16 tháng 11, 2008

Thuyết cửa sổ vỡ



Thuyết cửa sổ vỡ

Giải thích những thay đổi tích cực này, cảnh sát New York hẳn sẽ nói rằng đó là do chính sách của thành phố được cải thiện đáng kể. Những nhà phạm tội học thì quy cho sự thuyên giảm của các hoạt động buôn bán ma túy và tình trạng già đi của dân số. Còn các nhà kinh tế học lại khẳng định rằng đó chính là nhờ những cải cách từng bước của nền kinh tế thành phố trong suốt thập niên 1990.

Ba luận điểm trên là những lời giải thích phổ biến đối với sự tăng giảm của các vấn đề xã hội. Thế nhưng, chúng không giải thích được lý do tại sao tội phạm ở thành phố New York lại giảm nhanh và mạnh hơn bất kỳ nơi nào khác trên lãnh thổ nước Mỹ và tại sao nó lại chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn đến vậy. Malcolm Gladwell đặt vấn đề: “Nói cho cùng, tội phạm ở thành phố New York không giảm từ từ vì nguyên nhân điều kiện sống của người dân được cải thiện từng bước. Nó giảm rất mạnh. Làm sao sự thay đổi của một nhóm chỉ số kinh tế và xã hội lại có thể khiến tỉ lệ tội phạm giết người giảm xuống 2/3 chỉ trong năm năm? Vậy rõ ràng còn có một nhân tố khác nữa đã tham gia đẩy lùi nạn dịch này”.

“Nhân tố khác” ấy, được đặt tên là “Thuyết cửa sổ vỡ”. Lý thuyết này do hai nhà tội phạm học James Q. Willson và George Kelling đưa ra. Hai ông cho rằng tội phạm là hệ quả tất yếu của sự mất trật tự, vô tổ chức. Nếu một chiếc cửa sổ bị phá hỏng, vỡ vụn mà cứ để vậy không sửa chữa thì những người đi ngang qua sẽ kết luận rằng không ai quan tâm và không ai chịu trách nhiệm trước hiện trạng này. Rồi không lâu sau, nhiều cánh cửa sổ khác sẽ bị đập vỡ, dần dà ý thức về sự vô chủ, hỗn loạn sẽ lan rộng, truyền tải đi dấu hiệu về những gì đang diễn ra. Cũng theo hai ông, trong một thành phố, những vấn đề tương đối nhỏ như sơn vẽ lên tường, gây mất trật tự công cộng và kiểu ăn xin “đểu” đều là những chuyện tương tự như những cánh cửa sổ vỡ, những “tấm vé qua cửa” cho ngày càng nhiều tội ác nghiêm trọng.

Malcolm Gladwell trong The tipping point đã viết: “Đừng nên xem nhẹ những chuyện nhỏ. Chúng có thể tạo nên những biến đổi to lớn”.

Nếu có thể tạo nên những thay đổi cho một thành phố thì “những chuyện nhỏ bé” cũng có thể tạo nên những thay đổi cho một đất nước.

Cuộc sống được tạo thành từ “những chuyện nhỏ bé”. Sự lớn lao sẽ diễn ra nếu ta biết làm những việc nhỏ với một suy nghĩ lớn.

Với cuốn sách The tipping point, năm 2005 Malcolm Gladwell đã được tạp chí Time bình chọn là một trong 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất trên thế giới. Và cuốn sách của ông đã làm thay đổi cách tư duy của rất nhiều người trên thế giới.
PV
(Trích trong Tuổi Trẻ CN ngày 9/11/2008)

Không có nhận xét nào: