29 tháng 10, 2008

SỰ PHÁT TRIỂN CỦA VẤN ĐỀ

Nếu gặp người muốn tự tử thì tôi phải làm sao?


Nếu gặp người muốn tự tử thì tôi phải làm sao? Có những đầu mối nào để phát hiện thân chủ muốn tự tử không?
Giống những dấu hiệu của đau khổ tình cảm và bịnh tâm thần, những dấu hiệu để phát hiện người muốn tự tử cũng không thể rõ ràng và đơn giản một trăm phần trăm được. Nói như thế cũng không ngụ ý chúng ta xem nhẹ những con người như thế, bởi lẻ thà lầm lẫn vì quá thận trọng còn hơn là lầm lẫn vì không làm điều đúng. Người ta thấy tự tử thường xảy ra trong những trường hợp sau đây:
1. Những người đe dọa tự tử. Ý kiến cho rằng "những người nói thì sẽ không làm" không đúng trong trường hợp này.
2. Những người thường xuyên nghĩ tới cái chết và chuẩn bị cho điều này (như là viết thư tuyệt mệnh hoặc di chúc)
3. Những người bày tỏ cảm nghĩ rằng cuộc đời họ trống rỗng, vô vọng, vô nghĩa, rằng chẳng ai cần tới họ nữa và có quan điểm rất tiêu cực về bản thân cũng như về cuộc đời này.
4. Những người quá chán nản tỏ ra vài hoặc nhiều hơn các dấu hiệu sau:cảm thấy nặng ở ngực hoặc trong trí, mất hứng thú trong cuộc sống, mất ngủ trầm trọng, thường xuyên mệt mỏi, không thèm ăn, mất hứng thú trong giao tiếp hoặc quan hệ với người khác, nén giận.
5. Những người bị mất mát lớn lao về người thân của mình (do chết, ly hôn, đi xa) và có vẻ không vượt qua được nỗi buồn của mình.
Điều thiết yếu là bạn cứ làm bất kỳ điều gì trong khả năng để giữa thân chủ khỏi hiểm nguy rồi sau đó thuyết phục họ tìm kiếm sự giúp đỡ. Trong khi chờ đợi, hãy nâng đỡ họ tối đa.
(Theo "Bàn tay giúp đỡ" của Anthony Yeo, NXB Trẻ, 2005)

Làm cách nào để nhận biết những dấu hiệu của đau khổ tình cảm?


Khía cạnh quan trọng này của việc giúp đỡ, tức là nhạy bén đối với những vấn đề sâu xa hơn, đôi khi không dễ dàng. Bạn cần phải biết rằng con người tỏ ra những dấu hiệu đau khổ tình cảm lúc này hoặc lúc khác đặc biệt trtong những cơn khủng hoảng. Điều đó không hẳn là họ sắp phát điên hoặc mất cân bằng về tình cảm. Vì vậy, khi tìm dấu hiệu, hãy nhớ rằng những dấu hiệu đó cần được thử nghiệm qua mối quan hệ đủ lâu với thân chủ để lưu ý sự tái diễn của dấu hiệu, bởi lẻ chúng không thường xuyên xuất hiện riêng lẻ hoặc trong phút chốc. Chúng thường diễn ra trong một khoảng thời gian. Sau đây là vài dấu hiệu quan trọng:
1. Thay đổi đột ngột trong hành vi hoặc không còn quan tâm tới những sinh hoạt bình thường.
2. Thiếu khả năng tập trung - một thời gian bị rối loạn, mất trí nhớ, rối loạn về nhận diện chính mình.
3. Nghĩ rằng người khác đang theo dõi mình hoặc tìm cách hại mình.
4. Than phiền về những thay đổi trong cơ thể hoặc những chức năng vốn không có.
5. Hoang tưởng tự đại.
6. Tự nói với mình, nghe tiếng nói tưởng tượng và
7. Lặp lại nhiều những động tác vô nghĩa.
Trước khi tỏ ra những dấu hiệu quan trọng này, thân chủ thường lo âu, bồn chồn, khổ sở, bất mãn với chính mình và cảm thấy cuộc đời vô nghĩa, không có mục đích.Điều quan trọng là phải tránh đóng vai bác sỹ chuyên khoa trị bịnh cho thân chủ. Hãy giới thiệu thân chủ cho nhà chuyên môn.
(Theo "Bàn tay giúp đỡ" của Anthony Yeo NXB Trẻ,2005)

27 tháng 10, 2008

Ba gương mặt trong ngành công tác xã hội


Hiện nay trong ngành công tác xã hội chuyên nghiệp có ba gương mặt nổi bật, xin được nêu như sau:
Gương mặt 1: Đó là những nhân viên xã hội đang làm việc tại các trung tâm nuôi dưỡng những người trong hoàn cảnh dặc biệt khó khăn, tại các trại phong,tại các dự án phát triển ở những vùng nghèo đói, ở các vùng sâu và xa, họ làm việc một cách âm thầm, vì lợi ích của các thân chủ của mình, lương của họ còn thấp hoặc là tình nguyện viên, xã hội chưa biết đến họ, họ làm việc vì mục tiêu cao cả, vì con người.

Gương mặt 2: Đó là người có uy tín, có trình độ chuyên môn cao và rộng, thường xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, có những bài viết về các vấn đề xã hội nóng bỏng, cảnh báo cho mọi người. Họ có vai trò phản biện, góp ý về mặt chuyên môn để những người làm chính sách quan tâm hơn trong hoạch định, họ có ý nguyện làm sao xã hội được phát triển tốt hơn và bền vững hơn.

Gương mặt 3: Hiện cũng có loại người này. Họ là người mới có kiến thức chuyên môn, còn trẻ, nhưng với nhiều tham vọng. Họ cũng xuất hiện thường xuyên trên các phương tiện truyền thông, họ chạy dự án và với tiền lương cao ngất trời.Họ tự PR về hoạt động của họ, thậm chí PR cả bản thân cá nhân mình và còn lợi dụng cả một số người có uy tín để hỗ trợ cho mình nữa.Không biết các đối tượng trong dự án của họ được hưởng lợi ích gì không mà chúng ta chỉ thấy cá nhân người đó luôn được ca ngợi, được coi như người mẫu mực trong cuộc sống.Vậy là họ làm việc cho ai? Hay là vì lợi ích của chính bản thân của họ?

Vậy theo bạn, ai trong các gương mặt nêu trên đáng được tôn vinh trong ngành công tác xã hội chuyên nghiệp của chúng ta?
Nguyễn Ngọc Lâm

21 tháng 10, 2008

Vườn Rau Xanh Đến từ Lớp Học Xoá Mù Chữ



Một màu xanh phủ đều trên những mảnh vườn của tất cả 56 gia đình dân tộc Dao ở thôn Khe Cam, xã Ngòi A, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Mỗi gia đình đều trồng vài loại rau ở trước sân nhà.

Chị Lý Thị Sính, 37 tuổi, mẹ của ba đứa con, vui vẻ nói, “Gia đình tôi không chỉ có rau xanh cho bữa ăn hàng ngày mà còn có rau bán ngoài chợ. Chúng tôi trồng bắp cải, cải Đông dư, su hào và cải bẹ được hai tháng rồi. Đây là lần đầu tiên gia đình tôi trồng nhiều loại rau như vậy.”

“Trước đây, chúng tôi hay trồng rau trên nương nhưng rau còi cọc lắm vì chúng tôi không có kỹ thuật. Vì thế, gia đình tôi cũng như hầu hết người dân trong thôn chỉ thỉnh thoảng mới có rau trong bữa ăn hàng ngày.”

Kỹ thuật trồng rau mà chị Sính học được không phải là tại lớp khuyến nông mà tại lớp học Reflect. Phương pháp Reflect tái tạo phương pháp xoá mù chữ của Freire, một nhà giáo dục người Brazin, thông qua tăng cường sử dụng các kỹ thuật cộng đồng cho người dân tộc thiểu số.

Lớp học Reflect được Tầm nhìn Thế giới (TNTG) tổ chức tại thôn Khe Cam từ tháng 9/2007 nhằm giúp người dân học đọc, học viết và tiếp cận với các kiến thức và kỹ năng cần thiết cho cuộc sống của họ.

Chị Sính kể lại, “Khi còn nhỏ, tôi không được tới trường. Cha mẹ tôi sinh chín người con nên không đủ tiền cho tất cả con cái đi học. Tôi rất ngại khi mới tham gia lớp học vì tôi cũng lớn tuổi rồi.”

Chị tới lớp Reflect ba buổi tối một tuần. Cả lớp có 27 thành viên đều là những người mù chữ trong thôn. Lớp học mở buổi tối vì người dân còn bận lên nương ban ngày.

“Trước đây, tôi không biết viết tên mình còn bây giờ tôi có thể viết họ tên mình đầy đủ. Khi nhìn vào bảng chữ cái, tôi đánh vần từng chữ. Tôi còn được học cách trồng rau xanh, trồng hoa và cây lâu năm.” Chị Sính nói tiếp, “Không những thế, TNTG phát hạt rau giống cho tôi và các học viên khác. Nhờ thế, tôi có vườn rau xanh tốt như bây giờ.”

TNTG triển khai Chương trình phát triển Vùng (CTPTV) Văn Yên từ năm 2004. Sau hai năm đầu nằm trong giai đoạn chuẩn bị, CTPTV Văn Yên bắt đầu thực hiện các hoạt động trợ giúp cộng đồng từ cuối năm 2006.

Cho tới nay, CTPTV Văn Yên đã xây dựng lớp học cho các trường tiểu học và trung học cơ sở, nâng cấp trường mẫu giáo, cấp phát đồ chơi, đồ dùng học tập và áo ấm cho học sinh, cung cấp thiết bị y tế cho các trạm y tễ xã và tổ chức các khoá tập huấn nông nghiệp cho người dân. Ngoài ra, CTPTV còn chú trọng tới các hoạt động giáo dục cho người dân thiểu số.

Chị Lê Thị Thu Trang, trợ lý giáo dục của CTPTV Văn Yên, cho biết, “Chúng tôi đã mở được ba lớp học Reflect tại hai xã dự án. Học viên không chỉ học chữ mà còn tiếp thu kiến thức cho cuộc sống tại các lớp học. Nội dung bài học được lồng ghép với các lĩnh vực nông nghiệp hay y tế, chẳng hạn như trồng rau, dinh dưỡng và phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ nhỏ.”

Anh Ngô Quyết Chiến, giảng viên của một lớp Reflect đồng thời là cộng tác viên thôn bản của TNTG, nhớ lại, “Những buổi học đầu tiên khá vất vả vì học viên đều không biết chữ. Khi thảo luận, tôi phải yêu cầu học viên vẽ ra giấy để thể hiện ý kiến của mình”.

“Trong mỗi buổi học, các học viên tham gia thảo luận và trình bày về một vấn đề mà họ quan tâm chẳng hạn như cách để có vốn làm ăn, nguyên nhân dẫn đến đói nghèo hay cách trồng rau sạch. Sau đó, tôi sẽ dạy họ từ then chốt của chủ đề đó, ví dụ như vay vốn hay nghèo đói. Dần dần, học viên học và viết được từng chữ cái và có thể viết được câu ngắn với bốn hoặc năm từ. Tôi cũng dạy họ làm toán thông qua cách thức này.”

Anh Chiến cho biết, “Tới nay, hầu hết học viên đều tự tin hơn sau những lần tham gia thảo luận theo nhóm các vấn đề trong đời sống thực tế và tự mình trình bày ý kiến trước toàn thể học viên trong lớp học.”

Sau vài tháng tham dự lớp Reflect, chị Sính có thể hiểu người mua hàng viết gì hoặc ghi con số gì với chị khi chị đi chợ hoặc mang rau của nhà ra chợ bán. Chị vui mừng nói, “Khi tới khám bệnh ở bệnh viện, tôi cũng không ngại nữa. Trước đây, tôi rất xấu hổ mỗi khi phải hỏi hướng dẫn vào phòng khám. Mỗi phòng khám có bảng tên của bác sĩ ở ngoài cửa nhưng tôi có biết chữ đâu mà đọc. Hỏi chỉ dẫn của người xung quanh thì họ nói đọc bảng tên là biết, còn nói mình không biết chữ thì ngượng. Bây giờ thì tôi đọc được các chữ đó dễ dàng rồi.”

Trưởng thôn Khe Cam, anh Lý Hữu Chu, cho biết những người không biết chữ trong thôn, trừ người già, đều tham gia lớp học này. “Bọn trẻ trong thôn cũng được lợi khi cha mẹ chúng được dạy cách phòng tránh tai nạn và thương tích cho trẻ nhỏ tại lớp học. Thông qua lớp học Reflect, người dân học cách để dao, kéo, ổ điện ở trên cao, ngoài tầm với của trẻ con. Ngoài ra, chúng tôi cũng dựng hàng rào dọc đường đồi hoặc suối để trẻ không bị ngã khi ra ngoài chơi.”

Anh Chu ghi nhận, “Kể từ khi tôi làm trưởng thôn năm 2005, mấy tháng nay, tôi đã chứng kiến sự thay đổi trong cuộc sống của người dân .”

Chị Sinh nói chị rất thích học tại lớp Reflect mặc dù có những bài học khó, đặc biệt là học toán. “Tuy nhiên, càng ngày bài học lại càng hấp dẫn và tôi học hỏi được nhiều từ các bài học đó.”

TNTG đặt mục tiêu 90% người dân trong độ tuổi 18-40 tại CTPTV Văn Yên biết chữ khi dự án kết thúc. Hiện tại, tỉ lệ người biết chữ tại huyện là 70% tuy nhiên tỉ lệ này thấp hơn nhiều tại những vùng dân tộc thiểu số.

Anh Chiến cho biết, “Bên cạnh biết đọc, biết viết, tôi hi vọng học viên sẽ am hiểu các kiến thức xã hội, năng động và bạo dạn hơn khi lớp học kết thúc. Sau đó, họ sẽ trở thành những người thực hiện việc phát triển cộng đồng trong thôn.”
Người viết: Nguyễn Kim Ngân
From Worldvision.org.vn

15 tháng 10, 2008

Nhận thức về nghèo đói


"Cùng với những thành tựu nổi bật, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và thừa nhận, công tác giảm nghèo cũng đang đứng trước hàng loạt những thách thức mà một trong những tồn tại là công tác thông tin, truyền thông giảm nghèo còn chưa được quan tâm đúng mức, chưa làm cho người dân và cộng đồng xã hội nhận thức được sâu sắc vấn đề nghèo đói, đặc biệt là chưa làm cho người nghèo cảm nhận được sự nghèo khó của chính họ là đáng phê phán cũng như tình trạng nghèo của họ là đáng xấu hổ trước cộng đồng. Do đó, chưa làm cho họ có động lực, ý chí, quyết tâm vươn lên thoát nghèo, thậm chí có nơi, có hộ gia đình còn mong muốn được đưa vào diện nghèo đói để được hưởng chế độ, chính sách, gây nên tư tưởng ỷ lại, thói quen trông chờ vào sự trợ giúp của Nhà nước."
(Phát biểu khai mạc buổi toạ đàm của Thứ trưởng Lê Bạch Hồng Bộ LĐTB&XH ngày 13/10/2008 nhân Ngày Thế giới xoá đói nghèo và Ngày Vì người nghèo Việt Nam 17/10)
Ý kiến:
Tại sao chúng ta không lập quỹ "Phát triển cộng đồng"dành cho các cộng đồng nghèo để có những dự án phát triển do những người được đào tạo chuyên môn về phát triển cộng đồng thực hiện. Những người này biết cách giáo dục nhận thức cho người nghèo và giúp người nghèo được tăng năng lực để tự vươn lên trong cuộc sống một cách bền vững mà nguồn vốn không bị mất đi. Trong khi hiện nay chúng ta có những buổi văn nghệ trên truyền hình quyên góp tiền hằng trăm tỷ đồng rồi số tiền khổng lồ đó đi đâu, chẳng ai biết, chúng ta chỉ biết cho và cho, tạo sự ỷ lại để rồi tình trạng nghèo của họ vẫn nghèo mãi thôi. Phải chi nguồn vốn huy động này được vào Quỹ phát triển cộng đồng và thông qua những dự án phát triển cho những vùng nghèo thì hay biết mấy.
Những tổ chức xã hội đang quyên góp tiền và cho tiền như vậy cần suy tính lại và những số tiền đó bỏ ra sẽ mang lợi ích cho người nghèo vô cùng và cho đất nước một cách hiệu quả nhiều hơn, cả cộng đồng được hưởng lợi.
Nhiều người được đào tạo về phương pháp phát triển cộng đồng này đang chờ đợi có cách làm như vậy để được thực hành chuyên môn và chung tay góp phần phát triển đất nước một cách có căn cơ hơn.Các bạn có đồng tình không?
Nguyễn Ngọc Lâm

10 tháng 10, 2008

SỔ TAY GIÁO DỤC VIÊN ĐỒNG ĐẲNG


SỔ TAY GIÁO DỤC VIÊN ĐỒNG ĐẲNG

Mô tả công việc Giáo dục viên đồng đẳng
Vai trò và trách nhiệm

Một giáo dục viên đồng đẳng cần:
•Cung cấp thông tin và hỗ trợ cho các đồng đẳng viên ở tình huống trực tiếp.
•Làm việc cùng với các giáo dục viên đồng đẳng khác để tiến hành những buổi giáo
dục nhóm quy mô nhỏ.
•Hướng dẫn các đồng đẳng viên những kỹ năng thực tế để bảo vệ bản thân họ về chăm
sóc sức khỏe sinh sản – ví dụ: sử dụng bao cao su; những kỹ năng về giao tiếp…
•Trợ giúp đồng đẳng viên tiếp cận với bao cao su và những phương tiện khác để bảo vệ sức khỏe sinh sản.
•Phân phát tài liệu có tính giáo dục như tờ rơi, cuốn sách nhỏ….
•Tham gia các buổi họp mặt thường xuyên với các giáo dục viên đồng đẳng khác để rút
kinh nghiệm và lên kế hoạch hoạt động.
•Cùng làm việc với những giáo dục viên đồng đẳng khác trong nhóm – hỗ trợ và khuyến khích làm việc theo nhóm.
•Phát triển các hoạt động có tính sáng tạo nhằm cung cấp thông tin và giáo dục – Thí dụ: đóng kịch; nhạc; thi đố; tranh luận.
•Tham gia các khóa tập huấn bồi dưỡng và giám sát để nâng cao những kỹ năng giáo dục đồng đẳng và lập kế hoạch giáo dục đồng đẳng.
•Ghi chép có hệ thống và rõ ràng những công việc của mình trong vai trò giáo dục viên đồng đẳng – thường xuyên điền vào các biểu mẫu theo yêu cầu của MSIVN.
•Giới thiệu và giúp đỡ đồng đẳng viên đến với các dịch vụ y tế, xã hội.
•Hướng dẫn, giới thiệu đồng đẳng viên đến Trung Tâm SKSS – KHHGĐ
•Tham khảo ý kiến của giám sát viên khi gặp bất cứ tình huống hay vấn đề khó khăn nào.
•Hỗ trợ Ban Điều Hành Dự Án trong việc đánh giá các hoạt động về giáo dục đồng đẳng.
•Báo cáo Ban quản lý nhà máy về các hoạt động giáo dục đồng đẳng khi được yêu cầu.

Để trở thành một giáo dục viên đồng đẳng tốt
Các bạn nên :
• Giữ bí mật tại mọi thời điểm – không để lộ tên của đồng đẳng viên cần được giúp đỡ
• Tôn trọng niềm tin và giá trị của những người khác – đừng áp đặt niềm tin của mình vào đồng đẳng viên khác.
• Có tinh thần đồng đội: hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau.
• Khi giao tiếp với đồng đẳng viên, cho họ biết những giới hạn trong vai trò của bạn
– bạn có thể cung cấp cho họ thông tin cơ bản nhưng bạn không có những kỹ năng
chuyên môn để giải quyết những vấn đề chuyên sâu hơn cần đến các kiến thức chuyên
môn ( y tế, tâm lý…).
• Làm việc trong giới hạn khả năng và kinh nghiệm của bạn.
• Không băn khoăn trong việc đưa ra giới hạn của bản thân với những đồng đẳng viên
và mạnh dạn từ chối những yêu cầu, đề nghị không hợp lý của họ.
• Liên lạc ngay với giám sát viên khi cần tham khảo ý kiến để giải quyết những câu hỏi & tình huống khó.
• Tham dự đầy đủ các khoá tập huấn để liên tục nâng cao kỹ năng của bạn.
• Tuân thủ triệt để các nguyên tắc và giới hạn của nhà máy dành cho hoạt động giáo dục đồng đẳng.
Các bạn không nên:
• Nhận quà biếu/ tặng hoặc tiền từ các đồng đẳng viên.
• Đưa các đồng đẳng viên cùng làm việc về nơi ở riêng.
• Đưa ra câu trả lời cho một câu hỏi mà bạn không chắc chắn- Nếu bạn không biết rõ
câu trả lời, hãy mạnh dạn nói thẳng và cố gắng tìm ra thông tin chính xác để trả lời.
• Để công việc của bạn với vai trò là một giáo dục viên đồng đẳng ảnh hưởng tới công việc của bạn trong nhà máy.

Tiếp cận và Giao tiếp với đồng đẳng viên
Những hướng dẫn cho giáo dục viên đồng đẳng

Dành đủ thời gian khi giao tiếp với một đồng đẳng viên. Đừng vội vàng, nóng nảy vì
mục tiêu quan trọng nhất là thiết lập được một mối quan hệ tốt đẹp với họ.
• Thể hiện sự quan tâm thật sự đến đồng đẳng viên.
• Thể hiện thái độ thân thiện và cách tiếp cận không phán xét.
• Luôn khẳng định với đồng đẳng viên rằng những điều bạn được nghe và nói với họ
là bí mật tuyệt đối.
• Chọn thời gian và địa điểm thoải mái để nói chuyện với đồng đẳng viên. Nếu đó là
một thời gian không phù hợp, nên sắp xếp một thời gian và địa điểm khác phù hợp
hơn để gặp gỡ.
• Nếu có thể, nên sắp xếp để nói chuyện với đồng đẳng viên tại một địa điểm riêng tư,
yên tĩnh.
• Sử dụng giao tiếp không lời và những kỹ năng lắng nghe để xác định câu hỏi và mối
quan tâm của đồng đẳng viên – hãy kiên nhẫn, không nài ép đồng đẳng viên chia sẻ
thông tin, tâm sự.
• Sử dụng kỹ năng giao tiếp để truyền tải thông tin rõ ràng về chủ đề được yêu cầu – đưa thông điệp ngắn gọn, rõ ràng và đơn giản.
• Tìm kiếm phản hồi – hỏi đồng đẳng viên xem họ có hiểu những gì bạn nói và họ có
thỏa mãn với câu trả lời của bạn chưa.
• Nếu bạn không thể trả lời những câu hỏi của đồng đẳng viên hoặc không thể cung cấp
thông tin chính xác ngay lập tức– nói với họ rằng bạn sẽ cố gắng tìm ra thông tin chính xác và sẽ trả lời sau.
• Khi có thể, cung cấp thông tin về nơi họ có thể đến nhờ giúp đỡ hay lấy lời khuyên (ví dụ: dịch vụ sức khoẻ hay xã hội).
• Cung cấp cho đồng đẳng viên bất cứ tài liệu nguồn có liên quan – ví dụ: tờ rơi, cuốn sách nhỏ.


Kỹ năng lắng nghe hiệu quả:
• Dành cho người nói toàn bộ sự quan tâm chú ý của bạn – sử dụng giao tiếp không lời
để chỉ ra rằng bạn đang lắng nghe – đối diện với người nói, nhìn thẳng vào mắt người
đối diện khi có thể, và có một thái độ cởi mở.
• Sử dụng ngôn ngữ cử chỉ và phản hồi không lời để cho thấy rằng bạn hiểu và chấp
nhận thông điệp của người nói – ví dụ: biểu hiện của khuôn mặt; giao tiếp bằng mắt;
điệu bộ, cử chỉ…
• Không cắt ngang khi người nói đang nói – để cho họ hoàn thành thông điệp của họ
trước khi mình nói.
• Đảm bảo rằng bạn hiểu những gì người nói đang nói – nếu không hiểu, hãy nói rõ :
"Tôi không hiểu"
• Kiểm tra sự hiểu biết của bạn về thông điệp của người nói bằng cách đặt câu hỏi và trình bày lại những gì bạn nghe được bằng ngôn từ của bạn.
• Cố gắng không phán xét người khác và những gì họ nói.
• Cố gắng đặt mình vào vị trí của người khác để thông cảm với họ.

Các bước lên kế hoạch một buổi giáo dục, truyền thông
1. Xác định đối tượng mục tiêu :
• Đặc điểm của họ là gì (tuổi, giới tính, trình độ học vấn, v.v.).
• Nhu cầu cần được giáo dục của họ là gì.
2. Xác định (những) chủ đề và những nội dung sẽ được đề cập đến.
3. Xác định các mục tiêu của buổi giáo dục: Những kiến thức, kỹ năng, thái độ nào bạn mong muốn người tham gia có thể đạt được sau buổi giáo dục.
4. Thiết kế các hoạt động giáo dục phù hợp để đạt được những mục tiêu này.
5. Quyết định thời gian của buổi giáo dục, xác định thời lượng cần thiết cho từng hoạt động.
6. Quyết định quy mô của nhóm, các nhóm nhỏ hơn cho phép trao đổi và tham gia nhiều
hơn, nhóm lớn hơn cho phép độ bao phủ rộng hơn. Đề xuất nhóm nhỏ có khoảng 15 - 30 người tham gia.
7. Xác định vai trò khác nhau của các đồng đẳng viên - những người sẽ tiến hành hoạt
động, v.v.
8. Xác định những nguồn lực cần thiết cho buổi giáo dục - ví dụ: giấy, bút, bao cao su, mô hình dương vật, tờ rơi, mẫu các dụng cụ tránh thai, biểu đồ, v.v.
9. Lập kế hoạch và tổ chức sắp xếp thực hành cho buổi giáo dục:
• Tổ chức tại đâu.
• Có cần ghế không.
• Thời gian cho phép là bao nhiêu.
• Có phục vụ đồ ăn uống nhẹ không v.v...
10. Phải thông báo ai để được chấp thuận tổ chức buổi giáo dục – ví dụ: Ban quản lý.
11. Buổi giáo dục được đưa ra công chúng không và có ảnh hưởng khích lệ đồng đẳng
viên như thế nào.
Hướng dẫn xử lý các vấn đề nhạy cảm và các câu hỏi khó:
• Nhận thức về giá trị của sự việc, sự vật và thái độ của riêng bạn đối với từng vấn đề.
• Áp dụng cách tiếp cận không phán xét: không áp đặt những giá trị của bạn về một vấn đề lên người khác.
• Đảm bảo tính riêng tư và bí mật.
• Lắng nghe và cung cấp hỗ trợ.
• Thừa nhận những giới hạn về mặt kiến thức, vai trò và khả năng của bạn.
• Tạo ra giới hạn: thông báo cho đồng đẳng viên biết về giới hạn, vai trò và khả năng hỗ trợ của bạn.
• Chủ động tìm kiếm lời khuyên và hỗ trợ từ các giám sát viên.
• Giới thiệu đồng đẳng viên đến các dịch vụ y tế hoặc xã hội phù hợp.
• Hỗ trợ đồng đẳng tiếp cận các dịch vụ này một cách vô tư và nhiệt tình.

Hướng dẫn đồng đẳng viên đến các dịch vụ y tế hoặc dịch vụ xã hội:• Xác định rõ vấn đề và nhu cầu của đồng đẳng viên.
• Thảo luận với đồng đẳng viên về các lợi ích khi họ tìm kiếm hỗ trợ từ các dịch vụ.
• Luôn luôn đảm bảo bí mật của đồng đẳng viên - Giải thích và khẳng định lại đối với đồng đẳng viên về sự bảo mật.
• Giải thích các bước giới thiệu đến dịch vụ y tế, xã hội.
• Sử dụng các mẫu giới thiệu khi cần.
• Hỗ trợ đồng đẳng viên trong việc hẹn gặp các cơ sở y tế, xã hội (nếu cần).
• Tiếp tục cùng đồng đẳng viên xem họ có cần hỗ trợ gì nữa không.

MARIE STOPES INTERNATIONAL TẠI VIỆT NAM
CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC ĐỒNG ĐẲNG
DÀNH CHO CÔNG NHÂN LÀM VIỆC TRONG CÁC NHÀ MÁY
CUNG ỨNG HÀNG CHO TẬP ĐOÀN adidas Resourcing Ltd.
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH VÀ TỈNH BÌNH DƯƠNG VIỆT NAM
Tháng 03 năm 2006

8 tháng 10, 2008

Tước quyền cha mẹ của những kẻ bạo hành: quá khó!

Tước quyền cha mẹ của những kẻ bạo hành: quá khó!

Đông đảo người dân theo dõi phiên tòa xét xử Hồ Thị Ba, người mẹ tạt nước sôi vào con, bắt con đi ăn xin
TT - Sự việc bé gái 3 tuổi Nguyễn Thị Hảo bị bà Nguyễn Thị Mỳ - người hiện thời được cho là mẹ bé Hảo - hành hạ dã man (Tuổi Trẻ ngày 25-9) đã khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Trước đó liên tục xảy ra các trường hợp cha mẹ bạo hành con cái. Sự phẫn nộ đã làm dấy lên câu hỏi có thể tước quyền làm cha mẹ của những kẻ đã bạo hành con cái mình không?

Câu trả lời là “có” mà “không”. “Có” là vì đã có nhiều điều luật quy định, còn “không” vì trên thực tế sau khi các bậc cha mẹ bạo hành bị xử lý, trẻ vẫn bị trả về gia đình, phải tiếp tục sống với người đã bạo hành mình.

Đánh con tàn nhẫn

Những vụ bạo hành của cha mẹ đối với con cái bị dư luận lên án trong thời gian qua

* Tháng 11-2007, bé Hồ Thị Bông (11 tuổi) bị mẹ là Hồ Thị Ba trói, đánh đập dã man, tạt nước sôi vào người vì cho rằng bé Bông ham chơi, không chịu đi ăn xin, mang về đủ 200.000 đồng/ngày. Hồ Thị Ba bị phạt 3 năm tù về tội “cố ý gây thương tích”.

* Cuối năm 2007, bé Phạm Huy Hoàng, 5 tuổi, ngụ tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh bị mẹ dùng bình thuốc xịt muỗi và nồi inox đánh vào đầu đến chấn thương sọ não do “tội” đánh nhau với mấy đứa trẻ hàng xóm. Bé Hoàng sau đó đã tử vong.

* Tháng 5-2008, bé Nguyễn Ngọc T., học sinh lớp 6 (Quảng Nam) bị cha bắt cởi truồng, bò vòng quanh sân nhà văn hóa thôn giữa trời nắng, chỉ được đội một cái nón trên đầu vì người cha cho rằng bé T. học dốt, lại hay bỏ học.

Dạy đứa con gái mới 6 tuổi đầu bằng cách dùng bàn chải cào vào mặt, đánh đập tới mức thâm tím cả người như trường hợp cha mẹ của bé Bùi Thị Hạ, ngụ xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP.HCM thì quả là kinh sợ. Trong suốt thời gian từ đầu năm học mới đến nay, cô giáo của bé Hạ thấy bé thường xuyên có những vết thâm tím trên người. Có hôm mông của bé sưng to, bầm tím đến nỗi không thể ngồi học. Quá bức xúc, nhà trường mời phụ huynh của bé Hạ thì cha mẹ bé thừa nhận đã đánh con.

Nhà trường phối hợp với chính quyền địa phương đã giải thích, vận động. Cha mẹ của Hạ làm cam kết không đánh đập bé và đảm bảo cho bé tới lớp. Thế nhưng, theo bà Phan Thị Phương Loan - phó chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Hóc Môn, sau buổi làm việc được mấy hôm, cha mẹ của Hạ không cho bé tới lớp nữa. Hỏi thì cha mẹ bé nói đã gửi bé về quê nhờ ông bà nuôi do đi học ở đây “phiền phức” quá!

Theo bà Loan, các cơ quan chức năng định ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cha mẹ bé Hạ, nhưng do thấy cả hai cam kết sẽ không đánh đập bé nữa nên thôi. Một phần cơ quan chức năng cũng ngại nếu xử phạt thì có thể phụ huynh này sẽ trút cơn giận lên đầu đứa trẻ.

Chưa có nơi tạm lánh cho trẻ bị bạo hành

Đoàn thể, chính quyền địa phương xã Đông Thạnh và huyện Hóc Môn có ý tìm một cơ sở nuôi dưỡng để gửi bé Hạ một thời gian, cách ly với cha mẹ nhưng chưa biết gửi vào đâu, quy trình thực hiện ra sao thì cha mẹ đã đưa bé đi mất.

Theo Luật phòng chống bạo hành gia đình (có hiệu lực từ 1-7-2008), UBND xã có quyền ra quyết định cấm người bạo hành tiếp xúc với nạn nhân trong vòng ba ngày nhưng phải có đơn đề nghị của nạn nhân, người giám hộ hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Luật cũng quy định nạn nhân bị bạo hành gia đình có thể được đưa vào cơ sở trợ giúp (nơi tạm lánh, chăm sóc, cấp cứu, khám chữa bệnh... cho nạn nhân). Tòa án có thể ra quyết định cấm người có hành vi bạo hành tiếp xúc với nạn nhân trong thời gian tối đa là bốn tháng.

Tuy nhiên, đây là những vấn đề mới được Luật phòng chống bạo lực gia đình quy định nhưng chưa thể thực hiện vì chưa có nghị định hướng dẫn. Có trường hợp chính quyền địa phương mời người có hành vi bạo hành lên làm việc, giáo dục hoặc thậm chí xử phạt hành chính nhưng rồi vẫn phải giao đứa trẻ bị bạo hành lại cho cha mẹ chăm sóc vì không biết giao cho ai. Việc các bé có tiếp tục bị bạo hành nữa hay không tùy tâm của những bậc cha mẹ này.

Khó tước quyền của cha mẹ?

Theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình, trường hợp cha mẹ có hành vi xâm phạm sức khỏe, danh dự của con, vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng... có thể bị tòa án tuyên không cho chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục con cái (chưa thành niên) từ 1-5 năm. Tòa án có thể tự ra quyết định hoặc theo sự đề nghị của viện kiểm sát, các cá nhân, tổ chức khác như hội liên hiệp phụ nữ, ủy ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em...

Tuy nhiên, kể từ khi Luật hôn nhân và gia đình có hiệu lực (ngày 1-1-2001) đến nay, đã có nhiều trường hợp cha mẹ bạo hành con trẻ, mức độ nhẹ thì bị xử lý hành chính, gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe, tính mạng của con thì bị xử lý hình sự nhưng chưa có ai bị tòa tuyên hạn chế quyền làm cha mẹ với con.

Luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên, người từng tham gia bảo vệ quyền lợi cho rất nhiều trẻ em trong các vụ bị bạo hành cho biết bà chưa thấy có trường hợp nào viện kiểm sát, hội liên hiệp phụ nữ, ủy ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em... yêu cầu tòa án hạn chế quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên. Ngoài ra cũng có thể do chưa có hướng dẫn cụ thể cơ quan, tổ chức xã hội nào có trách nhiệm nhận nuôi, dạy người chưa thành niên trong trường hợp cha, mẹ bị hạn chế quyền.

Vẫn theo luật sư Liên, tại các quốc gia phát triển có quy định rõ thế nào là hành vi bạo hành (kể cả về tinh thần) đối với trẻ em, cha mẹ có hành vi bạo hành đến mức độ nào thì bị áp dụng biện pháp hạn chế quyền đối với con chưa thành niên. Trường hợp phải giao trẻ cho người giám hộ nuôi dưỡng, người giám hộ phải có đủ điều kiện cần thiết bảo đảm cho việc chăm sóc, giáo dục trẻ em. Nếu không có người giám hộ, trẻ sẽ được đưa vào những cơ sở xã hội có đủ điều kiện nuôi dạy trẻ.

Nếu các cơ quan thực thi pháp luật triển khai đầy đủ, kịp thời những nội dung của luật thì có lẽ sẽ giảm đáng kể những trường hợp trẻ bị bạo hành thương tâm, gánh chịu hậu quả nặng nề không chỉ về thể chất mà cả tinh thần. Theo nghiên cứu của các chuyên gia tâm lý, việc bị bạo hành từ chính cha mẹ ruột có tác hại nghiêm trọng đến sự phát triển bình thường về tâm thần của trẻ về sau. Trẻ thường xuyên bị đối xử bằng bạo lực lại tiếp tục có xu hướng sử dụng bạo lực...

Luật phòng chống bạo lực gia đình quy định:

* Người phát hiện bạo lực gia đình phải kịp thời báo tin cho cơ quan công an nơi gần nhất hoặc UBND cấp xã, hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi xảy ra bạo lực để kịp thời xử lý hoặc kiến nghị, yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền xử lý có biện pháp ngăn chặn, kịp thời bảo vệ nạn nhân bị bạo hành gia đình.

* Mặt trận Tổ quốc VN và các tổ chức thành viên, Hội Liên hiệp phụ nữ VN có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục, khuyến khích, động viên hội viên và nhân dân chấp hành pháp luật về phòng chống bạo hành gia đình.

* Cơ quan công an, tòa án, viện kiểm sát trong phạm vi nhiệm vụ quyền hạn của mình chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân bạo hành gia đình, chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm.

CHI MAI
From Bao tuoi Tre 07/10/2008

1 tháng 10, 2008

Kinh nghiệm phát triển công tác xã hội và một số mô hình chăm sóc trẻ em tại úc


Kinh nghiệm phát triển công tác xã hội và một số mô hình chăm sóc trẻ em tại úc
Khác với nhiều nước trên thế giới, hoạt động chính của phúc lợi xã hội ở úc được thực hiện chủ yếu ở cấp bang và chính quyền địa phương. ở cấp bang và lãnh thổ, công tác gia đình và trẻ em bao gồm dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục và dịch vụ nhà ở đồng thời cung cấp dịch vụ cho người tàn tật, người già cần giúp đỡ. Tuy nhiên, chính quyền địa phương đóng vai trò chủ yếu trong cung cấp dịch vụ nhà ở, và có thể cung cấp một số dịch vụ cho người tàn tật và người già.

Chính quyền liên bang ở úc có 2 chức năng chính về phúc lợi xã hội. Thứ nhất là xây dựng chính sách toàn quốc và hỗ trợ ngân sách cho một số các hoạt động thông qua các bang và lãnh thổ. Ví dụ, một số dịch vụ giáo dục và y tế được chính quyền liên bang hỗ trợ kinh phí, mặc dù các dịch vụ này vẫn chủ yếu được các bang, hoặc các tổ chức phi chính phủ thực hiện. Ngoài ra, chính quyền liên bang cung cấp các dịch vụ trực tiếp thông qua cơ quan gọi là Centrelink, gồm hỗ trợ thu nhập và thanh toán bảo hiểm xã hội, và hỗ trợ thêm các hoạt động đào tạo việc làm và tái hoà nhập.
Về công tác xã hội: Cán bộ làm công tác xã hội được tuyển dụng theo từng cấp của chính quyền. Số lượng cán bộ xã hội lớn nhất là từ các cơ quan phúc lợi xã hội của bang và lãnh thổ, chủ yếu phục vụ cho công tác trẻ em, gia đình, dịch vụ y tế và nhà ở. ở cấp chính quyền địa phương, cán bộ xã hội cơ sở tham gia các hoạt động phát triển cộng đồng và dịch vụ cho người tàn tật và người già. Cơ quan chính quyền liên bang Centrelink cũng tuyển dụng cán bộ lao động xã hội để tư vấn cho người sử dụng dịch vụ – những người nghèo đang gặp khó khăn về việc làm và những người yêu cầu hỗ trợ cho các vấn đề này. Cán bộ làm công tác xã hội cấp liên bang chiếm thiểu số, và chỉ làm việc trong lĩnh vực xây dựng chính sách và nghiên cứu. Ngoài ra, công tác xã hội ở úc còn được các tổ chức phi chính phủ thực hiện với số lượng cán bộ khá đông và hoạt động gắn với cấp chính quyền cơ sở nhiều hơn.


Về bảo vệ trẻ em: ở úc, chính quyền bang và lãnh thổ chịu trách nhiệm về công tác bảo vệ trẻ em thông qua 8 hệ thống riêng biệt (ở 6 bang và 2 lãnh thổ). Giữa các hệ thống có sự khác nhau, ví dụ như hệ thống báo cáo bắt buộc, tổ chức thực hiện pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Vấn đề quản lý Nhà nước về bảo vệ trẻ em được giao cho Vụ dịch vụ con người hoặc các vụ khác tuỳ thuộc vào cơ cấu tổ chức chính quyền bang và lãnh thổ. Chính quyền liên bang úc đang xây dựng một Khung quốc gia về Bảo vệ trẻ em để đảm bảo sự đồng bộ thống nhất trong 8 hệ thống. Dự kiến khung quốc gia này sẽ hoàn thành vào cuối năm nay.
Để hiểu rõ hơn về, hệ thống công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở úc, có thể nghiên cứu rõ hơn về một số lĩnh vực hoạt động cụ thể ở một số bang và các cơ sở cung cấp, chăm sóc, cơ sở nghiên cứu sau:
Hệ thống Dịch vụ con người của Bang Victoria: Bang Victory có 5 triệu dân, trong đó 4 triệu sống ở Melbourne và 1 triệu sống ở vùng nông thôn. Bang Victoria có 160 nhóm dân tộc. Chính quyền liên bang chịu trách nhiệm về thuế thu nhập, quốc phòng, quy định kinh doanh, công tác đối ngoại, ngoại thương.
Vụ dịch vụ con người ở bang Victoria chịu trách nhiệm chính về công tác y tế, nhà ở, người tàn tật, bảo vệ trẻ em, sức khỏe tâm thần, thuốc men và đồ uống có cồn. Vụ này có một phòng quản lý về Trẻ em, Thanh niên và Gia đình với 2 nhiệm vụ chính là: dịch vụ trẻ em và gia đình; công bằng cho trẻ em.
Công tác bảo vệ trẻ em và dịch vụ gia đình ở Victoria đã tuyển dụng khoảng 30 ngàn nhân viên; trong đó 11 ngàn nhân viên bảo vệ trẻ em, 8 ngàn nhân viên làm việc trong các công tác hỗ trợ gia đình, 1 ngàn nhân viên làm việc trong khu chăm sóc và nuôi dưỡng. Ngân sách sử dụng là 300 triệu đôla/năm; trong đó 100 ngàn chi cho bảo vệ trẻ em; 60 triệu cho dịch vụ gia đình và số còn lại cho dịch vụ chăm sóc ngoài xã hội. Trong tổng số 300 triệu nói trên thì có tới 200 triệu được sử dụng thông qua các tổ chức NGOs. Hệ thống này bao gồm dịch vụ do chính phủ và phi chính phủ cung cấp. Khu vực công cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, khu vực phi chính phủ cung cấp dịch vụ gia đình và chăm sóc ngoài xã hội. Trung bình mỗi ngày có 5.500 trẻ em nhận được chăm sóc bên từ bên ngoài gia đình của mình. Mỗi bang có luật pháp riêng về bảo vệ trẻ em của mình song không được thấp kém hơn quy định chung của luật quốc gia.
Chi tiêu ngân sách của bang là khoảng 3 tỷ đô la, trong đó 1 tỷ là cho dịch vụ con người, 1 tỷ cho giáo dục và 1 tỷ cho các hoạt động khác bao gồm dịch vụ an ninh. Mỗi bang hoạt động tự chủ, và có thể có luật bảo vệ trẻ em riêng. ở cấp liên bang hiện đang xây dựng khung quốc gia để đảm bảo tính đồng nhất của các chính sách.
Cán bộ xã hội của bang được giao thực hiện 5 chức năng chính: Nhận báo cáo; Điều tra; Chuẩn bị tài liệu để gửi cho toà án; Có mặt tại toà án và Giám sát việc thực hiện của bản tuyên án. Ngoài ra còn có 5 cán bộ chuyên trách bắt buộc chịu trách nhiệm báo cáo về lạm dụng thân thể và tình dục đối với các đối tượng đặc thù là y tá, giáo viên, hiệu trưởng, bác sỹ, và công an.
Hiện, có 4 hình thức chăm sóc lựa chọn: chăm sóc họ hàng/gia đình nhiều thế hệ, nhận nuôi, chăm sóc tại nhà (một nhóm gia đình nhỏ khoảng 4 trẻ em) trong cộng đồng, chăm sóc lâu dài có sự giám sát của người bảo hộ pháp lý. Trẻ em được chăm sóc theo hình thức lựa chọn này cho đến khi đủ 18 tuổi.
Chương trình Barry Street: Đâu là chương trình dành cho trẻ em, thanh thiếu niên và gia đình – những người có nhu cầu và gặp nhiều khó khăn nhất. Họ phải chịu đựng cảnh khốn cùng và ảnh hưởng nguy hại do sống trong môi trường gia đình có bạo lực, bị bỏ mặc, lạm dụng thuốc kích thích, bệnh thần kinh, và đói nghèo nên không có tuổi thơ hạnh phúc.


Chương trình này có mục đích giúp trẻ em và thanh thiếu niên phục hồi lại từ những tổn thương do bạo lực và sự bỏ mặc, hỗ trợ các gia đình và những người chăm sóc xây dựng kế hoạch và chăm sóc trẻ em, thanh thiếu niên với các dịch vụ bao gồm: Chương trình cộng đồng: tập trung và những năm đầu, bao gồm tài chính và tăng cường năng lực cho cộng đồng nông thôn; Dịch vụ cho đối tượng tàn tật: các chương trình cho thanh thiếu niên bị thiểu năng trí tuệ và hành vi; Giáo dục: xây dựng trường học độc lập và một loạt các chương trình mở rộng về giáo dục cho trẻ em và thanh thiếu niên bị đuổi khỏi trường hoặc bỏ học; Dịch vụ gia đình: dịch vụ gia đình giúp bố mẹ quản lý con tốt hơn và hỗ trợ giải quyết các vấn đề nảy sinh giữa con cái và bố mẹ; cung cấp dịch vụ toàn diện cho các gia đình phải chịu cảnh bạo lực; Chăm sóc nuôi dưỡng cho trẻ em và thanh thiếu niên để khôi phục lại do tổn thương về bạo lực gia đình, lạm dụng trẻ em và bị bỏ mặc; Chăm sóc tại nhà: là liệu pháp cuối cùng cho đối tượng thanh thiếu niên phải chịu tổn thương thời thơ ấu và các em không thể được quản lý bởi các dịch vụ khác; Dịch vụ trị liệu để giúp đỡ trẻ em và thanh thiếu niên khôi phục lại do bị tổn thương trong gia đình bạo lực, lạm dụng trẻ em và bị bỏ mặc; Dịch vụ Thanh thiếu niên bao gồm tư vấn, cung cấp kỹ năng cuộc sống, tâm sự chia sẻ, các chương trình nhà ở và việc làm.
Quỹ trẻ thơ úc: Quỹ trẻ thơ úc là một tổ chức từ thiện độc lập hoạt động theo nhiều hình thức để ngăn ngừa lạm dụng trẻ em và giảm nguy hại gây ra cho trẻ em, gia đình và cộng đồng. Tổ chức này được thành lập cách đây 20 năm. Khi bắt đầu tổ chức chỉ có 2 nhân viên, hiện tại đã có 40 nhân viên. Các dịch vụ cung cấp bao gồm: Tư vấn: chuyên gia tư vấn dịch vụ cho trẻ em và thanh thiếu niên bị lạm dụng và gia đình của trẻ; Tuyên truyền cho trẻ em: tuyên truyền các dịch vụ bảo vệ và hỗ trợ cho trẻ em và thanh thiếu niên; Giáo dục: cung cấp giáo dục cộng đồng và chuyên nghiệp, các chương trình tư vấn và phỏng vấn. Các chương trình này nhằm cải thiện sự hưởng ứng cho trẻ em và thanh thiếu niên – những người đã trải qua hoặc có nguy cơ lạm dụng, bạo lực gia đình và bị bỏ mặc; Các chương trình phòng chống lạm dụng trẻ em: tổ chức thực hiện các chương trình phòng chống lạm dụng trẻ em ở cấp quốc gia để tìm kiếm giải pháp nhằm giảm phạm vi ảnh hưởng của lạm dụng trẻ em và nâng cao nhận thức về việc làm thế nào để ngăn chặn trước khi hiện tượng xảy ra; Cha mẹ hỗ trợ và thương yêu: tổ chức các cuộc họp giáo dục về kiến thức làm cha mẹ và cung cấp các nguồn tài liệu cho cha mẹ để nuôi nấng con hạnh phúc và tự tin; Nghiên cứu: cùng phối hợp với trường đại học Monash thành lập Trung tâm nghiên cứu về phòng chống lạm dụng trẻ em quốc gia. Quỹ này nhận 50% kinh phí từ chính phủ và 50% từ các chương trình hợp tác; Dịch vụ chăm sóc nuôi dưỡng trị liệu: Trung tâm tư vấn trực thuộc Quỹ cung cấp dịch vụ tư vấn và trị liệu cho trẻ em bị lạm dụng. Trung tâm có 8 tư vấn viên và mỗi năm cung cấp dịch vụ cho khoảng 400 em. Các sáng kiến tư vấn bao gồm: trị liệu gia đình, nhóm cùng chăm sóc, nhóm trị liệu nghệ thuật, trị liệu nhóm hỗ trợ động vật và dự án nghệ thuật./.
Ths. Nguyễn Văn Hồi ( tổng hợp từ đoàn công tác liên ngành)
From Molisa