21 tháng 2, 2008

Nhân ngày "Công tác xã hội thế giới"







Nhân ngày "Công tác xã hội thế giới"

Vậy là một ngày “Công tác xã hội thế giới” (CTXHTG) nữa lại sắp đến. Tôi, một người được đào tạo một trăm phần trăm về xã hội học, được một số người xem như là “chàng rể” của ngành CTXH, lại có dịp suy nghĩ về ngành này. Những suy nghĩ mà tôi viết trong bài viết này không nhằm mục đích nào khác là muốn góp một phần nhỏ vào sự phát triển của ngành CTXH.
Không biết lần kỷ niệm sắp tới là lần kỷ niệm lần thứ bao nhiêu ngày CTXHTG tại Việt Nam, nhưng tôi có vinh dự được tham gia ít nhất là ba lần ngày kỷ niệm này. Điều đọng lại trong tôi là gì? Đó là sự không hiệu quả và tốn kém dù ai tham dự cũng đều phải góp kinh phí hoặc tự túc kinh phí. Tại sao không hiệu quả? Vì lâu nay ngày CTXHTG đều diễn ra theo một mô típ duy nhất đó là các nhóm, các cơ quan giới thiệu các hoạt động của mình. Sau đó là một vài câu hỏi, một vài lời hỏi thăm, động viên nhau… và chấm hết. Tôi nhận thấy tham dự những buổi này không mang lại được những bổ ích tương xứng với công sức và kinh phí mà những người tham dự đã bỏ ra. Vậy tôi đề nghị là tại sao chúng ta không biến ngày CTXHTG thành một ngày của sự trao đổi, tranh luận về những gì đang diễn ra trong ngành? Những khiếm khuyết nào đang tồn tại trong giới công tác xã hội? Đâu là những khiếm khuyết do khách quan và đâu là những hạn chế do chủ quan người làm CTXH? Làm thế nào để phát triển và khẳng định chỗ đứng của ngành trong xã hội?…Theo tôi biết, hình như chỉ có ngành CTXH mới là ngành có “triết lý hoạt động”, có những yêu cầu rất cụ thể về phẩm chất của người làm CTXH, còn các ngành khác nhu tâm lý học hay xã hội học… chưa có được triết lý “hành nghề” của mình cũng như chưa nêu rõ những phẩm chất cần có để theo nghề. Vậy một câu hỏi đặt ra là liệu những người đang làm CTXH (đang thực hành nghề hoặc đang giảng dạy) đã hội đủ những phẩm chất mà ngành đòi hỏi phải có chưa? Liệu giới làm CTXH đã thể hiện được triết lý của ngành trong thực tế cuộc sống, làm việc của mình chưa? Dựa trên những quan sát và lắng nghe của bản thân tôi thì câu trả lời cho những câu hỏi trên đây là chưa. Vì sao? Vì trong giới làm CTXH hiện nay đang tồn tại rất nhiều nghịch lý hay khoảng cách giữa lý tưởng của ngành với hiện thực hoạt động. Những nghịch lý đó là:- Tại những tổ chức, những cơ quan làm CTXH đang tồn tại nhiều mâu thuẫn giữa các thành viên trong cùng một nhóm, một tổ chức cũng như giữa nhóm/tổ chức này với nhóm/tổ chức khác nhưng chưa giải quyết được, trong khi chúng ta lại là người đảm nhận việc giúp người khác/tổ chức khác giải quyết mâu thuẫn. Tại sao ta không giải quyết mâu thuẫn của ta với đồng nghiệp mà lại hiên ngang đi giúp người khác giải quyết mâu thuẫn? Chúng ta có vai trò thúc đẩy sự thay đổi nhưng chúng ta có chịu thay đổi, rũ bỏ định kiến của mình chưa? Đây là nghịch lý đầu tiên.- Nghịch lý thứ hai: ngành CTXH không cho phép ta “phân biệt đối xử”, không “gán nhãn” cho thân chủ mà phải xem thân chủ như một nhân vị, nhưng trong giới CTXH lại có sự phân biệt giữa nhân viên kỳ cựu và nhân viên mới vào nghề, có sự phân chia đẳng cấp giữa những người cho là “giỏi” với những người trẻ tuổi nghề. Chúng ta làm việc để thúc đẩy công bằng xã hội nhưng trong nội bộ ngành chúng ta lại tạo ra sự phân tầng. Vậy thì hiểu như thế nào về ngành đây?- Ngành CTXH có cho phép ta nói xấu, chê bai đồng nghiệp trong ngành và ngoài ngành không? Câu trả lời trên lý thuyết là không nhưng thực tế lại đang có. Đây là một nghịch lý thứ ba.- Liệu trong giới CTXH hiện nay có xem CTXH như là một “nghề nghiệp-sứ mạng” (Beruf) hay chỉ là một phương tiện kiếm sống và thăng tiến về địa vị cho bản thân? Khái niệm Beruf mà nhà xã hội học lừng danh Max Weber nói tới đó là chúng ta làm một nghề gì đó không phải chỉ để kiếm sống mà còn để hoàn thành một sứ mạng nào đó, tức nó vừa là một “nghề” (profession) vừa là một “sứ mạng” (vocation). Ngành CTXH theo tôi là một Beruf chứ không phải một “profession”, một phương tiện kiếm sống. Nếu chỉ xem nó là một phương tiện kiếm sống thì ta sẽ rời bỏ nó khi có việc khác tốt hơn, giúp chúng ta có địa vị tốt hơn. Liệu giới CTXH hiện nay quan niệm về nghề của mình như thế nào, như là Beruf hay đơn giản chỉ là một Profession?Lẽ thường tình chúng ta đều biết rằng một trong những phương pháp để tiến bộ hơn đó là nhìn thẳng vào sự thật xem đâu là những khiếm khuyết đang ngăn trở cho sự tiến bộ của mình, cho dù nói ra những khiếm khuyết ấy là điều không dễ chịu chút nào, nhưng là điều bắt buộc phải làm. Những vấn đề tôi nêu trên đây có thể đúng nhiều, đúng ít hoặc không đúng. Vậy thì chúng ta hãy mổ xẻ với nhau xem.Ngành CTXH đang mới chập chững khẳng định vị trí của mình nên nếu ngay từ đầu mà không củng cố lại những “chệch hướng” thì thật khó hy vọng và sự phát triển của ngành trong tương lai.

Lê Minh Tiến

Bản tin SDRC

Không có nhận xét nào: