệnh thế kỷ nhưng bị trói buộc bởi những quan niệm đó mà không thể vượt qua số phận. Cũng vì những định kiến lạc hậu đó mà họ đã không nhận được sự giúp đỡ cần thiết của cộng đồng và xã hội.

Thay mặt cho hai tổ chức, chúng tôi xin chân thành cảm ơn giáo sư Sofia Gruskin và Chương trình Sức khỏe và Nhân quyền Quốc tế, Trường Đại học Sức khỏe cộng đồng thuộc trường Đại học Harvard đã rất nhiệt tình hỗ trợ cho sự phối hợp giữa chúng tôi. Các bạn đã giúp chúng tôi nhận rõ mối liên hệ giữa bạo lực giới và HIV/AIDS và triển khai những hoạt động bước đầu để thu hút sự quan tâm của những người làm việc ở hai lĩnh vực này.

Lời cảm ơn chân thành xin được gửi đến Quỹ Ford vì sự hỗ trợ vô tư và sự khuyến khích nhiệt thành của họ cho dự án này.

Thay mặt cho hai cơ quan

Nguyễn Vân Anh, Chủ tịch hội đồng sáng lập CSAGA,
Khuất Thu Hồng, PhóViện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội và
Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Tư liệu về Giới, Tình dục và Sức khỏe tình dục, Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội.

Nguồn: dovipnet

17 tháng 7, 2008

Từ lịch sử xã hội học trên thế giới và ở việt nam bạn có thể học hỏi được gì bổ ích cho nghề công tác xã hội?


Từ lịch sử xã hội học trên thế giới và ở việt nam bạn có thể học hỏi được gì bổ ích cho nghề công tác xã hội?
Tôi nghĩ rằng lịch sử của Xã hội học thì không giúp được gì nhiều cho ngành công tác xã hội. nhưng xã hội học thì giúp được nhiều đấy.
Xã hội học là một ngành khoa học nghiên cứu xã hội, vì thế nó có quan hệ mật thiết với ngành công tác xã hội. XHH giúp cho nhân viên xã hội biết được:
- Những vấn đề xã hội đang tồn tại về lượng và chất. Từ đó định hướng trọng tâm các hoạt động trợ giúp.
- Những xu hướng/dự báo về xã hội và vấn đề xã hội. Từ đó xây dựng chính sách xã hội và thiết kế các dịch vụ xã hội phù hợp.
- Những biến đổi của cấu trúc xã hội, văn hoá, chính trị và kinh tế. Từ đó có những hành động can thiệp nhằm giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực đến những người khó khăn trong xã hội
- Xã hội học cũng nghiên cứu những vấn đề của con người trong môi trường xã hội. Vì thế xã hội học giúp ngành Công tác xã hội hiểu con người và những hành vi của họ trong chính đời sống xã hội. Và như vậy giúp cho nhân viên xã hội hiểu đối tượng cần giúp đỡ của mình hơn, làm việc với họ hiệu quả hơn.
Theo Yahoo VN - Hỏi và Đáp