29 tháng 11, 2008

Lãng phí một nguồn lực!


Lãng phí một nguồn lực!
Trong khi chính quyền Trung ương đang phải vất vả tìm kiếm các nguồn tiền nước ngoài (trong đó có các tổ chức phi chính phủ – NGO) để thực hiện các chương trình, dự án phục vụ cộng đồng, thì nhiều cơ quan địa phương – nơi được cử làm đối tác của các NGO – “xài không hết” và cuối cùng phải trả lại tiền cho các nhà tài trợ. Một phần nguyên nhân gây nên nghịch lý này là do nước ta chỉ có vài trường đại học có đào tạo về ngành “phát triển cộng đồng”
Thiếu nhân lực
Thông thường, trong quá trình thực hiện dự án, các NGO chỉ giữ vai trò giám sát và phê duyệt kế hoạch tài chính. “Chủ nhà” thường tham gia lập kế hoạch và thực hiện dựa trên tài liệu dự án. Vì thế, mức độ giải ngân của một dự án tỷ lệ thuận với khả năng thiết lập “chương trình hành động” của “chủ nhà”.
Việc này đòi hỏi phải có nguồn nhân lực giỏi (giỏi cả ngoại ngữ) nhưng lao động Việt Nam trong lĩnh vực phát triển cộng đồng hiện nay còn quá yếu. Các NGO thường phải bỏ ra các khoản chi phí khá cao để thuê các chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam hỗ trợ cho các dự án. Điều này lý giải một phần vì sao chi phí hành chính của các dự án này tới trên 50% (có tài liệu ghi là 70%!). Tuy chỉ còn lại vỏn vẹn 50% (hoặc 30%) số tiền viện trợ nhưng các dự án vẫn không giải ngân hết.
Bà Carol Sherman (nguyên giám đốc quốc gia tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam), trong một cuộc họp với bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã nói: “Cần phải đảm bảo rằng các tổ chức này (đối tác Việt Nam) được trang bị đầy đủ và có thể tiếp cận với nguồn nhân lực cần có để thực thi nhiệm vụ…”.
Hiện tại chỉ có vài trường đại học trong nước có đào tạo về ngành “phát triển cộng đồng” với tỷ lệ tuyển sinh rất khiêm tốn.
Có một lỗ hổng lớn về chiến lược đào tạo nguồn nhân lực cho NGO. Trong chương trình Quốc gia xúc tiến vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài giai đoạn 2006 – 2010 có một mục nho nhỏ nói về “Tăng cường nguồn nhân lực trong công tác phi chính phủ nước ngoài”, nhưng không nói rõ giao cho ai thực hiện, theo lộ trình nào và đào tạo từ nguồn nào để đáp ứng nhu cầu cấp thiết.
Một nguyên nhân khác là quan niệm xem trọng FDI (vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào hoạt động kinh doanh). Đây đó vẫn cho rằng các nguồn vốn NGO “không đáng kể” và thủ tục quyết toán “rườm rà”. Tuy giá trị viện trợ và được giải ngân của NGO “không đáng kể” (năm 2007 là 250 triệu USD – theo báo điện tử ĐCSVN), nhưng bên cạnh giá trị tiền tệ, các dự án của NGO còn chứa đựng nhiều phương pháp tiếp cận có giá trị phát triển bền vững khác – một giá trị vô hình. Các NGO thiện chí thường hoạt động bằng cái tâm thật sự về môi trường, y tế, giáo dục, bình đẳng giới, phòng ngừa, giảm nhẹ thiên tai… và hoạt động của họ rất “xanh”, “sạch”, đậm tính nhân văn và hoàn toàn phi lợi nhuận.
Đào tạo như thế nào?
Trước hết, cần quy định rõ cơ quan nào có trách nhiệm tham mưu cho bộ Giáo dục và đào tạo (và theo lộ trình nào) để xây dựng chương trình phát triển nguồn nhân lực cho hoạt động của NGO tại Việt Nam. Từ đó, các trường đại học có thể mở rộng tuyển sinh các ngành như phát triển cộng đồng, công tác xã hội, y tế công cộng… Trong quá trình đào tạo, các trường nên thỉnh giảng các chuyên gia nước ngoài về lĩnh vực NGO và “nhờ” họ hỗ trợ chuyên môn cho các giảng viên (nếu cần). Mặt khác, cần liên kết đào tạo với các nước có kinh nghiệm về lĩnh vực này như Hà Lan, Mỹ, Úc, Đan Mạch, Ấn Độ...
Về phía “chủ nhà”, với vai trò là đối tác địa phương, cũng cần phải có cán bộ chuyên trách có đủ năng lực để kết hợp với “khách” trong việc thực hiện, giám sát, đánh giá và quản lý dự án. Cách tốt nhất để sớm có được những cán bộ như thế là luân chuyển (tạm thời) một hoặc một số cán bộ phù hợp sang làm việc toàn thời gian cho các dự án NGO để học tập trực tiếp trên công việc.
Danh Quốc Cường (Cần Thơ)
Theo sgtt.com.vn

Không có nhận xét nào: