28 tháng 2, 2009

Các luật và chính sách xã hội liên quan đến An sinh xã hội VN


Trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội: Hiến pháp năm 1992 đã quy định công dân có các quyền và nghĩa vụ học tập; quyền và nghĩa vụ lao động; quyền được hưởng chế độ bảo vệ sức khỏe; quyền về nhà ở; quyền sở hữu, tự do kinh doanh,... Các quyền và nghĩa vụ này đều đã được Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cụ thể hóa trong các luật và pháp lệnh. Như: Luật Giáo dục năm 1998, được sửa đổi, bổ sung năm 2005; Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 1991, được sửa đổi, bổ sung vào năm 2004; Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân (năm 1989); Bộ luật Lao động năm 1994, được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2002, 2006 và 2007; Luật Dạy nghề (năm 2006); Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (năm 2006); Luật Phòng, chống nhiễm vi-rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch ở người (HIV/AIDS) (năm 2006); Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm (năm 2007); Luật Bình đẳng giới (năm 2006); Luật Nhà ở (năm 2005); Luật Xây dựng (năm 2003); Pháp lệnh về người tàn tật (năm 1998); Pháp lệnh người cao tuổi (năm 2000),...
Về các quyền liên quan đến phụ nữ và trẻ em: Ðây là lĩnh vực xã hội rất quan tâm, đã được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật, góp phần quan trọng vào những thành tựu về bảo đảm và thúc đẩy các quyền của phụ nữ và trẻ em. Các quy định cụ thể trong Luật Bình đẳng giới cùng với các quyền được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe bà mẹ, trẻ em; các chính sách về bảo hộ lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chế độ thai sản, chế độ đối với lao động nữ(3),... đã tạo điều kiện để phụ nữ từng bước thực hiện tốt vai trò người công dân, người lao động, người mẹ, người thầy đầu tiên của con người; đồng thời, cũng góp phần phòng, chống các tệ nạn xã hội, các hành vi bạo lực, xâm hại và xúc phạm nhân phẩm phụ nữ, trẻ em.

Các quyền cơ bản của trẻ em như: quyền được sống, được bảo vệ thân thể, nhân phẩm; quyền được chăm sóc sức khỏe; quyền được học tập, được phát triển; quyền được vui chơi, giải trí; quyền được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng... đều được cụ thể hóa trong các quy định của pháp luật(4). Quốc hội đã phê chuẩn việc Việt Nam tham gia Công ước Quốc tế về bảo vệ trẻ em; thông qua Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 1998, được sửa đổi, bổ sung một số điều vào năm 2004. Nội dung này cũng được quy định tại nhiều văn bản luật khác. Trong điều kiện kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, Ðảng và Nhà nước vẫn dành nhiều ưu đãi cho trẻ em bằng việc miễn phí khám, chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi, chính sách phổ cập giáo dục phổ thông cơ sở,... là một cố gắng lớn.

- Về các quyền nhân thân: Quốc hội đã quy định khá cụ thể trong nhiều văn bản pháp luật, bao gồm: quyền tự do đi lại, tự do cư trú(5); quyền tự do ngôn luận(6); quyền tự do tín ngưỡng(7); quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở; quyền được bảo đảm bí mật về thư tín, điện thoại, điện tín(8); quyền khiếu nại, tố cáo; quyền bất khả xâm phạm về thân thể...

Trong nhóm các quyền này, quyền bất khả xâm phạm về thân thể là quyền tự do cá nhân đặc biệt quan trọng, được Ðiều 71 của Hiến pháp năm 1992 quy định: "Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm. Không ai bị bắt, nếu không có quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện Kiểm sát nhân dân, trừ những trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt hoặc giam giữ người phải đúng pháp luật. Nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của công dân". Ðiều 72 của Hiến pháp còn quy định: "Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật".
Về vấn đề xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân: Quốc hội đã cụ thể hóa các quan điểm, tư tưởng của Ðảng về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân, nhất là tại các địa phương có nhiều khó khăn. Trong các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và năm năm đã nêu rõ các mục tiêu phấn đấu và kế hoạch chi ngân sách nhà nước, chỉ tiêu giảm nghèo, tạo việc làm...; hoặc trong các Nghị quyết về chương trình mục tiêu và dự án trọng điểm quốc gia đã khẳng định các chủ trương đầu tư lớn, các dự án lớn tại địa bàn có điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội khó khăn, như: dự án trồng mới 5 triệu ha rừng; dự án khí, điện, đạm Bà Rịa - Vũng Tàu; dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất; dự án đường Hồ Chí Minh; dự án Thủy điện Sơn La... Các nghị quyết này của Quốc hội đã phát huy hiệu lực, hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống của nhân dân.
Trích Bài "Quốc hội Việt Nam với việc bảo đảm và thực hiện quyền con người", Báo Nhân dân ra ngày 28/02/2009
GS, TS NGUYỄN PHÚ TRỌNG
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội
Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

7 tháng 2, 2009

Công tác xã hội cần phát triển như một nghề chuyên nghiệp


(VnMedia) - Đã đến lúc nước ta đẩy mạnh công tác xã hội như một nghề chuyên nghiệp, nếu không nguy cơ mất “cân đối” giữa phát triển kinh tế và xã hội sẽ diễn ra. Phát triển nghề CTXH sẽ hỗ trợ quá trình phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đảm bảo tăng trưởng kinh tế luôn đi đôi với phát triển xã hội và công bằng xã hội.

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Trọng Đàm, Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội. Theo ông Đàm, công tác xã hội có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, bảo vệ quyền con người, nhân phẩm, giá trị con người, công bằng và bình đẳng xã hội. Thúc đẩy một xã hội hài hoà vì hạnh phúc của tất cả các cá nhân trong xã hội.

Mục đích chung của công tác xã hội là hỗ trợ cho an sinh xã hội bằng cách giúp đỡ những người không thể tự đạt được an sinh như người tâm thần sa sút, lang thang kiếm sống, tàn tật, già cả cô đơn, nhiễm HIV/AIDS vi phạm luật pháp, phạm tội, mại dâm, nghiện ma tuý, nghiện rượu, cờ bạc; các gia đình ly hôn, ly thân, mâu thuẫn trong gia đình, bạo lực, lạm dụng, sao nhãng chăm sóc trẻ em, hoàn cảnh gia đình éo le không bình thường và cộng đồng yếu kém, nghèo, có đông đối tượng xã hội.

Công tác xã hội cũng quan tâm đến cả đối tượng có nguy cơ nảy sinh các vấn đề xã hội. Trong phạm vi rộng hơn, công tác xã hội còn chú trọng đến môi trường xã hội trong đó bao gồm cả việc tác động đến cơ chế chính sách có ảnh hưởng đến con người và cộng đồng.

Công tác xã hội chưa cao, thiếu tính bền vững

Hiện nay, cả nước có trên 30 trường đại học đào tạo cử nhân công tác xã hội, đang đào tạo khoảng 2000 sinh viên hệ cử nhân công tác xã hội. Tuy nhiên công tác đào tạo nghề xã hội còn nhiều bất cập như: chưa có chương trình đào tạo chuẩn, chưa có chức danh tiêu chuẩn nghề,...

Theo báo cáo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, tính đến năm 2007, Việt Nam có khoảng 7,5 triệu người cao tuổi, trong đó có khoảng 200 nghìn người già cô đơn, 5, 3 triệu người tàn tật trong đó có khoảng 300 nghìn người tàn tật nặng không có khả năng tự phục vụ và khả năng lao động; trên 1,4 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và khoảng 2,7 triệu hộ nghèo.

Trong số các đối tượng xã hội nêu trên có khoảng 1,3 triệu người thuộc diện khó khăn cần trợ cấp xã hội, bằng khoảng 1,52% dân số; 3006 xã tỷ lệ nghèo trên 25% và 61 huyện tỷ lệ nghèo trên 50% và hàng nghìn xã có vấn đề xã hội (tệ nạn xã hội, môi trường sống ô nhiễm, nghèo khổ...); hàng triệu cá nhân, gia đình, nhóm xã hội nảy sinh các vấn đề xã hội (ly thân, ly hôn, bạo lực trong gia đình, thiếu quan tâm đến con cái, căng thẳng vì nghèo khổ, xâm hại tình dục, bỏ nhà đi lang thang, tệ nạn cờ bạc, nghiện hút, trộm cắp, tội phạm, HIV/AIDS bị cộng đồng xa lánh...).

Nhưng tất cả các đối tượng nêu trên chỉ nhận được sự trợ giúp của đội ngũ nhân viên công tác xã hội “nghiệp dư” (khoảng 20 nghìn người). Đây là những người làm việc theo kinh nghiệm, chưa được đào tạo kỹ năng khoa học cần thiết về công tác xã hội. Do vậy, hiệu quả giải quyết các vấn đề xã hội, vấn đề của cá nhân, gia đình, nhóm xã hội và cộng đồng dân cư không cao, thiếu tính bền vững.

Phát triển công tác xã hội thành một nghề có mã nghề

Công tác xã hội ở Việt Nam đang trong quá trình hình thành, phát triển. Nếu so sánh tính chuyên nghiệp của công tác xã hội của nước ta với các nước phát triển và ngay cả những nước trong khu vực, chúng ta còn một khoảng cách khá lớn về nhận thức, về mặt thể chế chính sách, về tài chính, về mạng lưới tổ chức cung cấp dịch vụ và mạng lưới nhân viên công tác xã hội và việc đào tạo nhân viên công tác xã hội.

Chính vì vậy để phát triển nghề công tác xã hội ở nước ta và đưa khoa học công tác xã hội vào giải quyết và ngăn ngừa các vấn đề của cá nhân, gia đình, nhóm xã hội, cộng đồng dân cư và của xã hội, chúng ta cần nhìn nhận đúng thực trạng của công tác xã hội ở nước ta hiện nay và đưa ra định hướng phát triển nghề này. Cần phải có lộ trình cho việc phát triển công tác xã hội, phải có mục tiêu trước mắt, mục tiêu lâu dài và các giải pháp thực hiện mục tiêu phù hợp với những điều kiện của Việt Nam.

Ông Nguyễn Trọng Đàm cho biết, trước mắt chúng ta cần nghiên cứu, xây dựng đề án phát triển công tác xã hội ở Việt Nam từ nay đến năm 2015. Theo đó, phát triển công tác xã hội thành một nghề nghiệp có mã nghề với các qui định chức danh tiêu chuẩn cụ thể, với thang bảng lương cho từng vị trí làm việc và phù hợp với trình độ đào tạo về công tác xã hội. Việc tuyển dụng, bố trí nhân viên có trình độ đào tạo nghiệp vụ công tác xã hội phải theo qui định và yêu cầu thực tiễn tay nghề của mỗi vị trí công việc.

Theo ông Đàm, việc đẩy mạnh tuyển dụng nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp trong nhiều lĩnh vực, trước mắt đặc biệt chú ý tới việc bố trí, sử dụng nhân viên trong ngành Lao đông Thương binh và Xã hội, sau đó là các lĩnh vực liên quan như giáo dục, y tế, tòa án,...

Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã Hội Lê Bạch Hồng: Ở nước ta hiện nay, công tác xã hội vẫn còn được coi là một nghề khá mới mẻ, nhận thức xã hội về công tác xã hội còn nhiều hạn chế, chưa coi nghề này là một nghề chuyên nghiệp cũng chưa có hệ thống mã nghề, thang, bảng lương…. Do vậy, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội có thể lắng nghe những ý kiến đóng góp của các bộ, ngành hữu quan cũng như của các chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học về lĩnh vực công tác xã hội để hoàn thiện Đề án phát triển nghề công tác xã hội. Thứ trưởng Lê Bạch Hồng cũng đề nghị đào tạo, nâng cấp đội ngũ cán bộ làm công tác xã hội hiện có, tạo sự liên kết, liên thông với các ngành, lĩnh vực khác cần có sự tham gia của công tác xã hội….

Bà Lê Hồng Loan, Trưởng Phòng Bảo vệ chăm sóc Trẻ em thuộc UNICEF: Nghề công tác xã hội ở Việt Nam là rất cần thiết do những biến đổi nhanh chóng về kinh tế xã hội và những tác động của quá trình đổi mới, dẫn đến những vấn đề và nhu cầu xã hội bắt nguồn từ những thay đổi trong mối quan hệ gia đình và cộng đồng, tác động của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và hiện đại hóa, sự chênh lệch và phát triển kinh tế không đồng đều giữa các vùng miền, di cư từ nông thôn ra đô thị. Thêm vào đó là sự gia tăng của số lượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, số lượng người già và người khuyết tật, vấn đề HIV/AIDS, tệ nạn xã hội ... Tất cả những vấn đề đó đòi hỏi cần phải có một đội ngũ cán bộ xã hội chuyên nghiệp để giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa con người và con người, góp phần tích cực vào sự phát triển phúc lợi của một xã hội hiện đại.

Bà Loan cũng khuyến nghị, trong thời gian trước mắt, việc đào tạo nguồn nhân lực công tác xã hội cần tập trung vào các lĩnh vực như bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, bảo trợ xã hội, người tàn tật và người cao tuổi, phòng chống tệ nạn xã hội và phát triển xã hội. Trong giai đoạn trung hạn, nhân viên xã hội cần được các bệnh viện và phòng khám tuyển dụng, có sự kết hợp cả các nhân viên xã hội chuyên trách và bán chuyên trách.

Ông Nguyễn Trọng Đàm, Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội: Hiện nay, Bộ đang phối hợp với UNECEF xúc tiến chương trình xây dựng đề án nghề công tác xã hội, làm thế nào để chúng ta có đội ngũ cán bộ, nhân viên rộng khắp ở các địa phương cơ sở, như vậy mới có thể tiếp cận được với các đối tượng để đưa ra các chính sách hoạt động phù hợp.

Theo UNICEF: Để đạt được tỷ lệ 1 cán sự xã hội chuyên nghiệp/10.000 người dân, Việt Nam sẽ cần đội ngũ khoảng 8500 người trong các cơ quan Nhà nước trong vòng 5 năm tới, còn trong 10 năm nữa cần tăng lên 15.000 người; số lượng cán bộ bán chuyên nghiệp trong 5 năm tới là khoảng 25,000; và sẽ tăng lên 50.000 người trong 10 năm; cùng với đó là khoảng 150.000 cộng tác viên cấp xã. Thách thức của Việt Nam hiện nay là trong một thời gian ngắn có thể đào tạo được một đội ngũ cán bộ như vậy để đáp ứng được yêu cầu hay không?
Nguồn: VnMedia.vn

1 tháng 2, 2009

CÁC LÝ THUYẾT VỀ NHÂN CÁCH VÀ HÌNH THÀNH NHÂN CÁCH


CÁC LÝ THUYẾT VỀ NHÂN CÁCH VÀ HÌNH THÀNH NHÂN CÁCH
Lý thuyết của Sigmund Freud:
Freud là một bác sĩ tâm lý trị liệu hơn một trăm năm về trước. Ông chữa trị cho những người bị tâm thần đặc biệt, và trong tiến trình trị liệu bệnh nhân ông đã phát triển học thuyết về sự phát triển và hình thành nhân cách. Điều làm mọi người ít hiểu về Freud là ông vừa trị liệu và vừa phát triển học thuyết, cho nên có sự thay đổi theo tiến trình trị liệu của ông. Vì vậy điểm chính để nói về học thuyết của Freud là cái mà ông phát triển ở giai đoạn cuối cùng.
Học thuyết đầu tiên của ông: Học thuyết Drive (nghĩa là sức mạnh nội tại bên trong thúc đẩy mình đó là cái bản năng). Cái ông quan tâm là cái không nằm ở ý thức bên trên mà nằm trong phạm vi tâm sinh lý của con người và thúc đẩy con người đó đi tới. Cuối cùng ông đã dẫn đến ba khái niệm:
- Khái niệm thứ nhất là giới thiệu cuộc sống vô thức. Đối với ông, trí tuệ không phải chỉ có ý thức mà gồm cả vô thức. Có khi vô thức đã thúc đẩy chúng ta hành động, thúc đẩy ta sống mà ta không ý thức được điều đó.
- Thứ hai là giới thiệu những giấc mơ khi chúng ta ngủ. Trong giấc mơ có những thông tin đặc biệt về cuộc sống hay khi ta nói điều gì đó hoặc không chủ định nói những điều đó ra (khi ta lỡ lời). Điều ta muốn nói ở đây là cái cuộc sống vô thức đã thúc đẩy ta nói lên điều đó. Không những nói có cuộc sống vô thức mà ông còn xác định cuộc sống vô thức của chúng ta là nền tảng to lớn bên dưới. Giống như hình kim tự tháp, ý thức là phần nhỏ nằm ở phía trên và vô thức là phần rộng nằm bên dưới.
Điểm thứ hai ông cho rằng mọi hành vi của con người không phải ngẫu nhiên mà có, nó luôn luôn có một điều kiện nào đó để đưa đến một hành vi của con người. Tất cả mọi hành động của con người đều có một chủ đích nào đó, không có hành vi nào là ngẫu nhiên cả.
- Điểm thứ ba là cơ cấu của ý thức của trí tuệ có ba phần: Khi con người mới sinh ra ý thức chỉ mới cấu tạo bởi bản năng mà thôi. Theo thời gian, đứa trẻ lớn lên có thêm một cái nữa trong nhân cách của nó gọi là siêu ngã. Theo học thuyết của Freud, nhân cách được hình thành theo thời gian. Khi mới sinh, con người chỉ có bản năng, nó đòi hỏi các yêu cầu phải được thoả mãn ngay tức khắc. Dần dần đứa trẻ hiểu rằng không phải nó muốn gì là được ngay cái đó mà phải có một khoảng thời gian đợi chờ. Như vậy bản năng bị va chạm, do đó một phần năng lực bản năng của đứa trẻ chuyển dần sang bản ngã (eco) và đứa nhỏ phải học cách chịu đựng, sự chờ đợi, sự bực bội.
Điều mà trẻ học được là kỹ năng ứng xử theo thời gian (biết cách chờ đợi cái mà nó muốn). Theo thời gian đứa trẻ còn phải học hỏi để phát triển cái siêu ngã (superego). Siêu ngã là cái ý thức được cái gì đúng, cái gì sai. Và siêu ngã hình thành ý thức, có được rồi thì con người ý thức được điều gì làm được và điều gì không được làm.
Freud cắt nghĩa rằng những bệnh nhân của ông bị bệnh tâm thần là do sự mất quân bình giữa ba thành tố chia cắt con người của họ, và ông ta cho rằng những bệnh nhân của ông có khó khăn để cho thành tố bản ngã và siêu ngã của họ đối xử kiểm tra với bản năng của họ, bản ngã gặp khó khăn trong cách đối xử với bản năng.
Freud cho rằng có nhiều lực sinh lý trong con người bản ngã thúc đẩy hành vi con người, nhưng Freud chỉ quan tâm đến hai điểm đó là lực gây hấn (Aggression) và dục tính (Libido). Cả hai lực thúc đẩy đó cũng như lực thúc đẩy khác đều nằm trong thành tố bản năng của con người. Và Freud cho rằng sở dĩ có sự xáo trộn về mặt tâm lý là vì bản năng tìm cách bộc lộ ra xuyên qua sự kiềm kẹp của bản ngã và siêu ngã.
Đối với những người không bị xáo trộn tâm lý thì họ có sự quân bình giữa ba thành tố trong nhân cách của họ. Freud quan tâm đến bản năng và cách mà bản năng tìm cách thể hiện ra.
Vào khoảng năm 1930 - 1950 thì hai người là Anna Freud và Heiz Hartmann phát triển học thuyết dựa vào học thuyết của Freud.
Heinz Hartmann thì không quan tâm đến bản năng mà quan tâm đến bản ngã. Bản ngã là phần của nhân cách mà đối đầu ứng xử với thực tế ở ngoài đời
Thí dụ:
Những cái ta viết ra, cái ta tính toán trong cuộc sống đều là việc làm của bản ngã.
Theo Heinz Hartmann thì có ba cách để người ta ứng xử với thực tế trong đời:
- Thứ nhất: bạn và tôi đều có sự lựa chọn. Để tăng sự thích nghi của con người trong đời sống, chúng ta có thể làm được cái mà ông gọi là alloplastic.
- Thứ hai, để giúp tôi thích nghi là thay đổi tôi để tôi thích nghi với hoàn cảnh.
- Một môi trường trung bình có thể chấp nhận được, có những môi trường giúp cho sự phát triển của con người được tốt đẹp - Đó là môi trường cho ta đủ những mong đợi để thoả mãn nhu cầu của ta nhưng mà môi trường đó cùng một lúc cũng có sự cản trở, kềm kẹp, bực bội vừa phải. Khi phần âm dương hoà hợp vừa phải với nhau thì con người sống trong môi trường đó có đủ sự hoà hợp, đủ vui sướng để tiếp tục tăng trưởng.
Từ những công trình nghiên cứu trên cho ta một khái niệm về bản ngã. Cái bản ngã không đặt trong đầu hay cơ thể của ta, nó nằm trong nhóm hành vi của con người.
- Hartmann nói rằng: Cái bản ngã tập hợp những hành vi có khả năng thích nghi.
- Anna Freud thì nói có một nhóm hành vi có tính tự vệ.
Như vậy cả Hartmann và Anna Freud đã xây dựng học thuyết của họ dựa trên học thuyết của Freud về bản năng nhưng họ lại nhìn những nhóm hành vi theo hướng khác nhau.
Hartmann và những người trong nhóm của ông quan tâm đến những hành vi giúp con người ta thích ứng. Anna Freud thì nhìn đến nhóm hành vi giúp cho con người tự bảo vệ họ trong môi trường. Cả hai người cùng xây dựng học thuyết của mình trong cùng một thời gian.
Thẩm định bản năng của con người:
Bản năng nầy làm gì để thích ứng và làm gì để bảo vệ. Trong mỗi độ tuổi, sẽ có những hành vi cần thiết, khác hơn của trẻ vị thành niên hay khác hơn hành vi của người lớn. Ở đây hành vi bản năng được hiểu theo một nghĩa rộng hơn một hệ thống như là văn hoá. Văn hoá của mỗi người ảnh hưởng đến những cái mà người đó được xã hội mong đợi trong hành vi của họ.

Chức năng thích ứng của Ego:
Đó là những hành vi của một người bình thường có thể có. Có một số rất quan trọng, đó là trắc nghiệm đối với thực tế, khả năng thực tế của họ, ta xem người đó hiểu thế giới thực tế ở mức độ nào. Và những ý nghĩa tổng quát của những thành tố thực tế đó.
Thí dụ:
Khi bạn trở về nhà thì bạn ý thức được rằng có những nguy cơ, đi xe hơi thì nguy hiểm hơn đi xe đạp và bạn biết có đèn xanh và đèn đỏ là những dấu hiệu để cho xe chạy hoặc dừng lại.
Một dấu hiệu của người có triệu chứng tâm thần là người có những ý nghĩ hoang tưởng, không nhận thức đúng về thực tế, người đó hay có ảo giác.
Thí dụ:
Họ tưởng tượng ra những con sâu đang bò trên người họ, họ tưởng tượng ra những sự việc không thể nào có thể xảy ra được.
Các khả năng thích ứng:
- Khả năng phán đoán.
- Khả năng chịu đựng sự căng thẳng.
- Khả năng hội nhập.
- Khả năng nhận thức trong đó có trí thông minh, trí nhớ, nhận thức, trừu tượng hoá.
- Khả năng thực hiện (thi hành), điều hoà những hành động để đạt được mục đích.
- Khả năng khôi hài.
- Khả năng cảm nhận mình với thế giới bên ngoài.
Bản năng là một cái gì mà ta không biết về nó, nó có thể đến trong giấc mơ của ta, nhưng mà giấc mơ thì không rõ và ta cũng không hiểu được những ý nghĩa còn bị che dấu.
Bản ngã là một phần có ý thức và một phần không có ý thức, thành ra tôi chỉ hiểu một vài phản ứng, một vài hành vi của tôi chứ không phải tôi đã hiểu tất cả.
Siêu bản ngã cũng là một phần ý thức, một phần không ý thức và cũng như tôi ý thức về một vài niềm tin của mình, mình biết thế nào là sai, thế nào là đúng, mỗi chúng ta đều biết một phần nào đó về giá trị, đạo đức của chúng ta và cũng có những vô thức trong bản ngã và siêu ngã. Các chức năng tự vệ thì luôn luôn là vô thức.
Các chức năng tự vệ:
- Chối bỏ (chối là vô thức, là một phản ứng tự vệ).
- Chuyển đổi vị trí của vấn đề “giận cá chém thớt”
- Thái độ hướng về nội tại chống lại hành vi
- Tự cô lập mình về mặt cảm xúc.
- Lo lắng về trạng thái của mình.
- Phản chiếu.
- Sự lý giải.
- Sự thoái hoá.
- Sự đè nén.
- Sự thăng hoa.
- Tháo gỡ những chuyện đã làm.
- Sự hình thành những phản ứng.

Học thuyết của Erikson:
Học thuyết nầy có từ năm 1950, Erikson nói rằng không thể nào hiểu được tâm lý của con người nếu không biết đến môi trường xã hội, ông nói nhiều về bộ tộc người da đỏ, và ông rất quan tâm đến văn hoá đó vì nó đã chuyển từ một khối người xuyên qua gia đình lên đứa nhỏ. Đây là sự đóng góp rất lớn của ông và với những người đi trước là Freud, con gái của Freud và Hartmann. Các học thuyết trước cho rằng sự hình thành nhân cách xảy ra phần lớn là trong giai đoạn nhỏ hơn, Erikson thì cho rằng nhân cách của con người tiếp tục hình thành từ khi mới lọt lòng cho đến khi chết. Ông cho rằng có 8 giai đoạn trong sự phát triển nhân cách của con người và mỗi một giai đoạn đưa đến cho con người một sự khủng hoảng. Sự khủng hoảng nầy không phải là sự khủng hoảng ở ngoài đời như ta thường thấy mà sự khủng hoảng ở đây có nghĩa là đời sống có những thử thách trong năm đầu tiên của cuộc sống. Khi hết giai đoạn khủng hoảng thì con người có được lòng tin ở chính mình và lòng tin ở mọi người xung quanh. Sau khi đã đối phó với những thách thức trong mỗi giai đoạn thì con người trở thành một người có một nhân cách lớn hơn trong tương lai. Nếu bạn có một môi trường tạm đủ, những điều mà bạn mong đợi và một chút điều bực bội cá nhân thì bạn sẽ có cơ hội trưởng thành hơn. Bạn sẽ cảm thấy thoải mái sau giai đoạn nầy. Không có hiệu quả, không có phản ứng tốt nếu bạn hoàn toàn không tin người khác, không tin vào chính bạn. Nhưng có được sự quân bình nếu như bạn tin bạn nhiều hơn là không tin mình cũng như tin tưởng người khác hơn là không tin tưởng họ.
Học thuyết của Erikson được phát triển từ năm 1950, sau đó cũng có những học thuyết khác nói về những giai đoạn phát triển trong đời sống, một điều mà người ta chỉ trích học thuyết của Erikson và những học thuyết khác là Trong đời sống của con người có những giai đoạn, dù rằng cũng đi từ giai đoạn nầy đến giai đoạn khác, nhưng mà con đường đó không rõ, không thẳng tuột từ đầu đến cuối mà có những bước ngoặc và cũng có lúc con đường tối vắng, những giai đoạn nầy không chú ý đến sự nghèo đói. Nó không nói đến những kinh nghiệm có thể gặp phải như là chuyện loạn luân và cũng không nói đến sức mạnh xảy ra trong cuộc sống...
Khi ta nói đến nhân cách con người thì phải nói đến môi trường sống ngoài phần tâm lý.

Học thuyết học tập từ xã hội (Social Learning Theory)
Ở Mỹ, vào khoảng năm 1960, những nhà tâm lý trị liệu dùng những tư liệu của những học giả đi trước và có những chương trình giúp cho những người bị bệnh tâm thần và tìm ra những đề án để chứng minh cho người ta thấy rằng những nhà tâm lý trị liệu nầy có thể trị liệu được và nhà tâm lý trị liệu dựa vào sự thay đổi hành vi của con người mới bắt đầu đề ra học thuyết học tập từ xã hội. Frankl là một trong những người đầu tiên đóng góp vào học thuyết nầy.
Những điểm căn bản chung mà tất cả nhà tâm lý trị liệu đề cập đến:
Có hai loại hành vi cốt lõi:
- Hành vi chủ động: là hành vi tự nguyện, tự phát.
- Hành vi đáp ứng: là những hành vi ngược lại sự tự nguyện của mình, hành vi mà mình không có sự lựa chọn nào cả.
Hành vi chủ động là hành vi thường được điều khiển bởi một chuỗi hành vi khác.
Ví dụ:
Tôi là một sinh viên nên tôi phải chăm chú ghi chép tốt những lời thầy giảng.
Hành vi đáp ứng là những hành vi được khởi phát bởi sự kích thích và sự đón trước kích thích đó. Hành vi đáp ứng thường con người không kiểm soát nó được.
Ví dụ:
Tôi đang thấy bạn ăn một trái gì đó tự nhiên cái bao tử tôi nó rọ rạy, tôi không kiểm soát nó được.
Học thuyết nầy nói rằng tất cả mọi hành vi chỉ nằm trong hai loại nầy mà thôi, đều là học được. Chính vì những hành vi nầy cho là học mới có được, cho nên phải học mới có được. Tất cả mọi hành động đều có thể biến chuyển được và cơ sở đó giúp thay đổi hành vi.
Những hành động có thể thể hiện được xuyên qua các chuỗi hành động đó.
1. Củng cố tích cực: Để củng cố hành vi tốt của bạn, chúng tôi tạo ra một hiện tượng khó chịu để khi nào bạn gặp sự khó chịu đó thì bạn có hành vi tốt.
2. Củng cố thứ hai là chấm dứt hiện tượng khó chịu thì mới chấm dứt được sự khó chịu.
3. Chủ động thứ ba là loại bỏ, trong trường hợp nầy, tôi muốn xoá bỏ một hành vi nào đó.
Thí dụ:
Tránh cho đứa trẻ hành vi làm trận làm thượng.
4. Tạo ra sự đáp ứng theo ý mình muốn: đáp ứng nầy tạo ra hành vi mới.
5. Trừng phạt: cách muốn loại bỏ một hành vi nào đó.
Tiến sĩ Robert Martin Chazin và Giảng viên Shela Berger Chazin, Đại học Fordham,Mỹ