19 tháng 8, 2008

NHỮNG NÉT ĐẶC TRƯNG CỦA SỰ PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG TÁC XÃ HỘI TẠI ÂU CHÂU


NHỮNG NÉT ĐẶC TRƯNG CỦA SỰ PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG TÁC XÃ HỘI TẠI ÂU CHÂU
GS.TS. Sven Hessle
Đại học Stockholm, Thụy Điển

PHẦN MỞ ĐẦU
Nếu chúng ta tìm hiểu kỹ lịch sử công tác xã hội, chúng ta có thể thấy nguồn gốc của nhân viên xã hội là người hoạt động theo mục tiêu xã hội (Kendall, 2000). Những người tình nguyện dấn thân vào lãnh vực chính là chống nghèo đói, thường do các tôn giáo tổ chức hay các hình thức tổ chức phi chính phủ có hoặc không có một chủ thuyết (tôn giáo hay chính trị) làm nền tảng cho các hoạt động dưới danh nghĩa đoàn kết. Trách nhiệm xã hội đối với người dân bị thiệt thòi có thể bắt nguồn từ lâu trong lịch sử và ở mỗi quốc gia, các hoạt động vì mục tiêu xã hội này được hình thành một cách riêng biệt (Lorenz, 1995). Như vậy, sự dấn thân cá nhân hay trách nhiệm nhà nước như là điểm xuất phát để tìm ra gốc rễ của công tác xã hội có thể đưa ra kết quả khác nhau. Nhưng, như Lorenz (2001) đã nêu, không một cá nhân tiên phong nào sống riêng biệt. Họ (thường là vậy) luôn hành động trong bối cảnh xã hội, như vậy các hoạt động xã hội luôn có liên quan đến nhà nước. Khi xem xét giáo dục và chuyên nghiệp hóa công tác xã hội, ta có thể dễ dàng khám phá ra một nét chung trong lịch sử. Ở đây hình như có những bước song song được áp dụng tại nhiều nước trong các thập kỷ gần đây đến thế kỷ thứ 20 (Kendall, Ibid). Mọi ý tưởng chung quy là thoát khỏi cảnh nghèo, chủ yếu ở các thành phố lớn, bằng cách đào tạo các tình nguyện viên để họ có thêm kỹ năng trong khảo sát và giúp các gia đình nghèo thay đổi hoặc tăng năng lực cho bối cảnh xung quanh đã giữ họ trong nghèo đói. Trong bài tham luận này, tôi sẽ giới hạn ở sự phát triển của ngành nghề công tác xã hội tại Âu Châu.
Do vấn đề quốc tế hóa và tiến trình di dân đang diễn ra, bối cảnh Âu Châu phải được hiểu từ những quan điểm khác nhau, ví dụ quan điểm phổ quát và quan điểm đa dạng hóa (Lorenz, 2001). Theo quan điểm phổ quát, điều quan trọng là sức mạnh hình thành các tiêu chuẩn công tác xã hội dưới cùng một tiêu chuẩn tối thiểu chung bao trùm để có thể liên thông và đánh giá giữa các đại học và công tác xã hội thực hành tại các nước khác nhau (Lorenz, 1994). Khi mọi người có cùng quan điểm chung về công tác xã hội và cùng một nền giáo dục, có thể dễ dàng trao đổi với nhau, về chương trình đào tạo và kinh nghiệm. Nhưng theo quan điểm đa dạng hóa, điều quan trọng là nêu các nguồn lực đang vận hành để xem xét các truyền thống văn hóa xã hội địa phương và khu vực và các yếu tố bối cảnh đóng góp vào sự hình thành các chính sách và phương pháp công tác xã hội khác nhau (Hessle, Ioka & Yamano, 1995; Lorenz, 2000). Quan điểm đa dạng hóa có vẻ mâu thuẫn với xu thế muốn làm mọi thứ giống nhau ! Tại Âu Châu, chúng tôi phải xem xét cả hai quan điểm trong các vấn đề an sinh xã hội và công tác xã hội.
Trong tham luận này tôi sẽ thảo luận các điểm xuất phát khác nhau để mô tả sự tiến triển của công tác xã hội trong thế giới phương Tây với sự nhấn mạnh về Âu Châu. Vả lại tôi sẽ chú trọng vài đặc điểm chung đã đóng góp cho sự định hình công tác xã hội như là một ngành học, và đề cập tiếp thông qua Walter Lorenz (2001) ba lãnh vực có thể xác định vị trí của công tác xã hội : Mối quan hệ với nhà nước, mức độ chuyên nghiệp hóa và quy chế giảng dạy đại học.

CÁC ĐIỂM XUẤT PHÁT – BA CON ĐƯỜNG TÌM HIỂU SỰ HÌNH THÀNH
CỦA CÔNG TÁC XÃ HỘI

Từ điểm xuất phát nào chúng ta sẽ mô tả công tác xã hội ? 1) Từ một định nghĩa được quy định của công tác xã hội; 2) Từ công việc của vài đại diện kỳ cựu của công tác xã hội và những luồng tư tưởng do họ đưa ra hoặc 3) từ mô tả việc đưa công tác xã hội vào thực hành, chính sách và nghiên cứu ? Có những thuận lợi và bất lợi ở những điểm xuất phát khác nhau.

Một định nghĩa như là điểm xuất phát để nắm bắt thực chất của công tác xã hội.

Một vấn đề với điểm xuất phát này là chưa có định nghĩa phổ quát cuối cùng! Theo lý thuyết chúng ta có khoảng 25 định nghĩa hoặc hơn thế nữa khi ứng dụng, hướng tới các lãnh vực khác nhau để hoạt động (Bergmark, 1998). Hơn nữa, đôi khi các định nghĩa có vẻ bỏ qua các loại hình thái an sinh và các bối cảnh văn hóa khác nhau. Ví dụ nếu chúng ta chọn một định nghĩa của Crouch (1979 : 46) về công tác xã hội : “…sự cố gắng hỗ trợ những người không làm chủ các phương tiện sinh tồn biết tiếp cận được với chúng và đạt được mức độ độc lập cao nhất có thể có được”; áp dụng định nghĩa này tại Châu Á có thể không ổn, ví dụ vì “mức độ độc lập cao nhất” có ý nghĩa khác tại Châu Á. Và nếu chúng ta gắn định nghĩa vào chuyên ngành công tác xã hội như Liên đoàn Quốc tế các Đoàn Chuyên nghiệp Xã hội đã đưa ra định nghĩa trong năm nay tại Montreal thì các hoạt động công tác xã hội sẽ không được công nhận tại các nước chưa có nền giáo dục phát triển cao về công tác xã hội.

Công việc của các đại diện kỳ cựu như là điểm xuất phát.

Có một ít cá nhân kỳ cựu về tư liệu thời lúc ban sơ của công tác xã hội, phần lớn họ là phụ nữ và họ vào cuộc lúc gần cuối thế kỷ19. Octavia Hill là một trong họ, được cho là “mẹ của giáo dục công tác xã hội” (Kendall, 2000). Những người khác được nêu tên thường là Jane Addams và Mary Richmond, cả hai được chọn là những vai trò chính yếu trong sự phát triển công tác xã hội tại Hoa Kỳ. Addams, qua chủ trương an cư của bà, chú trọng đến vấn đề tăng năng lực cho bối cảnh để thay đổi các điều kiện sống của cá nhân còn Richmond thì nhấn mạnh đến sự chẩn đoán trong công tác xã hội cá nhân nhằm để tăng năng lực cho cá nhân. Như thế, cả hai tượng trưng cho hai con đường lịch sử rõ rệt của công tác xã hội, một hướng đến công tác cộng đồng, con đường kia hướng đến công tác xã hội cá nhân. Về Jane Addams và Mary Richmond đã bị ảnh hưởng nhiều bởi các trào lưu ý tưởng của Âu Châu, có thể cho rằng gốc rễ của công tác xã hội là ở Âu Châu. Trường công tác xã hội đầu tiên trên thế giới bắt đầu hoạt động vào năm 1899 tại Amsterdam Kendall, 2000).
Nhưng điểm xuất phát này có những giới hạn. Nó gạt bỏ những nhân vật kỳ cựu khác của công tác xã hội không được nêu ở đây, và có thể nghiêm trọng hơn, vài phong trào vì thiếu vắng những con người mạnh mẽ ở vị trí lãnh đạo đã bị gạt ra khỏi ánh sáng ngọn đuốc của lịch sử. Ví dụ chẳng hạn phong trào Elberfeld vào giữa thế kỷ 19 đã trở thành một mô hình cho hệ thống Đức để chống nghèo đói và sự phát triển của giáo dục xã hội tại trung Âu và truyền thống văn hóa xã hội của công tác xã hội tại phía Nam Châu Âu (Lorenz, 1994).
Từ thực hành công tác xã hội
Với điểm xuất phát này, chỉ có thể sử dụng khái niệm công tác xã hội lúc nào và tại đâu có hoạt động được mang nhãn hiệu “công tác xã hội”. Từ ngữ công tác xã hội này được sử dụng lần đầu tại Đức vào gần cuối thế kỷ 19 (Sociale Arbeit). Công tác xã hội đã phát triển theo vị trí này vào một giai đoạn bất ổn định tại Châu Âu khi những biện pháp bình thường để giải quyết nghèo đói và các tầng lớp người dễ bị tổn thương trở nên không đủ. Tình trạng an sinh hiện đại xuất hiện từ cuối thế kỷ 19 đến 1960 với tự do và kỷ luật như là các cực chống chọi nhau theo một chuỗi liên tục. Tình trạng an sinh hiện đại phải chống lại sự gia tăng đô thị hóa cùng với những mức độ điều kiện sống cùng cực, di dân và thiếu an toàn dẫn đến những biểu lộ bất mãn tại địa phương, ở cấp vùng và quốc tế (Howe, 1996). Các nhân viên xã hội cần cho việc kiểm soát hành vi của người dân cũng như chữa trị các vấn đề của họ. Thông qua lý thuyết khoa học xã hội, các điều kiện sống phải được cải thiện.
Với điểm xuất phát này, những giới hạn là tất yếu nếu chúng ta chỉ bằng lòng với những hoạt động này được gọi là hoạt động công tác xã hội, chúng ta khá sớm tìm thấy một số khái niệm được dùng để bao hàm các hoạt động và những ngành nghề đúng ra là có thể kể đến trong công tác xã hội.
Cuối cùng, nhiều điểm xuất phát khác nhau để tìm hiểu nguồn gốc công tác xã hội, tất cả đều có những mặt giới hạn. Nói công tác xã hội là gì hay không phải là gì có những khó khăn của nó. Nhưng sự đa dạng lớn của các hoạt động công tác xã hội là đáng được ghi chép thành tư liệu (Lorenz, 1994). Và ngay cả nếu chúng ta nhìn mọi kỷ nguyên lịch sử và mọi loại xã hội là độc nhất, vấn đề so sánh giữa chúng gây lúng túng nếu chúng ta không hiểu rằng có nhiều vấn đề và các mâu thuẫn là vĩnh viễn và phổ quát, đòi hỏi một giải pháp bằng sự can thiệp của công tác xã hội.
VÀI NÉT ĐẶC TRƯNG CỦA CÔNG TÁC XÃ HỘI
Dưới đầu đề này tôi sẽ đưa ra vài giả thuyết về các nét đặc trưng của công tác xã hội đang đóng góp định hình cho một chuyên ngành học đại học và giúp cho nhân viên xã hội một lai lịch nghề nghiệp. Có 6 đặc điểm được quan tâm trong phân tích, không phải là các phương pháp xã hội, mà 5 của 6 đặc điểm này sẽ được kể như là những công cụ phân tích.
1) Công tác xã hội tùy thuộc vào bối cảnh
Chúng ta vừa nhấn mạnh rằng công tác xã hội sẽ được triển khai khác nhau tại những nơi khác nhau trên thế giới.
(1) Định nghĩa là không tuyệt đối, ví dụ Công tác xã hội được định nghĩa khác nhau trong lịch sử và tùy vùng. Công tác xã hội sẽ cho thấy một bộ mặt khác tại Châu Á so với Châu Âu. Và cách công tác xã hội vận hành trong tương lai sẽ khác với công tác xã hội trong thế kỷ 20.
(2) Tổ chức công tác xã hội tùy thuộc vào chính sách an sinh, nghĩa là công tác xã hội có những vai trò riêng biệt và vận hành khác trong những hệ thống an sinh tương phản. Khi nhà nước nhận lãnh trách nhiệm lớn về an sinh của công dân, như tại Thụy Điển, vai trò của công tác xã hội là tiến hành cải cách để công dân thực hiện quyền của họ. Khi nhà nước không muốn xen vào đời tư của người dân, như tại Hoa Kỳ, vai trò của công tác xã hội sẽ là chẩn đoán sự tổn thương của những người không thể thích nghi theo những quy tắc.
(3) Sự tùy thuộc vào bối cảnh văn hóa xã hội, có nghĩa là các truyền thống lịch sử vùng và quốc gia, đã tạo những điều kiện khác nhau cho sự hình thành công tác xã hội. Gia đình truyền thống mạnh tại Nhật Bản chẳng hạn là nguồn gốc của tổ chức an sinh nhi đồng nhấn mạnh đến một vai trò cố vấn của nhân viên xã hội cho cha mẹ. Nhân viên xã hội không có quyền can thiệp vào các gia đình một khi đứa trẻ bị lạm dụng, ngay cả khi luật pháp cho phép họ. (Hessle, Ioka & Yamano, 1995).
2. Công tác xã hội tùy thuộc vào các ảnh hưởng bên ngoài
(1) Chiến tranh, động đất và các thiên tai khác đòi hỏi đặc biệt đối với công tác xã hội về sự chuẩn bị, tổ chức và chuyên môn. Xã hội công dân là đích cơ bản của công tác xã hội: Khi xã hội công dân bị tàn phá bởi tai nạn do người gây ra như chiến tranh hoặc thiên tai như động đất, công tác xã hội là một phần hỗ trợ người bị thương, nạn nhân ly tán và tham gia tái thiết xã hội.
(2) Những ảnh hưởng khác, như toàn cầu hóa, di dân, đang thay đổi dần các điều kiện của công tác xã hội. Toàn cầu hóa đang thúc đẩy các quốc gia đến sự lệ thuộc lẫn nhau. Các mối quan hệ quốc tế trở thành cần thiết nhằm phân tích các vấn đề xã hội đang vượt qua khỏi các biên giới quốc gia và những giải pháp cho các vấn đề xã hội có thể là kết quả của sự hợp tác quốc tế hơn là một cố gắng của địa phương. Sự gia tăng di dân rộng lớn qua các biên giới quốc gia là một ví dụ cho sự cần thiết trong hợp tác.
3. Công tác xã hội hướng mối quan tâm đến các tầng lớp loại trừ trong người dân
Nghèo đói và dễ bị tổn thương tại cộng đồng địa phương cũng như các tầng lớp người dân, những cá nhân là mục tiêu chủ yếu của công tác xã hội. Mối quan tâm này dẫn đến sự phát triển các công cụ phân tích cũng như sự dấn thân của nhân viên xã hội. Một nhân viên xã hội phải có khả năng tìm hiểu cá nhân, nhóm và tầng lớp có nguy cơ, tại lớp học cũng như tại nhà máy và cộng đồng. Và có khả năng thảo luận và đề xuất những biện pháp để thay đổi và tăng cường khả năng của người bị ảnh hưởng. Những từ chính là: tăng năng lực, quyền con người.
4. Công tác xã hội là đa ngành
Công tác xã hội như là một chuyên ngành đào tạo đại học tùy thuộc vào các chuyên ngành khác, như Xã hội học, Dân tộc học, Giáo dục học, Tâm lý học, Kinh tế học và Khoa học chính trị. Nhưng công tác xã hội đưa ra những câu hỏi riêng biệt vào điều tra khoa học. Ví dụ như khi chúng ta muốn tìm hiểu xu hướng riêng biệt về dân số trong một vùng, Xã hội học sẽ đưa ra câu trả lời, nhưng công tác xã hội sẽ đưa ra những câu hỏi về các tầng lớp dân cư nào tại địa phương là dễ bị tổn thương nhất do phát triển và loại tổn thương gì. Công tác xã hội sẽ cố gắng khám phá những biện pháp nào để chống lại sự tổn thương ?
5. Công tác xã hội hướng về thực hành
Phân tích và giải quyết các vấn đề (tâm lý) xã hội ở nhiều mức độ là trọng tâm của công tác xã hội. Một con đường của công tác xã hội là hướng đến việc công nhận hành nghề chuyên nghiệp. Con đường khác hướng đến công nhận nó như một khoa học. Điều này có những hệ lụy cho việc đào tạo nhân viên xã hội. Việc công nhận thực hành cần một đường lối giáo dục bao gồm đào tạo dưới sự kiểm huấn trong một chương trình đào tạo cấp đại học. Việc công nhận giảng dạy tại đại học cần có một nền tảng kiến thức cần thiết ở cấp đại học về các kỹ năng khoa học và tư liệu hóa cho trình độ sinh viên đã tốt nghiệp đại học và cả sau đại học.
6. Phương pháp công tác xã hội trong thực hành được phát triển từ ít nhất 3 cấp độ phân tích
Xuất phát từ quan điểm lịch sử, một tập quán thực hành trong công tác xã hội được hình thành để đáp ứng nhu cầu của các hoạt động xã hội từ 3 cấp độ trong xã hội. Trong ý nghĩa phân tích, vấn đề xã hội phải được xem xét từ mọi cấp độ nhưng các hình thức phương pháp luận và các kỹ năng khác nhau trong công tác xã hội hình thành ở từng cấp độ. Các cấp độ liệt kê dưới đây và một vài ví dụ của hoạt động công tác xã hội được trình bày ở từng cấp độ:
(1) Cấp độ mang tính cấu trúc: kế hoạch xã hội; công tác tổ chức dự phòng, kế hoạch dự phòng tại các thành phố; kế hoạch cấp cứu.
(2) Cấp độ nhóm và tổ chức: thúc đẩy hoạt động của các tổ chức thiện nguyện hoặc các nhóm thay đổi xã hội tại cộng đồng và thành phố. Công tác cộng đồng, phát triển cộng đồng và xã hội. Tăng năng lực cho những cộng đồng địa phương và khu xóm bị tổn thương. Các nhóm tự giúp.
(3) Cấp độ cá nhân và gia đình : công tác tâm lý xã hội cho cá nhân và gia đình có nguy cơ bị tổn thương. Điều tra nghiên cứu bảo vệ trẻ em và các điều tra nghiên cứu khác. Huy động mạng lưới xã hội, xây dựng cơ cấu gia đình. Trị liệu cá nhân và gia đình tại gia, hỗ trợ xã hội cho cá nhân hoặc gia đình. Chăm sóc và gởi đến cơ sở chăm sóc cá nhân và gia đình. Nuôi hộ, chăm sóc tập trung, nhà mở với sự giám sát đặc biệt.
Những chiều kích để đánh giá vị trí của công tác xã hội.
Cuối cùng, tóm lại các điểm đặc trưng của công tác xã hội đã được nêu, và có thể cần thiết áp dụng mô hình thanh lịch do Walter Lorenz (2001) xác định vị trí công tác xã hội ở cả 3 cấp độ. Bất kỳ nơi nào mà các hoạt động xã hội phát triển, có thể xác định vị trí công tác xã hội theo mối quan hệ của nó với nhà nước, mức độ chuyên nghiệp và quy chế đào tạo của nó. Đó có thể là công cụ cơ bản cho những so sánh nội tại liên quan đến sự phát triển công tác xã hội trong xã hội, cũng như qua so sánh quốc tế về sự phát triển công tác xã hội trên thế giới.
Chiều kích thứ nhất chú trọng đến sự kiện công tác xã hội phải thương lượng giữa thái cực viễn cảnh chính trị về an sinh liên kết các hoạt động cơ bản của nó với nhà nước, và thái cực qua đó an sinh là mối quan tâm hàng đầu của riêng từng cá nhân.
Quan hệ với nhà nước
Riêng tư ……………………………………………Chính trị
Không có nước nào tại Châu Âu mà công tác xã hội hoàn toàn là một phần của bộ máy quan liêu nhà nước đến mức nhân viên xã hội phải hành động như cán bộ nhà nước can thiệp một cách cứng ngắt và theo luật định. Công tác xã hội cũng không hoàn toàn nằm trong lãnh vực xã hội dân sự, đối tác một cách tự do với cá nhân như là một dịch vụ riêng tư. Như chúng ta đã nêu ra, các mô hình an sinh nhà nước khác nhau có thể chú trọng đến các vị trí khác nhau của công tác xã hội.
Phạm vi thứ hai chú trọng đến sự căng thẳng giữa một bên là những cá nhân tình nguyện và một bên là các chuyên gia được đào tạo bậc cao. Một điều mơ hồ là hiện công tác xã hội có thể đòi hỏi hay không quy chế nghề nghiệp thích hợp cho những hoạt động mà các thiện nguyện viên đã thực hiện và họ được gọi là “bán chuyên nghiệp”. Phong trào tự giúp lý luận rằng những lý thuyết gia và nhân viên xã hội với những tiêu chuẩn chuyên môn chính thức là những người chuyên nghiệp quá xa rời đối với người dân mà họ phải phục vụ.
Mức độ chuyên nghiệp hóa
Các phong trào xã hội ……………………… Phát triển lớp chuyên nghiệp ưu tú
Hai xu hướng khác nhau có thể được phân biệt trên những con đường chuyên nghiệp. Một xu hướng của những người được đào tạo chuyên nghiệp bậc cao có vẻ dành kiến thức và kỹ năng của mình một cách quên mình cho những người mà họ phục vụ. Loại người chuyên nghiệp khác lại muốn duy trì đặc quyền trong lãnh vực của họ và kiểm soát chặt chẽ sự tiếp cận và cạnh tranh để nắm giữ vị trí ưu thế của họ. Từ đó nhân viên xã hội phần lớn là một “người tổng quát” hơn là “một chuyên sâu”, không con đường đã mô tả nào đưa đến chuyên nghiệp hóa đã dẫn đến đích. Nhưng có một cuộc tranh luận giữa kiến thức và chuyên môn chống so sánh với phẩm chất cá nhân, nơi mà cả hai cực có thể được lợi bằng cách mở rộng các ranh giới để thảo luận đến nỗi không bên nào dám đòi thế độc quyền.
• Phạm vi thứ ba liên quan đến quy chế công tác xã hội như là một ngành đào tạo đại học. Về mặt lịch sử, công tác xã hội đi vào giới học viện thông qua các ngành khoa học khác, như Xã hội học hoặc Kinh tế học. Công tác xã hội tại vài nơi ở Châu Âu lại là một phần của ngành khác, như Giáo dục (tại Ý) hoặc Sư phạm (Đức). Tại Cộng Hòa Liên Bang Nga, con đường đưa đến việc được công nhận tại đại học thông qua Xã hội học, Sư phạm xã hội hoặc cả Y khoa. Công tác xã hội tại nhiều nước vẫn còn chưa có quy chế đào tạo đại học, như Đan-mạch, Pháp, Na-uy. Tại Anh quốc, công tác xã hội đã có quy chế tại các đại học. Sự thiếu vắng một định nghĩa phổ quát và sự tùy thuộc bối cảnh của công tác xã hội dẫn đến sự chậm trễ trên con đường đại học chung. Hơn nữa, nền tảng thực hành có định hướng trong công tác xã hội mang nguy cơ bị xem như là một khoa học ứng dụng, “xã hội học ứng dụng” hoặc “tâm lý học ứng dụng”. Nhưng công tác xã hội phải thuyết phục là nó vận hành cả ở mức độ xã hội và tâm lý (tâm lý xã hội).
Quy chế đại học
Ưu thế của các ngành khoa học khác ……………… Tự trị đại học
• Tại Thụy Điển, công tác xã hội là một ngành đào tạo đại học độc lập bên trong các khoa học xã hội, và khi so sánh với các nước khác, nguy cơ nhỏ hơn, đó là các nhân viên xã hội đôi khi cảm nhận vị trí thấp kém của mình và cảm nhận này cũng được nhận thấy ở cấp đại học. Ngược lại, quy chế đại học của công tác xã hội đã mang đến cho nhân viên xã hội tại Thuy Điển tính chính thống cao. Nhưng, mức độ đánh giá đó có thể dễ dàng tàn lụi nếu công tác xã hội thất bại trong việc công nhận sự tùy thuộc của mình vào các ngành khoa học khác, như Xã hội học, Nhân chủng học, Giáo dục học, Tâm lý học, Kinh tế học và Khoa học chính trị. Và nếu công tác xã hội là một ngành đào tạo đại học thất bại trong việc công nhận sự tùy thuộc của mình vào thực hành.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Bergmark,.(1998). Nyckelbegrepp i socialt arbete.[key concepts in social work] Lund: Studentlitteratur.
Crouch, R. C. (1979). Social work defined. Social Work. 24:46-48
Hessle, S, Ioka, B & Yamano, N.(1995). Family policy and Child welfare in Japan and Sweden. Stockholm studies in social work, 11, Stockholm University: Department of social work.
Howe, D. (1996). Surface and depth in social work practice. In Parton, N.(Ed). Social theory, social change and social work. The State of welfare N.Y: Routledge
Kendall, K. A .(2000). Social work education - its origins in Europe. Alexandria: Council on Social Work Education
Lorenz, W. (1994). Social work in a changing Europe. London: Routledge
Lorenz, W. (2001). (Forthcoming) Social work in Europe - Portrait of a diverse professional group. In Hessle, S (Ed).International Standard Setting of Higher Social Work Education. Stockholm Studies on Social Work, No xx. Stockholm University: Department of Social Work: xx-xx.

Không có nhận xét nào: