8 tháng 10, 2008

Tước quyền cha mẹ của những kẻ bạo hành: quá khó!

Tước quyền cha mẹ của những kẻ bạo hành: quá khó!

Đông đảo người dân theo dõi phiên tòa xét xử Hồ Thị Ba, người mẹ tạt nước sôi vào con, bắt con đi ăn xin
TT - Sự việc bé gái 3 tuổi Nguyễn Thị Hảo bị bà Nguyễn Thị Mỳ - người hiện thời được cho là mẹ bé Hảo - hành hạ dã man (Tuổi Trẻ ngày 25-9) đã khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Trước đó liên tục xảy ra các trường hợp cha mẹ bạo hành con cái. Sự phẫn nộ đã làm dấy lên câu hỏi có thể tước quyền làm cha mẹ của những kẻ đã bạo hành con cái mình không?

Câu trả lời là “có” mà “không”. “Có” là vì đã có nhiều điều luật quy định, còn “không” vì trên thực tế sau khi các bậc cha mẹ bạo hành bị xử lý, trẻ vẫn bị trả về gia đình, phải tiếp tục sống với người đã bạo hành mình.

Đánh con tàn nhẫn

Những vụ bạo hành của cha mẹ đối với con cái bị dư luận lên án trong thời gian qua

* Tháng 11-2007, bé Hồ Thị Bông (11 tuổi) bị mẹ là Hồ Thị Ba trói, đánh đập dã man, tạt nước sôi vào người vì cho rằng bé Bông ham chơi, không chịu đi ăn xin, mang về đủ 200.000 đồng/ngày. Hồ Thị Ba bị phạt 3 năm tù về tội “cố ý gây thương tích”.

* Cuối năm 2007, bé Phạm Huy Hoàng, 5 tuổi, ngụ tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh bị mẹ dùng bình thuốc xịt muỗi và nồi inox đánh vào đầu đến chấn thương sọ não do “tội” đánh nhau với mấy đứa trẻ hàng xóm. Bé Hoàng sau đó đã tử vong.

* Tháng 5-2008, bé Nguyễn Ngọc T., học sinh lớp 6 (Quảng Nam) bị cha bắt cởi truồng, bò vòng quanh sân nhà văn hóa thôn giữa trời nắng, chỉ được đội một cái nón trên đầu vì người cha cho rằng bé T. học dốt, lại hay bỏ học.

Dạy đứa con gái mới 6 tuổi đầu bằng cách dùng bàn chải cào vào mặt, đánh đập tới mức thâm tím cả người như trường hợp cha mẹ của bé Bùi Thị Hạ, ngụ xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP.HCM thì quả là kinh sợ. Trong suốt thời gian từ đầu năm học mới đến nay, cô giáo của bé Hạ thấy bé thường xuyên có những vết thâm tím trên người. Có hôm mông của bé sưng to, bầm tím đến nỗi không thể ngồi học. Quá bức xúc, nhà trường mời phụ huynh của bé Hạ thì cha mẹ bé thừa nhận đã đánh con.

Nhà trường phối hợp với chính quyền địa phương đã giải thích, vận động. Cha mẹ của Hạ làm cam kết không đánh đập bé và đảm bảo cho bé tới lớp. Thế nhưng, theo bà Phan Thị Phương Loan - phó chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Hóc Môn, sau buổi làm việc được mấy hôm, cha mẹ của Hạ không cho bé tới lớp nữa. Hỏi thì cha mẹ bé nói đã gửi bé về quê nhờ ông bà nuôi do đi học ở đây “phiền phức” quá!

Theo bà Loan, các cơ quan chức năng định ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cha mẹ bé Hạ, nhưng do thấy cả hai cam kết sẽ không đánh đập bé nữa nên thôi. Một phần cơ quan chức năng cũng ngại nếu xử phạt thì có thể phụ huynh này sẽ trút cơn giận lên đầu đứa trẻ.

Chưa có nơi tạm lánh cho trẻ bị bạo hành

Đoàn thể, chính quyền địa phương xã Đông Thạnh và huyện Hóc Môn có ý tìm một cơ sở nuôi dưỡng để gửi bé Hạ một thời gian, cách ly với cha mẹ nhưng chưa biết gửi vào đâu, quy trình thực hiện ra sao thì cha mẹ đã đưa bé đi mất.

Theo Luật phòng chống bạo hành gia đình (có hiệu lực từ 1-7-2008), UBND xã có quyền ra quyết định cấm người bạo hành tiếp xúc với nạn nhân trong vòng ba ngày nhưng phải có đơn đề nghị của nạn nhân, người giám hộ hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Luật cũng quy định nạn nhân bị bạo hành gia đình có thể được đưa vào cơ sở trợ giúp (nơi tạm lánh, chăm sóc, cấp cứu, khám chữa bệnh... cho nạn nhân). Tòa án có thể ra quyết định cấm người có hành vi bạo hành tiếp xúc với nạn nhân trong thời gian tối đa là bốn tháng.

Tuy nhiên, đây là những vấn đề mới được Luật phòng chống bạo lực gia đình quy định nhưng chưa thể thực hiện vì chưa có nghị định hướng dẫn. Có trường hợp chính quyền địa phương mời người có hành vi bạo hành lên làm việc, giáo dục hoặc thậm chí xử phạt hành chính nhưng rồi vẫn phải giao đứa trẻ bị bạo hành lại cho cha mẹ chăm sóc vì không biết giao cho ai. Việc các bé có tiếp tục bị bạo hành nữa hay không tùy tâm của những bậc cha mẹ này.

Khó tước quyền của cha mẹ?

Theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình, trường hợp cha mẹ có hành vi xâm phạm sức khỏe, danh dự của con, vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng... có thể bị tòa án tuyên không cho chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục con cái (chưa thành niên) từ 1-5 năm. Tòa án có thể tự ra quyết định hoặc theo sự đề nghị của viện kiểm sát, các cá nhân, tổ chức khác như hội liên hiệp phụ nữ, ủy ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em...

Tuy nhiên, kể từ khi Luật hôn nhân và gia đình có hiệu lực (ngày 1-1-2001) đến nay, đã có nhiều trường hợp cha mẹ bạo hành con trẻ, mức độ nhẹ thì bị xử lý hành chính, gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe, tính mạng của con thì bị xử lý hình sự nhưng chưa có ai bị tòa tuyên hạn chế quyền làm cha mẹ với con.

Luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên, người từng tham gia bảo vệ quyền lợi cho rất nhiều trẻ em trong các vụ bị bạo hành cho biết bà chưa thấy có trường hợp nào viện kiểm sát, hội liên hiệp phụ nữ, ủy ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em... yêu cầu tòa án hạn chế quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên. Ngoài ra cũng có thể do chưa có hướng dẫn cụ thể cơ quan, tổ chức xã hội nào có trách nhiệm nhận nuôi, dạy người chưa thành niên trong trường hợp cha, mẹ bị hạn chế quyền.

Vẫn theo luật sư Liên, tại các quốc gia phát triển có quy định rõ thế nào là hành vi bạo hành (kể cả về tinh thần) đối với trẻ em, cha mẹ có hành vi bạo hành đến mức độ nào thì bị áp dụng biện pháp hạn chế quyền đối với con chưa thành niên. Trường hợp phải giao trẻ cho người giám hộ nuôi dưỡng, người giám hộ phải có đủ điều kiện cần thiết bảo đảm cho việc chăm sóc, giáo dục trẻ em. Nếu không có người giám hộ, trẻ sẽ được đưa vào những cơ sở xã hội có đủ điều kiện nuôi dạy trẻ.

Nếu các cơ quan thực thi pháp luật triển khai đầy đủ, kịp thời những nội dung của luật thì có lẽ sẽ giảm đáng kể những trường hợp trẻ bị bạo hành thương tâm, gánh chịu hậu quả nặng nề không chỉ về thể chất mà cả tinh thần. Theo nghiên cứu của các chuyên gia tâm lý, việc bị bạo hành từ chính cha mẹ ruột có tác hại nghiêm trọng đến sự phát triển bình thường về tâm thần của trẻ về sau. Trẻ thường xuyên bị đối xử bằng bạo lực lại tiếp tục có xu hướng sử dụng bạo lực...

Luật phòng chống bạo lực gia đình quy định:

* Người phát hiện bạo lực gia đình phải kịp thời báo tin cho cơ quan công an nơi gần nhất hoặc UBND cấp xã, hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi xảy ra bạo lực để kịp thời xử lý hoặc kiến nghị, yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền xử lý có biện pháp ngăn chặn, kịp thời bảo vệ nạn nhân bị bạo hành gia đình.

* Mặt trận Tổ quốc VN và các tổ chức thành viên, Hội Liên hiệp phụ nữ VN có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục, khuyến khích, động viên hội viên và nhân dân chấp hành pháp luật về phòng chống bạo hành gia đình.

* Cơ quan công an, tòa án, viện kiểm sát trong phạm vi nhiệm vụ quyền hạn của mình chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân bạo hành gia đình, chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm.

CHI MAI
From Bao tuoi Tre 07/10/2008

Không có nhận xét nào: