21 tháng 10, 2008
Vườn Rau Xanh Đến từ Lớp Học Xoá Mù Chữ
Một màu xanh phủ đều trên những mảnh vườn của tất cả 56 gia đình dân tộc Dao ở thôn Khe Cam, xã Ngòi A, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Mỗi gia đình đều trồng vài loại rau ở trước sân nhà.
Chị Lý Thị Sính, 37 tuổi, mẹ của ba đứa con, vui vẻ nói, “Gia đình tôi không chỉ có rau xanh cho bữa ăn hàng ngày mà còn có rau bán ngoài chợ. Chúng tôi trồng bắp cải, cải Đông dư, su hào và cải bẹ được hai tháng rồi. Đây là lần đầu tiên gia đình tôi trồng nhiều loại rau như vậy.”
“Trước đây, chúng tôi hay trồng rau trên nương nhưng rau còi cọc lắm vì chúng tôi không có kỹ thuật. Vì thế, gia đình tôi cũng như hầu hết người dân trong thôn chỉ thỉnh thoảng mới có rau trong bữa ăn hàng ngày.”
Kỹ thuật trồng rau mà chị Sính học được không phải là tại lớp khuyến nông mà tại lớp học Reflect. Phương pháp Reflect tái tạo phương pháp xoá mù chữ của Freire, một nhà giáo dục người Brazin, thông qua tăng cường sử dụng các kỹ thuật cộng đồng cho người dân tộc thiểu số.
Lớp học Reflect được Tầm nhìn Thế giới (TNTG) tổ chức tại thôn Khe Cam từ tháng 9/2007 nhằm giúp người dân học đọc, học viết và tiếp cận với các kiến thức và kỹ năng cần thiết cho cuộc sống của họ.
Chị Sính kể lại, “Khi còn nhỏ, tôi không được tới trường. Cha mẹ tôi sinh chín người con nên không đủ tiền cho tất cả con cái đi học. Tôi rất ngại khi mới tham gia lớp học vì tôi cũng lớn tuổi rồi.”
Chị tới lớp Reflect ba buổi tối một tuần. Cả lớp có 27 thành viên đều là những người mù chữ trong thôn. Lớp học mở buổi tối vì người dân còn bận lên nương ban ngày.
“Trước đây, tôi không biết viết tên mình còn bây giờ tôi có thể viết họ tên mình đầy đủ. Khi nhìn vào bảng chữ cái, tôi đánh vần từng chữ. Tôi còn được học cách trồng rau xanh, trồng hoa và cây lâu năm.” Chị Sính nói tiếp, “Không những thế, TNTG phát hạt rau giống cho tôi và các học viên khác. Nhờ thế, tôi có vườn rau xanh tốt như bây giờ.”
TNTG triển khai Chương trình phát triển Vùng (CTPTV) Văn Yên từ năm 2004. Sau hai năm đầu nằm trong giai đoạn chuẩn bị, CTPTV Văn Yên bắt đầu thực hiện các hoạt động trợ giúp cộng đồng từ cuối năm 2006.
Cho tới nay, CTPTV Văn Yên đã xây dựng lớp học cho các trường tiểu học và trung học cơ sở, nâng cấp trường mẫu giáo, cấp phát đồ chơi, đồ dùng học tập và áo ấm cho học sinh, cung cấp thiết bị y tế cho các trạm y tễ xã và tổ chức các khoá tập huấn nông nghiệp cho người dân. Ngoài ra, CTPTV còn chú trọng tới các hoạt động giáo dục cho người dân thiểu số.
Chị Lê Thị Thu Trang, trợ lý giáo dục của CTPTV Văn Yên, cho biết, “Chúng tôi đã mở được ba lớp học Reflect tại hai xã dự án. Học viên không chỉ học chữ mà còn tiếp thu kiến thức cho cuộc sống tại các lớp học. Nội dung bài học được lồng ghép với các lĩnh vực nông nghiệp hay y tế, chẳng hạn như trồng rau, dinh dưỡng và phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ nhỏ.”
Anh Ngô Quyết Chiến, giảng viên của một lớp Reflect đồng thời là cộng tác viên thôn bản của TNTG, nhớ lại, “Những buổi học đầu tiên khá vất vả vì học viên đều không biết chữ. Khi thảo luận, tôi phải yêu cầu học viên vẽ ra giấy để thể hiện ý kiến của mình”.
“Trong mỗi buổi học, các học viên tham gia thảo luận và trình bày về một vấn đề mà họ quan tâm chẳng hạn như cách để có vốn làm ăn, nguyên nhân dẫn đến đói nghèo hay cách trồng rau sạch. Sau đó, tôi sẽ dạy họ từ then chốt của chủ đề đó, ví dụ như vay vốn hay nghèo đói. Dần dần, học viên học và viết được từng chữ cái và có thể viết được câu ngắn với bốn hoặc năm từ. Tôi cũng dạy họ làm toán thông qua cách thức này.”
Anh Chiến cho biết, “Tới nay, hầu hết học viên đều tự tin hơn sau những lần tham gia thảo luận theo nhóm các vấn đề trong đời sống thực tế và tự mình trình bày ý kiến trước toàn thể học viên trong lớp học.”
Sau vài tháng tham dự lớp Reflect, chị Sính có thể hiểu người mua hàng viết gì hoặc ghi con số gì với chị khi chị đi chợ hoặc mang rau của nhà ra chợ bán. Chị vui mừng nói, “Khi tới khám bệnh ở bệnh viện, tôi cũng không ngại nữa. Trước đây, tôi rất xấu hổ mỗi khi phải hỏi hướng dẫn vào phòng khám. Mỗi phòng khám có bảng tên của bác sĩ ở ngoài cửa nhưng tôi có biết chữ đâu mà đọc. Hỏi chỉ dẫn của người xung quanh thì họ nói đọc bảng tên là biết, còn nói mình không biết chữ thì ngượng. Bây giờ thì tôi đọc được các chữ đó dễ dàng rồi.”
Trưởng thôn Khe Cam, anh Lý Hữu Chu, cho biết những người không biết chữ trong thôn, trừ người già, đều tham gia lớp học này. “Bọn trẻ trong thôn cũng được lợi khi cha mẹ chúng được dạy cách phòng tránh tai nạn và thương tích cho trẻ nhỏ tại lớp học. Thông qua lớp học Reflect, người dân học cách để dao, kéo, ổ điện ở trên cao, ngoài tầm với của trẻ con. Ngoài ra, chúng tôi cũng dựng hàng rào dọc đường đồi hoặc suối để trẻ không bị ngã khi ra ngoài chơi.”
Anh Chu ghi nhận, “Kể từ khi tôi làm trưởng thôn năm 2005, mấy tháng nay, tôi đã chứng kiến sự thay đổi trong cuộc sống của người dân .”
Chị Sinh nói chị rất thích học tại lớp Reflect mặc dù có những bài học khó, đặc biệt là học toán. “Tuy nhiên, càng ngày bài học lại càng hấp dẫn và tôi học hỏi được nhiều từ các bài học đó.”
TNTG đặt mục tiêu 90% người dân trong độ tuổi 18-40 tại CTPTV Văn Yên biết chữ khi dự án kết thúc. Hiện tại, tỉ lệ người biết chữ tại huyện là 70% tuy nhiên tỉ lệ này thấp hơn nhiều tại những vùng dân tộc thiểu số.
Anh Chiến cho biết, “Bên cạnh biết đọc, biết viết, tôi hi vọng học viên sẽ am hiểu các kiến thức xã hội, năng động và bạo dạn hơn khi lớp học kết thúc. Sau đó, họ sẽ trở thành những người thực hiện việc phát triển cộng đồng trong thôn.”
Người viết: Nguyễn Kim Ngân
From Worldvision.org.vn
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét