20 tháng 4, 2009

ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP: NGÀNH CÔNG TÁC XÃ HỘI


ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP
NGÀNH CÔNG TÁC XÃ HỘI

Dành cho sinh viên trước khi học và đang học ngành CTXH
ThS Nguyễn Ngọc Lâm

Hiện nay tại một số trường Đại học có đào tạo ngành CTXH, có nhiều sinh viên đang học vẫn còn thắc mắc học ngành CTXH ra trường làm gì, làm ở đâu, cần có kỹ năng kiến thức gì để thực hành chuyên môn? Có thể các thầy cô cũng như lãnh đạo Khoa chưa thông tin rõ ràng cho sinh viên hiểu rõ về ngành để họ có thể biết rõ con đường họ đi và sẽ đưa họ đến đâu và họ sẽ sống và làm việc như thế nào với cái nghề ấy. Chuyện này đúng ra sinh viên phải được định hướng trước khi xin vào học ngành này, nếu không muốn bỏ phí một vài năm ngồi ghế nhà trường với cái nghề chẳng phù hợp chút nào với mình cả,lãng phí công sức của chính mình và tiền bạc của gia đình.
CTXH là một nghề dễ học những lại rất khó thưc thi nghề nghiệp. Tại sao vậy? Đó là một nghề làm việc với con người, nhưng lại con người có vấn đề với những mối liên hệ chằng chịt và phức tạp của nó trong một môi trường sống không có gì êm ả cả. Bạn muốn vào nghề này ư? Trước khi quyết định bạn hãy suy nghĩ thât chín chắn, bạn ra soát lại con người của bạn có phù hợp với nghề này không, thái độ của bạn với những người xung quanh, với các vấn đề xã hội, rồi những kỹ năng của bạn, mong đợi của bạn trong cuộc sống và tương lai của bạn vv…Sau đây là những điểm là chúng ta cần xem xét trước khi chọn nghề CTXH.

1. Tính cách con người của bạn.

Bạn đi ngược về quá khứ của bạn xem, bạn có được cha mẹ yêu thương không? Bạn có bị ghét bỏ không? Có bị bạo lực không? Nói chung, bạn có một tuổi thơ hạnh phúc không? Nếu bạn có tuổi thơ êm ấm, không có nhiều sự cố đau buồn thì bạn có thể theo học ngành này được còn nếu không bạn sẽ gặp nhiều khó khăn vì nghề này đòi hỏi bạn phải là một người có cái nhìn lạc quan trước cuộc sống, yêu người và tin ở người, bạn không có cái nhìn méo mó, lệch lạc về các vấn đề của cuộc sống và của con người. Bạn yêu và biết chăm sóc bản thân, biết kiên nhẫn và chấp nhận sự thất bại, chấp nhận sự khác biệt với con người mình. Quá trình học và rèn luyện sẽ giúp bạn hiểu thêm về con người bạn và bạn sẽ biết tự điều chỉnh để phù hợp với nghề đòi hỏi ( đạo đức nghề nghiệp).

2. Kiến thức, thái độ và kỹ năng

Chương trình đào tạo của Khoa sẽ cung cấp cho bạn những kiến thức cơ bản về chuyên môn, nhưng bạn phải học nhiều ở thực tế vì hiện nay bên ngoài ít ứng dụng chuyên môn vì ngành chưa được công nhận là một nghề chính thức như các nghề khác. Bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên về khoảng cách giữa thực tế và những gì mình học được ở nhà trường và cũng không có gì phải lo lắng cả. Nghề này là nghề giúp đỡ và cũng là nghề đa ngành. Bạn học cách giúp tốt nhất và bền vững nhất và nó tùy thuộc vào sự sáng tạo trong vận dụng lý thuyết vào thực tế. Bạn phải biết nhiều thứ để có thể thông tin và tư vấn cho thân chủ của mình, nhưng đừng tự coi mình là chuyên gia và việc đó có khi bạn tự làm hại bạn đấy. Cũng vì thế mà bạn cần học nhiều hơn để biết nhiều hơn vì các vấn đề của thân chủ liên quan đến mọi ngốc ngách của cuộc sống ( tính chất toàn diện trong giải quyết vấn đề).

Bạn muốn thành công trong ngành này ư? Ai hành nghề mà không muốn? Thành công trong nghề tùy thuộc vào thái độ và kỹ năng của bạn nhiều hơn là kiến thức.Vậy thì bạn phải có thái độ chuyên nghiệp và bạn sẽ hình dung được phần nào thái độ này sau khi bạn ra trường: đó là thái độ tôn trọng, tin tưởng, biết lắng nghe người đang trong hoàn cảnh khó khăn, yếu thế., thái độ biết hợp tác với các đoàn thể, tổ chức địa phương khi bạn tham gia một dự án Phát triển cộng đồng, thái độ hòa nhập với người nghèo. Bạn có thái độ đúng, phù hợp thì bạn có tất cả, không chỉ trong ngành CTXH mà cả trong các nghề khác. Có nhiều chuyên gia cho rằng thái độ và kỹ năng chiếm 70% trong sự thành công nghề nghiệp, kiến thức chỉ có 30% mà thôi.

Nếu trước khi bạn học mà bạn chưa có kỹ năng gì hết thì bạn cũng đừng lo lắng nhiều vì trong quá trình đào tạo nếu có chất lượng thì bạn sẽ được hướng dẫn ( nhất là trong thời gian bạn thực tập tại cơ sở) về các kỹ năng cần thiết. Vấn đề chính là con người bạn có phù hợp với những kỹ năng đó không.Nếu phù hợp thì bạn không gặp phải khó khăn gì trong việc rèn luyện, tự điều chỉnh. Những kỹ năng cần thiết là: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng phân tích vấn đề, kỹ năng can thiệp, kỹ năng vấn đàm, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng vận dụng lý thuyết vào thực tế, kỹ năng điều hòa nhóm, kỹ năng quan sát, kỹ năng phát hiện tài nguyên, kỹ năng đánh giá nhu cầu của thân chủ, kỹ năng thu thập thông tin, kỹ năng duy trì mối quan hệ với thân chủ, kỹ năng khuyến khích thân chủ tự giải quyết vấn đề…Bạn thấy quá nhiều kỹ năng phải không, đúng vậy từ từ bạn sẽ làm được, điều cốt yếu là bạn yêu nghề, say mê với nghề và luôn mong muốn khám phá về các vấn đề của con người và cuộc sống. Những hoàn cảnh khó khăn, những vấn đề phức tạp sẽ làm cho bạn suy nghĩ nhiều. Bạn cần tìm người giỏi hơn, có nhiều kinh nghiệm hơn để trao đổi chuyên môn và học hỏi thêm.Sau khi ra trường, trong quá trình làm việc, bạn sẽ khám phá ra những mặt yếu của mình và vấn đề chính yếu là biết nhận ra để tự điều chỉnh.Như vậy bạn sẽ là một nhân viên xã hội giỏi.

3. Đầu ra

Nhiều sinh viên đang học luôn ưu tư về đầu ra của ngành, ra trường mình sẽ làm việc ở đâu và làm gì? Theo tôi, trong lúc đang học và khi thực tập, bạn rà soát xem bạn thích làm việc trong lãnh vực nào, thích làm việc với loại thân chủ nào, với trẻ em mồ côi? Trẻ em đường phố? Trẻ em khuyết tật? Người cai nghiện ma túy? Người nhiễm HIV/AiDS? Hay làm việc với người nghèo tại cộng đồng? Hay là bạn muốn dạy học? (trong lãnh vực đào tạo, bạn cần có năng khiếu trong giảng dạy, tức khả năng truyền đạt, nhưng bạn cần học lên cao nữa, it nhất là thạc sỹ). Hay là bạn muốn làm công tác nghiên cứu ở một tổ chức chuyên nghiên cứu về các vấn đề xã hội? Nếu bạn thích làm việc với người nghèo tại cộng đồng, bạn phải là người năng động,sáng tạo, biết hợp tác và tin tưởng nơi người khác, thích đi đó đi đây thì nên chọn dự án phát triển cộng đồng (hiện phần lớn do các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tài trợ, bạn cũng cần có trình độ Anh văn từ C trở lên) hoặc bạn cũng có thể làm việc với các đoàn thể như Hội Phụ nữ (hiện Hội Phụ nữ có nhiều dự án về giới), Đoàn Thanh niên…?Phạm vi hoạt động của Đoàn Thanh niên rất rộng và rất cần đến chuyên môn của bạn trong việc huy động thanh niên, lập nhóm đồng đẳng, nhóm hành động vì mục tiêu xã hội...Thông thường, bạn nên chọn đối tượng thân chủ làm việc trước rồi mới có thể chọn tổ chức, cơ quan có đối tượng thân chủ đó. Nếu muốn làm việc trong một tổ chức nhà nước thì bạn có thể làm việc ở các cơ sở xã hội thuộc hệ thống quản lý của Bộ và Sở Lao động TB&XH hoặc ở các trường, trung tâm cai nghiện ma túy của Thanh niên Xung phong... Nếu bạn có thêm kỹ năng tham vấn thì có thể tham gia các Trung tâm tư vấn tâm lý. Bạn cũng có thể làm việc trong các dự án phát triển đô thị hoặc tại các trung tâm chuyên về đào tạo kỹ năng.

Hiện nay đầu ra đang gặp khó khăn vì ngành nghề chưa được công nhận chính thức. Một khi nghề CTXH được công nhận chính thức thì sẽ hình thành một hành lang pháp lý quy định và ràng buộc tính chất chuyên môn ở các cơ sở, tổ chức xã hội và bậc lương và mạng lưới tài nguyên chính quy đẻ hỗ trợ những thân chủ bị thiệt thòi.Lúc ấy đầu ra sẽ rộng hơn và sinh viên dễ tìm việc làm hơn với mức lương tương xứng hơn. Khi đó bạn có thể làm việc tại các bệnh viện (CTXH với bệnh nhân, bạn sẽ giúp bệnh nhân nghèo, không có người thân thăm viếng, hỗ trợ tâm lý đối với bệnh nhân bị bệnh nan y), tại các xí nghiệp có đông công nhân (CTXH xí nghiệp, bạn giúp cải thiện mối quan hệ lao động cho công nhân) hoặc tại các trường học ( CTXH học đường, bạn giúp học sinh và gia đình giải quyết những vấn đề ảnh hưởng tiêu cực đến học tập). Trong những năm đầu sau khi ra trường, bạn đừng quan tâm nhiều lắm về lương bao nhiêu, vấn đề là làm sao để tích lũy kinh nghiệm và chứng tỏ khả năng của mình, sau đó nếu mình đã cứng cáp và vững vàng cả chuyên môn và tinh thần rồi thì mình có thể đòi hỏi mức lương tương xứng hơn với khả năng và kinh nghiệm đã tích lũy được.Nhu vậy, bạn có đủ khả năng để tự khẳng định mình vì con đường của ngành ctxh tại Việt Nam còn rất dài đó bạn.

ThS Nguyễn Ngọc Lâm

Không có nhận xét nào: