27 tháng 8, 2008
NHỮNG BƯỚC NGOẶT TRONG LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG TÁC XÃ HỘI TẠI MỸ
NHỮNG BƯỚC NGOẶT TRONG LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG TÁC XÃ HỘI TẠI MỸ
ThS. Trần Đình Tuấn
Từ thời cổ đại tới đầu thế kỷ 17.
Có lẽ loài người đã bắt đầu giúp đỡ người khác ngay từ khi họ xuất hiện trên trái đất này. Xu hướng giúp người nghèo, ốm đau, yếu đuối và người già dường như là tính cách bẩm sinh của con người và được tất cả các tôn giáo khuyến khích. Trong Phật giáo, cứu độ chúng sinh là điều đầu tiên trong 6 tiêu chuẩn hoàn thiện giúp con người thoát khỏi bể khổ. Dựa vào kinh Cựu Ước, nguồn gốc của đạo Thiên chúa, đạo Hồi và đạo Do thái, sách Thánh (Talmud) của người Do thái đã mô tả trách nhiệm của người giàu và quyền của người nghèo khi làm phúc. Nó cũng mô tả chi tiết việc hình thành và quản lý quỹ từ thiện. Câu chuyện về chúa Samaritan trong kinh tân ước (Luke, chương 10, từ câu 25-27) là một trong số rất nhiều điều răn dạy về lòng từ thiện của đạo Thiên chúa. Có thể nói rằng truyền thống hoạt động từ thiện tích cực của đạo Thiên chúa đã hình thành nền tảng cho hoạt động xã hội hiện đại tại Âu-Mỹ và trên thế giới. Thuế bố thí cho người nghèo, Al-Zakat, là một trong 5 trụ cột của Hồi giáo(2) quy định rằng những tín đồ Hồi giáo khi nào đạt mức thu nhập hàng năm tối thiểu tương đương với 87.48 g vàng phải đóng góp 2.5% thu nhập của mình cho hoạt động từ thiện. Cột trụ này quan trọng tới mức ở Arap Xeut Bộ thuế và Zakat được thành lập để kiểm soát hoạt động từ thiện bắt buộc. Trong văn hóa Việt Nam, có câu thành ngữ về từ thiện là “Dù xây chín bậc phù đồ, không bằng làm phúc cứu cho một người”
Khi xã hội loài người phát triển hơn với sự ra đời của quốc gia, chính phủ được thành lập và hoạt động từ thiện công cũng xuất hiện. Ví dụ: hai nghìn năm trước công nguyên, vua Hammurabi của Babylon (hiện giờ là Irac) có luật bảo vệ góa phụ, trẻ mồ côi và người yếu đuối. Tại Việt Nam, khi xảy ra thảm họa tự nhiên như lũ lụt, mất mùa hoặc đói kém, nhà vua luôn mở kho gạo dự trữ phân phát cho mọi người. Thậm chí cả những ông vua tồi như Lý Cao Tông (1176 – 1210) cũng có hoạt động từ thiện này. Các vị vua được tôn kính như Lý Thành Tông (1054 – 1072) còn cảm thấy thương xót cho những người tù tội và cho phép họ “được ăn hai bữa một ngày và cung cấp chăn và chiếu cói).(3)
Ở Châu Âu, vào thế kỉ thứ 6, tu viện Thiên chúa giáo trở thành trung tâm của hoạt động cứu trợ, đặc biệt tại những vùng nông thôn. Trong suốt thời gian đó, quyền sở hữu đất đai thuộc về vua, quý tộc và nhà thờ. Một phần lợi nhuận thu được từ đất đai và đóng góp của các con chiên đi lễ được dùng để cứu giúp người nghèo trong cộng đồng. Suốt thời kỳ Trung Cổ (4) cũng đã có mạng lưới các bệnh viện. Những bệnh viện này thường được xây dựng gần các tu viện hoặc trên các trục đường chính. Chúng không chỉ chữa bệnh và cấp,thuốc cho người ốm mà còn được coi là nơi trú ngụ cho những người qua đường, trẻ mồ côi, người già…Giữa thế kỉ 14, chỉ riêng nước Anh đã có hàng trăm bệnh viện như thế.
Gần cuối thể kỷ 13, nhu cầu len sợi ngày càng tăng đã thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp len. Để tăng sản lượng len, đất đai giành cho chăn nuôi cừu tại các trang trại lớn bị thu hẹp lại để đầu tư cho máy móc hiện đại và giống mới. Trước khi có phong trào rào đất, không ai cai quản đất đai và các tá điền nghèo có thể tận dùng các cánh đồng sau khi thu hoạch để nuôi ngỗng, gà, cừu và lợn. Phong trào rào đất có lợi cho ngành công nghiệp len nhưng lại khiến các tá điền nghèo càng nghèo hơn. Tệ hơn thế, ngoài việc mùa màng thất bát, bệnh dịch hạch (1347 – 51) bắt nguồn từ Trung Quốc và lan rộng khắp Châu Á, Âu và Phi đã giết chết ½ dân số Trung Quốc (123 triệu người chết trước bệnh dịch và 65 triệu sau bệnh dịch), 1/3 dân số Châu Âu (75 triệu người chết trước bệnh dịch và 50 triệu sau bệnh dịch), 1/8 dân số Châu Phi (80 triệu trước bệnh dịch, 70 triệu sau bệnh dịch). Tại Anh, trong vòng 2 năm (1348 – 1349), dịch hạch đã cướp đi mạng sống của 4.2 triệu người ( hơn ¼ dân số).
Những biến cố thảm khốc trên cùng với nạn tham nhũng của Nhà thờ công giáo La Mã tại Anh, mối bất hòa giữa vua Henry VIII và Vatican (6) đã khiến nước Anh lâm vào tình trạng bất ổn nghiêm trọng. Đói nghèo, lang thang cơ nhỡ, thất nghiệp, ăn xin, trộm cắp gia tăng trong khi hệ thống cứu trợ truyền thống được nhà thờ thành lập đã sụp đổ. Vì vậy, chính phủ phải ra tay hành động và từ thiện công bắt đầu phát triển một cách có hệ thống. Giữa thế kỷ 16, luật thuế từ thiện bắt đầu xuất hiện. Năm 1601, Bộ Luật Người nghèo của nữ hoàng Elizabeth nổi tiếng ra đời và duy trì ảnh hưởng trong vòng gần 250 năm với rất ít sự thay đổi. Luật này thừa nhận quyền được nhận trợ giúp của ba loại người trong xã hội: trẻ em bị bỏ rơi, người khuyết tật, hay còn gọi là người nghèo đáng trân trọng, và cả người khỏe mạnh. Trẻ em bị bỏ rơi được học nghề, người khỏe mạnh được làm việc và người khuyết tật hoặc người nghèo, được nhận trợ cấp bên ngoài (tại nhà) hoặc được được nhận vào nhà tế bần (trong nhà). Mặt khác, luật này qui định những hình phạt nghiêm khắc:cha mẹ, ông bà có nghĩa vụ nuôi dưỡng con, cháu, những người khỏe mạnh từ chối lao động sẽ bị bỏ tù, đánh đập, đóng dấu hoặc bị hành hình. Luật cũng quy định rõ ràng trách nhiệm của chính phủ, ở cấp địa phương trong quá trình thực hiện: nghĩa vụ đóng thuế, trừng phạt tội trốn thuế , trách nhiệm của các cán bộ địa phương…Có thể nói rằng Luật Người Nghèo của Nữ hoàng Elizabeth 1601, đã thiết lập hệ thống cứu trợ công đầu tiên do nhà nước quản lí bên cạnh hệ thống cứu trợ truyền thống của nhà thờ.
Luật Người nghèo Elizabeth 1601 và những tác động tới phong trào từ thiện tại Mỹ:
Khi di cư tới vùng đất mới của Mỹ, người Anh đã mang theo phong tục và tập quán của quê nhà, và để giúp người nghèo, họ áp dụng những quy tắc của Luật người nghèo Elizabeth: tại những thành phố lớn như Boston, Philadelphia, người Anh di cư có những nhân viên thu thuế giành cho công tác cứu trợ cộng đồng. Trách nhiệm thi hành Luật Người nghèo giao cho cấp hành chính thấp nhất: thị trấn. Tại các thuộc địa miền Nam, trách nhiệm này thuộc về nhà thờ. Tuy nhiên các thị trấn cũng có những cách làm riêng, ví dụ: mỗi gia đình phải trợ cấp cho người nghèo trong một giai đoạn nhất định trong năm. Năm 1687, thị trấn Hadley, Masachusetts đã gửi một góa phụ tới sống tại rất nhiều gia đình, mỗi nơi trong vòng hai tuần. Một tập quán khác là đấu giá vì người nghèo: bất kỳ ai trả giá thấp nhất sẽ được quyền chăm sóc một người cần sự giúp đỡ.
Số người nghèo gia tăng theo thời gian. Giữa thế kỷ 17, vài cộng đồng bắt đầu cấm những người nhập cư ốm đau, nghèo khó hoặc thất nghiệp. Suốt thời gian này, do ảnh hưởng của thuyết Calvin, lòng căm ghét người nghèo bắt đầu xuất hiện, đặc biệt là những người khỏe mạnh sống dựa vào trợ cấp xã hội (những người nghèo không đáng trọng). Người da đen và da đỏ được coi như là con của quỷ Satan và không được giúp đỡ. Những đứa trẻ da trắng trong các gia đình nghèo bị tách khỏi cha mẹ và được đưa vào các tổ chức để học nghề.
Cuộc cách mạng giải phóng Hoa Kỳ (1775 – 1793) làm gia tăng số lượng người cực nghèo, trẻ mồ côi và người khuyết tật. Tình hình này cộng thêm với phong trào Thức tỉnh và Khai sáng đã khuyến khích rất nhiều người tham gia vào công tác từ thiện.
Phong trào Thức tỉnh phản bác học thuyết Calvin về những điểm sau: (a) không cái gọi là số phận, do Chúa an bài, (b) không có chuyện Chúa hạn định số người được lênThiên đàng, (c) ngược lại, mọi người đều được Chúa cứu rỗi, điều kiện duy nhất là biết làm theo và sống theo điều răn dạy của Người. Phong trào thức tỉnh đã khiến hoạt động từ thiện không chỉ là công việc của người giàu mà là trách nhiệm của tất cả mọi người trong xã hội. Sự tham gia rộng rãi của cộng đồng là nhờ vào sự xuất hiện của các nhà nhân ái lỗi lạc, những người có khả năng tuyệt vời trong việc động viên mọi người đóng góp tiền bạc cho hoạt động từ thiện. (7)
Phong trào thức tỉnh được sáng lập bởi các nhà bác học vĩ đại như Isaac Newton, người khẳng định vũ trụ không phải do Chúa tạo ra trong vòng 7 ngày như mô tả trong Kinh Cựu Ước mà hoạt động theo những quy luật bất biến mà con người có thể hiểu được; và John Locke, người tuyên bố rằng không có tội lỗi bẩm sinh, rằng con người sinh ra bình đẳng, chịu ảnh hưởng của môi trường sống và mọi người có thể được cứu giúp trên trái đất này.
Các phong trào Thức tỉnh và Khai sáng khiến phần lớn những người Mỹ tin rằng nghèo khổ không phải là một điều hiển nhiên do Chúa an bài, vậy nên có thể xóa bỏ nó. Phong trào Thức tỉnh và Khai sáng cũng là nền tảng cho một cách nghĩ mới về việc con người sinh ra bình đẳng, người nghèo có quyền tương tự đối với các tài nguyên giàu có của đất nước như những người khác, quyền bầu cử, và nêntách nhà thờ khỏi nhà nước.
Sau khi giành được độc lập, chính phủ liên bang cho phép các bang chăm lo tới những người cần giúp đỡ tại địa phương. Các bang cho phép công dân và các tổ chức tôn giáo đảm nhận nhiệm vụ này. Đây là thời điểm khi nhà nước non trẻ của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ mở rộng lãnh thổ về phía tây rộng lớn. Những nguồn tài nguyên vô cùng giàu có của vùng đất mới khiến nhiều người Mỹ trở nên giàu có và tham gia từ thiện sớm trở thành một giá trị được xã hội coi trọng.
Từ cuối thế kỷ 18 tới đầu thế kỷ 19, cuộc cách mạng công nghiệp (1820 – 1870) và làn sóng di dân từ Châu Âu đã làm tăng nhanh số người cực nghèo ở Hoa Kỳ. Hệ thống từ thiện tư nhân bị quá tải và không hiệu quả; và chi phí để duy trì hoạt động của hệ thống này không ngừng tăng lên. Trong khi đó, nhiều nhà kinh tế cổ điển nổi tiếng ủng hộ nền kinh tế tư bản vận hành theo quy luật cung cầu và không cần sự can thiệp của chính phủ. Adam Smith, David Ricardo, Thomas Malthus… đều ủng hộ mạnh mẽ nguyên tắc “tự do kinh doanh”, cho rằng tất cả sự can thiệp của chính phủ, bao gồm các biện pháp làm giảm số lượng người nghèo và thuế để gây quỹ cho các hoạt động từ thiện là không tốt.
Xu hướng này tạo ra những cảm nhận tiêu cực về người nghèo diễn ra không chỉ ở Mỹ mà còn ở Anh quốc. Năm 1834, chính phủ Anh thông qua Luật Người nghèo sửa đổi nhằm kiểm soát chặt chẽ các hoạt động từ thiện. Một ủy ban giám sát quốc gia được thành lập để kết hợp với các giáo xứ nhằm tổ chức tốt hơn hoạt động cứu trợ. Sự giúp đỡ cộng đồng giành cho người khỏe mạnh bị cấm, giảm thuế, giảm các khoản chi cho từ thiện và mức sống tối thiểu của lao động công nhật được bảo đảm cao hơn so với những người nhận trợ cấp công cộng. Ủng hộ xu hướng chung này của xã hội, thủ tướng Benjamin Disraeli tuyên bố rằng “nghèo là có tội” ở Anh.
Có nhiều nhân tố góp phần làm tăng ác cảm đối với người nghèo. Một trong số đó là giáo lý của đạo Tin lành: người giàu phải giúp người nghèo, nhưng người nghèo phải làm việc chăm chỉ. Thật đáng tiếc là tất cả những người tàn tật nghèo khổ bị thất nghiệp đều bị coi là lười biếng và tỏ ra thương hại hoặc giúp đỡ họ là chống lại ý muốn của Chúa trời. Một nhân tố quan trọng khác là sự di cư ồ ạt của người Ailen và Đức, những người tới Mỹ mang theo tôn giáo khác ( Đạo Công giáo La mã) và cả tư tưởng lạc hậu của Châu Âu (người nghèo có quyền nhận sự giúp đỡ nên không phải bày tỏ lòng biết ơn đối với người giúp mình). Những người di cư này sống tụ tập tại các khu ổ chuột của các thành phố lớn. Họ rất nghèo và cách sống của họ tạo khiến người khác ác cảm: uống rượu, hành động bừa bãi, phong tục và tôn giáo khác biệt…. Do đó, người Mỹ có sự ác cảm đối với người nhập cư, và họ tin rằng thuế giành cho quỹ tư thiện là điều phi-tôn giáo. ( Người cơ đốc giáo tự nguyện đóng góp cho hoạt động từ thiện và họ không bị buộc phải làm như vậy.)
Trong bối cảnh xã hội như thế, bản báo cáo của Yates được gửi tới các nghị sĩ quốc hội New York năm 1824 (John Van Nesh Yates, bộ trưởng ngoại giao của New York). Bản báo cáo này sau đó đã dẫn tới việc thành lập Đạo luật Người nghèo hạt New York . Đạo luật này: (a) chấm dứt tất cả các hoạt động cứu giúp người nghèo tại nhà (cứu trợ bên ngoài nhà tế bần); (b) xây dựng cơ sở từ thiện cho những người cần giúp đỡ (cứu trợ bên trong); (c) loại bỏ những cá nhân khỏe mạnh trong độ tuổi từ 18 tới 50 khỏi danh sách đối tượng được cộng đồng trợ giúp; (d) đưa trẻ em bị bỏ rơi, người già, người tàn phế tới các cơ sở từ thiện công cộng do chính phủ quản lý; (e) giao trách nhiệm từ thiện cho các hạt, chứ không phải thị trấn như trước.
Đạo luật Người nghèo hạt New York tạo ra sự cần thiết phải phân loại những đối tượng cần giúp đỡ: trại mồ côi, trại dưỡng lão, bệnh viện tâm thần và trại cải tạo giành cho tội phạm chưa tới tuổi thành niên…(8). Giai đọan này là thời kì Dorothy Lynde Dix với những hoạt động khoa học và cách mạng không mệt mỏi của mình đã thay đổi sâu sắc cách chăm sóc bệnh nhân tâm thần ở Mỹ. Nhờ những nỗ lực này, giữa thế kỷ 19, bang Massachusetts ban hành luật quy định trách nhiệm xây dựng và duy trì các bệnh viện giành cho bệnh nhân tâm thần. Từ Massachusetts, Dorothy Dix mở rộng cuộc vận động tới các bang khác, ủng hộ tích cực cho dự luật liên bang cấp thêm 10 mẫu Anh cho các bang, thêm vào 135 triệu mẫu Anh đã được cấp, để chi trả cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần. Sau một cuộc đấu tranh lâu dài, dự luật này cuối cùng cũng được quốc hội thông qua năm 1854; tuy nhiên nó bị tổng thống Franklin Pierce phủ quyết vì ông cho rằng hành động này trái luật. Ông đã viết rằng :“Tôi không thể tìm thấy Hiến pháp có qui định việc cho phép chính phủ liên bang trở thành người phát chẩn vĩ đại trong hoạt động từ thiện công trên toàn lãnh thổ Hợp chúng quốc Hoa Kỳ”
Sau vài năm hoạt động, các cơ sở từ thiện được chính quyền bang xây dựng để chăm sóc cho người nghèo và trẻ em bị bỏ rơi sớm trở thành “địa ngục trần gian”, “nghĩa địa xã hội”…khi được mô tả chi tiết trong văn học thời kỳ đó.
Niềm tin vào các nguồn lực vô hạn của đất nước, và đói nghèo là kết quả của các thói xấu của cá nhân: sự lười biếng, vô đạo đức, vô thần. Do đó, tầng lớp trung lưu của Mỹ bắt đầu một chiến dịch để giáo dục đạo đức cho người nghèo. Năm 1843, Hiệp hội Cải thiện Điều kiện sống cho Người nghèo (AICP) được thành lập đầu tiên tại New York. Phần lớn thành viên của AICP là tầng lớp trung lưu, những con chiên ngoan đạo của đạo Tin lành. Mục tiêu của họ giúp đỡ người nghèo không phải là ban phát đồ cứu trợ mà là mang lại tình yêu, sự kính trọng và đặc biệt động lực để người nghèo nâng cao đạo đức, sống thanh đạm, làm việc chăm chỉ và làm theo lời răn của Chúa, thôi say xỉn, cờ bạc…để thoát khỏi đói nghèo.
Từ niềm tin mang giản đơn đó, phong trào AICP nhanh chóng lan rộng sang các bang khác, nó cũng nhanh chóng nhận ra rằng thói xấu của cá nhân không phải là nguyên nhân duy nhất, hay chính yếu của đói nghèo; thay vào đó, nền kinh tế, xã hội, môi trường chính trị…là những lý do chính hoàn toàn nằm ngoài kiểm soát của người nghèo. Những nhà tư tưởng vĩ đại như Robert Owen, Mathew Carey, Sarah Hale, Joseph Tuckerman, Karl Max… đưa ra những cách suy nghĩ mới về người nghèo. AICP sớm bắt đầu có những hoạt động thiết thực hơn như: (a) xem xét các nguyên nhân môi trường của đói nghèo; (b) hỗ trợ tài chính, việc làm, thuốc men và nhà tắm công cộng, (c) xóa bỏ khu nhà ổ chuột, (d) xây dựng khu dân cư mới, (e) ủng hộ cải cách xã hội…Những hoạt động này dẫn tới sự phát triển ban đầu của một nghề nghiệp mới: công tác xã hội.
Sự hình thành các phong trào từ thiện khoa học tại Mỹ:
Cuộc nội chiến ác liệt những năm 1861 – 1865 đã tạo ra những nhu cầu to lớn về công tác xã hội tại Mỹ: hàng triệu góa phụ và trẻ mồ côi, các cựu chiến binh bị tàn phế, những nô lệ mới được giải phóng, những người không được học hành và không có các kỹ năng nghề nghiệp bùng nổ trên khắp miền Nam và tìm kiếm việc làm và sự giúp đỡ…Vì vậy, nhu cầu này khiến hoạt động từ thiện tư nhân quá tải, và chính phủ buộc phải tiến hành trợ giúp cộng đồng ở qui mô lớn. Tháng 3/1865, hai tháng trước khi nội chiến chấm dứt, Quốc hội đã thành lập Bộ chiến tranh về Người tị nạn, Nô lệ Tự do và Vùng đất bị bỏ hoang. Đây là cơ quan phúc lợi xã hội đầu tiên của chính quyền liên bang. Tuy nhiên đáng tiếc là do xung đột giữa quyền hành pháp và tư pháp (tổng thống Andrew Johnson liên tiếp phủ quyết luật thành lập cơ quan này và Quốc hội liên tục bác bỏ quyền phủ quyết này), cơ quan hoạt động hiệu quả này đã bị bãi bỏ sau 6 năm hoạt động. Từ 1872, Hoa Kỳ quay lại với hệ thống cũ với việc các bang tự giải quyết các vấn đề phúc lợi xã hội. Đây là bước quan trọng trong lịch sử phúc lợi xã hội của Hoa Kỳ. Phải mất tới hơn 50 năm cho tới khi dự luật An sinh xã hội năm 1935 cho phép chính quyền liên bang nắm giữ vai trò dẫn đầu trong phúc lợi xã hội. Vì các bang có đạo luật riêng, công tác xã hội rất yếu kém trong khâu tổ chức và phối hợp. Điều này dẫn đến tình trạng hoạt động kém hiệu quả, tham nhũng và lãng phí tài nguyên. Tình trạng này buộc các hội từ thiện tư nhân và công cộng phải cải cách, tái cơ cấu và sáp nhập các tổ chức nhỏ thành những tổ chức lớn hơn.
Trong suốt thời kỳ này, niềm tin rằng đói nghèo là hậu quả trực tiếp của các thói xấu cá nhân lại tái xuất hiện. Niềm tin này được củng cố bởi lý thuyết khoa học giả tạo của Herbert Spencer về “chủ nghĩa Darwin xã hội” hay “ tiến hóa để sinh tồn” và học thuyết “không can thiệp” lên án mọi sự can thiệp của chính phủ vào nền kinh tế.
Mối ác cảm trên giành cho người nghèo và vấn đề tham nhũng của các tổ chức từ thiện do chính phủ điều hành bởi dẫn tới sự sụp đổ từ từ của hệ thống phúc lợi công cộng. Từ thập kỷ 1870 chính quyền bang chỉ duy trì trách nhiệm chăm sóc trẻ bị bỏ rơi, người già, và người tàn tật trong các cơ sở từ thiện. Ngoài các cơ sở này, những người cần giúp đỡ phải phụ thuộc vào gia đình, bạn bè, hàng xóm, nhà thờ…trước khi được đưa vào các hội từ thiện tư nhân.
Cuộc suy thoái kinh tế thập kỉ 1870 đã cho thấy sự yếu kém của hệ thống phúc lợi xã hội và người dân nổi loạn ở khắp nơi. Năm 1877, quân đội bang và liên bang được huy động để dẹp các cuộc bạo loạn tại nhiều thành phố lớn. Người Mỹ bắt đầu nhận thức được rằng hoạt động cứu trợ được tổ chức yếu kém gây thiệt hại nhiều hơn là giúp đỡ xã hội. Nhận định này dẫn tới phong trào Hội Tổ chức Từ thiện (COS) và nguyên tắc hoạt động từ thiện khoa học.
Lấy mô hình từ COS London thành lập vài năm trước đó, Josephine Shaw Lowell, một trong những lãnh tụ của phong trào đã thiết lập COS New York tại Buffalo năm 1882. Tới cuối thế kỷ, đã có 138 COS trên khắp đất nước. Với niềm tin mãnh liệt rằng trợ giúp nhân đạo không cần phải điều tra giống như việc bác sĩ kê đơn mà không chẩn đoán bệnh, COS đã gửi “sứ giả thiện chí” tới mỗi gia đình cần giúp đỡ, tìm hiểu từng trường hợp để phân loại nguyên nhân của sự nghèo túng và từ đó khiến hoạt động từ thiện trở thành việc xuất phát từ trí óc hơn là trái tim. Nền tảng của phong trào COS là niềm tin rằng con người có trách nhiệm với cuộc sống cá nhân và thói vô đạo đức, lười biếng cũng như sự giúp đỡ theo kiểu đổ đồng là hành động tội lỗi. Do phần lớn các nhà lãnh đạo phong trào đồng thời là những nhà lãnh đạo kinh tế, phương pháp quản lý của họ được dùng để tổ chức và quản lý hoạt động nhân đạo. Phương pháp tiến hành một cuộc điều tra toàn diện cho từng trường hợp của COS dẫn tới sự phát triển của phương pháp “nghiên cứu trường hợp” và môn Công tác Xã hội trong giáo dục sau đại học tại Mỹ.
Không hài lòng với phương pháp cứng rắn, vô cảm của phong trào COS, các nhà lãnh đạo khác của công tác từ thiện Mỹ, trong đó có Jane Addams, đã thành lập Hull House tại Chicago năm 1889 (theo mô hình Toynbee Hall, London 1884). Đó là căn nhà đầu tiên trong phong trào nhà định cư tại Mỹ. Để có hiệu quả, những người làm công tác định cư đã chuyển tới sống tại các khu ổ chuột, sống nghèo khổ như người dân ở đó và làm việc với họ để thay đổi cả khu dân cư và nâng cao chất lượng cuộc sống của những người cần giúp đỡ. Từ Hull House tại Chicago, phong trào nhanh chóng lan rộng. Năm 1910, có khoảng 400 căn nhà định cư khắp nước Mỹ. Phong trào đã cải thiện thành công cuộc sống của nhiều người nghèo, xây dựng các nhà trẻ, trường mẫu giáo, thư viện, lớp học quyền công dân, văn phòng giới thiệu việc làm…Sau đó, phong trào định cư tham gia vào các hoạt động lớn hơn như đấu tranh cho chế đô làm việc 8 tiếng ngày, 6 ngày trong tuần, nghiêm cấm lao động trẻ em, thành lập tòa án vị thành niên đầu tiên trên thế giới tại hạt Cook, Chicago, dọc theo tuyến phố từ Hull House…
Do sự khác biệt lớn trong triết lí và phương thức hoạt động, có rất nhiều điểm khác trong hai phong trào này. COS coi phong trào định cư là cảm tính và không khoa học trong khi phong trào định cư chỉ trích COS là quá lạnh lùng, không có tình người và keo kiệt, gia trưởng và duy lí…Trên thực tế, cho dù chúng rất khác biệt, hai phong trào này đều đóng góp cho sự phát triển của nghiên cứu trường hợp, và tiếp đó là sự phát triển của một nghề nghiệp mới. Tới đầu thế kỷ 20, hai phong trào này bắt đầu hợp tác và trên thực tế kết hợp thành “công tác xã hội”
Đạo luật An sinh Xã hội 1935:
Ra đời trong cuộc đại suy thoái thế giới 1929 – 1939, Đạo luật An sinh Xã hội 1935 đánh dấu một bước chuyển lớn của chính quyền liên bang Mỹ. Đạo luật này chấm dứt hoàn toàn chính sách không can thiệp của chính quyền liên bang ra đời từ trước khi giành độc lập và bắt đầu tham gia vào phúc lợi xã hội ở mức độ rộng lớn, phổ biến và thường xuyên. Được bổ sung sau rất nhiều sửa đổi, đạo luật an sinh xã hội giờ đây bảo đảm thu nhập tối thiểu và ổn định cho người già, người về hưu, người tàn tật, bệnh nhân tâm thần, góa phụ, và trẻ em (con của những người có đóng góp cho quỹ an sinh xã hội trước khi chết) và chăm sóc y tế cho người già.
Đặt trụ sở tại Baltimore, Maryland, gần thủ đô Washington, Cục an ninh xã hội có 62000 nhân viên, 10 văn phòng khu vực và 1300 văn phòng địa phương. Năm 2004, cơ quan này chi trả 500 tỉ đô la cho những người hưởng lợi từ Đạo luật anh ninh xã hội. So với hệ thống an sinh xã hội của nhiều nước phát triển khác, Đạo luật an sinh xã hội Mỹ có nhiều điểm yếu; ngoài trừ điều đó, đây là quỹ an sinh xã hội lớn nhất thế giới và Cục an sinh xã hội là cơ quan có ngân quỹ lớn nhất trong chính phủ Mỹ. (10 )
Ngân sách cho an sinh xã hội thu từ thuế dựa trên bảng lương, do người làm và chủ sử dụng lao động đóng góp (50% mỗi bên). Vì nhiều lí do, quỹ an sinh xã hội hiện tại đang có nguy cơ sụp đổ khi thế hệ bùng nổ dân số nghỉ hưu đồng loạt trong thập kỷ tới (11) và làm thế nào để cứu quỹ này luôn là chủ đề của những cuộc tranh luận gay gắt của nước Mỹ hiện nay. Các nhà phê bình Đạo luật an sinh xã hội đã chỉ ra một số vấn đề sau:
1. Nguyên lý “trả tiền cho đến khi qua đời” không giúp việc duy trì khoản tiền đóng góp của thế hệ trước để trang trải chi phí ngày càng tăng của thế hệ hiện nay và sau này
2. Cam kết của chính phủ chi trả mức trợ cấp ngày càng cao cho số lượng người nhận trợ cấp ngày càng tăng mà không cần tính đến nhu cầu hoặc biện pháp thực tế nào để đảm bảo.
3. Nó không bao quát được những người thuộc đáy của xã hội: những người rất nghèo không làm đủ thời gian để được hưởng trợ cấp hoặc chẳng làm gì cả (những người nghèo khỏe mạnh).
Tuy nhiên, Đạo luật an sinh xã hội đóng vai trò cốt yếu trong việc giảm đáng kể số lương người già nghèo khó tại Mỹ: từ 35% năm 1959 xuống 10% như hiện nay.
Sự phát triển của công tác xã hội với tư cách là một nghề:
Ngay sau khi cuốn “Xã hội học năng động” của Lester Frank ward được xuất bản năm 1883, các khóa học xã hội học được mở ra tại nhiều trường cao đẳng và đại học tại Mỹ, và công tác xã hội được xem là một phần ứng dụng của xã hội học. Các nhà công tác xã hội nhanh chóng nhận ra rằng công việc của họ đòi hỏi kiến thức không chỉ từ xã hội học mà còn liên quan tới kinh tế, tâm lý, luật, sinh học…Do đó, công tác xã hội bắt đầu chia tách khỏi xã hội học và “khoa công tác xã hội” đầu tiên được thành lập năm 1898 khi COS New York tổ chức Trường học Mùa hè cho tổ chức từ thiện với chương trình bồi dưỡng thường niên trong vòng 6 tuần giành cho các nhân viên công tác xã hội đã làm việc trong ngành.(12)
Vài năm sau đó, chương trình được thiết kế lại và kéo dài trong một năm, giành cho các sinh viên trong lĩnh vực cồng đồng và trường được đổi tên thành “Trường Phúc lợi New York”. Năm 1910, chương trình lại được kéo dài thành 2 năm. Năm 1919, trường lại đổi tên thành Trường Công tác Xã hội New York và sau đó trở thành Trường Sau Đại học Công tác Xã hội của Đại học Columbia.
Năm 1907, lãnh đạo của phong trào định cư cũng giúp đỡ thành lập Khoa Nghĩa vụ Công dân và Phúc lợi Chicago, vào năm 1920, trở thành Trường Công tác Xã hội Đại học Chicago. Đến năm 1910, các trường công tác xã hội được thành lập tại năm thành phố lớn nhất Mỹ.(13)
Ngoài những mốc phát triển này, những câu hỏi về tính chuyên nghiệp của công tác xã hội vẫn còn là vấn đề tranh cãi. Năm 1915, trong một bài trình bày tại Hội nghị Quốc gia, sau này nhanh chóng trở nên nổi tiếng, có nhan đề “Liệu công tác xã hội có phải là một nghề nghiệp không?”, tiến sĩ Abraham Flexner, một trong những nhà giáo dục có ảnh hưởng nhất tại Mỹ trong nửa đầu thế kỷ 20 đã trả lời hùng hồn rằng “Không”. Lý do: công tác xã hội không đòi hỏi một phương pháp hoặc kỹ năng chuyên biệt nào; bất kỳ ai với một trái tim nhân hậu và kiến thức chung về các nguồn lực trong cộng đồng đều có thể làm công tác xã hội.
Nhận định của Flexner là một đòn giáng mạnh vào nghề công tác xã hội non trẻ. Thật may mắn, hai năm sau, năm 1917, cuốn “Nghiên cứu xã hội” của Mary Richmond được xuất bản.(14) Bất chấp sự thật rằng nó không bao trùm kiến thức mới của Sigmund Freud trong lĩnh vực tâm lý, và không đưa ra bất kỳ biện pháp nào, tác phẩm dày 500 trang của Mary Richmond cung cấp cho người đọc sự mô tả chi tiết về tất cả các tình huống cuộc sống có thể xảy ra cho các đối tượng của công tác xã hội , và phương pháp khoa học bà sử dụng để thu thập thông tin cá nhân cho từng trường hợp nghiên cứu. “Nghiên cứu xã hội ” thỏa mãn tất cả các yêu cầu khoa học bao gồm cả những yêu cầu của Abraham Flexner. Vì vậy nó nhanh chóng chứng minh rằng công tác xã hội không còn nghi ngờ gì nữa là một nghề nghiệp.
Tháng 4/1917, Mỹ tham gia cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 – 1918). Để đáp ứng nhu cầu khổng lồ về công tác xã hội do chiến tranh tạo ra, Hội chữ thập đỏ Mỹ thành lập 15 trường đại học để đào tạo các nhân viên công tác xã hội và Mary Richmond được mời viết học liệu. Sự chịu đựng cực đoan cá nhân và những đóng góp mới của Freud trong lĩnh vực tâm lý đã giúp thay đổi công tác xã hội từ xu hướng kinh tế xã hội cũ thành xu hướng tâm lý cá nhân, và năm 1918, Đại học Smith(15) mở khoa công tác xã hội tâm thần, cung cấp khóa bồi dưỡng 6 tháng cho các bác sỹ tâm thần phục vụ trong các đơn vị quân y.
Phong trào sức khỏe tâm thần những năm 1920, nỗi ám ảnh của thế giới với thuyết tâm lý của Freud và kinh tế phát triển đã đưa công tác xã hội tâm lý và nghiên cứu trường hợp lên vị trí thống trị trong khi công tác xã hội cộng đồng bị bỏ rơi(16). Sự sụp đổ của nền kinh tế Mỹ năm 1929 dẫn tới cuộc đại suy thoái toàn cầu giai đoạn 1929 – 1939 đã đưa công tác xã hội đi theo hướng phát triển đúng, cân bằng giữa công tác xã hội vi mô, vĩ mô và mức trung bình.
Năm 1920, để thành lập tiêu chuẩn chung cho việc đào tạo công tác xã hội tại Bắc Mỹ (Canada và Hoa Kỳ), Hiệp hội Trường Đào tạo Công tác Xã hội chuyên nghiệp được thành lập. Sau nhiều lần đổi tên, năm 1952, tổ chức này trở thành Hội đồng các trường Đào tạo Công tác Xã hội, chức năng là thiết lập và duy trì các tiêu chuẩn của các khóa học, cung cấp bằng cử nhân và thạc sĩ về công tác xã hội.
Năm 1955, Hiệp hội quốc gia của các nhà công tác xã hội (NASW) được thành lập. Với trụ sở tại thủ đô Washington và hơn 150.000 nhân viên, đây là tổ chức lớn nhất giành cho các nhà công tác xã hội chuyên nghiệp trên thế giới. NASW tuyên bố trên website rằng công việc của Hiệp hội là “thúc đẩy phát triển chuyên nghiệp và sự phát triển của các thành viên, tạo và duy trì các tiêu chuẩn chuyên nghiệp cũng như ủng hộ cho các chính sách xã hội đúng đắn.”
Năm 2006, theo Cục Thống kê Lao động,Bộ Lao động Mỹ, có khoảng 595,000 nhân viên công tác xã hội trên nước Mỹ. Với mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, các nhà công tác xã hội làm việc tại các bệnh viện tâm thần, các cơ sở phúc lợi trẻ em, các cơ sở cai nghiện, trường học, bệnh viện, nhà tù, tòa án, hoạt động tư nhân…và thậm chí cả trong quân đội. Các nhân viên công tác xã hội không chỉ phục vụ người nghèo, ốm đau, người già mà còn tất cả mọi người trong xã hội, kể cả những người ở Toà án Gia đình để xin quyền nuôi con, nhận con nuôi, hoặc trong tư vấn riêng. Nhu cầu đối với nhân viên công tác xã hội ngày càng tăng, đặc biệt trong lĩnh vực tâm thần, lạm dụng các chất kích thích và lão khoa.
___________________________________
(1) Sáu điều hoàn thiện: 1. Làm từ thiện; 2. Làm theo các điều răn; 3. Kiên nhẫn và giữ bình tĩnh khi bị xỉ nhục; 4. Nhiệt huyết và phát triển; 5. Thiền; 6. Khôn ngôn, sức mạnh phân biệt phải trái.
(2) 1. Al-Shahadah: Allah là vị thánh duy nhất và Muhammad là nhà tiên tri. 2. Cầu nguyện năm lần 1 ngày quay mặt về thánh địa Mecca. 3. Al-Siyam: Không ăn, không uống và quan hệ nam nữ từ lúc mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn trong tuần chay Ramadan 4. Al-Zakat: Làm bố thí từ thiện để giúp người nghèo. 5. Al-Haji: Hành hương về Mecca ít nhất một lần trong đời trừ phi không có đủ sức khỏe hoặc tài chính.
(3) Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hanoi 1993, tập I, trang 271.
(4) Từ sau khi Đế chế Phương Tây La Mã sụp đổ thế kỉ 5 đến thế kỉ 15 thời kì Phục hưng.
(5) Cuối thế kỉ 19, khi phòng trào rào đất hoàn tất, những nông dân nghèo không có đất phải bỏ nông thôn, di cư về thành phố, tham gia lực lượng lao động rẻ và đóng góp khá lớn cho cuộc cách mạng công nghiệp ở Anh.
(6) Dẫn đến sự kiện Giáo hoàng Clement VII tuyệt giao với Vua Henry VIII và nhà vua tịch thu đất của nhà thờ, phá hủy tu viện, và dùng vật liệu để xây một bức tường phòng thủ để ngăn giáo hoàng và đồng minh Tây Ban Nha và Pháp của phe giáo hoàng. Sự kiện này còn dẫn đến việc thành lập Nhà thờ Anh quốc tách khỏi Vatican.
(7) Điển hình là George Whitefield, người đã khiến cho Benjamin Franklin, một người nổi tiếng là cẩn thận về tiền nong, phải dốc túi, đầu tiên là “một ít tiền xu lẻ, sau đó là ba, bốn đồng đô la bạc và, sau đó là năm đồng vàng” như lời Franklin kể lại trong cuốn tự truyện.
(8) Nhà cho Tội phạm Vị Thành niên, trại cải tạo cho trẻ em vị thành niên đầu tiên của Mỹ được xây dựng vào năm 1824 tại thành phố New York.
(9) Một mẫu= 4047 m2
(10) Nhiều hơn ngân sách của Bộ Quốc phòng (nguồn ngân sách lớn thứ hai của chính phủ Mỹ). Trong năm 2004, Bộ Quốc phòng có 2.3 triệu quân (bao gồm cả lính gác và dự bị) và 700000 nhân viên, ngân sách lên tới 401.7 tỉ đô.
(11) Những người sinh trong khoảng 1946-1964, khoảng 76 triệu người, được gọi là thế hệ có ảnh hưởng nhất, giàu nhất, và đông nhất trong lịch sử nước Mỹ.
(12) Có 27 nhân viên xã hội theo học khóa đầu tiên của trường.
(13) Đại học San Jose State, đại học công có lịch sử lâu đời nhất ở Bờ Biển Tây thành lập năm 1857; các khóa học công tác xã hội bắt đầu được tổ chức năm 1939 tại khoa xã hội học. Khoa công tác xã hội được thành lập năm 1969.
(14) Sinh tại Belleville, Illinois, năm 1861, Mary Richmond (1861-1928) là mồ côi cha mẹ; bà lớn lên trong nghèo đói, bệnh tật, bà tham gia các hoạt động từ thiện từ khi còn trẻ và trở thành một trong những nhà lãnh đạo nổi bật của phong trào COS. Các học giả coi bà là người sáng lập của nghề công tác xã hội tại Mỹ.
(15) Trường Nữ sinh Mỹ nổi tiếng ở Northampton, Massachusetts, thành lập năm 1971, là trường nữ sinh lớn nhất trong “7 chị em” (7 trường nữ sinh ở Đông Bắc Mỹ, hiện nay chỉ còn lại năm trường vì Radcliff sáp nhập với Harvard và Vassar cho phép cả nam sinh nhập học.
(16) Công tác Xã hội vi môn, hoặc gọi là nghiên cứu trường hợp, giúp đối tượng thay đổi thích nghi với môi trường để sống tốt hơn. CTXH cấp vĩ mô và tầm trung, hay còn gọi là công tác xã hội cộng đồng, nhằm thay đổi môi trường để người sống trong môi trường đó có cuộc sống tốt hơn (CTXH vĩ mô mong muốn cỉa thiện xã hội ở cấp chính sách, CTXH tầm trung nhắm vào cộng đồng, khu dân cư, nhóm và tổ chức..)
_____________________________________
Tài liệu tham khảo
-Trattner, Walter I. “From Poor Law To Welfare State A History of Social Welfare in America”, Six Edition, New York, The Free Press, 1998.
-“Lịch Sử Việt Nam”, Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1989.
-O’Neill, June. “The Trust Fund, the Surplus, and the Real Social Security Problem” The Cato Project On Social Security Privatization, SSP # 26, April 9, 02.
-Dilley, Patricia E. “Taking Public Rights Private: The Rhetoric and Reality of Social Security Privatization” Boston College Law Review, volume 41, Sept. 2000.
-Dinitto, Diana M. “Social Welfare Politics And Public Policy”, Fifth Edition, Needham Heights, MA, Allyn & Bacon A Pearson Education Company, 2000.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét