7 tháng 2, 2009

Công tác xã hội cần phát triển như một nghề chuyên nghiệp


(VnMedia) - Đã đến lúc nước ta đẩy mạnh công tác xã hội như một nghề chuyên nghiệp, nếu không nguy cơ mất “cân đối” giữa phát triển kinh tế và xã hội sẽ diễn ra. Phát triển nghề CTXH sẽ hỗ trợ quá trình phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đảm bảo tăng trưởng kinh tế luôn đi đôi với phát triển xã hội và công bằng xã hội.

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Trọng Đàm, Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội. Theo ông Đàm, công tác xã hội có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, bảo vệ quyền con người, nhân phẩm, giá trị con người, công bằng và bình đẳng xã hội. Thúc đẩy một xã hội hài hoà vì hạnh phúc của tất cả các cá nhân trong xã hội.

Mục đích chung của công tác xã hội là hỗ trợ cho an sinh xã hội bằng cách giúp đỡ những người không thể tự đạt được an sinh như người tâm thần sa sút, lang thang kiếm sống, tàn tật, già cả cô đơn, nhiễm HIV/AIDS vi phạm luật pháp, phạm tội, mại dâm, nghiện ma tuý, nghiện rượu, cờ bạc; các gia đình ly hôn, ly thân, mâu thuẫn trong gia đình, bạo lực, lạm dụng, sao nhãng chăm sóc trẻ em, hoàn cảnh gia đình éo le không bình thường và cộng đồng yếu kém, nghèo, có đông đối tượng xã hội.

Công tác xã hội cũng quan tâm đến cả đối tượng có nguy cơ nảy sinh các vấn đề xã hội. Trong phạm vi rộng hơn, công tác xã hội còn chú trọng đến môi trường xã hội trong đó bao gồm cả việc tác động đến cơ chế chính sách có ảnh hưởng đến con người và cộng đồng.

Công tác xã hội chưa cao, thiếu tính bền vững

Hiện nay, cả nước có trên 30 trường đại học đào tạo cử nhân công tác xã hội, đang đào tạo khoảng 2000 sinh viên hệ cử nhân công tác xã hội. Tuy nhiên công tác đào tạo nghề xã hội còn nhiều bất cập như: chưa có chương trình đào tạo chuẩn, chưa có chức danh tiêu chuẩn nghề,...

Theo báo cáo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, tính đến năm 2007, Việt Nam có khoảng 7,5 triệu người cao tuổi, trong đó có khoảng 200 nghìn người già cô đơn, 5, 3 triệu người tàn tật trong đó có khoảng 300 nghìn người tàn tật nặng không có khả năng tự phục vụ và khả năng lao động; trên 1,4 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và khoảng 2,7 triệu hộ nghèo.

Trong số các đối tượng xã hội nêu trên có khoảng 1,3 triệu người thuộc diện khó khăn cần trợ cấp xã hội, bằng khoảng 1,52% dân số; 3006 xã tỷ lệ nghèo trên 25% và 61 huyện tỷ lệ nghèo trên 50% và hàng nghìn xã có vấn đề xã hội (tệ nạn xã hội, môi trường sống ô nhiễm, nghèo khổ...); hàng triệu cá nhân, gia đình, nhóm xã hội nảy sinh các vấn đề xã hội (ly thân, ly hôn, bạo lực trong gia đình, thiếu quan tâm đến con cái, căng thẳng vì nghèo khổ, xâm hại tình dục, bỏ nhà đi lang thang, tệ nạn cờ bạc, nghiện hút, trộm cắp, tội phạm, HIV/AIDS bị cộng đồng xa lánh...).

Nhưng tất cả các đối tượng nêu trên chỉ nhận được sự trợ giúp của đội ngũ nhân viên công tác xã hội “nghiệp dư” (khoảng 20 nghìn người). Đây là những người làm việc theo kinh nghiệm, chưa được đào tạo kỹ năng khoa học cần thiết về công tác xã hội. Do vậy, hiệu quả giải quyết các vấn đề xã hội, vấn đề của cá nhân, gia đình, nhóm xã hội và cộng đồng dân cư không cao, thiếu tính bền vững.

Phát triển công tác xã hội thành một nghề có mã nghề

Công tác xã hội ở Việt Nam đang trong quá trình hình thành, phát triển. Nếu so sánh tính chuyên nghiệp của công tác xã hội của nước ta với các nước phát triển và ngay cả những nước trong khu vực, chúng ta còn một khoảng cách khá lớn về nhận thức, về mặt thể chế chính sách, về tài chính, về mạng lưới tổ chức cung cấp dịch vụ và mạng lưới nhân viên công tác xã hội và việc đào tạo nhân viên công tác xã hội.

Chính vì vậy để phát triển nghề công tác xã hội ở nước ta và đưa khoa học công tác xã hội vào giải quyết và ngăn ngừa các vấn đề của cá nhân, gia đình, nhóm xã hội, cộng đồng dân cư và của xã hội, chúng ta cần nhìn nhận đúng thực trạng của công tác xã hội ở nước ta hiện nay và đưa ra định hướng phát triển nghề này. Cần phải có lộ trình cho việc phát triển công tác xã hội, phải có mục tiêu trước mắt, mục tiêu lâu dài và các giải pháp thực hiện mục tiêu phù hợp với những điều kiện của Việt Nam.

Ông Nguyễn Trọng Đàm cho biết, trước mắt chúng ta cần nghiên cứu, xây dựng đề án phát triển công tác xã hội ở Việt Nam từ nay đến năm 2015. Theo đó, phát triển công tác xã hội thành một nghề nghiệp có mã nghề với các qui định chức danh tiêu chuẩn cụ thể, với thang bảng lương cho từng vị trí làm việc và phù hợp với trình độ đào tạo về công tác xã hội. Việc tuyển dụng, bố trí nhân viên có trình độ đào tạo nghiệp vụ công tác xã hội phải theo qui định và yêu cầu thực tiễn tay nghề của mỗi vị trí công việc.

Theo ông Đàm, việc đẩy mạnh tuyển dụng nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp trong nhiều lĩnh vực, trước mắt đặc biệt chú ý tới việc bố trí, sử dụng nhân viên trong ngành Lao đông Thương binh và Xã hội, sau đó là các lĩnh vực liên quan như giáo dục, y tế, tòa án,...

Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã Hội Lê Bạch Hồng: Ở nước ta hiện nay, công tác xã hội vẫn còn được coi là một nghề khá mới mẻ, nhận thức xã hội về công tác xã hội còn nhiều hạn chế, chưa coi nghề này là một nghề chuyên nghiệp cũng chưa có hệ thống mã nghề, thang, bảng lương…. Do vậy, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội có thể lắng nghe những ý kiến đóng góp của các bộ, ngành hữu quan cũng như của các chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học về lĩnh vực công tác xã hội để hoàn thiện Đề án phát triển nghề công tác xã hội. Thứ trưởng Lê Bạch Hồng cũng đề nghị đào tạo, nâng cấp đội ngũ cán bộ làm công tác xã hội hiện có, tạo sự liên kết, liên thông với các ngành, lĩnh vực khác cần có sự tham gia của công tác xã hội….

Bà Lê Hồng Loan, Trưởng Phòng Bảo vệ chăm sóc Trẻ em thuộc UNICEF: Nghề công tác xã hội ở Việt Nam là rất cần thiết do những biến đổi nhanh chóng về kinh tế xã hội và những tác động của quá trình đổi mới, dẫn đến những vấn đề và nhu cầu xã hội bắt nguồn từ những thay đổi trong mối quan hệ gia đình và cộng đồng, tác động của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và hiện đại hóa, sự chênh lệch và phát triển kinh tế không đồng đều giữa các vùng miền, di cư từ nông thôn ra đô thị. Thêm vào đó là sự gia tăng của số lượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, số lượng người già và người khuyết tật, vấn đề HIV/AIDS, tệ nạn xã hội ... Tất cả những vấn đề đó đòi hỏi cần phải có một đội ngũ cán bộ xã hội chuyên nghiệp để giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa con người và con người, góp phần tích cực vào sự phát triển phúc lợi của một xã hội hiện đại.

Bà Loan cũng khuyến nghị, trong thời gian trước mắt, việc đào tạo nguồn nhân lực công tác xã hội cần tập trung vào các lĩnh vực như bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, bảo trợ xã hội, người tàn tật và người cao tuổi, phòng chống tệ nạn xã hội và phát triển xã hội. Trong giai đoạn trung hạn, nhân viên xã hội cần được các bệnh viện và phòng khám tuyển dụng, có sự kết hợp cả các nhân viên xã hội chuyên trách và bán chuyên trách.

Ông Nguyễn Trọng Đàm, Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội: Hiện nay, Bộ đang phối hợp với UNECEF xúc tiến chương trình xây dựng đề án nghề công tác xã hội, làm thế nào để chúng ta có đội ngũ cán bộ, nhân viên rộng khắp ở các địa phương cơ sở, như vậy mới có thể tiếp cận được với các đối tượng để đưa ra các chính sách hoạt động phù hợp.

Theo UNICEF: Để đạt được tỷ lệ 1 cán sự xã hội chuyên nghiệp/10.000 người dân, Việt Nam sẽ cần đội ngũ khoảng 8500 người trong các cơ quan Nhà nước trong vòng 5 năm tới, còn trong 10 năm nữa cần tăng lên 15.000 người; số lượng cán bộ bán chuyên nghiệp trong 5 năm tới là khoảng 25,000; và sẽ tăng lên 50.000 người trong 10 năm; cùng với đó là khoảng 150.000 cộng tác viên cấp xã. Thách thức của Việt Nam hiện nay là trong một thời gian ngắn có thể đào tạo được một đội ngũ cán bộ như vậy để đáp ứng được yêu cầu hay không?
Nguồn: VnMedia.vn

Không có nhận xét nào: