5 tháng 5, 2009
Hội thảo định hướng tăng cường hệ thống bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng tại Thành phố Hồ Chí Minh
Hội thảo định hướng tăng cường hệ thống bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng tại Thành phố Hồ Chí Minh(29/4/2009)
Sáng ngày 28/4, tại TP.HCM, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức cứu trợ Trẻ em tổ chức Hội thảo “Định hướng tăng cường hệ thống bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng tại TPHCM (2009 -2010)”. Tham dự hội thảo có TS. Nguyễn Hải Hữu - Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đại diện Unicef và lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM, Cà Mau cùng đông đảo đại diện các Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội trên địa bàn thành phố.
Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe báo cáo kết quả triển khai mô hình “Mạng lưới bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng tại TPHCM trong năm 2007 - 2008”. Theo đó, trong tháng 8 năm 2007, Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức khảo sát về tình hình bảo vệ trẻ em, nhận diện thực trạng của trẻ em, đặc biệt là những em có hoàn cảnh khó khăn, dễ bị tổn thương… để từ đó đề ra những phương pháp tiếp cận, giáo dục, giúp đỡ và bảo vệ trẻ em được hiệu quả.
Nhận thấy, mạng lưới cộng tác viên bảo vệ trẻ em là cầu nối quan trọng giúp trẻ em tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc và bảo vệ nên đại diện các Phòng Lao động - thương binh và Xã hội đều nhận định rằng: Việc hình thành, xây dựng đội ngũ này là rất quan trọng – đây là những người sâu sát địa bàn nên dễ tiếp cận, nắm bắt và báo cáo về các đối tượng trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt để từ đó có các hoạt động hay dịch vụ hỗ trợ phù hợp.
Bên cạnh đó, việc xây dựng nhóm trẻ em nòng cốt (là nhóm trẻ có khả năng nắm bắt thông tin nhanh, thuận lợi trong việc tiếp cận, bắt chuyện, tâm sự với trẻ em trên địa bàn) để hỗ trợ cho cộng tác viên bảo vệ trẻ em cũng hết sức được chú trọng. Kết quả là, TPHCM đã xây dựng được nhiều nhóm trẻ nòng cốt tại các phường ở quận, huyện.
Đại diện của Tổ chức Unicef cho rằng: Lâu nay khái niệm chăm sóc, bảo vệ trẻ em vẫn chưa được hiểu và định nghĩa đúng đắn, đầy đủ do đó công tác chăm sóc và bảo vệ đối tượng này vẫn chưa được hiệu quả. Bảo vệ trẻ em là khái niệm chung về công tác phòng ngừa, ngăn chặn và giải quyết các nguy cơ và hành động bạo lực, lạm dụng và bóc lột trẻ em, đồng thời đáp ứng các nhu cầu bảo vệ của trẻ. Tuy nhiên, phương pháp bảo vệ trẻ em hiện nay ở Việt Nam chủ yếu vẫn tập trung đáp ứng nhu cầu của những nhóm trẻ em cụ thể như trẻ mồ côi, tàn tật, trẻ đường phố…do đó thiếu một hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em được điều phối thống nhất. Các dịch vụ bị phân tán, kém hiệu quả. Bên cạnh đó, chưa có sự phân công và trách nhiệm rõ ràng giữa các cơ quan, tổ chức.
TS. Nguyễn Hải Hữu cho rằng, mục tiêu chăm sóc, bảo vệ trẻ em giai đoạn 2009 – 2010 sẽ có nhiều nhóm chỉ tiêu có nguy cơ không đạt như việc bảo vệ trẻ em và sự tham gia của đối tượng này trong các hoạt động. Lấy ví dụ về những trẻ em mưu sinh hết sức nguy hiểm tại các trường đua, những vụ bạo lực trẻ em trong thời gian qua. Ông khẳng định: Công tác bảo vệ cho đối tượng đặc biệt này còn gặp nhiều hạn chế. Ví dụ, trong chỉ tiêu là giảm trẻ em lang thang nhưng thực tế nhóm trẻ này không hề giảm mà có nguy cơ tăng lên rất nhanh.
Hầu hết các đại biểu tham dự hội thảo đều cho rằng, nguyên nhân lớn nhất của việc chăm sóc và bảo vệ trẻ em còn yếu là do nguồn cán bộ cho công tác này còn thiếu và yếu. Đại diện Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận 1 chỉ rõ: Từ trước đến nay, đội ngũ cán bộ làm công tác này hầu hết đều hoạt động theo dự án. Khi dự án hoàn thành thì họ cũng ra đi. Trong khi nguồn cán bộ mới thì chưa có, chưa đào tạo được, cũng không ai muốn làm vì chế độ đãi ngộ, thu hút đều không có. Đồng tình với những ý kiến nhận xét này, ông Nguyễn Hải Hữu bổ sung thêm: đội ngũ làm công tác xã hội hầu hết đều không chuyên nghiệp, không được đào tạo cơ bản. Chủ yếu vẫn vì tình cảm mà làm do đó những kỹ năng và kiến thức còn yếu. Trong khi đó, trên thế giới, ngành công tác xã hội đã được phát triển thành một nghề được đào tạo bài bản, công phu tại các trường đại học. Để giải quyết tình trạng đội ngũ cán bộ thiếu và yếu chuyên môn, ông Hữu cho biết thêm: sắp tới Bộ sẽ trình đề án lên Chính phủ để nghề công tác xã hội trở thành một nghề chuyên nghiệp, có mã ngành, cũng như tuyển sinh và đào tạo chuyên nghiệp như những ngành học khác./.
Đặng Trinh
Theo Molisa
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét